Làm Sao Để Được Lớn Lên Trong Đức Tin?
Đức tin (faith), một trong ba nhân đức đối thần, là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho những ai mà Người muốn mặc khải mình cho . Nghĩa là nếu Thiên Chúa không tự tỏ mình ra cho ai, thì không ai có thể tìm biết và tin có Người là Đấng Tạo Hóa, là Cha nhân lành đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu.
Chúa Giêsu đã ca ngợi Chúa Cha thay cho chúng ta, những người được đức tin như sau:
“Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, đó là điều đẹp lòng Cha.” (Lc 10:21)
Về phần mình, Chúa Giêsu cũng mặc khải Chúa Cha cho chúng ta như Người nói tiếp sau đây:
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai trừ người Con và kẻ người Con muốn mặc khải cho. (cf. Lc 10: 22; Mt 11:
Quả đúng như lời Chúa Giêsu nói trên đây, trong thế giới xưa và nay, có biết bao người thông thái, có khả năng giải thích sự cấu tạo và hình thành của trái đất. đã lên được mặt trăng và đang chuẩn bị thám hiểm Sao hỏa, Sao Kim…nhưng kiến thức khoa học của họ không giúp họ khám phá được Thiên Chúa để tin có Ngài là Đấng Tạo hóa toàn năng, thượng trí.
Chỉ có chúng ta, những kể bé mọn về kiến thức, tài năng và khôn ngoan, nhưng lại được diễm phúc hơn những bậc thông thái kia vì được nhận biết Thiên Chúa và tin có Ngài là Cha nhân lành đã thương mặc khải cho chúng ta được biết Ngài nhờ quà tặng đức tin vô giá.
Hạt giống đức tin này đã được gieo vào tâm hồn chúng ta khi chúng ta được rửa tội, để được tái sinh trong sự sống mới, trở nên tạo vật mới, sau khi con người cũ đã chết vì tội của Nguyên Tổ.
Nhưng hạt giống đức tin này không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết trái mà không có sự cộng tác tích cực của con người vào việc nuôi dưỡng để giúp cho hạt giống đó được triển nở phong phú trong đời sống thiêng liêng của mỗi người tín hữu chúng ta.
Thật vậy, kinh nguyện phổ biến cho thấy rằng các trẻ em được rửa tội khi còn bé, sẽ lớn lên trong đức tin hay sẽ mất đức tin ấy nếu không có sự nâng đỡ tích cực của cha mẹ và thân nhân sống gần các em..Nói rõ hơn, nếu cha mẹ hay người đỡ đầu không dạy dỗ cho con em biết về Chúa trước hết ở trong gia đình, và sau đó cho các em đi học giáo lý để lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể, thì các em sẽ không thể tự mình biết gì về Chúa và tình yêu của Chúa dành cho con người. Chính những kiến thức sơ khởi về niềm tin có Thiên Chúa nơi trẻ em và người tân tòng sẽ dần dần tăng trưởng để thành niềm tin vững chắc khi các em lớn lên và được tiếp tục bồi dưỡng thêm nhờ thực hành những việc đạo đức như cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, được nghe lời Chúa và nhất là được rước Minh Thánh Chúa Kitô để nhờ đó thêm yêu mến Chúa và vững chắc tin có Chúa là Cha nhân từ, luôn yêu thương và tha thứ cho con người.
Đối với người lớn (tân tòng), thì sự cộng tác cá nhân còn cần thết hơn nữa. Khi có ý định muốn gia nhập Đạo Công Giáo qua phép rửa tội, (trừ những người muốn vào Đạo vì mưu đồ riêng tư) người tân tòng đã cảm nghiệm phần nào lời mời gọi thầm kín của Chúa nên đã dấn thân tìm hiểu để đáp lại lời mời gọi thiêng liêng đó bằng cách sẵn lòng học hỏi giáo lý để được rửa tội, thêm sức và rước Thánh Thể lần đầu
Nhưng bước đầu của đời sống đức tin của họ phải được tiếp tục tiến bước xa hơn nữa để đi đến mức trưởng thành vững chắc với nỗ lực cá nhân và nâng đỡ của cộng đoàn đức tin, của những người đã hướng dẫn họ trong bước đầu.Nói rõ hơn, sau khi được rửa tội để gia nhập Giáo Hội, người tân tòng phải có quyết tâm sống đức tin trong Giáo Hội, là Mẹ có sứ mệnh hướng dẫn con cái bước đi theo Chúa Kitô và sống theo đường lối của Người hầu được ơn cứu độ để sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa trên Nước trời mai sau.
Trong hành trình đức tin này, người tín hữu Chúa Kitô- mới cũng như cũ- sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách, khó khăn và nhất là đau khổ từ thể xác đến tâm hồn khiến cho niềm tin vào Thiên Chúa nhiều lần bị chao đảo khi đối diện với những khó khăn và thử thách đó.Và chỉ khi thắng vượt được những thử thách đó để trung kiên với Chúa trong tin yêu thì đức tin mới thực sự lớn lên cùng với lòng yêu mến Chúa sâu đậm.
Thật vậy, lãnh nhận đức tin qua phép rửa tội có thể được tạm ví như lãnh được bằng lái xe để được phép lái xe. Tuy nhiên, nếu không tôn trọng mọi qui luật về lưu thông trên đường phố, về tốc độ giới hạn (speed limits) thì trước hết sẽ bị phạt vạ và giá bảo hiểm sẽ tăng theo. Nếu tiếp tục lái ẩu, bất tuân luật giao thông thì sẽ bị tạm treo bằng lái. Sau thời gian tạm treo, được lái trở lại. Nhưng nếu vẫn tiếp tục lái ẩu thì biện pháp cuối cùng sẽ là bị rút bằng lái vĩnh viễn khiến không còn được phép lái xe nữa. Ai sống ở Mỹ đều biết rõ điều này. .
Cũng tương tự như vậy, về một khía cạnh, người tân tòng –và ngay cả người đã theo Đạo từ bé, nếu sau khi gia nhập Đạo rồi mà không thật tâm thực hành những cam kết khi được rửa tội là mến Chúa trên hết mọi sự và cương quyết từ bỏ ma quỷ tức tội lỗi thì phép rửa sẽ trở nên hoàn toàn vô ích cùng với hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Nói rõ hơn, phép rửa không biến đổi tức khắc con người thành hoàn hảo ngay và nhất là giúp con người tránh được mọi tai ương như bệnh tật, nghèo đói và mọi thứ đau khổ bao lâu còn sống trên trần thế và trong thân xác có ngày phải chết này. Trái lại, phép rửa chỉ là bược đầu để tiến dần đến mức hoàn hào trong đức tin, đức cậy và đức mến. Trong tiến trình thiêng liêng đó, con người cần có ơn Chúa nâng đỡ và thiện chí cộng tác của cá nhân muốn được đổi mới, được trở nên hoàn hảo về mặt thiêng liêng.
Mặc dù ơn Chúa là cần thiết nhất, nhưng nếu không có sự cộng tác tích cực của mỗi cá nhân với ơn thánh để ngày một trở nên giống Chúa trong mọi chiều kích của Chân Thiện Mỹ thì Chúa không thể cứu ai được, vì con người còn có tự do để chọn lựa sống theo Chúa hay theo trần gian, đang ngày một lún xâu vào “văn hóa của sự chết”.
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa phải sống liên kết mật thiết với Người như cành nho gắn liền với thân cây để có đủ nhựa sống : “ ...vì Không có Thầy anh em chẳng làm gì được gì” ( Ga 15: 5)
Không có Thầy nghĩa là không có ơn Chúa giúp sức thì ta không thể lớn lên trong đức tin, không có ơn bền đỗ để chịu đựng những đau khồ, và thử thách, không có sức để chống lại mọi quyến rũ của tiền bạc, vật chất, hư danh trần thế, vui thú vô luân vô đạo và nhất là đứng vững trước những cám dỗ của ma quỉ, “ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét rao quanh tìm mồi cắc xé.. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian này đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1 Pr 5:8-)
Do đó, để lớn lên trong đức tin và nhất là bền vững trong niềm tin yêu Thiên Chúa để luôn luôn sống theo đường lối của Người, chúng ta cần thiết phải năng chạy đến cùng Chúa trong tâm tình tha thiết cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích hòa giải và Thánh Thể là những phương tiện hữu hiệu nhất để đem chúng ta lại gần Chúa và thêm yêu mến Chúa ngày một hơn để có thể nói được như Thánh Phaolô là “tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2 :20)
Nói khác đi, nếu không siêng năng chạy đến với Chúa và tha thiết xin Người ban ơn nâng đỡ qua các bí tích hòa giải và Thánh Thể, thì với bản tính mỏng dòn, yếu đuối của con người, chúng ta sẽ dễ chán nản trong đời sống thiêng liêng, dễ nghiêng chiều về đường tội lỗi. Từ đó, đức tin cũng sẽ bị suy yếu dần đến chỗ không còn tin tưởng gì vào Thiên Chúa vô hình nữa.
Kinh nghiệm phổ quát cũng cho thấy là khi người ta quyết tâm theo đuổi một mục tiêu nào, thí dụ một vận động viên thể thao muốn doạt danh hiệu vô địch về môn thể thao mình ham chuộng thì phải không ngừng tập luyện và tuân giữ mọi kỷ luật của môn thể thao đó.. Nếu không sẽ không thể giữ được phong độ và đạt được thành tich cao .
Cũng vậy, người tin hữu không siêng năng cầu nguyện, suy niệm lời Chúa trong Kinh Thánh và năng lãnh nhận những bí tích ban ơn thánh hóa và cứu độ như Hòa giải và Thánh Thể, cũng như không quyết tâm qui hướng đời mình về Chúa Kitô là tâm điểm thì đời sống thiêng liêng sẽ ngày một khô héo và đi dần đến chỗ nguội lạnh hẳn. Từ đó đức tin ban đầu cũng nhạt phai luôn theo thời gian. Đó là tất cả ý nghĩa của lời Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn Mười Nén Bạc như sau: “Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có thì ngay cả cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Lc 19 :26)
Có sẽ được cho thêm có nghĩa là nếu năng chạy đến với Chúa trong cầu nguyện, thì càng thêm yêu mến Chúa, dễ xa tránh tội lỗi và đức tin sẽ lớn mạnh hơn. Ngược lại, nếu không tha thiết cầu nguyện tức là nói chuyện thân mật với Chúa trong tình Cha con, cũng như không quyết tâm sống đức tin bằng hành động cụ thể như xa tránh tội lỗi, làm việc bác ái, thương người và đặc biệt siêng năng việc đạo đức như tham dự Thánh lễ để nghe lời Chúa và nhất là luôn rước Mình Thánh Chúa để được bổ sức thiêng liêng, thì tâm hồn và niềm tin của con người sẽ ví như cây non không được tưới nước thì sẽ chết dần chứ không thể lớn lên được.
Như vậy, ai có đức tin vào một Thiên Chúa cực tốt cực lành, là Cha toàn năng đầy lòng thương xót mà lại chạy theo những quyến rũ của trần thế để gian tham, trộm cắp, bóc lột, oán thù, dâm đãng, giết người v.v thì đức tin đó sẽ là đức tin chết và hoàn toàn vô ích cho hy vọng được cứu rỗi để hưởng vinh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời.
Tóm lại, có được đức tin chỉ là khởi đầu cho một tiến trinh tăng trưởng trong tin yêu một Thiên Chúa là Cha nhân từ, tin công nghiệp của Chúa Kitô và tin có sự sống đời đời.
Nhưng xin nói lại một lần nữa là Thiên Chúa Không ép buộc ai phải tin và yêu mến Người. Chúa chỉ mời gọi và tùy con người đáp trả. Ai có thiện chí muốn nghe tiếng Chúa để sống theo đường lối của Chúa, thì Người sẽ ban ơn nâng đỡ để giúp đi sâu vào thân tình Cha-con với Người và được sống hạnh phúc, bình an với Chúa ngay trong cuộc sống ở đời này trước khi được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người mai sau trên Nước Trời...
Ai không đáp lời mời gọi của Chúa để sống theo ý riêng của mình và theo thế gian thì có đức tin cũng như không và mang tên Kitô hữu cũng chỉ là hữu danh vô thực mà thôi.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn