-
Moderator
H - Hoang đàng và Hòa giải
Hoang đàng và Hòa giải
Lạy Chúa, hôm nay con quay về ăn năn thống hối cho những giây phút con không chấp nhận lỗi lầm của con...
Theo như Luca, tại một thành phố kia có một người cha có hai người con trai. Người con trai thứ một hôm đến đòi chia gia tài. Trước yêu cầu của người con, ông bố yên lặng chia hết phần tài sản thuộc về cậu cho người con. Hoang đàng lấy phần sản nghiệp của mình, rồi bỏ đi lang thang. Cuối cùng phần gia sản được chia cũng tan biến theo mây theo khói. Không may cho hoang đàng, vào đúng ngay lúc đó, thiên tai kéo tới thành phố. Thế là hoang đàng đói! Đói! Hoang đàng phải đi chăn heo. Đói! Hoang đàng muốn lấy thức ăn của heo ăn. Nhưng rất tiếc cũng chẳng ai cho. Cuối cùng hoang đàng quyết định quay về nhà (Luca 15:11-32).
I. Khái niệm Chấp Nhận
Câu chuyện Người Con Hoang Đàng là một câu chuyện nổi tiếng. Gần như ai cũng biết, nhưng có lẽ có một số người không để ý đến một số chi tiết liên quan đến khái niệm Chấp Nhận được trình bày trong câu chuyện. Theo như thánh sử Luca, trong tình trạng gần chết đói, người con thứ cất tiếng trách mắng chính mình,
— Biết bao nhiêu là người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, mà ở đây tôi lại đang chết đói (Luca 15:17).
Vào giây phút đó, người thanh niên không đổ lỗi cho bất cứ ai cho tình trạng cùng đường của mình, bởi cậu biết không ai ép buộc cậu phải cất bước ra đi. Khi trách mắng mình, người con hoang đàng chấp nhận mình là người gây ra lỗi lầm, đây cũng chính là giai đoạn thứ nhất của Mô Hình Chấp Nhận. (1)
Sau đó, người con thứ tiếp tục nói,
— Tôi sẽ quay về nhà cha tôi. Tôi sẽ nói với người, “Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:18-19).
Câu nói này người con thứ không nói với ai hết nhưng với chính cậu ta. Sau đó người con thứ mới đứng dậy lên đường quay về lại với cha mình. Khi gặp người cha, cậu nói với thân phụ của mình nguyên văn câu nói mà cậu đã từng nói với chính mình trước khi trở về lại căn nhà xưa (Luca 15:21).
Câu nói của người con thứ nói với chính mình trước khi lên đường quay về lại với người cha là một câu nói hòa giải, nhưng điểm đặc biệt nhất là người con hoang đàng không hòa giải với bất cứ một người nào khác vào giây phút đó, nhưng với chính cậu ta, giai đoạn thứ hai của Mô Hình Chấp Nhận. Và bởi người con thứ hòa giải được với mình, cậu bước sang giai đoạn thứ ba của Mô Hình Hòa Giải. Lần này cậu hòa giải với người cha mà cậu đã một thời xúc phạm.
Và khi người con mở miệng xin lỗi người cha, cậu ta chấp nhận đóng lại một trang sách cũ. Bởi trang sách cũ đã được đóng lại, một trang sách mới được mở ra, giai đoạn cuối cùng của Mô Hình Chấp Nhận.
II. Thiên Chúa Hòa Giài
Theo phong tục của người Do Thái, gia tài sẽ chỉ được chia ra cho những người con sau khi người cha đã qua đời. Cho nên khi mở miệng nói,
— Xin cha chia cho con phần gia sản của con.
Vào giây phút đó người con thứ đang rủa người cha,
— Tại sao ông không chết đi để tôi được chia gia tài?
Người con thứ hỗn tới cỡ như vậy mà ông bố trong Tân Ước vẫn không một lời than thở, hoặc nặng lời la mắng. Chưa hết sau khi người con thứ đã bỏ đi, tương tự như bên Việt Nam, ông bố biết rằng ông sẽ trở thành đề tài đàm tiếu của cả hàng xóm về thằng con bất hiếu. Ông bố cũng biết rằng sau khi đứa con đã biến dạng nơi chân trời, những lời ong tiếng ve sẽ ngập tràn nơi phố xá, hàng quán, chợ búa,
— Nhà này vô phúc! Có thằng con không ra gì!
Hoặc là,
— Quân du thủ du thực! Bố nó còn sống sờ sờ ra đó mà đòi chia gia tài! Cái này chắc là nghiệp báo chi đây.
Thế đó, ông già biết trước danh dự của ông sẽ bị hàng xóm láng giềng chà đạp thậm tệ nếu ông không ngăn cản người con. Không! Chúa không làm như vậy, nhưng Ngài im lặng chia gia tài cho cậu con quý tử. Sau đó chiều chiều Ngài ngồi nơi cửa sổ chờ đợi. Cặp mắt của người cha dõi nhìn về cõi xa xa, mong đợi bóng dáng của người con thứ quay về lại mái nhà xưa. Mỗi lần bụi bốc lên nơi chân trời, lòng người cha lại thấp thỏm, hồi hộp, chờ đợi.
Và rồi người con thứ cũng đã trở về, sau khi gia tài sự nghiệp tan theo mây khói. Khi thấy bóng dáng của người con từ xa, người cha chạy tới-chạy chớ không thủng thỉnh bước từng bước. Ông bố phóng tới, nhưng không phải để hất hủi xua đuổi,
— Mày có ngon thì đi luôn đi! Sao còn vác cái mặt về đây làm gì?
Không! Ông bố không làm như vậy. Ông ôm lấy người con, xỏ nhẫn vào tay cậu. Cuối cùng, ông sai gia nhân tổ chức đại dạ tiệc chào mừng ngày người con trở về.
Thiên Chúa là Chúa của Hòa Giải. Ngài yêu thương con cái của Ngài vô điều kiện. Bản chất của con người là bỏ đi hoang; nhưng tạ ơn Trời Cao, bởi bản chất của Thiên Chúa là từ bi, thứ tha, chờ đợi và hòa giải. Ngay cả trước khi con người có ý nghĩ làm một đường vòng chữ U, quay về lại với Thiên Chúa, Ngài đã đứng ở cửa nhà, chờ đợi giây phút chúng ta trở về xin được hòa giải với Ngài. Nhưng trước khi có can đảm quay về với Thiên Chúa, chúng ta cần phải có tâm tình của Con Người Mới. Con Người Mới chấp nhận những lỗi lầm của mình cho nên con người mới không đổ lỗi cho ai, nhưng tha thứ cho một khoảng thời gian mình đã sống với đêm đen với bóng tối. Tin rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của Hòa Giải, Con Người Mới quyết định đứng dậy bước ra bóng tối đêm đen của lỗi lầm, tiến vào cõi ánh sáng của hòa giải với Thiên Chúa.
III. Lời Kinh Hòa Giải
Và Con Người Mới nói,
— Cha ơi, nay con đã trở về. Con không còn đáng được gọi là con của Cha nữa, nhưng xin được làm tôi tớ trong nhà để đền bù lại cho những đêm đêm khi hoàng hôn buông rơi, con không có một lời kinh nguyện tạ ơn cho một ngày vừa trôi qua trong thanh bình, trong hạnh phúc; cho những sáng sớm khi bình minh rực rỡ chiếu xiên xiên qua khung cửa, Chúa không phải là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của con.
Lạy Chúa, hôm nay con quay về ăn năn thống hối cho những giây phút con không chấp nhận lỗi lầm của con; những lần con đổ lỗi cho người khác bởi những vấp té trên đường đời của riêng mình; những lần con nói dối quanh quẩn về một lần con sa ngã; những lần con nhắm mắt làm ngơ trước những người anh, người chị, người em cơ hàn đang cần tới bàn tay con xoa dịu, giúp đỡ. Lạy Chúa, xin tha cho những lần con ơ hờ không để ý tới những lời kêu gọi đóng góp cho nạn nhân của thiên tai bão lụt, động đất; cho những người con của Chúa đang chết đói lả người trên những nẻo đường nắng cháy của lục địa Phi Châu; cho những trẻ em mồ côi Á Châu, Nam Mỹ, Đông Âu; những trẻ em không thân nhân, không họ hàng, không nhà cửa, một đời lang thang tìm kiếm trên những đống rác hôi tanh một miếng bánh mì thiu thối, một trái cam đã bốc mùi, một miếng xương gà chỉ còn trơ trụi những sợi gân xơ xác đang bị ruồi đen bám đặc.
Lạy Chúa, hôm nay con quay về lại với con. Hôm nay con đang lần bước đi theo ánh sáng trời cao. Con đi trong tay Chúa. Chúa soi đường dẫn lối đưa con quay về lại căn nhà của ngày xưa, căn nhà của một thời con đã quay lưng bỏ đi hoang.
Lạy Chúa, con hòa giải với con bằng cách chấp nhận con người của con, con người đã được Chúa tạo dựng qua hình ảnh tuyệt đẹp của Ngài. Lạy Chúa, xin tha cho những lần gọi những người anh chị em có mầu da khác với con bằng những danh từ không đẹp, bởi vì con đã quên rằng vào ngày thứ Sáu trong tuần, trong hình ảnh toàn thiện mỹ của Chúa, Chúa đã dựng nên người nam và người nữ.
Lạy Chúa, xin đốt sáng lại trong con niềm tin vào tình yêu của Chúa, một tình yêu bao la, một tình yêu tuyệt đối. Chúa ơi! Xin thắp sáng lại trong con một ngọn nến hồng nhắc nhở con về Tình Yêu bao la và bất diệt của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con can đảm, một lần dứt khoát đứng lên để con đóng lại một trang sách cũ, trang sách của mất niềm tin vào Chúa, mất niềm hy vọng vào chính con, mất niềm hy vọng vào một ngày mai.
Lạy Chúa xin cầm tay con lên, lật qua một chương sách mới. Nơi trang đầu tiên của chương sách này, con đang nắn nót viết lên hàng chữ đầu tiên:
Ngày hôm nay tôi đã hòa giải với chính tôi. Ngày hôm nay tôi đã hòa giải với Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để con dừng lại với hàng chữ đầu tiên này, nhưng tiếp tục viết tiếp những dòng chữ mới trong chương sách mới. Lạy Chúa, chương sách mới của ngày hôm nay, con gọi là chương sách của Hy Vọng vào một ngày mai trong Đức Kitô Phục Sinh.
Chú thích
(1). Mô hình của khái niệm CHẤP NHẬN này gồm bốn giai đoạn khác nhau.
1. CHẤP NHẬN mình đã lầm lỗi,
2. CHẤP NHẬN tha thứ/hòa giải với chính mình,
3. CHẤP NHẬN Thiên Chúa đã tha thứ cho những lỗi lầm, và Ngài cũng đã hòa giải với mình,
4. CHẤP NHẬN đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới.
Để biết thêm chi tiết về mô hình Chấp Nhận, xin mời lắng nghe audio file: Con Người Mới Trong Mùa Chay: Chấp Nhận và Hy Vọng
www.nguyentrungtay.com.
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules