Chúa Nhật XIX - TN B - 09.08.2009

THÁNH THỂ NHIỆM TÍCH TÌNH YÊU


Liên tiếp Lời Chúa trong những tuần qua, bắt đầu từ Chúa nhật XVII Thường Niên B, Giáo Hội chọn chương VI Tin Mừng Thánh Gioan trình thuật về việc Chúa Giêsu tự giới thiệu Người là bánh trường sinh, qua đó phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều là hình ảnh của bí tích Thánh Thể mà Ngài thiết lập sau này. Thánh Gioan đã viết Phúc âm khoảng sáu mươi năm sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Có thể nói, hy tế Tạ Ơn là một cuộc vượt qua của người Kitô Hữu. Trong lúc cử hành hy lễ chúng ta tuyên xưng cùng Đức Kitô: Chính bằng sự chết Chúa đã phá hủy sự chết cho chúng ta, bằng sự sống lại, Ngài đã phục hồi sự sống cho chúng ta.

Chương VI của Phúc âm theo thánh Gioan gồm bảy mươi mốt câu, là chương dài thứ hai trong Tân Ước, được chia làm năm phần trải đều qua năm Chúa Nhật. Từ câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều tại khung cảnh xảy ra ven biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ đến Caphanaum với bài giảng về hy tế Thánh Thể. Ngài hướng dẫn dân chúng hy tế tạ ơn là một đặc ân và Chúa Nhật XIX hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng giáo lý của Ngài với lời lẽ xác quyết: Bánh mà Ta sẽ ban là Thịt Ta cho thế gian được sống, và Chúa còn nói mạnh mẽ hơn: Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống.

Thật ra, sách viết về bí tích Thánh Thể thì nhiều hơn là sách viết về các bí tích khác. Từ ngữ Eucharist có nghĩa là dâng lời tạ ơn, ám chỉ đến hành động của thánh lễ. Khi hứa với chúng ta về bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Bánh mà Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống”. Thật vậy, trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta chính Mình Người dưới hình bánh và rượu, là của nuôi thiêng liêng cho đời sống của chúng ta.

Bạn thân mến,

Ngày 4 tháng 8 năm 2009 là ngày kỷ niệm 150 năm thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars qua đời. Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hành tại chủng viện, nhưng nhờ lòng đạo đức và sự khiêm hạ tín thác vào Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, mà Chúa đã dùng thánh nhân như máng chuyển ơn trời cho hối nhân qua bí tích Hòa Giải...Chính dịp kỷ niệm năm qua đời đáng nhớ của vị thánh bổn mạng các linh mục này, đã khiến cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố cử hành Năm Thánh Linh Mục để mời gọi toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho các linh mục. Đặc biệt, Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ với tư cách là đặc sứ của Đức Thánh Cha đã đến tận xứ Ars, chủ sự thánh lễ mừng kính thánh Gioan M. Vianney. Giảng trong thánh lễ trọng thể với hơm 10.000 tín hữu tham dự, Đức Hồng Y Claudio Hummes kêu gọi mọi người cùng Giáo Hội cảm tạ Thiên Chúa trong Năm Thánh Linh Mục này, đồng thời Giáo Hội cũng luôn ngưỡng mộ và yêu thương các linh mục…Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã nói: “Thánh Gioan M. Vianney là mẫu gương của các linh mục vì cuộc sống lòng tin và đời cầu nguyện liên lỉ, nhất là cầu nguyện trước Thánh Thể. Thánh nhân coi việc cử hành Thánh Lễ là trung tâm cuộc sống…”

Nói tóm, thánh Gioan trình bày hai chủ đề quan trọng Phúc âm chương 6 của Ngài là Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh. Từ bánh hằng sống, Chúa Giêsu hướng lòng mọi người đến bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu ngự trong bí tích Thánh Thể giúp chúng ta duy trì và củng cố đời sống thiêng liêng, đồng thời gắn bó mối tương quan của chúng ta với Người. Lời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Khi thiếu bánh chân lý, thứ bánh tinh thần thì con người trở nên suy nhược bệnh hoạn. Trong thế giới nhiễu nhương này con người lấy sự dữ làm sự thiện, lấy sai lầm làm chân lý, lấy vấp phạm làm quyền lợi”.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium số 11 cũng đã dạy: Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo. Bí tích Thánh Thể tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Đó là chính Đức Kitô. Vì nhờ bí tích Thánh Thể mà lời hứa của Chúa Giêsu được thực hiện: Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế ( Mt 28,20). Sách GLCG số 1359 còn nhấn mạnh thêm: Thánh Thể là bí tích cứu độ được Chúa Kitô thực hiện trên Thập giá cũng là một hy tế để ngợi khen và cảm tv Chúa Cha, vì đã sáng tạo vũ trụ vạn vật. Trong hy tế Thánh Thể, tất cả vạn vật được Thiên Chúa yêu thương sẽ được dâng lên Chúa Cha qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô, Giáo Hội có thể dâng lên hy lễ ngợi khen để cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì là tốt lành, tốt đẹp và công chính trong các tạo vật và trong nhân loại.

Thánh lễ là lời tạ ơn của Giáo Hội đối với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa…
Mỗi khi chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể và đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu: chúng ta nhận thức đây là nguồn sức mạnh từ trời ban xuống giúp ta thắng vượt mọi khó khăn bởi Bánh Thánh Thể được gọi là Viaticum, lương thực đi đường.

Qua bàn tiệc Thánh Thể con người kết hợp với Thiên Chúa và liên kết với nhau, để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người. Hơn nũa, việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể là dấu chỉ của sự loan báo Vương Quốc Tình Yêu, Bàn Tiệc Thiên Quốc ( Lc 22,16; GLCG # 1344). Đứng trước bí tích Thánh Thể, nhiệm tích Tình Yêu mà Chúa thương ban, chúng ta chỉ biết dâng lời cảm tạ tri ân và xin ơn sống xứng đáng với tình Chúa yêu ta qua nhiệm tích cực thánh này.



Lm. Peter Nguyễn văn Phong, SDD.