CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY C

CÁC ĐỒ ĐỆ ĐƯỢC NHÌN THẤY VINH QUANG CỦA ĐỨC GIÊSU


St 15,5-12.17-18 ; Pl 3,17 – 4,1 ; Lc 9,28b-36




Trình thuật Lc 9,28b-36 là câu chuyện về cuộc hiển dung của Đức Giêsu. Câu chuyện này chuẩn bị cho chúng ta hiểu mầu nhiệm vượt qua mà Đức Giêsu sẽ thực hiện tại Giêrusalem.

“Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê” (c.28b).

Đức Giêsu đem theo mình ba đồ đệ. Ông Gioan được kể tên trước ông Giacôbê theo thói quen của Lc. Các ngài lên núi. Đó là nơi chốn biểu tượng cho sự gần gũi với Thiên Chúa, là nơi chỗ của mạc khải và là nơi Đức Giêsu thường cầu nguyện thâu đêm trong cô tịch (6,12).

Tác giả Lc không xác định rõ đó là núi nào, cũng chẳng nói núi ấy cao hay thấp. Một truyền thống có từ thời ông Ôrigênê cho rằng đó là núi Ermon (cao 2800m) nằm ở phía bắc Xêdarê Philípphê. Nhưng núi ấy quá cao, không thể đi lên đến đỉnh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, vả lại nó cũng quá lạnh, không phù hợp với việc cầu nguyện thâu đêm. Một truyền thống khác cho rằng đó là núi Tabor (cao 950m), không xa Nadarét. Nhưng hình như vào thời Chúa Giêsu đã có một pháo đài được xây trên đó.

Trong Lc, ý định của Đức Giêsu khi đưa ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi không phải là để tỏ mình ra cho các ông, mà là để cầu nguyện. Biến cố hiển dung xảy đến khi Đức Giêsu đang chìm vào trong tương quan vô cùng thân mật với Thiên Chúa. Cũng tương tự như vậy, một cuộc thần hiện đã xảy ra khi Đức Giêsu đang cầu nguyện sau khi đã chịu phép rửa.

Trong Lc, Đức Giêsu thường lên núi cầu nguyện vào ban đêm. Trình thuật Tin Mừng hôm nay còn nhắc đến việc ông Phêrô và các bạn “ngủ mê mệt” (c.32) và “hôm sau” (c.37). Những điều đó cho thấy sự kiện hình như diễn ra vào ban đêm. Và như thế, mối tương quan của biến cố hiển dung này với biến cố tại vườn Dầu được khắc hoạ khá rõ nét.

“Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (c.29).

Việc cầu nguyện diễn ra trước khi Đức Giêsu hiển dung và dẫn đưa vào biến cố hiển dung đó. Thánh Luca đã cố ý tránh dùng động từ “biến hình đổi dạng” (metamorphousthai) mà thánh Máccô đã dùng. Chúng ta không rõ tại sao ông lại cố ý tránh như thế. Thay vào đó, tác giả Lc chỉ viết đơn giản : “dung mạo Người bỗng đổi khác”. Cách diễn tả “trắng tinh chói loà” là cách diễn tả mang tính khải huyền, có giá trị biểu tượng cho điều kiện thiên thai, phản ánh sự siêu việt thần linh của Thiên Chúa, của chiến thắng, của vinh quang. Ở câu 32, tác giả sẽ nói rõ đó là “vinh quang của Đức Giêsu”. Nhiều người coi câu 29 là một lời có ý khẳng định về thần tính của Đức Giêsu. Có lẽ không phải như vậy : còn quá sớm để Lc đưa ra khẳng định đó. Nhưng dù sao chăng nữa, lời khẳng định của Lc ở đây có bao hàm vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Thực tại thần thiêng và siêu việt đó, bây giờ, đã “đâm thủng” và vượt quá thực tại phàm trần và sự khiêm nhường của con người đang chìm trong cầu nguyện. Thần tính không hề thay thế nhân tính của Đức Giêsu.

“Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (cc.30-31).

Trong biến cố hiển dung của Đức Giêsu, xuất hiện hai con người chứ không phải hai thiên thần, nhưng hai con người này đều “rạng ngời vinh hiển”, tức là họ đến từ thế giới thiên thai. Đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai ông đàm đạo với Đức Giêsu “về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”.

Tác giả Lc không nói rõ ý nghĩa của sự kiện ông Môsê và ông Êlia xuất hiện, và tại sao lại là hai ông chứ không phải là các nhân vật nào khác. Cặp đôi Môsê và Êlia có lẽ được đề cập đến ở đây như là đại diện cho Lề Luật và các ngôn sứ, là những thực tại được thành toàn nơi Đức Giêsu. Một cách lý giải khác nhấn mạnh tính cách là “các ngôn sứ cánh chung” của hai nhân vật này. Sự xuất hiện của họ cho thấy thời buổi đã mãn, hoặc sự kiện Đấng Mêsia của Đức Chúa ngự đến đã xảy ra. Hiểu theo nghĩa này, sự xuất hiện của Môsê và Êlia là chỉ dẫn cho thấy thời Mêsia đã đến.

Trong Lc, nhiều lần xuất hiện kiểu diễn tả “Môsê và các ngôn sứ” (Lc 16,29.31 ; 24,27 ; Cv 26,22). Có lẽ trong trình thuật hiển dung này, cần phải hiểu cách diễn tả “Môsê và Êlia” theo đường hướng chung đó. Như thế, Môsê và Êlia là đại diện cho Kinh Thánh, vốn tiên báo về số phận đau khổ của Đức Giêsu. Và quả thực, đó cũng là chủ đề của cuộc đàm đạo. Nói cách khác, hai nhân vật này có ý diễn tả lời loan báo của toàn thể Kinh Thánh Cựu Ước về số phận của Đức Giêsu và khẳng định rằng con đường đau khổ mà Đức Giêsu sắp hoàn thành trong cuộc thương khó của Người là một thực tại thuộc về chương trình của Thiên Chúa được Kinh Thánh xác nhận.

Môsê và Êlia nói về cuộc xuất hành của Đức Giêsu. Hạn từ “cuộc xuất hành” gợi ý về biến cố Xuất Hành trong Cựu Ước. Nó bao hàm cái chết, nhưng không chỉ giới hạn trong mầu nhiệm tử nạn của Đức Giêsu. Đây là mầu nhiệm vượt qua của Người, tức là có bao hàm ý nghĩa chỉ về mầu nhiệm phục sinh, cho dù ý nghĩa chỉ về cái chết của Đức Giêsu vẫn rõ ràng được nhấn mạnh.

Nội dung của cuộc đàm đạo, như thế, cho thấy rằng con đường khổ giá mà Đức Giêsu sắp hoàn thành là một hành trình được thiết lập bởi chính Thiên Chúa. Trong biến cố hiển dung, cuộc hành trình của Đức Giêsu tiến về Giêrusalem (9,51) được trình bày như là thực tại nằm trong chương trình của Thiên Chúa để thực hiện ơn cứu độ đã được loan báo trong Cựu Ước. Có lẽ đó là ý nghĩa của sự hiện diện của ông Môsê và ông Êlia trong biến cố hiển dung.

“Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người” (c.32). Giấc ngủ của các đồ đệ ở đây là hình ảnh muốn diễn tả sự chậm tin và u mê của các ông trước mạc khải của Thiên Chúa. Sẽ là vô ích nếu chúng ta tìm cách đưa ra những lời giải thích “lịch sử”, ví dụ cho rằng các ông ngủ mệt là vì đoạn đường lên núi khá xa đã khiến các ông mệt nhoài, hoặc là vì đêm đã về khuya. Vấn đề không phải là sử tính của giấc ngủ mê mệt này, mà là ý nghĩa của nó.

“Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng : « Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia. » Ông không biết mình đang nói gì” (c.33). Thánh Luca là tác giả duy nhất cho chúng ta biết lý do của đề nghị của ông Phêrô trong biến cố hiển dung. Theo Lc, đó là lúc ông Môsê và ông Êlia từ biệt Đức Giêsu. Vậy đề nghị của ông Phêrô có thể được hiểu như ý muốn làm chậm lại cuộc chia tay và kéo dài kinh nghiệm về vinh quang nối kết cõi thiên thai với cõi phàm trần này. Trong thực tế, ý tưởng về các chiếc lều trong câu nói của ông Phêrô là một ý tưởng có giá trị tôn giáo. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã từng ngự trong Lều Hội Ngộ trong suốt cuộc xuất hành của dân. Lều Hội Ngộ đã là hình ảnh tiên báo mầu nhiệm Thiên Chúa cư ngụ chung cục và mai hậu giữa con cái loài người.

“Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (c.34). Như một câu trả lời cho đề nghị của ông Phêrô, một đám mây bao phủ lấy các ông. Trong Cựu Ước, đám mây là thực tại có tầm quan trọng đặc biệt về phương diện thần học. Đó là dấu hiệu hữu hình của sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa và của vinh quang Ngài. Trong Xh 24,15-18, ông Môsê đi vào trong đám mây đang bao phủ đỉnh núi, nơi vinh quang của Đức Chúa đang hiển ngự. Trong Xh 40,34-35 “đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn Nhà Tạm ; ông Môsê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn Nhà Tạm”. Vậy rõ ràng là trên núi hiển dung, có sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa và của thế giới thần thiêng mà những kẻ đang có mặt ở đó được mời gọi đi vào. Sự sợ hãi của các đồ đệ ở đây được tác giả Lc trình bày như là một sự kính sợ của con người trước sự hiện diện của thực tại thánh thiêng. Sự sợ hãi đó là nét đặc trưng của phản ứng của con người trước một hiện tượng siêu nhiên.

“Và từ đám mây có tiếng phán rằng : « Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy (cc.35-36).

Tiếng của Thiên Chúa phán từ đám mây trong trình thuật này nhắc cho chúng ta tiếng được phán trong cuộc thần hiện sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,22), nhưng lần này thay vì phán trực tiếp với Đức Giêsu thì lại là tiếng phán với các đồ đệ của Người. Tác giả Lc nối kết Tv 2,7 với Is 42,1 và đặt vào bối cảnh cuộc hiển dung nhằm cho thấy sự nối kết chặt chẽ giữa vinh quang mà Đức Giêsu thực hiện với sự cần thiết của con đường đau khổ. Sau đó, chính Thiên Chúa Cha yêu cầu các đồ đệ của Đức Giêsu vâng nghe lời Đức Giêsu, tức là đi theo cùng một con đường vượt qua của Người. Lời Thiên Chúa phán từ đám mây rõ ràng đối ngược với ý muốn của ông Phêrô muốn cố định mình, ngay từ bây giờ, trong vinh quang của Vương Quốc Mêsia đang đến.

Khi tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn lại một mình Đức Giêsu. Hai ngôn sứ và đám mây đã biến mất. Chi tiết này rất có ý nghĩa đối với Hội Thánh và mỗi người chúng ta. Nó cho biết đâu là điều cần thiết duy nhất đối với Hội Thánh : “chỉ còn một mình Đức Giêsu”. Chỉ một mình Đức Giêsu đang ở đây với các đồ đệ , và Người có lời ngỏ với Hội Thánh, còn nhiệm vụ của Hội Thánh là vâng theo lời ấy.

Tác giả Lc không kể lại chi tiết Đức Giêsu yêu cầu các đồ đệ giữ im lặng. Nhưng ông viết : “trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy”. Vậy sự kiện các đồ đệ “không kể lại cho ai biết” ở Lc không phải là sự kiện xuất phát từ một lệnh truyền. Đó là sự thinh lặng trước một biến cố siêu nhiên mà mình chưa hiểu hết ý nghĩa.

***

Tóm lại, trong cuộc hiển dung, Đức Giêsu được giới thiệu như là niềm hy vọng đích thực của nhân loại và như là Đấng hoàn thành Cựu Ước. Lc nói về cuộc “vượt qua” của Đức Giêsu, tức là mầu nhiệm bao hàm cả cái chết lẫn sự phục sinh của Người. Ba đồ đệ ngủ mê mệt là hình ảnh sự bất lực của người ta trong việc đi vào mầu nhiệm đó của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ kéo họ ra khỏi tình trạng bi đát ấy nhờ ân sủng của Người và nhờ vinh quang của Người. Đám mây biểu tượng cho sự siêu việt của Thiên Chúa và cho sự hiện diện của Người. Đám mây đó bao phủ tất cả các đồ đệ đang hiện diện. Ba đồ đệ nghe được tiếng Chúa Cha phán, khẳng định Đức Giêsu là Con được tuyển chọn của Thiên Chúa: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Lời đó cũng đang được phán với mỗi người chúng ta hôm nay.


Lm Nguyễn Thể Hiện dcct
28-02-2010