MẸ NHÂN LÀNH



THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ - 2009

“Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”.

Một trong những tước hiệu mà Giáo Hội thường dùng để kêu cầu Mẹ Maria đó là “Mẹ nhân lành”. Trong kinh lạy Nữ Vương, chúng ta thường đọc: “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy”. Mẹ nhân lành bởi vì Mẹ luôn giúp con người.

Trong chuyện của thánh Gioan Maria Vianey, cha sở họ Ars có kể lại giai thoại của một người đàn bà muốn biết về số phận của người chồng, vừa gieo mình tự tử từ một chiếc cầu cao. Người vợ lo lắng cho người chồng bạc phước, vì ông ta đã chết trong tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa. Thế nhưng thánh Gioan Vianey đã trấn an người đàn bà như sau: “Từ chiếc cầu cao đến giòng nước, cũng đủ thời gian để chồng bà hoà mình với Thiên Chúa nhân từ”. Và thánh nhân giải thích rằng: “Đó là ơn đặc biệt của Mẹ Maria”. Bởi vì theo sự chứng kiến của thánh nhân, người đàn ông này mặc dù trong phút chốc đã thất vọng, nhưng trước đó, cứ mỗi ngày từ ngoài đồng trở về nhà, ông không bao giờ quên mang đến bàn thờ Đức Mẹ một cánh hoa.

“Mẹ Maria nhân lành”, “Mẹ hay thương xót”, bởi vì chính Mẹ là người được Chúa thương xót. Lời ca của Mẹ trong kinh “Ngợi khen”, là một lời tiên tri về lòng thương xót của Chúa: “Lòng thương xót của Chúa qua đời nọ đến đời kia”.

Thông điệp mang tên “Giàu lòng thương xót”, ban hành năm 1980, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng: “Để đem lại trật tự luân lý cho thế giới ngày nay, công lý thôi chưa đủ, mà phải có lòng thương xót”. Thế nhưng, thế nào là lòng thương xót? Đức Thánh Cha đã viết như sau:

“Lòng thương xót đích thực được thể hiện khi nó đề cao cổ võ và thực hiện được sự công bằng, tôn trọng nhân phẩm, hiệp thông và chia sẻ, chiến thắng mọi hình thức của sự dữ đang hiện hữu trong thế giới và trong con người”.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, có nghĩa là Ngài không bao giờ thất vọng về con người. Giữa muôn nghìn sự dữ đang diễn ra trong thế giới và trong con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và giáng phúc cho con người. Trong bài dụ ngôn về người con phung phá, chúng ta hiểu được phần nào về lòng thương xót. Một đứa con dù hư hỏng đến đâu, người cha vẫn tiếp tục yêu thương nó và xem sự phản bội của nó như khởi đầu của một tình yêu cao lớn hơn.

Thập giá là tuyệt đỉnh của độc ác nơi con người. Thế nhưng đối với Thiên Chúa, nó trở thành biểu hiệu của lòng thương xót bao la của Ngài. Sự độc ác của con người càng mãnh liệt, thì lòng thương xót của Thiên Chúa càng dồi dào hơn. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý đó như sau: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều thì nơi đó ơn Chúa càng dữ dội”. Thiên Chúa yêu thương con người từ chính tội lỗi của nó, bởi vì Ngài không bao giờ thất vọng về con người.

Kêu cầu Mẹ với tước hiệu “Mẹ nhân từ”, chúng ta cũng hãy noi gương Me, để không ngừng ca ngợi và biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng yêu thương tôi. Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho tôi. Đó phải là bài ca chúng ta không ngừng dâng lên Chúa, nhất là trong những giây phút đau thương và đầy thử thách của cuộc sống. Lòng thương xót của Chúa không cho phép chúng ta thất vọng từ tội ác, từ đau kho, và từ những bất hạnh của chúng ta. Thiên Chúa luôn mang lại cho chúng ta nhiều điều thiện hảo hơn.

Là những người được xót thương, chúng ta cũng hãy biết cao rao lòng xót thương của Chúa, bằng chính những cử chỉ xót thương đích thực của chúng ta đối với anh em. Lòng thương xót đích thực luôn luôn khuôn mẫu theo chính lòng thương xót của Chúa, nghĩa là phải xuất phát từ một niềm tin, đó là: kính Chúa yêu người. Với cái nhìn của đức tin, nghĩa là chính cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi để nhận ra giá trị của người anh em chúng ta. Người anh em đó có thể là người đang hãm hại ta, đang tìm cách để loại trừ ta, đang gây ra cho ta không biết bao nhiêu tai hại. Thế nhưng với cái nhìn của Chúa nhân từ, chúng ta hãy tha thứ cho người anh em đó, vì tin rằng: người anh em đó cũng đang là đối tượng của lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria nhân từ phù trơ, để chúng ta hiểu được lòng thương xót của Chúa đối với mỗi người chúng ta, và để chúng ta cũng thi thố chính lòng thương xót ấy cho người anh em của chúng ta.