HỒNG ÂN CỨU ĐỘ


DẪN

Trước khi nhậm chức, các nguyên thủ quốc gia thường công bố diễn văn thể hiện đường hướng hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho đất nước.

Trong thực tế, “nhân vô thập toàn”. Mọi cố gắng của con người luôn giới hạn nên tôn giáo mới chính là lời đáp cho con người tìm về lẽ sống.
Hôm nay, khai mạc sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, Đức Giê-su đã công bố lời ngôn sứ I-sai-i-a. Lời ấy không lý thuyết phô trương, nhưng ứng nghiệm nơi cuộc đời của Người.

I. LỜI NHẬP THỂ

Ngày Sa-bát, Người Do Thái vào hội đường để nghe công bố và giải thích lời Chúa. Họ đón nhận giáo huấn của Đức Chúa nhờ nghe và suy gẫm lời của Người.

Ngày nọ, trong hội đường Do Thái, một nhân vật đặc biệt xuất hiện giữa đám đông dân chúng. Sau khi công lời ngôn sứ I-sai-i-a, người ấy khẳng định những lời ông ta vừa công bố hôm nay đã ứng nghiệm (x. Lc 4, 20). Người ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người mang tên Giê-su.
Bằng ngôn ngữ và văn hóa của nhân loại, Đức Giê-su đã công bố lời Thiên Chúa và quả quyết lời Thiên đã ứng nghiệm nơi sứ vụ cứu thế của Người. Một sứ vụ do Chúa Cha sai thực hiện trong sự thông hiệp của Chúa Thánh Thần: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4, 18).

Như vậy, đón nhận Chúa Giê-su và lời của Người là đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, muốn đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa người ta phải đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần trong sự thần phục suy tôn Chúa Giê-su là Cứu Chúa . “Nơi Người ơn cứu độ chan chứa” (Tv 129, 7).

II. LỜI GIẢI THOÁT

Ơn cứu độ nơi Chúa Giê-su không mơ hồ trừu tượng. Sự hiện diện của Người ở đâu đều mang lại ơn đổi mới đến đó:
- Được Đức Giê-su chữa lành, mẹ vợ ông Phê-rô đã trỗi dậy phục vụ (x. Mc 1, 31).

- Đón tiếp Đức Giê-su đến nhà, ông Gia-kêu đã được ơn hoán cải nên đã quyết tâm đền bù thiệt hại gấp bốn, và chia nửa gia tài cho người nghèo (x. Lc 19, 8).
- Nghe lời Đức Giê-su chỉ dạy, gười phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp đã nhận ra sự thật nên nhanh chóng trở về làng kêu gọi mọi người ra gặp Đức Giê-su (x. Ga 4, 28).

- Ánh mắt của Đức Giê-su đã giúp ông Phê-rô hoán cải (x. Lc 22, 61).
- Lời hứa của Đức Giê-su trên thập giá, đã bảo đảm cho người trộm lành được phúc thiên đàng (x. Lc 23, 43).

- Cuộc sống và sự chết của Đức Giê-su đã giúp cho viên sĩ quan chỉ huy nhận ra Người là Con Thiên Chúa (Mt 27, 54).
- Nghe lời Chúa Giê-su Phục Sinh cắt nghĩa Sách Thánh và tham dự Thánh Lễ do chính Đấng Phục sinh dâng hai môn đệ trên đường Em-mau, đã phục hồi tinh thần, ngay trong đêm trỗi dậy trở lại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 23, 33).

- Tiếng Chúa Giê-su Phục Sinh gọi đã giúp bà Ma-ri-a Mác-đa-la nhận ra Chúa và hăng hái lên đường loan báo tin vui Chúa đã phục sinh (x. Ga 20, 16).
- Nghe lời Chúa Giê-su Phục sinh, các Tông Đồ đã vượt qua cơn mệt mỏi chán chường hầu vững vàng thả lưới bắt cá (x. Ga 21, 6) và hân hoan ra đi khắp nơi loan báo tin vui cứu độ có Chúa cùng hiện diện và dấu lạ kèm theo (x. Mc 16, 20).

Như vậy, Chúa Giê-su chính là Lời Chúa đã thành xác phàm. Lời ấy đã: phục sinh người chết, xua trừ quỉ mà, mang lại niềm hy vọng, chữa lành bệnh tật thân xác và tâm linh: người điếc nghe được, người mù xem thất, người câm nói được, người què đi được… công bố năm hồng ân cứu độ và vẫn đang được tiếp nối nơi những hoạt động của Hội Thánh Chúa.

III. LỜI CỨU ĐỘ

Hoạt động cứu thế của Chúa Giê-su đã khởi đi từ việc công bố lời Thiên Chúa, thứ đến là những hoạt động cứu sống nhân mạng, chữa lành bệnh tật thân xác và tâm linh. Đỉnh cao của hoạt động cứu thế là: Công bố năm hồng ân với ơn giải thoát: “kẻ giam cầm biết họ được tha… trả tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18).
Năm hồng ân chính là thời gian Thiên Chúa ban ơn đặc biệt cho con người. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã thi ân cho nhân lọai. Chính việc Chúa Giê-su đến trong thế gian đã thực sự đem lại thời hồng phúc, thời cứu rỗi.

Trong Chúa Giê-su, phẩm giá con người được nâng cao. Họ không còn bị nô lệ cho bất cứ một thể chế nào hay hệ tư tưởng nào. Thiên Chúa đã giải thoát họ để họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và thờ phượng Người trong chân lý và sự thật.
Nối tiếp họat động cứu thế của Chúa Giê-su, Hội Thánh không ngừng loan báo tin vui cứu độ bằng lời, bằng tình yêu với những họat động trợ giúp cụ thể, nhất là bằng chính mạng sống của mình.

Ngày nay, theo định kỳ 25 năm và những dịp đặc biệt, Hội Thánh mở Năm Thánh hầu giúp dân Chúa ý thức sâu sắc thời gian thánh là thời gian hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để họ thánh hóa cuộc sống, củng cố đức tin, sống tình hiệp nhất yêu thương và hiệp thông huynh đệ trong lòng Hội Thánh và thế giới, và nhất là tuyên xưng đức tin một cách chân thành và sống sống động nơi Chúa Giê-su Cứu Thế.
Hội Thánh đang đồng hành với nhân nhân loại đây đó vẫn còn nhiều vấn nạn về phận con người: Con người hiện diện trên đời để làm gì? Sau khi chết con người đi về đâu? Đâu là con đường giải thoát?...Tự sức con người, những câu hỏi này mãi mãi chỉ là vấn nạn. Do đó, Hội Thánh mang nơi mình sứ vụ làm chứng cho niềm tin, trở nên trung gian để muôn người tìm đến với Chúa Giê-su, đón nhận lời của Người hầu khám phá lẽ sống cho đời mình.

KẾT
Tuyên ngôn của tân nguyên thủ quốc gia là những thiện chí giúp ích cho đất nước an bình thịnh vượng.

Tuy nhiên,giữa lý thuyết và thực tế luôn có khoảng cách.
Trong khi đồng hành với cuộc đời, người tín hữu chọn bước theo Chúa Giê-su, tin Người là con đường là sự thật và là sự sống, “Nơi Người ơn cứu độ chan chứa” (Tv 129, 7).


Lm Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R