LÀM SAO THA THỨ ?

Tha thứ để chữa lành - Chữa lành để tha thứ


Cha Jean Monbourquette OMI là giáo sư Mục Vụ ở Đại Học Saint-Paul ở Ottawa - Canada, Điều phối và huấn luyện viên Trung tâm Gia Đình và Cộng đồng. Cử nhân Thần học, Cao học Triết, Cao học về Giáo dục ĐH Ottawa, Cao học Tâm lý lâm sàng ĐH San Francisco, Tiến sĩ Tâm lý ĐH Los Angeles. Tác giả cuốn sách bán chạy nhất Aimer, Perdre et Grandir.

Lời nói đầu

Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi : lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý ; và lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng LÀM SAO THA THỨ ? Làm sao chữa lành ? Đó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình..., thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ trở nên càng khó !

Phêrô hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có tới bảy lần chăng ?" Chúa Giêsu đáp : "Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy" (Mt.18, 21-22). Chúa còn bảo : "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc.17,4). Ngài còn đi xa hơn nữa : "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt.5, 23-24).

Điều đó quả thật không dễ : Mình có lỗi mà đi làm hòa đã khó, huống chi khi người khác có lỗi với mình và mình là nạn nhân ! Vì "khi một người cảm thấy bị thương tổn, người ấy sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu" (Sứ điệp Mùa Chay 2001 của ĐTC Gioan Phaolô II). Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau.... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (Sứ điệp ...).

Cũng chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002 là "Không có tha thứ thì sẽ không có Hòa Bình". Trong thời gian qua, đã có hai chủ đề liên quan đến Tha Thứ. Đó là chủ đề của sứ điệp Hòa Bình năm 1975 : "Hòa Giải là con đường dẫn đến Hòa Bình"; và chủ đề của năm 1997 : "Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại Hòa Bình". Trong lời mời gọi hãy tha thứ, ĐTC Gioan Phaolô II bàn về vài điều kiện cần được nhìn nhận và thực hiện, ngõ hầu hòa bình có thể có được. Những điều kiện đó là sự đối thoại thành thật và liên lỉ, sự chấp nhận trách nhiệm và sự nhìn nhận sự tự do con nguời. Giáo Hội đi theo con đường "thanh tẩy ký ức" cách can đảm và khiêm tốn, đặt hết niềm tin tưởng vào tình thương nhân từ của Chúa, và khuyến khích thế giới hãy tin tưởng vào sức mạnh của sự thật và tình thương.

Như thế tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa. Tha thứ bao hàm cả lãnh vực thể chất, lẫn tâm lý và thiêng liêng, huy động mọi phần và mọi quan năng của con người mình, nên tiến trình tha thứ vừa dài vừa phức tạp và khó khăn, có khi phải luyện tập vòng lui vòng tới nhiều lần và can đảm bắt đầu trở lại ở một giai đoạn nào đó hoặc ngay cả từ đầu, mỗi khi thất bại, dù việc tập luyện đôi khi như đóng kịch !
Việc nầy còn tùy thuộc một yếu tố quan trọng khác nữa là thời gian : phải có thời gian cho hạt cát biến thành ngọc trai, phải có thời gian cho việc tốt tích lủy thành nhân đức, phải có thời gian cho nỗi đau dịu xuống, vết thương liền sẹo và được lành, phải có thời gian cho tha thứ thành tự nguyện và thực hiện được, đốt giai đoạn là thất bại và hỏng việc.
Thành thật thú nhận bản thân tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm khó khăn và thương đau trong lãnh vực nầy, nên khi bạn thân từ Canada gởi cho cuốn LÀM SAO THA THỨ ? (Comment pardonner ?) của Jean Monbourquette o.m.i, do nhà xuất bản NOVALIS ấn hành, thì như "bao nhiêu năm mệt nhòa, mình tìm mà tìm không ra, thế nhưng bây giờ thành bại tùy ta", tôi đã đọc say mê từng dòng từng trang. Hưởng được nhiều lợi ích trong việc chữa lành và lớn lên nhờ tha thứ và được tha thứ, tôi xin được phỏng dịch, thích nghi và thay đổi một số chi tiết cần thiết để chia sẻ với người khác, như một ước vọng và một đóng góp cho Giáo Hội và Xã Hội của chương trình CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN. Nếu chỉ có một người cảm thấy được ích từ công việc nầy thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi, và hết lòng tạ ơn Ba Đấng.

Lời Tựa

Làm sao tha thứ ? Đó là một vấn nạn tôi quan tâm từ 10 năm nay. Chính tôi đã vấp phải sự khó tha thứ và tôi cũng đã gặp cùng vấn đề đó nơi các đọc giả, bệnh nhân và những người tôi tháp tùng thiêng liêng.

Tác phẩm nầy là kết quả của một cuộc nghiên cứu và suy tư lâu dài được nuôi dưỡng đồng thời bởi những kinh nghiệm lâm sàng bên cạnh nhiều người và những kiến thức về tâm lý và thiêng liêng của tôi. Ý hướng của tôi khi viết tác phẩm nầy thật rõ ràng : cung cấp một chỉ dẫn thực hành để học tha thứ theo tiến trình 12 giai đoạn.

Nhiều người hỏi tôi : "Nhưng tại sao lại 12 giai đoạn ? Nhiều quá !" Đúng vậy, tôi công nhận như thế. Bởi vì các bạn nghi ngờ, tôi không đi vào ngay. Đó là kinh nghiệm tôi đã khám phá được rằng một số người dù rất muốn tha thứ lại cảm thấy bị ách tắc vào những thời điểm nhất định trong tiến trình của họ.

Phải đọc tác phẩm nầy thế nào ? Trước hết, điều quan trọng là đọc giả phải chú ý đến tiến trình cá nhân và cách thức tha thứ của mình. Có những người sẽ đọc lướt qua cả cuốn sách ngay một mạch. Một số khác lại thích nhặt lấy đó đây những chỉ dẫn theo nhu cầu mỗi lúc của họ. Các chương nầy có vẻ đã được đọc qua rồi, trong khi những chương khác có vẻ mới và chưa hề đọc. Nếu đọc giả nhận thấy một chương nào thích hợp, thì hãy để thời giờ học hỏi cặn kẻ hơn và đem ra thực tập. Đọc giả sẽ có thể biết rõ hơn các trạng thái tâm hồn của mình, xác định các ách tắc, tìm được phương thế giải quyết chúng và đi từ thành công nầy đến thành công khác. Như thế, tôi có thể nói với mỗi người : "Chúc may mắn suốt cuộc hành trình nội tâm nhằm khám phá một sự tha thứ chữa lành và giúp lớn lên".

Cuốn LÀM SAO THA THỨ nầy nhắm đến ai ? Nó cố ý được viết cho số lớn đọc giả có thể, dù họ là tín hữu hay không. Bạn sẽ nhận thấy gợi hứng kitô giáo trình bày trong đó rất rõ. Có thể một số người không sử dụng từ ngữ "Thiên Chúa" khi mô tả khía cạnh thiêng liêng của sự tha thứ. Họ cứ thoải mái dùng từ ngữ nào cảm thấy thích hợp nhất tùy theo định hướng thiêng liêng của mình, chẳng hạn "Đấng Siêu Việt", "Siêu Ngã", "Suối Nguồn hay Năng Lực Thần Linh", "Tình Yêu Vô Điều Kiện" v.v...


PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG SUY TƯ và ĐỊNH HƯỚNG về BẢN CHẤT của THA THỨ


Giới thiệu tổng quát

"Anh tìm dạy cái gì về mình khi viết một cuốn sách về tha thứ ?" Câu hỏi nầy của một người bạn mà tôi vừa thổ lộ dự tính của mình đến với tôi thật bất ngờ và đã bắt tôi suy nghĩ. Cho đến lúc đó, tôi cứ tưởng là mình đã quyết định viết cho những người khác về tha thứ. Nhờ suy nghĩ, tôi nhận thấy rằng tôi dấn thân vào cuộc phiêu lưu nầy trước hết là cho chính tôi. Suốt ba năm, tôi đã vật lộn không thành công trong việc muốn chữa lành một vết thương tình cảm. Tôi tưởng tìm được trong một sự tha thứ nào đó thuần túy do ý chí một giải đáp phép lạ cho mọi nỗi cay đắng của mình. Không có trường hợp đó. Tôi đã không đạt được sự bình an nội tâm hằng tìm kiếm.
Khám phá nầy là một trong những biến cố chính thúc đẩy tôi thực hiện và theo đuổi cuộc nghiên cứu về trạng thái động của tha thứ. Bấy giờ tôi tự hỏi tại làm sao tôi đã không thoát khỏi được mối oán hận của mình, mặc dầu đã rất thiện chí và nhiều cố gắng. Tôi có cảm tưởng như đã phung phí thời gian và nghị lực trong những nghiền ngẫm vô ích về quá khứ.
Tôi càng muốn tha thứ thì lại càng ít thành công. Tôi chìm đắm trong vũng lầy các cảm xúc trộn lẫn sợ hãi, mặc cảm tội lỗi và tức giận. Đôi khi giữa sự hổn loạn nội tâm đó nẩy lên những nhiệt tình nhân hậu ngắn ngủi và những lúc được giải phóng nội tâm thoáng qua. Lúc khác, tôi cảm nhận niềm hy vọng vượt thắng được lòng muốn báo thù của mình, nhưng niềm hy vọng ấy mau chóng bị dập tắt bởi những đợt bột phát của bạo lực và tự ái bị tổn thương. Bấy giờ tôi hiểu được rằng mình đang còn ở giai đoạn tập tễnh trong nghệ thuật tha thứ, mặc dầu đã trải qua nhiều năm dài đào tạo tôn giáo, triết học, thần học và mục vụ. Do đó tôi bắt đầu đọc về đề tài nầy, cật vấn kinh nghiệm riêng của tôi cũng như kinh nghiệm của những người tôi hướng dẫn và của các bệnh nhân của tôi. Tôi muốn dứt khoát khám phá ra cái gì làm ách tắc tiến trình tha thứ của tôi. Liệu cuối cùng tôi có thể nhìn thấy được cuối đường hầm không ?
Một biến cố khác trở nên quyết định : Tôi chứng kiến một sự chữa lành tâm lý, kể cả thể lý, bất chợt xảy đến theo sau một cuộc tập luyện tha thứ. Tôi đã nhận vào tâm lý trị liệu một người đàn ông 55 tuổi, là một giáo sư đại học, có một niềm tin tôn giáo sâu sắc. Niềm say mê công việc và những vấn đề gia đình của ông đã làm cho ông suy sụp trong sự trầm uất, dẫn đến bệnh loét bao tử. Sau mười lần gặp, bệnh nhân của tôi đã học được tự giải thoát mình khỏi nỗi đau bằng cách diễn tả ra cách minh bạch sự thất vọng, bị tước đoạt và tức giận đối với người vợ say rượu, đứa con trai nạn nhân của ma túy và đứa con gái say mê điên khùng một chàng trai mà ông ghét cay ghét đắng. Sự hồi thức tiến dần lên nầy, dựa trên sự chấp nhận những tình cảm tiêu cực của mình đã cung ứng cho ông một nâng đỡ rõ rệt. Sau một chuỗi trị liệu mà tôi cảm thấy dường như hết cách, tôi đã nghĩ đến kỹ thuật chiếc ghế trống, hay đúng hơn là những chiếc ghế trống, mà mỗi chiếc thay thế cho một thành phần trong gia đình của ông. Tôi gợi ý ông tha thứ cho mỗi người trong bọn họ. Đó là một cuộc gặp gỡ rất cảm kích. Nhiều lần, bệnh nhân của tôi đã khóc nức nở lúc nói lên lời tha thứ của mình. Và cách tự phát, chứ chẳng phải xin xỏ gì, đến lượt mình, ông đã xin mỗi người trong bọn họ tha thứ cho ông về sự vắng mặt quá nhiều và sự thiếu quan tâm nói chung của ông. Hai tuần sau buổi trị liệu ấy, ông báo cho tôi hay rằng các vết loét dạ dày của ông đã liền sẹo. Tôi tự hỏi không biết cắt nghĩa làm sao sự tha thứ đã có thể có hậu quả chữa lành ngay cả những bệnh thể lý ?
Thỉnh thoảng có những người viết chia sẻ với tôi các khó khăn họ cảm nhận trong việc tha thứ. Mọi người đều đồng ý về vẻ đẹp và sự cần thiết của tha thứ, nhưng luôn tự hỏi làm sao để đạt tới được lý tưởng đó. Chúng ta gặp biết bao nhiêu người thất vọng trước sự không thể tha thứ của họ. Họ có cảm tưởng như đang tiến về một ngôi sao, mà họ càng tiến lại gần thì nó lại càng đi xa ra.
Cái thường làm gay gắt thêm cảm giác bất lực như thế, chính là việc trình bày những gương tha thứ đáng ngưỡng mộ hơn là bắt chước được. Làm sao dám nghĩ mình có thể bắt chước Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tha thứ cho kẻ ám sát mình, hay Ghandi dạy bất bạo động và tha thứ đối với những kẻ bách hại mình, hoặc hơn nữa Đức Giêsu bị đóng đinh nài xin Thiên Chúa tha thứ cho các lý hình ? Bên cạnh những con người tha thứ vĩ đại ấy, không ai nghĩ mình có tầm cỡ đó. Người ta thấy mình như được sai đi câu cá voi mà chỉ trang bị bằng một cần câu yếu ớt.
Tuy nhiên, sự tha thứ chiếm một chỗ trung tâm trong nền tu đức của các tôn giáo lớn, đặc biệt là kitô giáo. Tôi không dám tự phụ rằng việc tôi đang suy tư sẽ tìm được ngôn ngữ tinh tế và chính xác cuối cùng cho vấn đề tha thứ. Chủ tâm của tôi thật khiêm tốn. Trước hết tôi muốn vạch rõ một số quan niệm sai lầm về sự tha thứ. Người ta đặt vào dưới từ ngữ "tha thứ" nầy những thực tại xa lạ với nó, đến đổi nhiều người quá vồn vả tha thứ cảm thấy bị rơi vào những ngõ cụt tâm lý và thiêng liêng.
Bạn sẽ tìm thấy trong phần thứ nhất những ý niệm lý thuyết về bản chất của sự tha thứ để khỏi rơi vào bẩy của những sự tha thứ giả tạo và sai lầm, đồng thời để giúp bạn hiểu được hành vi tha thứ của bạn. Trong phần thứ hai, tôi xin đề nghị một lối sư phạm về tha thứ theo một tiến trình 12 giai đoạn. Tôi xác tín rằng một diễn tiến như thế sẽ dẫn đưa các cõi lòng bị tổn thương khám phá được trong sự tha thứ nguồn bình an và giải thoát nội tâm hằng mong ước.

Chương I

Tầm quan trọng của sự tha thứ trong đời sống chúng ta


Bạn muốn được hạnh phúc trong chốc lát ? - Hãy trảthù.
Bạn muốn luôn luôn được hạnh phúc ? - Hãy tha thứ.

Henri Lacordaire

Dù sao đi nữa, những biến cố trong cuộc sống hàng ngày chứng tỏ rõ ràng rằng sự tha thứ và hòa giải cần thiết biết bao cho sự canh tân cá nhân và xã hội. Điều này không chỉ đúng trong quan hệ giữa cá nhân với nhau mà còn trong phạm vi các cộng đồng và các dân tộc.
Gioan Phaolô II

Tha thứ vẫn luôn có tính cách thời sự, cả trong thế giới tục hóa của chúng ta. Không cần phải mất nhiều thời gian lắng nghe người khác thổ lộ mới nhận ra sự cần thiết nóng bỏng của tha thứ. Quả thực, chẳng ai thoát khỏi những tổn thương do mất mát, chán nãn, phiền muộn, đau buồn vì tình, phản bội, v.v... Những khó khăn trong cuộc sống chung được tìm thấy rất nhiều ở khắp mọi nơi : những xung đột giữa vợ chồng, trong gia đình, giữa những người yêu phải chia tay, giữa vợ chồng ly thân - ly dị, giữa chủ và thợ, giữa bạn bè, giữa láng giềng, giữa các chủng tộc hay quốc gia. Một ngày nào đó, tất cả đều cần đến sự tha thứ hầu tái lập hòa bình và tiếp tục chung sống với nhau. Trong cuộc lễ kỷ niệm 50 năm thành hôn, có người hỏi bí quyết của đôi vợ chồng. Người vợ trả lời : "Sau một cuộc cải vả, không bao giờ chúng tôi đi ngủ mà không xin lỗi lẫn nhau".
Để khám phá ra tất cả tầm quan trọng của tha thứ trong các mối tương quan nhân loại, chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới không có tha thứ sẽ như thế nào. Đâu là những hậu quả trầm trọng của nó ? Có lẽ người ta sẽ bị kết buộc trong bốn chọn lựa sau đây, mà chúng ta sẽ khảo sát cặn kẻ hơn :
- Duy trì mãi trong mình và trong kẻ khác sai trái đã phải chịu,
- Sống trong sự oán giận,
- Bám chặt vào quá khứ,
- Trả thù.

1. Duy trì mãi trong mình và kẻ khác sự dữ đã phải chịu :
Khi ai bị tác hại đến toàn bộ thể lý, tinh thần hay thiêng liêng, thì có cái gì đó nghiêm trọng sản sinh nơi người ấy. Một phần hữu thể của họ bị va chạm, xé nát, bị hoen ố và xúc phạm, dường như sự độc ác của kẻ tấn công đã động đến cái tôi thâm sâu của mình. Họ trở nên có khuynh hướng bắt chước kẻ xúc phạm đến mình, dường như bị lây nhiễm phải một thứ vi trùng truyền nhiễm. Căn cứ vào một thứ bắt chước ít nhiều có ý thức đó, họ bị đun đẩy, đến phiên mình, tỏ ra độc ác, không những chỉ đối với kẻ xúc phạm, mà cả đối với chính mình và kẻ khác. Một người đàn ông sống với một người đàn bà mới ly dị ít lâu chia sẻ với tôi những khó khăn ông ta cảm thấy trong cuộc sống chung của họ. Ông nói : "Đôi khi tôi có cảm tưởng như nàng bắt tôi phải trả giá cho những điều bậy bạ mà người chồng cũ của nàng đã bắt nàng phải chịu đựng".
Sự bắt chước kẻ tấn công mình là một cơ chế tự vệ rất phổ biến trong khoa tâm lý. Bởi một phản xạ sinh tồn, nạn nhân đồng nhất hóa với tên lý hình. Trong cuốn phim Đan Mạch tuyệt vời Pélé, le conquérant, người ta không trình bày rõ làm sao một đứa trẻ dịu dàng như Pélé lại thích thú lấy roi quất túi bụi đứa bạn chậm trí của nó. Mọi sự trở nên rõ ràng khi nhớ lại rằng Pélé chỉ tái diễn trên một đứa trẻ vô tội cái lối ứng xử của thằng giữ trang trại đã hạ nhục Pélé với những lằn roi trong quá khứ. Chúng ta cũng tìm thấy cùng hiện tượng đó trong phim sinh học của Lawrence d'Arabie. Chúng ta chứng kiến sự thay đổi tận căn tính tình của vị anh hùng. Sau khi bị tra tấn, ông ta trở nên một người hoàn toàn khác. Từ một tính tình ôn hòa và nhân ái, ông trở nên hung hăng và tàn bạo. Biết bao kẻ tấn công tình dục và lạm dụng thô bạo chỉ là lặp lại những hành động hung bạo mà chính họ đã phải gánh chịu trong thời thơ ấu chăng ? Trong việc điều trị có tính cách gia đình, chúng ta thường nhận thấy rằng trong những hoàn cảnh bị ứng suất, trẻ con chấp nhận theo những lối ứng xử tương tự với những lối ứng xử của cha mẹ chúng. Cũng thế, chúng ta có trước mắt gương của những nước sử dụng cho các dân tộc khác chính những sách lược phi nhân mà chính họ đã phải chịu đựng trong thời gian bị bách hại.
Tôi không có ý nói ở đây về sự trả thù chính hiệu, nhưng muốn nêu rõ những phản xạ tiềm ẩn trong vô thức cá nhân hoặc tập thể. Chính vì thế, trong việc tha thứ, chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ không trả thù, nhưng còn phải dám đi cho tới tận gốc rễ của những khuynh hướng bạo lực lệch lạc để đánh bật chúng ra khỏi mình, và để chận đứng các hậu quả tàn phá của chúng trước khi quá muộn. Bởi vì những thiên hướng thù nghịch và thống trị kẻ khác như thế có nguy cơ được truyền chuyển từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, trong các gia đình cũng như trong các nền văn hóa. Chỉ có sự tha thứ mới có thể bẻ gãy những phản ứng dây chuyền nầy, chận đứng những hành vi lặp đi lặp lại của việc trả thù, hầu biến đổi chúng thành những hành vi sáng tạo sự sống.

2. Sống trong một mối oán giận thường kỳ :
Biết bao nhiêu người đau khổ phải sống trong một mối oán giận thường kỳ. Hãy lấy trường hợp của những người ly dị. Những cuộc nghiên cứu mới đây về các hậu quả về lâu về dài của việc ly dị đã minh chứng rằng một số lớn những vợ chồng đã ly dị, đặc biệt các bà vợ, vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng trong lòng nhiều nỗi oán giận đối với người phối ngẫu cũ, ngay cả sau mười lăm năm chia tay. Trong kinh nghiệm lâm sàng của tôi, tôi năng có cơ hội để nhận thấy rằng một số phản ứng tình cảm quá trớn chỉ là sự phục hoạt của một tổn thương quá khứ không được chữa lành cho đúng.
Quả thế, sống buồn giận, dù là cách vô thức, làm tiêu hao nhiều nghị lực và nuôi dưỡng cơn ứng suất thường kỳ. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn cái gì xảy ra nếu nhớ luôn trong trí sự khác biệt giữa sự oán giận sản sinh ra ứng suất và sự tức giận không làm điều đó. Sự tức giận là một xúc cảm tự nó vô thưởng vô phạt và sẽ biến tan một khi đã được bộc lộ ra, trong khi đó sự oán giận và thù nghịch tồn tại như một thái độ tự vệ luôn luôn cảnh giác chống lại mọi sự tấn công có thực hoặc tưởng tượng. Như thế kẻ bị chế ngự và hạ nhục trong buổi thơ ấu sẽ trở nên nhất quyết không bao giờ để bị ngược đãi nữa. Nó thường xuyên đề cao cảnh giác. Hơn nữa, nó có khuynh hướng phát minh ra những chuyện âm mưu hay tấn công khả dĩ chống lại nó. Chỉ có sự chữa lành được thực hiện sâu xa bởi việc tha thứ mới có thể mang lại phương dược cho tình trạng căng thẳng nội tâm nầy.
Sự oán giận mưng mủ từ một thương tổn không được chữa lành đúng cách cũng có những hậu quả gây hại khác. Nó là nguyên do của nhiều chứng bệnh tâm thể lý. Sự ứng suất tạo nên bởi oán giận tấn công ngay vào hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch luôn luôn ở tình trạng báo động sẽ không còn biết khám phá ra kẻ thù nữa. Nó không còn nhận ra các tác nhân gây bệnh nữa. Nó còn tấn công ngay cả các bộ phận lành mạnh mà nó được coi như phải bảo vệ. Người ta giải thích như thế về sự phát sinh nhiều chứng bệnh như chứng viêm khớp, chứng xơ cứng động mạch, chứng xơ cứng từng mảng, những bệnh về tim mạch, tiểu đường, v.v… Giữa những chiến lược tự vệ chống lại những hậu quả có hại của sự oán giận, bác sĩ Redford khuyên thực tập thường xuyên tha thứ trong cuộc sống mỗi ngày.
Sau khi mô tả các cuộc nghiên cứu khoa học khác nhau về mối liện hệ nhân quả giữa các trạng thái tình cảm tiêu cực và sự xuất hiện bệnh ung thư, bác sĩ Carl Simonton dành cả một chương sách Guérir envers et contre tous chứng minh rằng sự tha thứ vẫn là phương tiện tốt nhất để vượt thắng nỗi oán giận gây hại của mình. Nhờ một kỹ thuật tranh ảnh tâm thần, ông mời những người bị ung thư cầu chúc điều tốt lành cho ông hay bà nào đã làm họ bị tổn thương. Những ai sử dụng một kỹ thuật như vậy đã cảm nhận một sự giảm bớt rõ rệt cơn ứng suất của họ. Họ cảm thấy mạnh mẻ hơn để chống lại bệnh hoạn của mình. Thật là ngạc nhiên một tiếp cận đơn giản như thế với sự tha thứ lại có thể làm phát sinh những hậu quả sinh phúc dường ấy.

3. Bám chặt vào quá khứ :
Người không muốn tha thứ hay không thể tha thứ sẽ sống thời khắc hiện tại một cách khó khăn. Y khư khư bám chặt vào quá khứ, và bởi chính sự kiện đó, tự buộc tội mình làm hỏng hiện tại, hơn nữa làm ách tắc tương lai của mình. Trong vở diễn Le voyage dans la nuit của Eugene O'Neill, Mary Tyrone bị kiệt lực vì cứ nghiền ngẫm không ngừng một quá khứ nặng nề và khép chặt với tha thứ. Nàng trở thành một gánh nặng và một nguồn phiền muộn cho các phần tử trong gia đình. Chồng nàng khổ sở van xin : "Maria ơi, vì tình yêu thiên đàng, xin em hãy quên quá khứ đi!". Nàng đốp lại : "Tại sao ? Làm sao em có thể quên đi được ? Quá khứ, chính là hiện tại, không. Quá khứ, cũng chính là tương lai. Chúng ta đều cố gắng thoát ra khỏi đó, nhưng cuộc đời lại không cho phép mình". Trước sự bất lực tha thứ của mình, đời sống nàng bị đông cứng. Việc nhớ lại quá khứ trở về làm tăng thêm nỗi đau khổ cố hữu của nàng. Thời khắc hiện tại bị tả tơi trong những sự nghiền ngẫm vô ích : thời gian trôi đi không hạnh phúc, niềm vui có thể có được từ những quan hệ con người bị mờ nhạt. Tương lai bị bít lại và đe dọa : không còn những mối liên hệ tình cảm mới, không còn những dự tính mới… Cuộc sống đóng neo trong quá khứ.
Kinh nghiệm lâm sàng của tôi với những người đau buồn vì cái chết hay sự chia ly với một người thân yêu chứng minh cho tôi thấy rằng sự tha thứ là đá thử vàng cho phép kiểm chứng xem sự thanh thoát đối với một người yêu mến đã đạt tới cùng chưa. Sau khi giúp người đó nhận ra vết thương, lau chùi vũ trụ tình cảm và khám phá ra ý nghĩa vết thương của y, tôi mời y thực hiện một cuộc tha thứ : tha thứ cho chính mình, để loại bỏ nơi y mọi dấu vết của mặc cảm tội lỗi, và tha thứ cho người thân yêu đã khuất, ngõ hầu xua đuổi mọi nỗi oán giận còn lại gây nên bởi sự chia lìa. Trong động thái của tang chế, sự tha thứ phô bày một giai đoạn quan trọng và quyết định. Chính nó chuẫn bị cho tâm hồn bước sang giai đoạn kế tiếp, đó là giai đoạn thừa kế di sản mà người thọ tang lấy lại được tất cả những gì nó đã yêu quí nơi người kia. Sau nầy tôi sẽ mô tả cặn kẻ hơn giai đoạn thừa kế nầy cũng như nghi thức cho phép nhận lãnh di sản ấy.

4. Trả thù :
Những di hại đầu tiên của cuộc sống không tha thứ chẳng mang lại gì làm thỏa lòng cả, như chúng ta vừa nhận định. Đâu là di chứng của sự trả thù ? Nó có đưa ra những viễn ảnh triển nở hơn khong ? Chắc chắn nó là câu trả lời có tính cách bản năng nhất, tự phát nhất đối với điều lăng nhục. Tuy nhiên, JM. Pohier viết rằng tìm bù trừ nỗi đau khổ của mình bằng cách gây đau khổ cho kẻ xúc phạm mình, chính là nhìn nhận cho sự đau khổ một tầm mức thần diệu mà còn lâu nó mới có. Dĩ nhiên việc nhìn thấy kẻ xúc phạm mình bị hạ nhục và đau khổ tạo nên cho người trả thù một vui khoái say mê. Nó thoa một thứ dầu thơm tạm thời lên nỗi đau riêng tư và lên nỗi nhục nhã của y. Nó làm cho người bị xúc phạm có cảm giác như không còn cảm thấy cô đơn trong nỗi bất hạnh nữa. Nhưng sẽ phải trả giá nào ? Đó là một sự thỏa mãn ngắn ngủi không có triển nở thực sự và không có tính sáng tạo trong các mối quan hệ.
Một cách nào đó, trả thù là một thứ công lý có tính cách bản năng đến từ các thần linh sơ khai của vô thức. Nó nhằm tái lập một sự bình đẳng đặt nền tảng trên nỗi đau khổ gây ra cho cả hai bên. Trong truyền thống Dothái giáo, luật phạt bằng ngang danh tiếng "mắt đền mắt, răng đền răng" có mục đích quy định việc trả thù. Nó muốn giảm nhẹ những lời nói của Lamek, con trai Cain, đã tuyên bố với các bà vợ : "Ta đã giết một mạng người vì một vết thương, một đứa trẻ vì một sầy sướt. Phải, Cain sẽ được trả thù gấp bảy lần, nhưng Lamek sẽ được bảy mươi lần bảy!" (Stk.4, 23-24). Bản năng trả thù làm mù quáng kẻ nhượng bộ nó. Làm sao có thể lượng định được giá trị chính xác của một đau khổ để đòi hỏi người có lỗi phải chịu một đau khổ tương đương ? Quả thực, kẻ xúc phạm và người bị xúc phạm đều không ngừng leo thang, khiến càng ngày càng khó phán đoán sự ngang nhau của các thương tổn. Hãy lấy ví dụ cổ điển nợ máu của người đảo Corse trong đó cái chết của những người vô tội cứ kế tục từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Dĩ nhiên những sự trả thù trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta ít đẫm máu hơn. Nhưng không phải là ít thiệt hại hơn đối với các mối quan hệ giữa người với người.
Khi ở trong bầu khí trả thù, người ta thường quên đi tác động phá hoại của sự trả thù trên toàn thể môi trường. Chẳng hạn, ở một học hiệu kia, sự xung đột cá nhân giữa vị giám đốc và một giáo sư đã biến thành một trận chiến giữa hai lập trường của đoàn giáo sư. Nhiệt độ ngờ vực và ứng xử không công minh lan ra cả nơi các học viên. Bầu khí làm việc và học tập vì thế mà ngày càng trở nên nặng nề và khó nhọc. Cũng cần phải ghi nhận tầm quan trọng tiên quyết của một thái độ tha thứ nơi các nhân vật nắm giữ quyền bính. Nếu họ để bị lôi kéo bởi tinh thần trừng phạt nhân danh xã hội của mình thì sự xung đột sẽ đạt tới những tầm mức kinh khủng và không thể kiểm soát được nơi những người thuộc quyền của họ.
Thỏa mãn mà sự trả thù mang lại kéo dài rất ngắn ngủi. Nó không thể nào bù trừ nổi các thiệt hại mà nó sẽ gây nên trong hệ thống các mối quan hệ giữa người với người. Ngoài ra, sự trả thù sẽ phát động những chu kỳ bạo lực khó mà bẻ gãy. Nỗi ám ảnh phục thù chẳng đóng góp gì để chữa lành vết thương của người bị xúc phạm, song hoàn toàn ngược lại, nó đầu độc y. Hơn nữa, không nên nghĩ rằng chỉ nguyên quyết định không trả thù kiến tạo được sự tha thứ. Tuy nhiên, nó vẫn là bước đầu tiên quan trọng và có tính cách quyết định để dấn thân trên con đường tha thứ.

Huế, lễ Đức Mẹ Dâng Mình 2001
Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss

Lời nói đầu - Lời tựa - Chương Một - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Kết Thúc
Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai