-
Moderator
C - Chọn người con
CHỌN NGƯỜI CON?
Có một ông nhà giàu kia. Ông có thú vui sưu tầm các bức danh họa trên thế giới. Những người đến thăm ông đều phải trầm trồ trước những bức tranh của Picassos mà ông đã không tiếc tiền mua chúng về treo. Ông có một đứa con trai duy nhất. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai bị gọi nhập ngũ. Trong một trận chiến, anh đã anh dũng hy sinh khi cố gắng cứu mạng cho một đồng đội. Nhớ ơn anh, và biết người cha là một người thích tranh, người đồng đội được cứu sống đã vẽ lại bức tranh ghi lại hình ảnh hào hùng của người con để tặng cho người cha.
Một thời gian sau, người cha cũng qua đời và người ta bán đấu giá những tài sản của ông. Nhiều người từ khắp nơi trên thế giới tuốn đến mong có thể mua được những danh họa có một không hai.
Người trọng tài trong cuộc đấu giá bắt đầu bằng cách nói: "Chúng ta hãy khởi đầu từ bức tranh của người con".
Một sự im lặng khó chịu bao trùm căn phòng đấu giá. Một tiếng nói cất lên: "Bỏ qua chuyện đó đi. Bức tranh đó do một tay hoạ sĩ nghiệp dư vẽ có đáng gì mà đấu giá. Đấu mấy bức của Picassos hay Rembrandts đi".
Tuy nhiên, người trọng tài vẫn không nhượng bộ: "Không, chúng ta phải bắt đầu bằng bức tranh người con trước. Ai muốn lấy bức tranh của người con".
Cuối cùng, một giọng nói cất lên từ cuối phòng: "Mười đồng". Đó là tiếng người làm vườn già nua. Mười đồng là tất cả khả năng mà người làm vườn có thể trả nổi.
"Có người trả mười đồng. Có ai trả hơn không? Có ai trả hai mươi đồng không?"
Một sự im lặng nặng nề lại bao trùm, hy vọng bức tranh được bán cho mau để chuyển qua những món khác.
"Mười đồng lần thứ nhất. Mười đồng lần thứ hai. Mười đồng lần thứ ba. Bán".
Người trọng tài gõ búa xuống. Ông xé một bao thư đi kèm với bức tranh. Đọc xong, ông tuyên bố với mọi người: "Cám ơn quý vị đã đến đây hôm nay. Cuộc đấu giá đã kết thúc". Người trọng tài giải thích: "Nội dung bức thư của chủ nhân dặn rằng hễ ai mua bức tranh người con thì sẽ được tất cả tài sản, đất đai, tiền bạc và tất cả các bức tranh. Người cha đã muốn trao tặng tất cả cho những ai chấp nhận người con".
Kính thưa,
Giả sử hôm nay chúng ta cũng mở một cuộc bán đấu giá. Mặt hàng được trưng bày ở đầy là: tiền bạc, danh vọng, thú vui trần thế, và Ngừơi con Một duy Nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu. Các bạn sẽ chọn lựa điều gì? Các bạn sẽ dùng hết gia tài, và dùng hết khả năng của mình để đạt được điều gì?
Thánh Augustinô đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng, đã trải qua biết bao thú vui của trần thế, nhưng lòng thánh nhân vẫn khắc khoải tìm kiếm một điều gì đó vượt lên trên các thụ tạo, và sau này được ơn trở lại, thánh nhân mới thú nhận rằng: “lòng con luôn khắc khoải cho tới khi được gặp Ngài, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Tổng thống Francois Mitterand được nước Pháp được coi là Chúa tể vì 14 năm luôn làm xếp. Ong đã thống nhất được  Châu. Danh vọng quyền uy ông không thiếu, nhưng cuối cùng ông thú nhận: “Một lúc nào đó bỗng nhiên người ta cảm thấy trơ trọi một mình, mất hút trong thế giới mênh mông”. Chúng ta biết khi ông chết ông xin đừng chôn ông vào chỗ danh dự anh hùng nước Pháp, mà xin với cha sở một xứ đạo miền quê, nơi ông đã được rửa tội, xin cho ông được an nghỉ nơi đất mẹ, nơi ông được sinh ra và làm người làm con Thiên Chúa. Nghĩa là ông muốn chọn Thiên Chúa, chứ không chọn vinh hoa trần gian.
Người thiếu phụ bên bờ giếng Giacob mà tin mừng Chúa Nhật thứ III mùa chay, thánh Gioan đã cho chúng ta thấy. Mỗi ngày, chị phải ra giếng kín nước. Nhưng uống nước này là tự đầy đoạ mình. Dù chưa nhận ra, nhưng chị ta vẫn thao thức và bị dày vò vì một cơn khát nào đó mà những mối tình trần tục đã không giải khát nổi, đã không làm dịu đi chút nào, càng đi sâu vào biển tình càng thấy thiếu thốn.
Thánh Gioan đã nói “vì chị đã có 5 đời chồng”. Không có nghĩa là một mình thiếu phụ đã đi lập gia đình năm đời chồng liên tiếp. Nhưng có lẽ là năm mối tình bất chính, và cả người thứ sáu cũng không thực sự là chồng. Chị là một phụ nữ trắc nết, bị xóm ngõ khinh miệt, loại trừ, chị phải đi kín nước vào giữa trưa hè nắng thay vì ban sáng hay chiều hôm như bao phụ nữ khác. Chị đi vào giờ này là để tránh gặp mặt hàng xóm láng giềng. Nhưng không ngờ chị lại gặp Chúa Giêsu “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị cho tôi xin nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống. Ai uống nước này sẽ không còn khát nữa.
CGS đã dẫn dắt chị đi từ một ý niệm cụ thể vật chất đến siêu nhiên. Từ việc chính Chúa khát nước giữa trưa hè nắng đổ lửa đến một sự khát bỏng của tâm hồn khô cạn ơn thánh. Người thiếu phụ này hằng khao khát hạnh phúc và chị đã tìm sự thoả mãn trong những thú vui xác thịt, nhưng vẫn không thoả mãn cơn khát trong lòng chị.
Cuộc đời chị là một thất bại dài đầy nghiệt ngã thất vọng. Cho đến khi gặp được Đấng Kytô , chị ta mới nhận ra. “Còn ai uống nước tôi ban sẽ không bao giờ khát nữa”. Thế là tâm hồn chị được tha thứ, được rửa sạch và đã khát, chị chẳng cần đến giếng Giacob và nước nữa, chị thoăn thoắt chạy vào thành báo tin cho biết có thứ nước sống trường sinh mà mọi người đang khao khát, đó là Đấng Kytô là Thiên Chúa cứu độ là Đấng Messia họ đang mong đợi “chính Ta là Đấng đang nói với chị đây”.
Nhìn vào thế giới hôm nay, ta thấy có biết bao cơn khát của đam mê lầm lạc, của thú vui xác thịt, của TIỀN TÀI danh vọng đã đẩy biết bao người vào hố sâu của vực thẳm. Càng ngụp lặn trong vực thẳm càng làm họ cho trở nên điên rồ đánh mất nhân cách, đánh mất tính người. Họ đã lầm, vì tất cả những thứ đó không bao giờ làm cho họ thoả mãn được. Được voi đòi tiên. Lòng tham vô đáy. Họ chỉ bắt được bóng chứ không bắt được mồi. Giếng sâu của tội lỗi chỉ làm cho con người thất vọng, chán chường. Con người vẫn khao khát một điều gì đó vượt lên trên những ảo ảnh trần gian.
Nếu phải đánh đổi cuộc đời, bạn sẽ đánh đổi vì đồng tiền, vì danh vọng, vì thú vui xác thịt hay vì Đức Kytô. Một Maria Goretti đã từ chối quan hệ bất chính, chấp nhận cái chết để giữ lòng trong sạch. Một Giám mục Cassien đã bỏ ngai toà Giám mục để sống và chết tại trại cùi Di Linh. Một Têrêsa đã bỏ Châu Au tráng lệ để đến phục vụ những người nghèo khổ, bất hạnh sống lây lất trên đường phố thành Calcutta. Các ngài đã đánh đổi cuộc đời mình vì ai? Không ai khác ngoài Đức Kytô, chỉ có Đức Kytô mới có thể làm thoả mãn mọi khát vọng cho con người, và cũng chỉ vì Đức Kytô người ta mới dám hy sinh, dám quên mình để phục vụ Đức Kytô trong những người nghèo. Chọn người con nghĩa là ta chọn một gia tài vĩnh cửu mà người Cha đã hứa ban cho những ai “tin vào Người con”. Hay đúng hơn, gia tài đó sẽ dành phần cho những ai đã được chính cái chết của người con cứu chuộc. Với mỗi người trong chúng ta, Thiên Chúa hỏi thẳng chúng ta rất rõ ràng, không úp mở: "Ngươi có chấp nhận Con Duy Nhất của ta không? Ai chấp nhận Con ta thì được mọi sự". Chắc chắn rằng trong cuộc đấu giá trên, nếu người ta biết rõ nội dung bức thư, mọi người sẽ giành giật để đấu cho được bức tranh của người con. Còn chúng ta, chúng ta biết rất rõ ý định Thiên Chúa mà chúng ta lại không chấp nhận người Con thì chúng ta quả là dại dột.
Vì mục đích cuộc sống này là gì? Sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Sống là để đi tìm hạnh phúc. Hỏi một người tình nguyện đi bộ đội và một người trốn không đi, thì cả hai đều là chọn hạnh phúc. Hỏi một người đi tu và một người không đi tu lấy vợ lấy chồng thì cả hai cách sống cũng là mong có hạnh phúc. “tu là cõi phúc – tình lê mê ly”. Nhưng hạnh phúc đích thực chỉ có ở trong Thiên Chúa. Những hạnh phúc của tiền, tình và quyền chỉ là tạm thời không vĩnh cửu, có khi còn là nỗi khổ cho người thừa hưởng nó. Người giầu cũng khóc, người yêu cũng khổ, càng yêu càng khổ. Hay có khi ở trên đỉnh cao của danh vọng mà phải chà đạp lên người khác, bị người đời khinh chê thì đó cũng là sự bất hạnh đáng thương. Nói ra điều này, chắc có người sẽ bảo rằng: biết rồi khổ lắm nói mãi. Nhưng xem ra đồng tiền và những của lạ thế gian vẫn hấp dẫn hơn là nước trời vĩnh cửu.
Người ta kể rằng có một người thợ đào vàng chết và lên thiêng đàng. Ngay ở cổng thiên đàng, thánh Phêrô hỏi:
“Ở trần gian con làm nghề gì?
Anh ta thưa: con làm nghề đào vàng
Trên thiên đàng đã có quá nhiều thợ đào vàng rồi.
Thưa Ngài, xin cứ cho con vô, để con cai trị bọn nó, kẻo chúng tham lam mà gây náo loạn thiên cung, làm sao dẹp loạn.
Vì tò mò nên thánh Phêrô cũng cho bước vào. Anh ta đảo một vòng thiên đàng mới nhận ra những khuôn mặt quen thuộc cùng nghề. Anh ta liền rỉ tai rằng: ở hoả ngục vừa phát hiện ra một mỏ vàng mới. Thế là một thoáng qua đi, các tay đào vàng đã bỏ thiên đàng, vác cuốc xẻng nhảy bổ xuống hoả ngục tìm vàng. Còn lại một mình anh, đứng ngồi không yên. Anh liền xin phép thánh Phêrô cho anh xuống tham quan một vòng hoả ngục xem sao. Thánh Phêrô bảo: đừng mơ đó là sự thật, chẳng có mỏ vàng nào đâu. Nhưng anh ta nói: thưa ngài, chính tôi phao tin đồn đó, nhưng biết đâu ở đó lại có vàng thật thì sao! Vì bọn kia đã ra đi mãi mà chẳng thấy đứa nào quay trở lại. Nói xong, anh nhảy luôn xuống hoả ngục. Thế là cả đống, cả chùm ở dưới hoả ngục. Lòng tham của con người thật không cùng, sẵn sàng hy sinh cả hạnh đời đời để thoả mãn cái khát vọng thấp hèn trần gian mau qua.
Hạnh phúc chỉ có ở trong Thiên Chúa là ỏ trong sự thật, ở trong lẽ phải, trong luân thường đạo lý làm người. Người ở trong Thiên Chúa là người sống theo đường lối, lề luật của Thiên Chúa. Con người có tự do, nhưng tự do đích thực là đi theo sự thiện, đi theo lẽ phải. Thực sự là vậy, khi chúng ta phạm tội là chúng ta mất tự do, khi chúng ta đi ngược với luân thường đạo lý, ngược với lẽ phải của lương tri con người là chúng ta mất tự do, trở thành nô lệ của ma qủy của thúc vui xác thịt.
Kinh nghiệm của Adam – Evà cho thấy, họ chỉ có thể hạnh phúc và từ do khihọ sống theo lề luật của Thiên Chúa. Ngày mà Adam – Eva quyết định giơ tay lên hái trái cấm, là ngày họ trở thành nô lệ ma qủy. Tội lỗi làm họ không có an tâm khi nghe tiếng chân Chúa bên vườn địa đàng. Tội lỗi làm họ e thẹn khi đứng trước mặt nhau. Họ phải lấy lá che thân và ẩn mình trốn tránh Thiên Chúa. Tộilỗi của Adam, của một con người mà còn liên lụy đến con cháu đời đời, sinh ra đau khổ và chết chóc. Một định luật tất yếu của đời người.
Con cháu Adam – Evà hôm nay cũng thế. Khi chúng ta đi sai lề luật Chúa là chúng ta đang giết chết đời mình.
Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của mình: tôi thường khao khát những gì ? Tôi đã tìm được chúng chưa ? Chúng có làm tôi thỏa mãn không ? Tôi có ý thức cơn khát thiêng liêng mà chỉ có Chúa mới xoa dịu được không ?
Ước mong trong NĂM giáo dục Gia Đình, chúng ta hãy dành thời giờ chiêm ngắm tình yêu hiến dâng của Chúa Kytô. Ngài đã yêu bạn, đã chết vì bạn để bạn cũng biết đối xử tốt với tha nhân, biết trân trọng tình yêu của tha nhân dành cho bạn. Bạn chọn Chúa, bạn chẳng mất mát gì? Công danh, sự nghiệp, sức khoẻ của bạn vẫn có đó, nhưng bạn còn hạnh phúc hơn nữa, vì có thêm Chúa là bạn đồng hành, một vị quân sư tài ba đang hướng dẫn cuộc đời bạn đi trong chân lý, bình an và hoan lạc.
"Lạy Đức Giêsu, con chọn Ngài. Xin sống trong con để con thấy được tự do trong vâng phục và niềm vui là môn đệ Ngài".
TÌNH YÊU LÀ GÌ?
Các bạn trẻ thân mến,
Điều gì làm cho các bạn mất thời giờ nhiều nhất? Điều gì làm cho các bạn quan tâm nhất? Điều gì làm cho các bạn hạnh phúc nhất và cũng có thể đau khổ nhất? Thưa đó chính là tình yêu. Công chưa thành, danh chưa toại người ta có thể tiếp tục phấn đấu vươn lên, nhưng sống mà không còn ai để thương để nhớ, để «Mòn con mắt đợi cổng trường. Người ta về... các ngả đường xôn xao» thì đó là cuộc đời đang chết dần chết mòn theo năm tháng.
Nhưng yêu là gì? Tình yêu đích thực cần phải biểu lộ cho người mình yêu như thế nào?
Nói đến tình yêu là nói tới một tấm lòng được chia sẻ, được cho đi một cách quảng đại và đầy hy sinh. Nên tình yêu nó cũng đòi hỏi một sự quên mình, một sự hy sinh đánh đổi cuộc đời để đồng hoá với người mình yêu. Tình yêu không có sự hy sinh đó chỉ là sự ích kỷ, và tình yêu không có lòng chung thủy đó chỉ là một sự lừa dối để tìm hưởng thụ cho riêng mình.
Chúa Giêsu, Ngài đã trở nên mẫu mực cho tình yêu. Vì yêu nên Chúa đã hoá thân làm người. Ngài bỏ ngai trời xuống trần gian để mặc lấy xác phàm giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã hoà nhập với cuộc sống con người, để gắn bó và chia sẻ với những lo âu vất vả của một kiếp người. Ngài yêu thương nên đã quên mình phục vụ tha nhân. Ngài đã đi đến tột đỉnh của tình yêu là dám chết cho người mình yêu. Tình yêu của Ngài là một tình yêu đầy cao thượng và bao dung. Cho dù con người có đầy khiếm khuyết, có bất trung tội lỗi, Ngài vẫn thứ tha, vẫn tìm cách để chúng ta có cơ hội làm lại cuộc đời. Tình yêu của Ngài là một tình yêu thủy chung. Ngài đã đi trọn con đường tình đầy đau khổ, với trái tim dốc cạn đến giọt máu đào cuối cùng là lời minh chứng cho tình yêu bất diệt của Ngài. Đó cũng là một giao ước vĩnh cửu mà từ nay cửa trời luôn rộng mở để đón nhận kẻ lỡ bước sa chân trở về. Tột đỉnh của của tình yêu nơi CGS đó chính là sự dâng hiến bản thân mình thành của ăn nuôi sống con nguời. “Không ai có tình yêu cao cả như Chúa đến nỗi dám chết cho người mình yêu”.
Cách thức thể hiện tình yêu của CGS cũng thật gần gũi với đời sống của chúng ta. Tình yêu của Ngài cũng khởi đầu từ một nhu cầu trao ban tình yêu, mong ước được chia sẻ vui buồn với người mình yêu, thể hiện sự chân thành và chung thủy qua giao ước vĩnh cửu để mãi mãi trao ban hạnh phúc cho người mình yêu.
Vậy yêu là gì? Tại sao lại phải yêu? Và thế nào mới là một tình yêu chân thực?
Có người bảo rằng yêu nhau là nhớ nhau
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”
Có thể bước đầu của tình yêu là sự nảy sinh do một hấp lực lẫn nhau giữa hai người từ một lần gặp gỡ nào đó: có cái gì đó xuất hiện ngay lúc ấy hoặc sau một thời gian ngắn mà người ta gọi là tiếng sét ái tình, để rồi cái giây phút gặp nhau đầy lưu luyến ấy, bóng hình ai đó đã làm thay đổi một cuộc đời. Từ kẻ ít nói trở thành người hay nói. Từ kẻ vô tình trở thành người biết quan tâm đến tha nhân . . . Sự thương nhớ đó khiến người ta khao khát tìm hiểu nhau và mong gặp lại bóng hình ai đó như đã in vào tâm trí từ những giây phút ban đầu gặp nhau.
Như thế đó chàng với nàng chứ không với một người thanh niên, một người thanh nữ nào khác. Như tâm tình của kẻ si tình được trao gởi qua lời hát: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Dưới nắng ban mai hay giữa trưa hè Sài gòn, có lẽ cũng có nhiều người mặc áo lụa Hà Đông, nhưng lòng kẻ si tình chỉ chợt mát vì một con người cụ thể nào đó mới mang lại cho lòng chợt mát và niềm vui cao dâng. Cho dù giữa phố Sàigòn có hàng trăm người mặc áo lụa Hà đông nhưng lòng chàng chỉ chợt mát vì chính “em” mặc áo lụa Hà đông.
Đây là một phần của tình yêu nhưng không phải là tình yêu như họ đang sống vào lúc họ sắp kết hôn.
Sự thụ hút này tạo nên sự gắn bó làm cho họ ham muốn tìm hiểu lẫn nhau, kèm theo một nhu cầu yêu mến lẫn nhau, ham muốn thực hiện một điều chung với nhau, chia sẻ cho nhau...họ có những dự định ngắn hạn, họ tìm cách làm vui lòng nhau, những kỷ vật lần lượt được trao tặng nhau như trao gởi tình yêu của mình, như biểu lộ tấm lòng khao khát làm vui lòng người yêu, nhưng giai đoạn này tình yêu vẫn mang tính vị kỷ, nghĩa là vẫn chỉ là tìm hạnh phúc cho riêng mình, cần người bạn để thỏa mãn cho sự khao khát, say sưa của bản thân nhiều hơn là lo cho người mình yêu. Điều này thể hiện qua những lời nói: “anh cần em, anh nhớ em”. Sự cần và nhớ đưa đến những buổi hẹn hò thật thơ mộng, lãng mạn và vui tươi, nhưng cũng mang lại biết bao sầu đông vì người yêu lỡ hẹn, phải một mình thẫn thờ dạo mãi quanh sân. Như Hồ Zếnh đã từng thốt lên:
"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn anh dạo mãi quanh sân.
Nhìn trên tay điếu thuốc cháy lụi dần,
Anh khẽ nói : 'Gớm ! Sao mà nhớ thế !" (chuyện ôn kỷ niệm nhân 60 măm)
Tất cả nỗi nhớ thương, sự thu hút lẫn nhau, các tình cảm nồng nàn được biểu lộ qua sự quan tâm đến đời sống của nhau làm cho hai con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và dẫn đến một nỗi ham muốn chia sẻ đến độ không còn của anh hoặc của tôi mà của chúng ta. Tất cả trở thành tình yêu vào lúc hai người thật sự dấn thân hứa trao ban trọn vẹn cho nhau, đón nhận nhau trong viễn tượng tương lai, khi thịnh vượng cũng như lúc gian, mạnh khỏe, ốm đau. Yêu nhau là cùng dìu nhau đi đến tương lai, thế nên viễn tưởng tương lai khi yêu nhau không chỉ là ôm nhau trong vòng tay hôm nay, mà là quyết định yêu nhau mãi mãi, cùng nhau đi đến hết đoạn cuộc đời. Tình yêu chân thực luôn mang tính vĩnh cửu, không chỉ yêu nhau khi tuổi còn thanh xuân mà phải gắn bó với nhau khi tóc bạc mái đầu.
Người ta vẫn thường nói : “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở – Đời mất vui khi vẹn câu thề”. Cuộc tình vẫn còn đẹp khi còn quan tâm đến nhau, chia sẻ cho nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho nhau, nghĩa là công việc vẫn dở dang. Họ vẫn và đang tiếp tục hy sinh cho nhau, quan tâm lo lắng cho nhau và tìm cách làm vui lòng nhau. Còn khi hai người không còn gì để giúp nhau, cho nhau thì cuộc đời lúc đó sẽ mất vui. Có biết bao cuộc tình tan vỡ vì họ không còn gì để trao cho nhau. Họ sống với nhau như một bổn phận và trách nhiệm, không còn mặn nồng để làm vui lòng nhau nên thiên đàng của tình yêu đã sớm trở thành hỏa ngục chứa đầy ghen tương, giận hờn và khổ đau. Như cha ông xưa đã nói:
Lấy vợ như nợ vào thân
Lấy chồng như đeo gông vào cổ
Bên cạnh đó, tình yêu không chỉ là hiến dâng, đón nhận nhau hôm nay, 10 năm, 20 năm mà là cả cuộc đời, nên tình yêu đòi hỏi sự chân thật và trung tín với nhau dù khi khó khăn, hiểu lầm bực bội, ngang bướng. . .Biểu lộ sự chân thật và trung tín này là việc công khai hóa tình yêu qua khế ước hôn nhân. Những lời nói yêu thương thầm kín giữa hai người phải được bầy tỏ trước mặt hai họ và xã hội. Có lẽ không ai chấp nhận những lời cầu hôn : “Anh yêu em nhưng đừng cho ai biết”, đó chỉ là sự lừa gạt, trơ trẽn. Tình yêu không có công khai hóa chỉ là những quan hệ lén lút gian dối, và bất chính. Do đó, việc kết hôn là xã hội hóa tình yêu để những ràng buộc của hôn nhân gìn giữ và bảo vệ cho tình yêu chân thật và giúp cho họ trung tín với nhau hôm nay và mãi mãi. Việc kết hôn cũng biến tình yêu thành tích cực giữa hai người biết bỏ ý riêng mình để hòa hợp với nhau trong hy sinh, nhẫn nại và tha thứ cho nhau. Nghĩa là “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.
Qua những phân tích trên cho chúng ta thấy tình yêu nơi con người được chia thành hai loại. Tình yêu dâng hiến (Agape) và tình yêu chiếm đoạt (Eros).
Tình yêu chiếm đoạt: đó là tình yêu vị kỷ. Họ chỉ nhắm đến nhu cầu của mình mà quên mất nhu cầu của người mình yêu. Họ luôn đòi hỏi người yêu phải mang lại hạnh phúc cho mình, tìm mọi cách để khai thác người yêu như phương tiện thỏa mãn nhu cầu thể xác và tâm hồn của mình. Bất chấp luật lệ và thiếu tôn trọng người mình yêu.
Tình yêu dâng hiến là tình yêu chân thực nhất, vì cả hai đều cảm thấy một nhu cầu trao ban đến cho người mình yêu, chấp nhận sự thiệt thòi để người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu luôn mang chiều kích hướng đến tha nhân, lo lắng cho người mình yêu và làm tất cả những gì có thể để người mình yêu được hạnh phúc. Khi hai người quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau đến độ mọi vấn đề không còn là của riêng ai thì đó là một tình yêu đích thực, sẵn sàng dâng hiến cho nhau để mang lại hạnh phúc cho nhau. Đó cũng chính là tình yêu của Đức Kytô đã sẵn lòng chết thay cho người mình yêu. Đó chính là tình yêu mà CGS đã dâng hiến chính thịt máu mình để kiến tạo hạnh phúc cho người mình yêu.
Chúc các bạn hiểu được thế nào là tình yêu chân thật, và dám sống tình yêu cho tha nhân, cho bạn bè để kiến tạo mùa xuân ngập tràn hạnh phúc cho trần gian. Chúc các bạn luôn tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống hôm nay. Amen
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules