Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (78)

771. Khoa học và biến cố Đức Giêsu chết và sống lại

Con người thời nay, nếu bỏ đức tin ra ngoài, thì chỉ biết tôn sùng khoa học và chỉ biết đem khoa học ra cắt nghĩa mọi sự. Họ muốn cái gì cũng phải được nghiệm thu, được đo đạc, được tay rờ, được mắt thấy, được tai nghe, được kiểm chứng một cách rõ ràng tại chỗ.
Nói rằng cách đây hai ngàn năm, có một người sau khi chết, đã tự mình sống lại, sau khi đã bị chôn chặt trong ngôi mộ ba ngày, đã tung mồ sống lại, là điều mà con người ngày nay không thể nào chấp nhận được, vì khoa học không bao giờ thấy được sự kiện một người chết ba ngày, rồi sống lại.
Khi nghe người công giáo chúng ta nói rằng: Chúa Giêsu đã sống lại, và điều nầy đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, thì khoa học ngày nay không tin được vì cho rằng việc đó không thể nào kiểm chứng nổi, không thể nào nghiệm thu được.
Như vậy, với óc phê bình khoa học thực nghiệm, con người ngày nay có thể có hai thái độ:
hoặc là chối sự kiện Chúa Giêsu sống lại: nhưng than ôi, điều nầy không thể nào chối được vì GIÊSU đang rành rành trước mặt họ, vì GIÊSU là trung tâm của lịch sử nhân loại; không có GIÊSU, nhân loại như một người mất đi quả tim, không thể nào sống nổi;
hoặc cho rằng sự Chúa Giêsu sống lại chỉ là do óc tưởng tượng của các tông đồ bày đặt ra mà thôi: nhưng than ôi, điều nầy cũng không thể nào chủ trương nổi vì thấy tôn giáo của các tông đồ nầy truyền ra, - những tông đồ nhát đảm, ngu dốt, nghèo mạt -, thì hiện nay lan tràn khắp nơi, và sau hai ngàn năm rồi, vẫn sinh động một cách lạ lùng mãnh liệt!

772. Biến cố Chúa Phục Sinh đối với người công giáo

Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, Biến cố Sống Lại của Chúa Giêsu, đối với người công giáo chúng ta, những người có đức tin, thế nào ?
Khi định nghĩa Đạo Công Giáo, chúng ta phải gọi đó là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại thì mới đầy đủ ý nghĩa vì biến cố Phục Sinh là cơ sở, là căn bản, là điều quan trọng nhất trong Đạo chúng ta.
Giữ Đạo, đối với chúng ta, chẳng qua là tin mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu của chúng ta, tuy đã chết, nhưng đã sống lại.
Không có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu sống lại, chúng ta chỉ biết Đạo mình như một thứ tôn giáo do bàn tay con người nào đó tạo ra, chứ không thể nào giữ Đạo và sống Đạo theo đức tin siêu nhiên mạnh mẽ được.
Biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu là tất cả vận mạng của cuộc đời chúng ta vì không có biến cố nầy, cuộc đời chúng ta hoàn toàn sụp đổ và vô lý. Chính thánh Phaolô đã nêu lên điều nầy khi ngài quả quyết: "Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng." (1 Cr 15,14)

773. Người công giáo hiên ngang vì Thánh Giá

Nhìn lên Cây Thánh Giá, người công giáo chúng ta thờ cùng một lúc, sự Chúa chết và sự Chúa sống lại: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại!”
Khi làm Dấu Thánh Giá, khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta tuyên xưng việc Chúa chết và việc Chúa sống lại.
Nếu chúng ta dừng lại nơi cái Chết của Chúa Giêsu, là để chúng ta nhìn ngắm sự Sống Lại trong cái chết của Ngài. Vì thế, nếu chúng ta nhìn lên Thánh Giá, làm Dấu Thánh Giá mà còn để cho buồn phiền, lo âu, thất vọng, sợ sệt đè bẹp chúng ta, thì chúng ta chưa phải là người theo Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại của Chúa Giêsu.

774. Hãy thương hại những ai chống lại Đạo Công giáo!

Người công giáo là người theo Chúa Giêsu Phục Sinh. Họ luôn thấy cuộc sống hiện nay của mình có ý nghĩa, luôn thấy đường đời mình đang đi có hướng rõ rệt, luôn thấy những bế tắc của mình có lối thoát, luôn thấy cuộc sống mai hậu của mình được bảo đảm ngàn thu bất diệt.
Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa Giêsu Sống Lại, thật là nguồn hy vọng bất diệt cho người công giáo. Và thương hại thay cho những ai chống lại Đạo Công giáo vì họ tìm cách chống Chúa Giêsu, Ông Tổ của Đạo Công giáo, Đấng đã toàn thắng sự chết, Đấng đã phục sinh vinh hiển. Chúng ta thương hại họ vì họ tìm cách giết một Người không thể chết được, vì họ tìm cách triệt hạ một Người không bao giờ sụp ngã.

775. Sống đời Phục Sinh ngay trong đời sống hiện nay của mình.

Rạng ngời ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu sống lại, đó là điều người công giáo phải có.
Nếu có vị sáng lập đạo nào, - mà đạo đó làm cho kẻ chết sống lại, và tự mình, ông cũng sống lại, - thì những người theo đạo ông nầy thế nào cũng lấy làm sung sướng và hãnh diện, không ngớt tuyên truyền và cao rao đấng sáng lập nầy, và lôi cuốn được nhiều người theo đạo nầy. Và đây là điều mà các Tông Đồ và các bổn đạo trong thời Giáo-Hội sơ khai đã làm: “Thầy chúng tôi đã bị đóng đinh chết, nhưng nay đã phục sinh sống lại!”
Ước gì đức tin vào Chúa Phục Sinh của các Tông Đồ và các bổn đạo ngày xưa cũng là đức tin vào Chúa Phục Sinh của chúng ta ngày nay: “Thầy chúng tôi đã bị đóng đinh chết, nhưng nay đã phục sinh sống lại!”
Và người công giáo luôn sống đời Phục Sinh ngay trong cuộc sống hiện tại của mình.

776. Tự tin xoá bỏ tự ti.

Một người coi thường bản thân, có cảm giác tự ti, thì điều đó đồng nghĩa với việc đã tự khoác lên mình một chiếc gông, khiến tâm trí không có thể có được những hoạt động sáng tạo.
Tự ti khiến cho con người cảm thấy xấu hổ, tâm trạng xuống dốc, tư duy trì trệ, mất tinh thần, ý chí tiêu tan, ưu sầu, phiền muộn...
Vậy thì làm thế nào mới có thể phá bỏ được sự kìm kẹp của chiếc gông nặng nề nầy?
Sự tự tin, chính là chìa khóa để mở cửa “tâm trí”. Nó có thể khiến một người ưu sầu, phiền muộn, trở nên phấn chấn; có thể khiến những tư duy cứng nhắc trở nên vô cùng hoạt bát; khiến người tự ti trở thành một con người hoàn toàn khác. (Để Có Trí Nhớ Vượt Trội – Phương Nga – Lam Trình)

777. Không thai khác đầy đủ tiềm năng của mình vì lười biếng.

Tiềm năng của con người, rốt cuộc, có bao nhiêu?
Về vấn đề nầy, e rằng không ai có thể trả lời được. Nhưng theo cách nói của các nhà khoa học, suốt cuộc đời của mình, con người mới chỉ có thể vận dụng một phần trăm sức lực bộ não của mình, cũng có nghĩa là tiềm năng của con người vẫn còn đến chín mươi chín phần trăm đang chờ được khai thác.
Sở dĩ chúng ta chưa thể khai thác được tiềm năng của mình vì thông thường, trong con người, đều có tính lười. (135 Kỹ Xảo Làm Việc Của Người Thông Minh – Hoàng Kim)

778. Hãy phát triển và cân đối con người tâm linh bên trong với những nhu cầu thể chất bên ngoài.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta thường chỉ chú trọng đến hạnh phúc bên ngoài. Còn lại bao nhiêu thời gian trong ngày, sau khi chúng ta đã cung cấp cho những nhu cầu thể chất – làm việc, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi?
Tuy nhiên, nếu cứ như thế trong một khoản thời gian dài, có thể dẫn đến việc chúng ta phủ nhận một thực tế, là có một điều gì đó cao hơn thể xác của chúng ta. Chúng ta còn có cảm giác, tư tưởng và cảm xúc; đó là những phương tiện con người bên trong của chúng ta.
Chỉ tập trung vào thể xác, có nghĩa là chúng ta đã để cho tinh thần bên trong không được nuôi dưỡng và trống rỗng.
Chúng ta có thể có của cải và các tiện nghi bên ngoài, nhưng cảm giác đích thực của bình an và hạnh phúc bên trong có thể không đến với chúng ta.
Nếu tinh thần bên trong của chúng ta không được nuôi dưỡng, không có bình an hay không hài lòng, thì chúng ta lại phụ thuộc nhiều hơn vào thể xác, những thành đạt bên ngoài và sức khoẻ, xem đó như là tất cả nguồn hạnh phúc trong đời. Do đó, nếu chúng ta bị mất đi sức khoẻ hay bị thất bại trong công việc, thì cảm giác hạnh phúc cũng tan biến.
Nhiều người đã nhận ra rằng để có một sức khoẻ và hạnh phúc toàn diện, thì cần phải phát triển và cân đối con người tâm linh bên trong với những nhu cầu thể chất bên ngoài. (Nâng Cao Sức Mạnh Tinh Thần – Margaret Pinkerton)

779. Sống trong hiện tại thế nào?

Sống trong hiện tại là loại bỏ những phút giây xao lãng và tập trung về những gì quan trọng vào lúc nầy.
Bạn là người tạo ra Hiện tại cho mình bằng chính những gì bạn có thể làm ngay bây giờ. (Quà Tặng Diệu Kỳ - Spencer Johnson, M.D.)

780. Năm phương thức để vượt lên nỗi sợ hải

Một, tập cho mình thói quen không lo lắng về những gì ngoài tầm kiểm soát hay những điều không chắc sẽ xảy ra.
Hai, hãy tự nhủ trước những tin tức thổi phồng trên các phương tiện truyền thông hoặc tránh không xem những tin tức đó.
Ba, nếu cảm thấy có sự bất an trong một mối quan hệ nào đó, hãy tránh xa mối quan hệ ấy và tìm sự giúp đỡ.
Bốn, hãy nghĩ mình luôn sống trong một môi trường an toàn.
Năm, nên nhớ rằng mỗi vấn đề bao giờ cũng có hai mặt. Hãy nhìn mặt tích cực của nó và đừng để mặt tiêu cực tạo nên sự sợ hải cho bản thân. (Hạnh Phúc Ở Trong Ta – Debbie Gisonni)


LM Nguyễn Vinh Gioang