Phỏng vấn Linh Mục Lucio Pinkus, giáo sư phân tâm học, về các hình thái diễn tả sự ”giòn mỏng” của đời linh mục


Trong thời gian qua, nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, đã cho đăng tải các suy tư của bác sĩ Vittorino Andreoli, giáo sư phân tâm học, liên quan tới một số hình thái diễn tả sự giòn mỏng trong cuộc sống của con người linh mục.

Giáo sư Andreoli sinh năm 1940. Sau khi đậu tiến sĩ Y Khoa và Giải Phẫu tại đại học Padova bắc Italia, ông nghiên cứu lãnh vực sinh học thực nghiệm, chuyên về não bộ, rồi làm việc tại đại học Cambridge bên Anh quốc và đại học Cornell New York bên Hoa Kỳ. Giáo sư cũng làm việc với Học viện dược khoa Milano và nghiên cứu tương quan giữa não bộ tâm lý và y dược. Tiếp đến bác sĩ chuyên về ngành não bộ nghiên cứu thái độ hành xử của con người và sự điên loạn, rồi sau cùng chuyển qua ngành phân tâm học.

Hiện nay bác sĩ Andreoli là giám đốc phân bộ Phân tâm học của đại học Verona trung bắc Italia, kiêm thành viên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ, và Chủ tịch Ủy ban Tâm Bệnh của Hiệp Hội Quốc Tế Bệnh Tâm Thần. Bác sĩ đã là tác giả của nhiều sách trong lãnh vực này, trong đó có các cuốn ”Một thế kỷ của sự điên loạn” xuất bản năm 1991; ”Người điên được chế ra” xuất bản năm 1992, ”Bạo Lực” xuất bản năm 1993; ”Chiếc áo điên” xuất bản năm 1995; ”Ước muốn giết người” xuất bản năm 1996; ”Và chúng ta sẽ luôn sống tự do khỏi âu lo” xuất bản năm 1997.

Đã có nhiều đóng góp suy tư khác theo sau các bài viết của bác sĩ Andreoli, trong đó có suy tư của ông Alessandro Castegnaro, giáo sư xã hội học tại đại học Padova và giáo sư xã hội học và tôn giáo tại phân khoa thần học đại học Triveneto bắc Italia. Dựa trên các thống kê liên quan tới hàng giáo sĩ vùng Triveneto đông bắc Italia, giáo sư Alessandro Castegnaro nhận xét rằng ngày nay các linh mục thường bị rơi vào tình trạng không yêu thích nhiệm vụ của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Lucio Pinkus, giáo sư phân tâm học, về các hình thái diễn tả sự ”giòn mỏng” của đời linh mục. Cha Pinkus là tu viện trưởng cộng đoàn các ”Tôi tớ Đức Maria” tại Arco di Trento, và là giáo sư Học viện cao học Khoa học tôn giáo Monte Berico và tại đại học Urbino bắc Italia. Cha cũng là giáo sư tâm lý tại đại học Venezia và thành viên Ủy ban luân lý sinh học quốc gia Italia.

Trong đại hội Liên hiệp các bề trên dòng nam Italia mới đây cha Pinkus đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết các đức tính nhân bản của các linh mục tương lai như: khả năng chấp nhận chính mình, khả năng chế ngự được các cảm xúc và tình cảm, ý thức các giới hạn của mình, cũng như ý thức về các tài khéo và đặc sủng Chúa ban cho mình và tận dụng chúng cho các công tác tông đồ mục vụ.

Hỏi: Thưa cha, tại sao ngày nay các linh mục lại gặp khủng hoảng căn cước và cảm thấy mình vô ích thừa thãi trong xã hội tân tiến hiện đại như vậy?

Đáp: Lý do không phải là vì các linh mục nhận thức được sự chống đối chứng tá của các vị cho bằng thấy nhiều thành phần xã hội thờ ơ với bất cứ suy tư nội tâm nào, và không để cho các vấn nạn liên quan tới cuộc sống đánh động họ. Nhưng tôi xin đưa ra sự phân biệt sau đây: các linh mục gặp sự khủng hoảng vừa nói thuộc các thế hệ đứng tuổi. Các vị gặp vấn đề với các thứ ngôn ngữ của thế giới tân tiến ngày nay. Thế hệ của các vị là thế hệ của viết lách, suy tư và đào sâu nội tâm, nhưng giờ đây lại phải tính sổ với nền văn hóa ngày nay là nền văn hóa có mô thức kinh nghiệm thực tiễn. Sự cách biệt giữa người thông truyền lòng tin và các người nhận có thể được nhận ra ngay trong một buổi cử hành phụng vụ, thường khi qúa chậm chạp và gây mệt mỏi đối với chính các lớp cha mẹ trẻ, vì họ thấy cung cách cử hành phụng vụ thiếu sinh động, không lôi cuốn và không có sự tham dự tích cực của cộng đoàn.

Hỏi: Thế còn đối với các linh mục trẻ hơn thuộc lứa tuổi dưới 40 thì sao thưa cha?

Đáp: Xem ra các linh mục trẻ cũng phải sống kinh nghiệm khó khăn, vì các chờ mong khác nhau của tín hữu đối với họ: các vị bước vào lãnh vực mục vụ hy vọng có thể gặp gỡ trực tiếp với giáo dân, nhưng lại khám phá ra rằng nhiều người chỉ nuôi dưỡng một loại chờ mong nào đó nơi các vị mà thôi. Do đó các vị cảm thấy bị ”cưỡng bách”.

Tôi xin đơn cử một thí dụ: các linh mục trẻ này muốn định hướng cộng việc thừa tác của mình dựa trên việc lắng nghe, nhưng giáo dân lại đòi hỏi các vị phải biết làm nhiều việc khác như: chủ tọa các buội hội họp của các nhóm và phong trào, có các sáng kiến trong việc quyên góp tiền bạc vv... Thế rồi còn có khoảng cách nào đó giữa các vị với giáo dân như quan niệm về sự thánh hiến của linh mục, khiến cho các vị không thể sống sự hòa đồng như đã sống khi còn ở trong chủng viện hay với các nhóm trẻ.

Hỏi: Trong cụ thể cha có ý nói gì qua sự ”chung sống hòa đồng” này?

Đáp: Một linh mục trẻ không thể nghĩ tới các tình bạn trong một nghĩa sâu đậm được. Trái lại phải hết sức chú ý đối xử với mọi người như nhau. Rất thường khi linh mục cũng không thể tự cho phép mình tổ chức một buổi ăn tối với bạn bè trong nhà xứ... Tôi biết xem ra đó là điều lạ, nhưng rất thường khi những người nói rằng họ yêu thích các linh mục cởi mở và có óc phê bình, thì lại là những người thích các vị an toàn, hữu hiệu, trung thành với hình ảnh linh mục của các vị.

Hỏi: Người ta cũng hay nói rằng việc đào tạo các linh mục phải chú ý nhiều hơn tới các khía cạnh tâm lý, có đúng vậy không thưa cha?

Đáp: Có lẽ cần phải xem lại viễn tượng, theo đó tầm quan trọng không chỉ là đào tạo một linh mục, mà phải hỏi xem làm thế nào để đào tạo một người của Chúa, nghĩa là một người biết đem kinh nghiệm về Thiên Chúa vào thế giới. Nói cách khác, chỉ đào tạo sự chuyên môn về giáo lý và mục vụ không thôi, thì chưa đủ, cần phải có một sự đào tạo kinh nghiệm và nhân bản nữa, giúp đương đầu và thắng vượt được các tình trạng khó khăn không thể tránh được.

Hỏi: Dưới con mắt của cha là chuyên viên chữa trị tâm lý, đâu là các cuộc khủng hoảng dễ nhận thấy nhất trong cuộc sống của các linh mục?

Đáp: Đó là các cuộc khủng hoảng tình cảm và chúng cũng là các cuộc khủng hoảng nhân bản nhất. Xem ra thỉnh thoảng người ta giả thiết rằng việc gắn bó trí thức với Thiên Chúa tương đương với kinh nghiệm về Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc trái lại đôi khi nó không đúng như vậy. Và tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế. Và khi gặp khó khăn thì vị linh mục không đứng vững được.

Hỏi: Dư luận công cộng, cả bên trong cộng đoàn Kitô, thường yêu sách luôn luôn có thể cậy dựa trên một linh mục ”toàn vẹn, không chê trách vào đâu được”, như giáo sư Andreoli đã ghi nhận, dư luận này có sức nặng nào thưa cha?

Đáp: Điều này cũng thuộc các chờ mong truyền thống, và đôi khi nó bị phóng đại một chút, làm như thể là tất cả mọi người đều là thánh cần được tôn phong ngay không bằng... Tôi xin nhắc lại là chính các tông đồ ban đầu cũng không thánh thiện gì, chính vì các vị qúa ”bình thường”. Các cộng đoàn Kitô phải ý thức rằng chính họ phải giúp vị linh mục hiện thực và chu toàn nhiệm vụ của linh mục như là người.

Hỏi: Thưa cha Lucio, cha có ý kiến gì về tình trạng qúa mệt mỏi của các linh mục thường bị đè bẹp dưới sức nặng của qúa nhiều việc phải làm?

Đáp: Đây chắc chắn là một đề tài lớn. Tôi có cảm tưởng rất nhiều linh mục không thành công trong việc dành ưu tiên cho một khoảng thời gian thinh lặng chiêm niệm và lo cho chính mình trong ngày sống. Và khi đó thì không thể tránh được cảnh đến một lúc nào đó bị kiệt quệ năng lực, và tình trạng này trở thành một tước đoạt. Trong kinh nghiệm cuộc sống kitô, nước là yếu tố rất quan trọng: chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta không phải là suối nước không bao giờ cạn. Trái lại chúng ta chỉ là các ống dẫn nước thôi. Để có thể là các dụng cụ hữu hiệu của Chúa chúng ta phải biết săn sóc chính chúng ta, thỉnh thoảng dành thời giờ cho chính mình và vun trồng một sở thích nào đó. Chỉ khi chúng ta có niềm an bình lớn trong con tim, chúng ta mới có thể chu toàn nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ dân Chúa, trao ban tình yêu thương, niềm hy vọng và sự tin tưởng. Nhưng cũng còn có hai khó khăn khác nữa. Thứ nhất là cám dỗ đếm số tín hữu tham dự các lễ nghi: nó có nguy cơ trở thành điều răn thứ 11 của các nhân viên mục vụ. Và thứ hai là có tương quan qúa bàn giấy với Đức Giám Mục của mình. Trên bình diện nhân bản Đức Giám Mục có vai trò trợ lực rất lớn, gần như là vai trò của cha mẹ vậy.

Hỏi: Một vài nhà xã hội học vùng Triveneto cho biết trong sự cô đơn của vị linh mục người ta có thể nhận ra sự kiện cộng đoàn đã không sống như một gia đình, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng thế. Chúng ta phải giúp các linh mục không sợ hãi là chính mình, cho thấy mình yếu đuối. Kinh nghiệm của sự giòn mỏng được chấp nhận và được chia sẻ với cộng đoàn được giao phó cho linh mục như là một người chữa lãnh nhưng bị thương, khiến cho vị linh mục sau đó có thể trợ giúp người khác hữu hiệu hơn trong cảnh yếu đuối của họ.

Hỏi: Các linh mục dòng như cha thì có được lợi thế vì sống trong một cộng đoàn. Hai lộ trình có thể gặp gỡ nhau hay không?

Đáp: Trong hàng giáo sĩ giáo phận các cộng đoàn linh mục ít được phổ biến, vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tôi cầu mong có một cuộc cách mạng nhỏ: đó là một linh mục giáo phận có thể thường xuyên lui tới một cộng đoàn tu sĩ ở gần, ít nhất là cho các bữa ăn, để cầu nguyện hay để giải trí một chút. Cả hai bên đều có lợi: các tu sĩ có thể nhận ra nơi vị linh mục một người thợ làm trong cùng một vườn nho của Chúa, và các linh mục tiếp nhận được từ vị tu sĩ một kiểu sống khác giúp lớn lên trong cùng nỗi đam mê đối với Nước Trời
.

(Avvenire 18-2-2009)
Linh Tiến Khải