-
Moderator
C - Chúa Chiên
CHÚA CHIÊN
Nói đến chiên cừu là nói đến những động vật dễ thương, gần gũi với con người. Ngoài những thứ chúng cung ứng cho tiện nghi sinh sống của con người (như sữa, lông, da, thịt), còn một điều ít có con vật nào có được là chiên còn được dùng trong những dịp lễ lạc của đời sống tâm linh con người (sát tế, tế thần). Chính vì thế nên hình ảnh con chiên được dùng để nói về những con người tin và theo (tín hữu) làm con cái, được Thiên Chúa chăn dắt ("Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,/ tập trung cả đoàn dưới cánh tay./ Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,/ bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" – Is 40, 11 ; "CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. / Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. / Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi./ Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính / vì danh dự của Người./ Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u / con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng./ Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" – Tv 23, 1-4). Không chỉ những tín hữu là con chiên của Thiên Chúa, mà chính Đức Giê-su Ki-tô – Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật – cũng là một con chiên – Chiên Thiên Chúa – được sát tế để cứu chuộc tội lỗi loài người ("Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” – Ga 1, 29). Như vậy, Thiên Chúa đã thương yêu con cái của mình, coi chúng như đoàn chiên ngoan ngoãn dễ thương, nên mới ban Con Một xuống thế để chăn dắt đoàn chiên đó ("Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi" – Ga 10, 14).
Khi nói đến vấn đề chăn nuôi súc vật (mục vụ), thường có 2 dạng : có thể người chăn nuôi (mục tử) ấy là chủ thực sự của đàn súc vật, và cũng có thể là người làm thuê (do người chủ mướn trông coi đàn súc vật). Cũng có những người làm thuê tận tuỵ với công việc bằng một tình cảm thương yêu, chăm sóc đàn súc vật mà mình trông coi mướn như là của chính mình, hơn là vì đồng lương, tiền công mà chủ trả cho hàng tháng, hàng năm. Tuy nhiên, số này rất hiếm, đa số những người làm thuê thường chỉ làm vịêc cho tương xứng với tiền công, như một sự trao đổi sòng phẳng (một bên bỏ ra tiền của, một bên bỏ ra công sức). Vì thế những người làm thuê không thể sánh với chủ nhân của đàn súc vật đó. Người chủ chăn không chỉ vì những lợi ích vật chất do đàn súc vật mang lại, nhất là khi đàn súc vật đó lại là những con chiên đẹp đẽ, ngoan hiền, dễ thương, thì người chủ còn coi đàn chiên như những đứa con em máu mủ của mình. Nói khác đi, người chủ chăn (chúa chiên) không chỉ vì nhu cầu vật chất, mà còn coi đó là bổn phận, và hơn thế nữa là trách nhiệm của mình (lo lắng thực phẩm, săn sóc bệnh tật, thậm chi còn sẵn sàng bênh vực, che chở chúng trước những nanh vuốt kẻ thù như sói lang ác hiểm).
Bài Tin Mừng CN IV/PS-C nói về một vị Mục tử – một chủ chiên – nhân lành. Đó là Lời Đức Ki-tô nói với người Do thái : "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một." (Ga 10, 27-30). Người đã lấy hình ảnh rất dễ thương của đàn chiên để chỉ những môn đệ và những kẻ tin theo Lời Người ; đồng thời Người cũng xác định chính Người là Đấng chăm lo chăn dắt đàn chiên đó – Người chính là vị Chúa Chiên nhân lành. Hiểu sâu vào vấn đề, thì vị Mục Tử nhân lành ấy được Chúa Cha sai đi chăn dắt con người về đường linh thiêng, nên còn gọi là linh mục, và chính Đức Ki-tô là Linh Mục Thượng Phẩm, Linh Mục Duy Nhất (“Thánh Augustinô viết : ‘Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục Duy Nhất’ (De Civitate Dei - XX, 10)." (TH/KTHGD I, số 14).
Về lý thuyết thì tất cả mọi Ki-tô hữu đều là linh mục (tư tế cộng đồng), nhưng thực tế để có thể điều hành hoạt động của Giáo Hội thì lại rất cần có hàng ngũ những người trực tiếp thừa kế (tư tế thừa tác) sứ vụ của Linh Mục Duy Nhất Giê-su Ki-tô, thông qua Ơn Thiên Triệu – Bí tích Truyền Chức ("Danh từ "hàng Linh Mục" đươc chọn với mục đích để chỉ định toàn thể hàng ngũ Linh Mục. Chúa Giê-su đã cho toàn thể Dân Chúa tham dự vào chức linh mục của Người nhưng Người còn muốn thiết lập những "thừa tác viên" của Người, những người này nhờ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực hành chức vụ linh mục nhân danh Chúa Ki-tô" – Sắc lệnh "Chức vụ và đời sống các linh mục", số 2). Hai chức vụ tư tế đó quan hệ khăng khít với nhau, chức vụ này vừa là tiền đề vừa là kết quả của chức vụ kia và ngược lại. Lý do cũng dễ hiểu : không thể có những phần tử lãnh nhận chức vụ tư tế thừa tác nếu không có hàng ngũ tư tế cộng đồng, ngược lai hàng ngũ tư tế cộng đồng muốn không bị khủng hoảng để đi đến tan rã, cũng rất cần thiết phải có người trông coi, chăm sóc, đó là những tư tế thừa tác. Nói cụ thể hơn không có Giáo dân (đoàn chiên của Chúa) thì không thể có Linh mục, mà không có Linh mục thì đoàn chiên sẽ bị xẻ đàn tan nghé ngay.
Tư tế cộng đồng (Giáo dân) hay tư tế thừa tác (linh mục) thì cũng đều là con người, mà nói về con người thì “nhân vô thập toàn”, không một cá nhân nào được thập phần hoàn hảo, có ưu điểm thì cũng có khuyết điểm, đó cũng là lẽ tất nhiên. Trong đoàn chiên của Chúa có rất nhiều những con chiên ngoan hiền dễ thương, biết vâng nghe lời chủ, thì cũng không thiếu những con chiên lạc đàn, chạy theo bầy sói dữ, thậm chí còn quay lại chống trả và giết hại cả chủ chăn (mục tử). Cũng vậy, trong hàng ngũ mục tử – những thừa tác viên kế nghịêp Mục tử nhân lành Giê-su Ki-tô – có rất nhiều những mục tử xứng đáng với vai trò và trách vụ của mình đã được chính Đức Ki-tô trao phó trong bữa Tiệc Ly ("Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en." – Lc 22, 29-30) ; nhưng cũng vẫn còn những mục tử bất trung, phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, như "Thư của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI gởi các linh mục nhằm thiết lập năm linh mục" ngày 16/6/2009, viết : "Và như thế, tư tưởng của chúng ta hướng đến vô số những hoàn cảnh đau khổ trong đó biết bao linh mục đang đắm mình, hoặc là bởi vì chính họ chia sẻ kinh nghiệm đau khổ đa dạng của con người, hoặc là bởi vì họ không được thấu hiểu bởi những người hưởng ích từ thừa tác vụ của họ: làm sao chúng ta không nhớ đến biết bao linh mục bị nhạo báng trong phẩm giá của họ, bị ngăn cản thực hiện tác vụ của mình, thậm chí đôi khi bị bách hại cho đến độ cuối cùng làm chứng bằng máu mình ? Bất hạnh thay, cũng tồn tại những hoàn cảnh, không bao giờ lấy làm tiếc đủ, mà chính Giáo Hội phải chịu vì sự bất trung của một số thừa tác viên của mình. Và đối với thế giới, đó là một cái cớ gương mù và khước từ. Trong những trường hợp như thế, những gì có thể là ích lợi cho Giáo Hội, đó không chỉ là nhận ra đầy đủ những yếu đuối của các thừa tác viên của mình, nhưng còn là một ý thức mới mẻ và phấn khởi về sự cao cả của ân huệ của Thiên Chúa, được cụ thể hóa nơi những hình ảnh sáng ngời của những mục tử quảng đại, những tu sĩ rực cháy tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn, những vị linh hướng sáng suốt và kiên nhẫn". (xin coi thêm "Thư đề ngày 20/3/2010 của ĐTC Biển Đức XVI gửi Giáo Hội Ai-len" v/v một số linh mục xâm phạm tình dục trẻ em).
Chúng ta không quá lạc quan để cho rằng đoàn chiên của Chúa cũng như những vị mục tử thừa kế sứ vụ của Đức Giê-su Ki-tô, tất cả đều tốt lành, hoàn hảo ; nhưng đồng thời cũng không quá bi quan để cho rằng tất cả đều xấu. Cũng vì thế, nên nhân dịp chuẩn bị năm Thánh 2010 (cũng là năm kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam – 1960-2010) tôi có viết bài "Nhìn lại một chặng đường" và tiếp theo là bài "Giáo dân mong gì ở Linh mục ?" (xc trang “Các Tác Giả” – Thanhlinh.net). Trong bài viết "Nhìn lại một chặng đường", tôi có phân tích một số những ưu khuyết điểm từ cả 2 phía (linh mục và giáo dân), và đến bài "Giáo dân mong gì ở Linh mục ?" tôi có chủ ý là nhân danh một linh mục (tư tế cộng đồng) để thưa chuyện với một linh mục (tư tế thừa tác), chớ không phải là cuộc đối thoại giữa con cái với cha mẹ (tiếng "cha" thân thương mà giáo dân VN vẫn quen dùng để gọi các linh mục). Cuộc đối thoại như thế nó sẽ trở nên thân tình, bao dung, độ lượng. Với chủ ý như vậy, tôi có nêu "10 Điều Tâm Nguyện" (5 KHÔNG + 5 SẴN SÀNG) gửi quý vị linh mục, và cũng không quên gửi "đôi lời tâm huyết" đến cộng đoàn Dân Chúa (mà tôi là một thành viên), nhằm nhắc nhở (tự nhắc nhở bản thân là chính) mọi người từ 2 phía hãy gạt bỏ những tị hiềm đố kỵ, xoá bỏ bức tường ngăn cách để cùng sống chan hoà trong tình hiệp thông bác ái Ki-tô Giáo, cùng chung tay góp sức xây dựng Giáo Hội trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, mở mang Nước Chúa. Bài viết nhận được khá nhiều những ý kiến phản hồi, đa số đều đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên, cũng có một số tỏ ra tự ái, hậm hực.
Xin mở ngoặc để nói thêm về tiếng "cha" mà Giáo dân VN thường dùng để gọi các linh mục, mặc dù Chúa dạy không được gọi ai bằng cha hay bằng thầy, vì chỉ có một người Cha duy nhất ở trên trời, và chỉ có một người Thầy duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô (Mt 23, 8-10). Với tiếng cha thân thương dành cho các linh mục như vậy, Giáo dân VN luôn mong mỏi các linh mục hãy coi đoàn chiên như con cái, đồng thời hãy coi mình có bổn phận và trách nhiệm của bậc cha mẹ, mà chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên. Tuy nhiên, từ cái ưu điểm ấy, cũng nảy sinh những hạn chế. Đó là giáo dân vì gọi linh mục là cha, nên mang một mặc cảm tự ti, luôn e dè – thậm chí sợ sệt – mà không dám gần gũi, cộng tác, sẻ chia trong sứ vụ chung ; đồng thời về phía linh mục, cũng có một số tự cao, tự đại coi mình là "cha thiên hạ", không thèm lắng nghe ý kiến từ giáo dân, thậm chí còn coi mình là nhân vật "bất khả xâm phạm, bất khả thay thế" nữa. Số người ấy (từ cả hai phía giáo dân và linh mục) tuy không nhiều, nhưng không phải là không có.
Năm Thánh Linh mục cũng sắp bế mạc, nên xin được trở lại vấn đề "mục tử với đoàn chiên của Chúa". Tha thiết mong rằng cả 2 phía (mục tử và đoàn chiên) xin không bảo thủ, tự ái để đi đến tị hiềm, đố kỵ lẫn nhau. Cũng không đối đầu mà hãy đối thoại trong bao dung, độ lượng để xóa tan đi những bức tường ngăn cách. Xin hãy cùng nhau nhìn thẳng vào vấn đề, nhìn thẳng vào mối dây liên kết giữa "chiên con" và "chiên mẹ" như trong bài "Mẻ cá lớn" (CN III/PS-C) đã trình bày (xc trang "các tác giả" <Thanhlinh.net>). Khi mục tử đã được chính Chiên Thiên Chúa gọi là "chiên mẹ", thì hãy coi đàn "chiên con" chính là con cái thực sự của mình. Tuy Đức Giê-su Ki-tô không nói rõ, nhưng Người đã muốn các chiên con hãy coi những mục tử là chiên mẹ. Mục tử phải là "chiên mẹ", là chúa chiên, là chủ chăn chính hiệu chớ không thể là người làm thuê, chăn mướn. Cũng giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn, con cái có đứa thế này đứa thế khác, nhưng tựu trung nó vẫn là con của mình. Con ngoan hiền thì mẹ hưởng phúc, "con dại cái mang" (con dại thì mẹ ... lãnh đủ !). Cũng thế, những "chiên con" có thể bị sa chước cám dỗ của "ba thù", có thể lầm lạc, sai lỗi, có thể đối lập với "chiên mẹ", nhưng không bao giờ coi chiên mẹ là đối thủ, là kẻ thù. Đến như kẻ thù mà vị Mục tử nhân lành Giê-su KI-tô còn dạy phải yêu thương họ, huống hồ là tình mẹ con giữa "chiên mẹ" và "chiên con".
Cứ theo thường tình thế sự thì tình mẫu tử bao giờ cũng thắm thiết, gắn bó, nồng ấm hơn tình phụ tử. Con chiên và mục tử VN vốn đã sẵn có tình phụ tử từ bao đời nay, mối tình đó được triển nở trong môi trường văn hoá dân tộc truyền thống nhờ xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, mà Lời Chúa lại dạy đó là chiên mẹ và chiên con, mối tình đó là mối tình mẫu tử. Vậy thì không lý do gì mà không phát huy mối dây liên kết hỗ tương giữa hàng linh mục và giáo dân cho ngày một thắm thiết hơn, như mối keo sơn gắn bó mọi thành phần Giáo Hội, giúp vuợt qua bao thăng trầm lịch sử, để hướng tới một tương lai xán lạn là cả chiên mẹ và chiên con vui vầy nằm nghỉ trên đồng cỏ xanh tươi bát ngát (Tv 23) mà Thiên Chúa đã ban tặng.
JM. Lam Thy ĐVD.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules