Cà phê 'tươi mát' của người Việt ở Mỹ
Nhiều cửa hàng cà phê ở Little Saigon, nam California, Mỹ, vẫn phất lên trong thời khủng hoảng nhờ những nữ nhân viên xinh đẹp mặc đồ khêu gợi phục vụ khách.
Jen Tran phục vụ sinh tố dâu cho khách hàng ở Café Lu. Ảnh: USAToday.
Nhân viên tại những nhà hàng cà phê của người Việt thường mặc bikini, đồ lót khêu gợi hoặc váy ngắn bó sát người. "Cửa hàng chúng tôi giống như sự pha trộn giữa Starbucks và Hooters vậy", Tina Nguyen, 19 tuổi, nhân viên ở Café Lu, cho hay. Cô mặc một chiếc áo bó sát và váy bó cực ngắn.
Giống như những nhân viên khác trong cửa hàng, Tina đi một đôi giày có đế cao tới 15cm và gót nhựa trong suốt. Cô dừng lại một chút trò chuyện với khách hàng sau khi đưa tới bàn họ cà phê và trà giá chỉ 5 USD.
Khách hàng tới Café Lu đa phần là đàn ông người gốc Việt. Trên tường nhà hàng này có gắn 10 màn hình TV cỡ lớn, phát các kênh thể thao và tin tức. "Nơi đây giống như một quán bar bikini vậy", James La, 36 tuổi, vừa tốt nghiệp trường y, nói. "Cửa hàng này rất độc đáo. Tôi không nghĩ các nền văn hóa khác có những thứ thế này".
Natalie Nguyen, 36 tuổi, chủ sở hữu Café Lu, cho biết hình mẫu kinh doanh này đã phổ biến tại Little Saigon từ hai thập kỷ trước, tuy nhiên, gần đây nhiều cửa hàng tương tự mới bắt đầu bung ra. Cô cho biết có khoảng 50-60 nhà hàng tương tự mới mở ở khắp quận Cam, nơi nhiều người Việt sinh sống tại Mỹ. Giống như các đối thủ, Café Lu không phục vụ rượu hay đồ ăn.
Dan Nguyen, chủ nhà hàng Café Di Vang II, thì cho biết họ đem đến cho khách hàng một trải nghiệm thú vị với giả rẻ. Dù đã cho thêm đường và sữa, cà phê ở đây đặc tới mức không ai có thể uống tới hai cốc. Giá 5-10 USD cộng với tiền hoa hồng là vừa phải cho những vị khách tới đây nhâm nhi cà phê và ngắm các cô gái xinh đẹp.
Tại một góc, nhà sản xuất phim John Wilson và diễn viên Darko Ostojic đang trao đổi về việc làm phim ma cà rồng 3D. "Các cô này vừa rất xinh đẹp lại rất đáng yêu", Wilson trầm trồ.
Cách đó không xa, quang cảnh ở cửa hàng bán cà phê Starbucks khác hẳn. Ann Hsu cho biết cửa hàng của cô đang nằm trong danh sách có thể bị đóng cửa, tuy nhiên, cô không coi Café Lu là đối thủ cạnh tranh. "Họ phục vụ những khách hàng khác chúng tôi", Hsu, 29 tuổi, nói. "Các anh không tới đó để uống cà phê, mà là vì thứ khác".
Trong khi Starbucks vật lộn, nhân viên ở Café Lu vẫn nhận được tiền boa đáng kể. "Khách hàng tới đây rất hào phóng", Tina Nguyen nói. Có vị còn thưởng cho các cô 5 USD.
Các cô gái ăn mặc mát mẻ nhưng hiếm khi bị đụng chạm khiếm nhã. "Chúng tôi chỉ phục vụ cà phê", Tina nói. "Đây không phải nhà thổ. Khách hàng tới đây đều biết rõ giới hạn".
Tuy nhiên, các cô cũng nhận thấy rằng nhiều người coi nhà hàng kiểu này là chướng mắt. Nhiều cô thậm chí không dám nói với cha mẹ về công việc của họ. "Tôi rất sợ phải nói với bố mẹ", Natalie Tran, 21 tuổi, đã làm việc này 3 năm nay, cho hay. "Phần lớn cha mẹ người Việt đều rất nghiêm khắc".
Daniel Nguyen, một cha đạo, cho biết cộng đồng ở đây không phản đối hình thức kinh doanh này vì đó chỉ là một cách kiếm ra tiền. "Tôi chỉ thấy buồn cho họ vì họ phải làm điều đó", ông nói.
Mai Trang (theo USA Today)