Dạy trẻ giá trị sống
Chân thật, công bình, cảm thông, yêu thương và tự tin là các giá trị sống mà cha mẹ cần truyền cho con cái. Dù chưa biết nói, trẻ vẫn có thể tiếp thu những tinh hoa của giá trị sống chủ yếu. Nhờ 5 giá trị sống, trẻ có thể sống tốt khi trưởng thành.
1. CHÂN THẬT. Hãy giúp trẻ phản ánh sự thật. Trẻ rất “vô tư” khi thiếu chân thật. Chúng vẫn biết mình đã làm điều gì đó sai trái nhưng chưa biết “mẹo lừa dối”. Đó là cơ hội tốt để giáo dục trẻ. Nếu lúc này cho trẻ biết rằng chân thật tốt hơn giả dối, trẻ sẽ bớt khuynh hướng nói dối trong tương lai.
Đừng phản ứng mạnh khi trẻ nói dối, hãy khéo léo tìm cách giúp trẻ nói thật. Đó là khuyến khích trẻ chân thật. Chị Mai thấy đứa con trai 4 tuổi viết bậy lên tường phòng khách, chị liền hỏi con, và nó nói nó vẽ con ngựa. Chị cười: “Mẹ nghĩ vậy là không đúng. Sao con không hỏi ý mẹ?”. Nó hiểu ra và cùng mẹ lau sạch tường. Chị Mai khen con đã chân thật, nhưng nó phải chịu “kỷ luật” là tối không được xem phim hoạt hình để “đền tội”.
Trẻ tưởng tượng rất phong phú. Đó là lĩnh vực kỳ diệu trong tính cách trẻ chưa đi học. Cha mẹ cần phân biệt cho trẻ biết thế nào là “nói dối đùa” để trẻ không lẫn lộn.
2. CÔNG BÌNH. Hãy khuyến khích trẻ “chuộc lỗi”, đó là dạy trẻ biết lẽ công bình. Bé An 4 tuổi và bé Sơn 3 tuổi cùng chơi giả làm ngựa. Sơn đẩy chị mạnh làm chị đau. Người cha bắt em xin lỗi chị. Như vậy đủ chưa?
Để giúp trẻ hiểu đúng nghĩa của sự công bình, cha mẹ cần khuyến khích trẻ sửa lỗi. Người cha có thể đề nghị bé Sơn đi lấy dầu gió xoa cho bé An để tỏ động thái hối lỗi, đồng thời vẫn cần có lời xin lỗi. Nhờ vậy trẻ có thể nhận ra hậu quả của mình đã gây ra cho người khác. Đó là bước đầu tiên trẻ biết đến trách nhiệm, biết phải cư xử đúng đắn với người khác.
Nếu cha mẹ la rầy hoặc có quyết định bất công, có thể trẻ sẽ không khâm phục. Cách cư xử công bình của cha mẹ sẽ dạy trẻ nhiều hơn bất kỳ cách la rầy nào.
3. CẢM THÔNG. Hãy dạy trẻ nghĩ đến người khác. Trẻ dưới 5 tuổi rất ích kỷ. Chúng khó đặt mình vào vị trí của người khác, nhưng như vậy không có nghĩa là không thể dạy trẻ biết nhận biết giá trị của sự cân nhắc. Hãy tìm cơ hội để nói với trẻ về sự tử tế. Trẻ sẽ mau chóng tiếp thu các lời nói đẹp và các động thái tốt, rồi trẻ sẽ biết áp dụng. Có nhiều cách phản ứng để khuyến khích trẻ biết cân nhắc và quan tâm người khác.
Cha mẹ có thể nói chuyện về các cảm xúc và các động thái, rồi hỏi trẻ là đúng hay sai. Nếu trẻ nói “không đúng” thì hỏi trẻ tại sao cảm thấy vậy. Với các cách ứng xử khác nhau, trẻ sẽ quen dần và thấm nhuần, vì trẻ đang là trang giấy trắng, hãy “vẽ” lên đó những lời tốt và các hình đẹp.
4. TỰ TIN. Hãy nuôi dưỡng lòng tự tin ở trẻ. Bé Thành luôn muốn làm chiếc cầu hoặc xây nhà cao tầng. Tư tưởng hay nhưng nó không sao xếp được với những lon nước ngọt và băng keo. Nó 4 tuổi nên còn vụng về. Chị Liên nói: “Con sẽ làm được khi con lớn hơn”. Nhưng nó không chịu, chị đành để nó làm lại, còn chị phụ dán băng keo. Xong “công trình”, khuôn mặt nó rạng rỡ hẳn.
Tin vào ý tưởng và khả năng của trẻ là điều quan yếu để xây dựng lòng tự tin ở trẻ. Trẻ sẽ sẵn sàng nỗ lực, vì trẻ biết nếu thất bại thì cũng không bị chê trách. Nhờ tự tin mà trẻ có thể xử lý các thử thách gặp phải trên đường đời. Nếu trẻ nhút nhát và lưỡng lự, hãy giúp trẻ loại bỏ ý nghĩ tiêu cực bằng cách nói: “Không sao, thua keo này bày keo khác. Ba/mẹ biết con có thể làm được”. Đồng thời cho trẻ biết các gương vượt khó sống động đời thường. Cách khẳng định tích cực khả dĩ tạo hiệu quả kỳ diệu.
Cứ để trẻ làm những việc đơn giản để quen dần công việc, trẻ sẽ khéo léo dần và biết sống có trách nhiệm với gia đình, đồng thời trẻ cũng cảm thấy “dám” tin vào khả năng của chính mình.
5. YÊU THƯƠNG. Hãy giúp trẻ sống quảng đại. Trẻ thường khó “cho đi”, nhưng nếu cha mẹ khéo léo giúp đỡ thì trẻ sẽ “mở” lòng quảng đại. Nhân chi sơ tính bổn thiện. Hãy cho trẻ thấy lòng quảng đại của cha mẹ để trẻ học tập yêu thương. Cha mẹ chăm sóc ông bà chu đáo, trẻ sẽ biết kính trọng người trên.
Đừng bỏ phí ngày nào qua đi mà trẻ không có bài học yêu thương từ cha mẹ. Bài học đó trở nên quan yếu từ những lời đơn giản nhất như “xin lỗi”, “cảm ơn”, “làm ơn…”. Một phương trình đơn giản: Cha mẹ càng làm đầy căn nhà bằng những tiếng cười, lời yêu thương và các động thái cao quý thì trẻ càng dễ dàng thể hiện tình thương với người khác. Yêu thương là bài học sống giá trị nhất, như một danh nhân đã nói: “Chỉ những ai có lòng yêu thương thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”.
TRẦM THIÊN THU
Hôn nhân hạnh phúc do đâu?
Nghiên cứu của ĐH Tây Bắc (đăng trên tạp chí Psychological Science) cho thấy rằng những người yêu nhau mà có tính chuyện “ăn đời ở kiếp” với nhau thì sẽ thỏa mãn vầ mối quan hệ nhiều hơn nếu họ tin một người sẽ luôn hiện diện để động viên nâng đỡ.
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn thắc mắc không biết điều gì làm cho hôn nhân bền vững và họ mất nhiều công sức tìm hiểu. Chỉ riêng ở Mỹ thì tỷ lệ ly hôn lên tới 50%, một con số báo động. Điều tra về vấn đề này cho thấy rằng vài tháng đầu, thậm chí vài năm đầu, có thể rất thú vị đối với các đôi vợ chồng. Đó có thể là một trong các lý do chính người ta muốn kết hôn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì tương lai có vẻ không phải không có mây mù che khuất ánh sáng hôn nhân. Một số người thấy không thể xử lý cá tính hoặc thói quen của người bạn đời.
Khi người ta hẹn hò, mối quan tâm chính về mối quan hệ là mọi thứ có xuôi chèo mát mái tới cuối đời hay không. Người ta tin rằng hạnh phúc với người bạn đời tùy vào mối quan hệ có phát triển cả chiều sâu và chiều rộng hay không, hai người có hỗ trợ mơ ước của nhau hay không. Khi kết hôn, người ta nghĩ rằng người bạn đời tốt nhất là người hiểu rằng các thành tựu lý tưởng vẫn quan trọng và hỗ trợ cuộc sống hôn nhân hàng ngày.
Một nhóm điều tra thuộc ĐH Tây Bắc, do TS tâm lý Daniel Molden làm trưởng nhóm, đã thực hiện việc nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Họ so sánh 77 cặp vợ chồng và 92 đôi đang yêu nhau. Họ điền vào bản tham khảo ý kiến về mức độ hiểu nhau, mức độ hỗ trợ nhau và trách nhiệm đối với nhau – kể cả mức độ thỏa mãn nhau, mức độ thân mật và mức độ tin tưởng nhau. Kết quả cho thấy chính hôn nhân đã thay đổi mọi thứ.
Dựa trên bản trả lời, các nhà tâm lý thấy rằng họ tin người bạn đời sẽ luôn khuyến khích họ và đồng lao cộng khổ với họ. Tuy nhiên, vấn đề quan yếu không phải là “tôi” hay “chúng tôi” mà là chuyện phê bình chỉ trích nhau về các vấn đề cơ bản thường nhật.
Nhiều cặp vợ chồng ly hôn đã nói rằng họ không thể xử lý các cư xử hoặc thái độ của người kia. Trong một số trường hợp, đó là thói quen bỏ bê gia đình, không chăm sóc nhau một thời gian dài. Một số người ích kỷ, cho mình là “số dzách”, khiến họ không hiểu hoặc coi thường người bạn đời. Hầu như mọi người bắt đầu mối quan hệ đều bắt đầu bày tỏ tư tưởng, lòng tin, cảm xúc và hy vọng vào người bạn đời. Điều này có thể tạo ra nỗi thất vọng nhiều vì họ cầu toàn.
Theo TS Molden, những người sắp kết hôn nên nghĩ về cách người bạn đời ủng hộ điều họ muốn đạt được, nhưng cũng nên nghĩ về cách người bạn đời ủng hộ bổn phận của minh nữa. Nhờ vậy mà hôn nhân hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn”.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ The Times of India)