THỜI ĐIỂM CÔ NÀNG POCAHONTAS



Pocahontas là con gái của tù truởng Powhatan của bộ tộc Algoquian ở vùng Virginia bây giờ. Truyện tình của anh chàng thủy thủ Da Trắng với cô nàng người Da Đỏ này đã thành đề tài đóng phim thật ăn khách.

Anh chàng John Smith và đám lính Da Trắng người Anh trong câu truyện Pocahontas đã đổ bộ sang Mỹ vào năm 1607 để chiếm đất của người Da Đỏ vùng Virginia. Họ phá hủy núi rừng đẹp đẽ để đào bới vàng. Người Da Trắng tưởng vàng là nhất, là có thể làm cho mình hạnh phúc. Nhưng có ngờ đâu khi gặp cô bé Pocahontas, thì John Smith nhận ra một giá trị mới, một nhãn quan mới. Một hôm tò mò về thái độ đào bới thật kỳ cục của người Da Trắng với kiểu ăn mặc bó sát chật chội, Pocahontas đã hỏi John Smith:



- Các anh tìm gì vậy?!

- Tụi này đi tìm vàng để làm giầu.

- Vàng là cái gì?



Thực sự Pocahontas chẳng hiểu vàng là cái gì mà người Da Trắng lại có thể ham mê tới cỡ đó. Rồi không biết phải so sánh giá trị làm sao, cô bé bèn cầm lấy trái bắp vàng mà giơ lên hỏi "vàng là cái này á?"



Câu hỏi đơn sơ của cô bé Pocahontas khiến người Da Trắng giật mình nhận ra một điều rất quan trọng: núi rừng kia, thác nước kia, sông hồ kia, trái bắp kia, mới là vàng, mới là giầu có thật, và mới là vườn địa đàng. Còn vàng của người Da Trắng chỉ là một thứ kim khí hiếm, do người ta ước định mà gán cho là quí báu khiến phải chém giết nhau để đạt lấy cái “địa đàng” kiểu ấy mà thôi. Mấy đứa trẻ ở Nam Phi xưa vốn lấy vàng làm đồ chơi, vì nước này đầy vàng, có ai đếm xỉa gì đâu, có ăn được đâu.



Thật vậy, những phim nổi tiếng thu hút rất đông người xem như Forrest Gump, Pocahontas, The Joy Luck Club, The Secret Garden… đều nói lên một điều rất đơn giản: con người đã mệt mỏi, và đang đi tìm một giá trị mới, đi tìm những tiêu chuẩn làm cho con người sống giầu có thảnh thơi đích thực, tìm về thiên nhiên, tìm về những gì thật giản đơn đã có sẵn trong cuộc sống, nguồn phú túc đã được Chúa Trời bày biện như bữa tiệc sẵn sàng. Hạnh phúc là biết mở mắt nhận ra mà lãnh nhận chứ đâu có quá vất vả như con người ngày nay!

Pocahontas có nghĩa là phong lưu hạnh phúc mà. Vào thời điểm này, con người mới giật mình nhận ra đâu là lối tìm hạnh phúc và lối sống giầu có thật.



NHỮNG DẤU CHỈ THỜI ĐẠI



Tần Thủy Hoàng với bằng ấy chém giết tàn bạo cũng chỉ canh giữ được một nhúm xương mục. Đặng Tiểu Bình sau những màn vần vũ kể cả vũng máu Thiên An Môn thì trối cho đàn em đốt xác thành tro bụi thả tan theo gió, không tên không mộ. Đúng như câu nói đùa rất chí lí của một người bạn già: "Ở đời cái gì cũng quan trọng và cũng không quan trọng."

Tuổi của trái đất mới được khoảng bốn tỉ rưỡi năm, và khoảng một tỉ rưỡi năm trước đây trái đất mới có những thực vật và động vật đơn bào sống dưới nước rồi tiến hóa dần thành những động vật sống trên đất. Con người mới xuất hiện hơn một triệu năm cách đây thôi, từ thời còn ăn thịt sống ở trong hang chưa biết dùng lửa, từ thời còn đi lom khom đầu nhô ra phía trước, răng lớn, cằm bạnh, sọ nhỏ, trán thấp. Thế rồi mãi tới cách đây khoảng 6 ngàn năm thì nhân loại mới biết làm nhà, qui tụ thành làng mạc. Đó là thời văn minh Ai Cập-Babylon huy hoàng bên Cận Đông. Hết văn minh Cận Đông thì chuyển qua văn minh Địa Trung Hải của La-Hy. Hệ thống triết lý, kiểu kiến trúc, mô thức tổ chức xã hội quân chủ hình thành văn minh Âu Châu còn ảnh hưởng cho đến thế kỷ 16 thì chuyển sang thời Phục Hưng. Luồng tư tưởng dân chủ bừng bừng kỷ nguyên ánh sáng, tin tưởng khoa học và lý trí vạn năng. Kinh tế tiền tệ thay cho kinh tế hiện vật. Trước kia thì đội gạo ra chợ đổi lấy con cá, bó rau, hạt muối, hay ngon hơn nữa thì đổi lấy cục vàng đeo tai đeo cổ... bây giờ bán lấy tiền theo ước lệ. Bán không hết ở chợ làng thì bán ra quận, ra tỉnh. Bán không hết trong nước thì phải bán ra ngoài, vì thế mà nẩy sinh ngôn ngữ hoa hòe hoa sói là kinh tế thị trường. Trước đây đi chiếm nước khác bằng súng đạn thì bây giờ bằng mánh khóe nhà nghề. Bảo không được thì oánh. Vậy mới có thế chiến một, thế chiến hai, mới có tuyên ngôn nọ tuyên ngôn kia ra chiều giải quyết mọi vấn đề bằng bàn tay con người.

Điều trớ trêu là lịch sử con người lại thường được thành hình do một số tay tham vọng dám vẫy vùng cỡ Hitler, Lenin... Nhưng rồi đâu phải mọi người có quyền rửa tay đổ tội. Không có tâm lý hiếu chiến hiếu thắng một thời của người dân Đức thì Hitler làm sao có thể đi giết người dân khác một cách thành khẩn như vậy được: Vạn tuế Hítler, vạn tuế Đức Quốc Xã! Không có tâm lý trổi vượt của người da trắng làm sao các nước Pháp, Anh, Bỉ,Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan... có thể thản nhiên thấy mình có sứ mạng đi chiếm thuộc địa để đem ánh sáng đến cho những dân mọi rợ tăm tối ở Phi Châu, Á châu và Nam Mỹ, trong đó có cả Việt Nam ta? Hay người Mỹ có thể đi mua dân da đen ở Phi Châu về làm nô lệ trong những đồn điền?

Quanh đi quẩn lại, hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh, loài người ít khi có được những lúc thực sự an bình. Tựu trung cũng là tham vọng quyền lực, giành giật miếng ăn: người này hơn người kia kém, dân này cường quốc dân kia nhược tiểu. Thế giới mỗi ngày mỗi phức tạp, lòng dục càng ngày càng không đáy. Sắp sửa chuyển mình vào ngàn năm mới, con người liệu có thể nhìn ra cho mình một điều gì khác hơn không? Ngó lui lịch sử tiến hóa của con người trên mặt đất này, chả lẽ chỉ có thể kết luận rằng loài động vật mang mặt người là đáng tội nghiệp nhất hay sao? Rình mồi mãi mấy ngàn năm cũng vẫn chưa no đủ hơn thời ăn lông ở lỗ sao?!


TIN VUI GỬI NGƯỜI ĐANG HĂM HỞ TÌM GIẦU


Đã đến lúc loài người khai mở một nền văn minh mới bước vào thiên kỷ mới. Nếu đã có những nước được gọi là cường quốc vì sức mạnh đồng tiền vật chất do luồng tư tưởng từ thời Phục Hưng để rớt lại mà vẫn đầu tắt mặt tối, thì cũng phải có một luồng tư tưởng khác mở lối cho nhân loại bước vào nền văn minh của sức mạnh tâm linh, sống cho ra người hơn, có tình người hơn.


Chẳng nói gì xa vời, mỗi người cũng đang tự cảm thấy mình bị cuốn vào cái vòng xích của xã hội tiêu thụ: mỗi ngày mỗi có nhiều nhu cầu thêm, và càng cần tiền thêm. Mà càng cần tiền thêm thì lại càng phải ném mình ra khỏi nhà để kiếm cho ra tiền, thành ra càng chẳng còn nhiều giờ mà hưởng sinh thú trên đời, trong gia đình, cái thú được sống mỗi phút giây một cách giầu có, cái thú được sinh ra, được hiện hữu một cách lạ lùng làm con của Chúa Trời Đất quyền năng. Không biết đủ chừng nào mới đủ?! Không biết sống nhàn, chừng nào mới nhàn?! Một người bạn đã từng nói chơi: không còn giờ tức là đã hết thời!


Đây là lúc người tin đạo khám phá ra và loan báo một tin vui lớn cho thời điểm: vượt lên khỏi mọi kiếm chác sinh sống hay bon chen, con người phải tìm ra cho mình một cõi toàn mãn: "Thầy đến cho chúng con được sống và sống sung túc" (Gioan 10:10).


Tìm ra được Chúa chính là câu trả lời của thời điểm này. Đang khi mấy ông tổng thống Mỹ bảo phải sang Phi sang Á để lo cho quyền lợi nước Mỹ: lo đóng kịch chào hỏi dọc đường đối với nhửng nước vốn thù nghịch chẳng ưa mình chút nào, cũng chỉ để kiếm thêm lợi thêm tiền, thì Chúa Giêsu lại loan báo Tin Vui khá ngược đời tuần này:


"Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này... Nước Thiên Chúa đã ở gần bên rồi." (Luca 10:4, 5, 9)


PHÚT TỊNH TÂM


Không cần mang theo tiền vì chính Chúa đã quá dư tiền rồi, có Chúa thì chẳng còn thiếu thốn chi. Không cần chào hỏi cậy dựa ai vì chính Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Có Chúa là có cõi toàn mãn, nước hạnh phúc ở ngay bên rồi.

Vâng, con xin được nói lên niềm tin này với tâm tình thánh vịnh 23:

Chúa Trời chăn dẫn tôi đi,
Lo chi thiếu thốn sợ gì gian nguy.
Mênh mông đồng cỏ xanh rì,
Tôi no búp mới, tràn trề lộc non.
Mát trong nước sạch suối nguồn,
Cho tôi nằm nghỉ tâm hồn thảnh thơi.
Dắt tôi theo chính lộ Người,
Hoan ca danh thánh Chúa Trời muôn nơi,
Dẫu qua lũng tối chơi vơi,
Sợ chi vướng mắc lưới đời trần gian.
Chúa bên tôi sống thanh nhàn,
Gậy côn Người dẫn bình an tâm hồn.
Bày bàn đầy cỗ thơm nồng,
Trước mặt địch thủ đỏ hồng mắt cay.
Xức dầu thơm Chúa đặt tay,
Chén tôi trào rượu ngọt say ân tình.
Phước ân theo mãi bên mình,
Trọn đời an hưởng phúc vinh Chúa hiền.
Nơi nhà Chúa sống bình yên,
Hồn tôi vui sướng triền miên tháng ngày.


(Hoàng Vũ chuyển thơ)



Lm. Trần Cao Tường


(từ tác phẩm Nhịp Múa Sông Thanh, Thời Điểm xuất bản)