Lễ Thánh Mađalêna

Có thể nói rằng ngang qua cuộc đời của thánh nữ Maria Mađalêna, chúng ta được chiêm ngắm lòng từ bi nhân hậu của một Đức Giêsu một cách rõ nét nhất. Thật vậy, lòng từ bi nhân hậu ấy đã biến Maria Mađalêna từ một tội nhân thành một thiện nhân, và hơn thế nữa từ một thiện nhân thành một thánh nhân.

- Trước khi gặp Chúa Giêsu, Mađalêna là tội nhân. Một tội nhân thứ thiệt, một tội nhân công khai bị mọi người khinh miệt. Tâm hồn của Mađalêna tràn ngập cỏ lùng. Có thể nói cỏ lùng phủ kín hết mọi ngóc ngách cuộc đời, tưởng chừng như không bao giờ diệt được, và cũng chẳng có thứ thuốc nào đủ mạnh để diệt được. Kinh thánh đã dùng hình ảnh “bị 7 quỷ ám” để diễn tả tình trạng và cuộc đời của ngài (Một quỷ cũng đủ chết rồi, đàng này 7 quỷ). Tên của ngài đã bị ghi vào sổ đen của các Luật sĩ và Biệt phái, và bản án bất di bất dịch: hạng người ô uế, tội lỗi cũng đã được luật Môisê viết sẵn. Môi trường sống của ngài chỉ còn là khoảng nhỏ nằm bên ngoài lề xã hội. Ngài không còn cơ hội nào để có thể gột rửa được vết nhơ của tội luỵ. Chỉ có phép lạ mới giúp ngài tẩy trắng được quá khứ ô nhơ của bụi trần. Thế nhưng, phép lạ đã thực sự xảy ra. Phép lạ xảy ra từ chính cuộc gặp gỡ với một con người có tên là Giêsu.

- Khi gặp Chúa Giêsu, ngài đã trở thành một thiện nhân. Gặp được Chúa Giêsu, ngài đã mau mắn giã từ quá khứ, khép lại những trang đời đen tối, và sẵn sàng để làm lại cuộc đời. Việc đầu tiên đó là tin tưởng gieo vòng tay từ ái của Chúa. Và, từ đây lòng thương xót của Chúa Giêsu đã sáng lên trên cuộc đời của ngài. Gặp được Đức Giêsu là gặp được hiện thân của lòng từ bi thương xót. Rõ ràng Chúa Giêsu đã không dọi đèn pha vào quá khứ của ngài và lật lại từng trang lý lịch đen của ngài. Chúa Giêsu cũng không đọc lại bản án mà luật Môisê đã viết. Chúa chỉ biết chạnh lòng thương xót và xót thương. Chúa chỉ nói lời tha thứ và thứ tha. Cỏ lùng vực là tội lỗi đã được lòng thương xót Chúa Giêsu tẩy trừ. Tâm hồn của ngài giờ đây đã trở nên như trang giấy trắng mở ra, để cho Chúa Giêsu viết lên đó một câu chuyện đổi đời tuyệt đẹp. Mùa đông âm u sầu muộn tưởng chừng như vô tận đã nhường chổ cho mùa xuân rạng rỡ ngát hương.

- Sau khi được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, ngài đã trở thành một thánh nhân. Dù tội của ngài lớn; song lòng sám hối ăn năn của ngài còn lớn hơn. Lỗi của ngài nhiều, nhưng tình yêu ngài dành cho Chúa Giêsu còn nhiều hơn. Và chính vì yêu nhiều, nên ngài đã được Chúa thứ tha nhiều. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này trước mặt những người biệt phái: “Bà đã được tha nhiều bì bà đã yêu nhiều”. Không những là được tha nhiều, tha hết, mà tình yêu ấy còn biến Ngài thành một môn đệ đặc biệt của Chúa Giêsu, người sẽ trọn đời gắn bó với Thầy của mình, gắn bó đến độ sẵn sàng đi theo Thầy trên mọi nẻo đường, kể cả đường Thánh giá thương đau. Và cũng vì tình yêu gắn bó ấy mà Ngài đã trở thành người đầu tiên được vinh phúc thấy Chúa Giêsu sống lại hiện ra, và cũng là người đầu tiên vinh dự được Chúa trao sứ mạng đem Tin mừng phục sinh. Chính ở chi tiết này mà Phụng vụ Đông phương gọi ngài với danh hiệu là Tông đồ của các Tông đồ.

Thế đối với Giáo hội Công giáo thì sao ? Với GHCG, ngài chẳng những là một vị thánh, mà còn là một vị thánh lớn. Bằng chứng là Phụng của Giáo hội đã dành cho Ngài một vị trí đặc biệt. Mặc dù được mừng ở bậc lễ nhớ, nhưng có bài đọc riêng, lời nguyện riêng. Và Giờ Kinh Phụng Vụ đọc trong ngày lễ của Ngài cũng có các điệp ca, lời Chúa và Thánh ca Tin mừng riêng và trang trọng.

Cuộc đời của thánh nữ Maria Mađalêna là thế, còn cuộc đời chúng ta thì sao ? Chúng ta cũng là tội nhân như ngài, nhưng chúng ta có để cho tình yêu Chúa biến chúng ta thành thiện nhân và xa hơn là thành thánh nhân như ngài hay không ? Thiên Chúa dành cho chúng ta cơ hội để thực hiện điều đó cũng ngang bằng với cơ hội mà Chúa dành cho thánh nữ Mađalêna. Vậy thì điều còn lại là tuỳ thuộc vào việc: chúng ta tận dụng cơ hội để nên thánh như thế nào ?


Lm. Giuse Nguyễn Thành Long