Linh đạo hài hòa



Chúng ta nên nhớ rằng người Châu Á đã trải qua những kinh nghiệm thực tế trước khi chúng được hệ thống hóa thành những suy tư thần học hay chương trình hành động trong tương lai. Bởi thế, chúng ta cần nhìn vào đời sống hay cách thực hành sự hài hòa theo một trật tự mới, tức là linh đạo hài hòa, kế đến là thần học về hài hòa và cuối cùng, chúng ta sẽ dựa vào hai yếu tố đó để dấn thân tích cực trong việc kiến tạo sự hài hòa. Nói cách khác, chúng ta sẽ đi từ thực hành trên bình diện đời sống nội tâm cá nhân và cộng đoàn đến một suy tư có hệ thống được trình bày rõ ràng, sau đó chúng ta lại trở về với thực hành mà chúng ta cam kết hành động hay thực hiện[*].

Bất chấp sự khác biệt tôn giáo, văn hóa và xã hội của bối cảnh đang sống, chúng ta cùng nhau tiếp tục hành trình trong cuộc sống, bằng cách chia sẻ niềm vui và buồn phiền của dân chúng, cũng như niềm an ủi và mâu thuẫn trong thời đại chúng ta. Bằng cách đó, chúng ta sẽ hun đúc và thấm nhuần một viễn ảnh hài hòa, đồng thời để cho viễn ảnh đó hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta nhiệt thành hành động vì sự hài hòa.

Những thách đố của tình trạng xung đột tại Á Châu kêu gọi chúng ta thực hành một nền linh đạo hay một lối sống mới cho phép chúng ta trở nên chứng nhân, sứ giả và trung gian của sự hài hòa. Linh đạo này đặt nền tảng trên các giá trị cơ bản của Tin Mừng và trở nên phong phú hơn nhờ những giá trị tương tự mà chúng ta khám phá được nơi những tín ngưỡng và các nền văn hóa Á Châu. Tiếc rằng linh đạo Kitô giáo, tuôn trào từ truyền thống Kinh Thánh, đã không còn nhấn mạnh đến kinh nghiệm nội tâm về Chúa Thánh Thần, mà đã mặc lấy những hình thức linh thao quy ngã qua các việc đạo đức. Kinh nghiệm Á Châu mời gọi chúng ta trở về với linh đạo nhấn mạnh đến kinh nghiệm nội tâm có khả năng đưa đến một tầm nhìn mới và những thái độ mới trong cuộc sống và trong tương quan với thế giới bên ngoài. Nhờ sự thinh lặng, cô tịch và trở về với chính mình, chúng ta có thể cảm nghiệm về đại vũ trụ trong chính bản ngã là tiểu vũ trụ và có điều kiện phát huy một linh đạo hài hòa sâu sắc hơn.

1. Một linh đạo khai mở

Linh đạo hài hòa mời gọi chúng ta mở lòng ra trong bốn chiều kích. Bắt đầu với ý thức về sự hài hòa nội tâm mà Thiên Chúa ban tặng, chúng ta hướng đến tương quan hài hòa với tha nhân; sau đó vươn tới sự hài hòa với thiên nhiên và vũ trụ. Khi chúng ta mở lòng ra mà tương quan hài hòa với chính mình, với tha nhân và vũ trụ, chúng ta sẽ vươn tới chóp đỉnh của sự hài hòa, đó là tương quan với Thiên Chúa.

a. Hài hòa với chính mình

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, cho nên dưới tầm nhìn vũ trụ, đời sống con người là phản ánh của vũ trụ, và ngược lại, vũ trụ bao la là phản ánh và phóng chiếu của tiểu vũ trụ nơi con người. Theo linh đạo Kitô giáo, mọi thứ tội đều cản trở, nếu không nói là phá vỡ sự hài hòa Thiên Chúa đã thiết lập. Do đó, để có được sự hài hòa nội tâm, con người phải liên lỉ chiến đấu chống lại mọi thế lực của sự dữ.

b. Hài hòa với tha nhân

Hài hòa với tha nhân là nhìn nhận họ là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26). Sự hài hòa này được thể hiện một cách tuyệt đỉnh nơi Chúa Giêsu, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15). Đó là tình yêu hỗ tương và cao cả như Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ (Ga 13,34-35). Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tự hủy và hết lòng cởi mở với tha nhân, nhất là với những người bé mọn, đồng thời chống lại sự ích kỷ và tự phụ.

“Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (Rm 12, 16).

“Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn” (1Pr 3, 8).

c. Hài hòa với tạo thành

Để sống hài hòa với thiên nhiên, con người phải lọai bỏ vũ trụ quan xem con người là trung tâm vũ trụ, và tôn trọng mọi thụ tạo như là dấu vết của Thiên Chúa. Thái độ trân trọng này làm nẩy sinh sự hài hòa phản chiếu tình thương quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi thụ tạo của Người. Lòai người được mời gọi khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ (Tv 104,109), và cộng tác với Người mà làm cho trái đất này trở nên phong phú hơn.

Vì “lòng tham mà con người đã lạm dụng và trấn lột thiên nhiên, đồng thời đe dọa sự sống còn của gia đinh nhân lọai một cách nghiêm trọng” (Văn phòng Đối thọai Liên tôn IV/12, 1991), cho nên mọi tín hữu có trách nhiệm cấp bách là phải mở lòng lắng nghe tiếng kêu của thiên nhiên và mầu nhiệm thiên nhiên, trở về với việc gắn bó và tôn trọng thiên nhiên như thuở ban đầu, phát huy một nền linh đạo quy về tạo thành như trung tâm, cùng nhau đến trước tạo thành trong thinh lặng và yêu thương, chấp nhận sự trật tự và hài hòa của thiên nhiên như Thiên Chúa đã thiết lập, chống lại mọi thế lực khai thác và tàn phá thiên nhiên, bởi vì khi con người sống “hài hòa với thiên nhiên, họ sẽ hài hòa với nhau trong tâm hồn và tương quan” (Sđd., 33-34).

d. Hài hòa với Thiên Chúa

Thiên Chúa là nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi sự hài hòa. Người là nền tảng và cùng đích của mọi sự hài hòa. Khi chúng ta đi lên cùngThiên Chúa, chúng ta phải đi ngang qua Chúa Giêsu, “con đường, sự thật và sự sống” duy nhất của chúng ta (Ga 14, 6). Với Người và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tâm hồn chúng ta thổn thức kêu lên, “Abba, Cha ơi!” (Gl 4, 6) và “Maranatha, lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” (Kh 22, 21). Như vậy, mầu nhiệm đời sống và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu mực và cùng đích của mọi sự hiệp thông trong cộng đoàn nhân loại (Mv 22).

2. Linh đạo hiệp thông và đối thoại

Linh đạo Kitô giáo đặt nền tảng trên mạc khải và kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba ngôi. Thiên Chúa đã đoái thương tự mạc khải qua công trình tạo dựng, cứu chuộc và quan phòng hiệp nhất mọi sự trong đa dạng. Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta xây dựng một đời sống hiệp thông và hợp tác mạnh mẽ hơn. Sự hiệp thông và cộng tác này không chỉ giới hạn trong tôn giáo và nền văn hóa của mình, mà phải mở ra với mọi tôn giáo và mọi nên văn hóa khác.
Căn cứ trên niềm tin, chúng ta đều là con cái của cùng một Cha, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, cùng nhau thực hiện một hành trình đời sống hướng về một mục tiêu chung, chúng ta ý thức rằng tinh thần cởi mở trong việc đối thoại và hợp tác với tha nhân (đối thoại và hợp tác liên tôn) cũng là một ân huệ Thiên Chúa ban để giúp chúng ta thể hiện sự hiệp thông cơ bản với mọi người.

Cho dù sự hiệp thông và hợp tác liên tôn phải được thể hiện trên cấp bậc quốc tế và quốc gia, nhưng đây cũng là một nhiệm vụ của các Kitô hữu. Để giảm thiểu những xung khắc về cơ cấu và thể hiện một sự hài hòa hơn trong cộng đòan Giáo Hội, mọi thành phần trong Giáo Hội phải chia sẻ và tham gia nhiều hơn, thông cảm và tha thứ cho nhau hơn nữa. Trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta được mời gọi giải hòa những khác biệt về cơ cấu và chức năng. Chỉ khi nào Giáo Hội thực hiện và làm chứng cho đời sống hiệp thông và đối thoại ngay trong lòng Giáo Hội, bấy giờ Giáo Hội mới có thể trở nên chứng nhân và sứ giả của hài hòa trong thế giới.

3. Nhập thể và Vượt qua là con đường hài hòa

Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên một thành phần của nhân lọai. Mầu nhiệm này mời gọi chúng ta đồng hóa với mọi thực tại đang cần được hòa hợp với nhau. Tự biến đổi để có thể sống với nhau và sống cho nhau đòi hỏi chúng ta phải tự hủy (kenosis), hủy mình ra không, tự giải thóat khỏi nỗi thèm khát quyền lực, đặc ân và giàu có. Chúng ta cần liên tục chống lại thời đại tiêu thụ này bằng những hình thức tự hiến có tính khổ chế hơn nữa.

Đàng khác, mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành trong phụng vu và xem là nguồn mạch và chóp đỉnh của hành trình Kitô giáo, mời gọi chúng ta đón nhận đường thánh giá như một cách sống giữa những thực tại xung đột trên thế giới. Những thực tại này gây đau đớn và khổ sở cho những người tự nguyện dấn thân vào sự xung đột. Vi phạm những quyền cơ bản của con người, mất tự do, mất mạng sống và hủy hoại những tài sản quý giá là một vài ví dụ trong số những hậu quả thấy được mà những cuộc xung đột trong vùng đã gây ra. Chấp nhận đau khổ như thánh giá trong thời đại chúng ta, hay đồng hóa với những kẻ được kêu gọi chấp nhận những đau khổ đó, là con đường cứu độ và hài hòa của Kitô giáo.

4. Linh đạo ngôn sứ phục vụ sự hài hòa

Là những người phục vụ và làm chứng cho sự thật, các ngôn sứ có thể xuất hiện như những tiếng nói bất đồng và khuấy động trong những tình huống mà người ta chấp nhận thỏa hiệp với bất công và bất bình đẳng một cách thụ động, nếu không nói là một cách quỷ quyệt. Tuy nhiên, qua sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu Kitô trong việc giải hòa mọi thành phần trong thế giới và giao hòa thế giới với Cha của Người, chúng ta thấy cần phải có những ngôn sứ dấn thân cho sự hòa giải và hài hòa. Lắng nghe Lời Thiên Chúa và cố gắng trung thành với Lời Chúa, họ sẽ làm chứng cho sự thật một cách thuyết phục dưới những hình thức khác nhau.

Linh đạo ngôn sứ thôi thúc chúng ta chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa, chứ đừng nghe theo tiếng nói thế gian. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hình ảnh về ngôn sứ: Từ tổ chức và quyền lực bên ngoài hay hiệu năng thế tục đến sự giản dị trong hiện diện và phục vụ trong khiêm tốn. Đó là linh đạo của những người nghèo đầy lòng trắc ẩn và liên đới với mọi người, nhất là với những người nghèo (FABC V, số 9,5).

Chúng ta không thể cổ võ sự hài hòa bằng cách chấp nhận hoàn toàn hiện trạng bất công, hay thỏa hiệp với sự dữ, hay miễn cưỡng bao dung với người khác, mà bằng cách can đảm lên án sự dữ dưới những hình thức khác nhau và chấp nhận người khác một cách tích cực, nếu không muốn nói là một cách bác ái. Như vậy, để xây dựng sự hiệp nhất giữa những khác biệt sâu xa về tôn giáo và văn hóa, thì linh đạo ngôn sứ hẳn là điều không thể thiếu.

Hài hòa không phải là thỏa hiệp với thực tại gây xung đột và cũng không phải là hài lòng với trật tự hiện nay. Hài hòa đòi hỏi phải có thái độ và hành động có sức biến đổi, để thay đổi xã hội hiện nay. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ một linh đạo ngôn sứ vừa bác ái vừa mạnh dạn phê bình tình hình.

Trong khi nhấn mạnh đến nhu cầu hiểu biết và trân trọng những hệ thống giá trị hiện nay, Văn phòng Đối thọai Đại kết và Liên tôn (IV/10, 1986), tha thiết yêu cầu phải có thái độ phê phán, bởi vì những hệ thống giá trị hiện nay cũng có thể hợp thức hóa tình trạng bạo lực, bất công và xâm phạm tự do triền miên. Để cổ võ sự hài hòa, chúng ta có nhiệm vụ dấn thân hơn nữa vào việc biến đổi cơ cấu xã hội (số 4).

5. Đời sống cầu nguyện sâu xa: Một cách thức thể hiện linh đạo hài hòa

Sự hài hòa được thể hiện qua những giai đọan khác nhau, từ sự hài hòa với chính mình, với tha nhân và thiên nhiên, đến sự hài hòa với Thiên Chúa, cũng là con đường cầu nguyện như Chúa Giêsu đã sống. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Người đã không ngừng mở lòng ra với thế giới chung quanh và với Chúa Cha. Chúng ta phải dựa trên gương mẫu của Người để tái khám phá đời sống cầu nguyện.

Quả thích hợp nếu chúng ta biết phát huy những hình thức chiêm niệm phương Đông, kinh nghiệm sa mạc, việc hồi tâm và đời sống cộng đòan trong các truyền thống tôn giáo – văn hóa phong phú của xã hội Châu Á, nhờ đó mà có thể giúp người ta phát triển kinh nghiệm về sự hài hòa toàn diện cho đến khi đạt tới sự viên mãn trong ngày sau hết.

FABC II (1979) đã kể việc cải thiện đời sống cầu nguyện của con người tòan diện trong sự hợp nhất giữa thân xác, tinh thần và linh hồn, là một trong những yếu tố của nên linh đạo Kitô giáo chân chính (số 32). Như vậy là nhấn mạnh đến sự cần thiết của một đời sống tâm linh hài hòa, đời sống này yêu cầu con người phải tiến triển cho đến khi đạt tới tầm mức đầy đủ về phương diện thể lý và tâm linh. Đại hội FABC II đã nhấn mạnh đến việc đáp ứng những khát vọng bình đẳng và tham gia phù hợp với phẩm giá và tự do của con người, cũng như lòng khao khát thiết lập mối tương quan yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Người trong đời sống hằng ngày và trong hòan cảnh tôn giáo – văn hóa, xã hội – kinh tế và chính trị cụ thể của họ (số 2).

Do đó, chúng ta phải khắc phục xu hướng thần bí và lối sống đạo quy ngã nói chung. Phải động viên các Kitô hữu thực hiện đúng vai trò của mình trong vũ trụ và trong thiên nhiên, thực hành một nền linh đạo cổ võ sự hài hòa trong xã hội bằng những việc làm cụ thể. Hầu hết những hình thức đạo đức tập trung vào nhu cầu cá nhân thì không thể cổ võ một nền linh đạo hài hòa quy hướng về tha nhân.

Gợi ý suy tư và cầu nguyện

1. Trong 4 chiều kích (hài hòa với mình, với tha nhân, với tạo thành và với Thiên Chúa), chiều kích nào cấp bách hơn đối với tôi?

2. Đâu là những hành động cụ thể để làm hòa với mình, với tha nhân, với tạo thành và với Thiên Chúa?

3. Sứ vụ ngôn sứ đòi hỏi tôi phải làm gì để tái lập sự hài hòa trong xã hội?


Lm Antôn Nguyễn Ngọc Kính (ofm)

---------------------------------

[*] FABC’s Theological Advisory Commission, “Asian Christian Perspectives on Harmony” (Hong Kong, 1995), trong Franz-Josef Eilers, For All the Peoples of Asia: FABC Documents 1992-1996, tr. 286-291.

Bài này là phần đầu trong chương cuối của tài liệu nói trên (ch. 1: Những thách đố trong việc kiến tạo sự hài hòa tại châu Á; ch. 2: Những nỗ lực kiến tạo sự hài hòa; ch. 3: Khai thác những yếu tố văn hóa và tôn giáo tại châu Á; ch. 4: Đường hướng của Giáo Hội Á Châu; ch. 5: Một đời sống hài hòa). Chương này gồm ba phần: linh đạo hài hòa, thần học hài hòa và tích cực dấn thân kiến tạo sự hài hòa (Dịch giả).