-
Ngọc Nuôi & Việt Hùng
Ngọc Nuôi & Việt Hùng
[GVIDEO]http://video.google.com/videoplay?docid=-5569448927496737044[/GVIDEO]
-
Senior Member
Re: Ngọc Nuôi & Việt Hùng
Nghệ Sĩ Việt Hùng: cuộc đời & sự nghiệp
Trong những thập niên 50, 60, 70, đôi nghệ sĩ uyên ương Việt Hùng & Ngọc Nuôi lừng danh trong hàng ngũ những ngôi sao sân khấu cải lương. Anh Việt Hùng tên thật là Nguyễn Việt Hùng, sanh năm 1921 tại Đà Lạt.
Cha mất sớm, anh và chị anh theo mẹ dời về Sài Gòn. Năm 1946, anh Hùng làm tài xế lái xe cho quận trưởng ở Tòa hành chánh Gia Định. Anh có giọng tốt, là ca sĩ tân nhạc hợp tác với nhạc sĩ Mạnh Phát và nữ ca sĩ Minh Diệu trong ban tân nhạc Mạnh Phát trên đài phát thanh Pháp Á. Anh Hùng làm quen với ca sĩ cổ nhạc Thành Công nên được ca sĩ Thành Công với nhạc sĩ Bảy Quới, Hai Khuê, Tư Hiệu dạy cho ca nhiều bài bản cổ nhạc.
Năm 1946, Việt Hùng nổi danh là ca sĩ tân và cổ nhạc đồng thời với các danh ca Chín Sớm, Chiêu Anh, Thành Công, Văn Chung, Sáu Thoàn, cô Ngọc Ánh, cô Năm Cần Thơ. Năm 1948, lúc hát ở rạp hát Thành Xương, gánh hát Thỉ Phát Huê có 2 cô đào xuân sắc: Kim Nên (thân mẫu của ca sĩ tân nhạc Thái Châu) và Ngọc Nuôi. Kim Nên là em ruột của cô Năm Cần Thơ nên cô Năm Cần Thơ đưa các bạn ca sĩ cùng làm chung ở đài phát thanh Pháp Á đến xem hát. Dịp này ca sĩ Chiêu Anh si mê đào Kim Nên, ca sĩ Việt Hùng si mê đào Ngọc Nuôi. Khi gánh hát Thỉ Phát Huê hết hát ở rạp hát Thành Xương, dọn đi hát ở các tỉnh thì Việt Hùng bỏ sở làm ở Tòa hành chánh Gia Định. Chiêu Anh là phát thanh viên của đài Pháp Á cũng bỏ sở làm. Hai anh bị tiếng sét ái tình nên mới bỏ tất cả để theo gánh hát Thỉ Phát Huê bắt đầu làm một cuộc đời mới. Kết quả là Kim Nên sánh duyên cùng ca sĩ Chiêu Anh. Chiêu Anh không trở thành kép hát mặc dầu anh cao ráo đẹp trai và ca vọng cổ rất mùi. Chiêu Anh trở thành soạn giả, viết nhiều bài ca cổ nhạc cho đài phát thanh Pháp Á và đài quốc gia. Anh cũng viết nhiều bài vọng cổ thu dĩa cho các hãng dĩa Asia, Hoành Sơn.
Còn Việt Hùng, sau khi thành hôn với Ngọc Nuôi, được Ngọc Nuôi hướng dẫn anh từng bước biểu diễn, từng kỹ thuật hóa trang, anh trở thành kép chánh của đoàn hát Thỉ Phát Huê. Sau đó Việt Hùng và Ngọc Nuôi về hát chánh cho đoàn Tân Thiếu Niên. Năm 1952 nghệ sĩ Bảy Cao thành lập đoàn hát Hoa Sen với thành phần diễn viên Bảy Cao, Việt Hùng, Bửu Tài, Ba Khuê. Giàn đào có các cô Kim Luông, Ngọc Nuôi, Ái Hữu, Cẩm Vân, Lệ Út. Đoàn Hoa Sen ăn khách nhất nhờ các tuồng Đàn Chim Sắt, Nợ Núi Sông, Mộng Hòa Bình, Vàng Rơi Song Lệ, Chiếc Áo Mùa Đông.
Việt Hùng cao lớn, lực lưỡng nên khi thủ các vai sĩ quan trên chiến trường máu lửa thì trông rất là oai phong. Anh ca vọng cổ tiếng rất khỏe, nhứt là câu vọng cổ anh ca ngân đổ hột khiến cho khán giả thích thú khi khám phá ra một lối ca nói, khác hẳn lối ca ngọt mùi của các danh ca Bảy Cao và Năm Nghĩa. Năm 1954, có nhiều gánh hát mới được thành lập nên các ông bầu gánh bỏ ra bạc triệu ký hợp đồng để tranh bắt đào kép giỏi về cho đoàn hát của mình.
Bầu Sinh, môn đệ của soạn giả Mộng Vân, lập gánh hát Tân Hương Hoa mời Việt Hùng Ngọc Nuôi về hát với số tiền công tra và lương lớn hơn gấp đôi số tiền lương cũ ở đoàn Hoa Sen. Việt Hùng Ngọc Nuôi về hát cho đoàn Tân Hương Hoa những tuồng chiến tranh như Khúc Nhạc Ly Hương, Việt Kiều Trên Đất Khách.
Bà Ba Khan, chủ nợ của bầu Sinh và là chị ruột của hai diễn viên Hương Sắc và Hương Huyền muốn tạo cơ hội cho hai em thăng tiến trên đường nghệ thuật nên xuất vốn lập gánh hát lấy bảng hiệu là gánh Việt Hùng – Minh Chí. Gánh hát Việt Hùng – Minh Chí từ bỏ tuồng chiến tranh để hát những vở tuồng tình sử Việt Nam Đường Lên Xứ Thái của soạn giả Mộc Linh, lời văn chải chuốt, cốt truyện trữ tình, một hình thức sân khấu thi, ca, vũ, nhạc mới lạ nên sức thu hút khán giả rất là mãnh liệt. Việt Hùng trong vai người chiến sĩ Việt Nam, bị thương, lạc trong một khu rừng già của xứ Thái, được một sơn nữ (do Ngọc Nuôi thủ diễn) cứu trị và đưa về bản làng nương náo. Mối tình giữa người Kinh và người sơn nữ thơ mộng, đẹp tình, đẹp ý, gợi lại những cuộc tình dang dở trong chiến tranh, đã làm cho khán giả phải rơi lệ.
Vở tuồng thứ hai Người Đẹp Bán Tơ của thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà ghi thêm sự thành công cho Việt Hùng và Ngọc Nuôi. Nghệ sĩ Việt Hùng có nhiều vai hát rất hay được khán giả và báo chí ngợi khen, nhưng chỉ có vai hát cậu ấm Thân trong tuồng Đoạn Tuyệt của Duy Lân được coi là vai hát để đời của anh. Trong thập niên 1955 đến năm 1965, đoàn Thanh Minh Thanh Nga tập trung được nhiều diễn viên thượng thặng của sân khấu cải lương và nhiều soạn giả thường trực nên đoàn có nhiều tuồng tích hay lạ. Về diễn viên tài danh có kép Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Việt Hùng, Hoàng Giang, Văn Ngà, Ba Xây, Minh Tấn, Minh Điển, hề Kim Quang. Có Năm Châu, Kim Cúc, Ba Vân, Phùng Há về cộng tác với đoàn trong vài năm. Về phía đào có Út Bạch Lan, Thu Ba, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Kim Giác, Thanh Nga, Hoàng Vân, Thanh Hiền, Thanh Lệ, Ngọc Chúng. Giữa những diễn viên tên tuổi lẩy lừng đó, Việt Hùng Ngọc Nuôi thật sự có tài nghệ khác thường mới đứng vững nổi trong đoàn.
Việt Hùng nhờ vóc to lớn, vẻ hào hoa phong nhã nên thành công dễ dàng qua các vai dũng sĩ trong tuồng dã sử như Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Người Về Từ Cửa Biển, Nẻo Tắt Hoành Sơn, Áo Gấm Khôi Nguyên. Nhưng vai để đời của Việt Hùng lại trái với hình tượng mà lâu nay khán giả nghĩ về tài danh sân khấu này, đó là vai Thân trong tuồng Đoạn Tuyệt. Việt Hùng thường đóng vai tráng sĩ, dũng tướng, đẹp trai thì nay vào vai Thân, Việt Hùng thể hiện một cách xuất sắc một cậu ấm ngốc nghếch, ngu si, sợ vợ. Vai Thân được Việt Hùng biểu diễn với hình thức đi đứng chậm chạp, nói năng nhầy nhựa, sợ vợ không dám nhìn thẳng vào mặt Loan, dù Loan rất dịu hiền. Thật là lối diễn xuất hoàn toàn khác với cung cách xưa nay của Việt Hùng. Không ngờ cách ca diễn như vậy lại đạt được sự thành công quá sức tưởng tượng. Nhờ cách diễn đó mà tăng thêm phần quái ác của bà mẹ chồng, bà Phán Lợi do bà Năm Sa Đéc diễn và cô em chồng đanh đá do Ngọc Nuôi diễn.
Năm 1975, Việt Hùng cùng các con: Tài, Năng, Ngọc Quý và Ngọc Châu trong Ban nhạc Crazy Dogs biểu diễn ở một club Mỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất, được phi cơ Mỹ bốc qua Mỹ. Anh không thể về đón Ngọc Nuôi và hai con. Đến Hoa Kỳ sau khi ổn định cuộc sống, Việt Hùng và nhạc sĩ Tám Trí chủ trương chương trình Thanh Âm Trìu Mến tại đài Little Saigon đào tạo các thế hệ diễn viên trẻ Thu Hồng, Minh Kiệt, Thanh Huyền. Khi các diễn viên cải lương như Kim Tuyến, Ngọc Đan Thanh, Linh Tuấn, Hương Huyền, Thành Được, Dũng Thanh Lâm sang Mỹ thì Việt Hùng và các nhạc sĩ Chí Tâm, Văn Hoàng, Tám Trí hợp với các nghệ sĩ mới đến Hoa Kỳ làm cho sân khấu cải lương vùng nam bắc Cali thêm phần hứng khởi.
Việt Hùng đã thực hiện băng video cải lương Tiếng Hạc Trong Trăng, Nửa Đời Hương Phấn, Lan và Điệp, và anh ca vọng cổ hát cải lương trong các cuộc họp của cộng đồng Việt Nam định cư ở hải ngoại. Ngày 27-7-2001, Việt Hùng kỷ niệm 80 tuổi đời, 60 năm tuổi nghề. Nguyễn Phương từ Montreal qua dự, nghe Việt Hùng phát biểu và ca hai câu vọng cổ. Tiếng hát của Việt Hùng vẫn còn sang sảng, làn hơi vọng cổ vẫn còn âm hưởng của những ngày thuở thanh xuân. Nhưng ngày 31-12-2001, Việt Hùng từ giả cõi đời để về thiên trúc với pháp danh Minh Chánh, đệ tử của hòa thượng Thích Giác Nhiên.
lekt& tcgd (Theo SG Nguyễn Phương - ĐACTD
-
Senior Member
Re: Ngọc Nuôi & Việt Hùng
Ngọc Nuôi
Hai nghệ sĩ Việt Hùng và Ngọc Nuôi là hai trong số những cặp uyên ương nghệ sĩ nổi tiếng keo sơn gắn bó nhất trong những thập niên 1960, 1970. . .
Nghệ sĩ Ngọc Nuôi, nhũ danh Nguyễn Ngọc Nuôi, sanh năm 1930, pháp danh Phước Ngọc, kết hôn với nghệ sĩ Việt Hùng từ năm 1948, có ba con trai (Tài, Năng, Sinh) và ba con gái Ngọc Bích, Ngọc Châu và Ngọc Qúy. Các con của Việt Hùng và Ngọc Nuôi đều là những nghệ sĩ tài danh về tân nhạc, riêng Ngọc Bích ngoài khả năng ngôi sao ca nhạc Việt, nhạc Mỹ, Ngọc Bích có một thời đi hát cải lương cho đoàn hát Thanh Nga sau 1975.
Chuyện tình Việt Hùng-Ngọc Nuôi
Chuyện tình của đôi nghệ sĩ tài danh Việt Hùng - Ngọc Nuôi khởi đầu là một giai thoại đẹp, được nhiều nghệ sĩ cải lương ngưỡng mộ.
Năm 1948, cô Ngọc Nuôi là diễn viên tài sắc của gánh hát Thỉ Phát Huê, đoàn nầy đang hát tại rạp Thành Xương. Ca sĩ Việt Hùng của Đài Phát Thanh Pháp Á đi xem hát, si mê đào Ngọc Nuôi. Khi gánh hát Thỉ Phát Huê hết hát ở rạp Thành Xương, Việt Hùng bị "tiếng sét ái tình" bèn bỏ Sở làm để theo gánh Thỉ Phát Huê học hát và để được gần người mình yêu.
Kết quả là Việt Hùng kết hôn với Ngọc Nuôi. Nhờ Ngọc Nuôi hướng dẩn cho Việt Hùng về diễn xuất và hóa trang trên sân khấu, Việt Hùng trở thành kép chánh của đoàn hát Thỉ Phát Huê.
Sau đó, Việt Hùng và Ngọc Nuôi về hát chánh cho đoàn Tân Thiếu Niên.
Nghệ sĩ Bảy Cao thành lập đoàn hát Hoa Sen năm 1952, ông mời Việt Hùng Ngọc Nuôi về cộng tác. Tuồng hát của đoàn Hoa Sen ăn khách nhờ viết theo loại xã hội chiến tranh như: Đàn Chim Sắt, Nợ Núi Sông, Mộng Hòa Bình, Vàng Rơi Sông Lệ, Chiếc Áo Mùa Đông. . .
Việt Hùng thành công khi thủ diễn các vai sĩ quan trên chiến trường máu lửa một cách rất oai phong. Ngọc Nuôi ca rất lớn tiếng, nghe ngọt lịm. Cô vô xàng xê nghe hấp dẩn không thua gì anh Minh Chí.
Ngọc Nuôi ca bài bản nào cũng hay, sắc vóc rất đẹp, khi mặc những bộ quân phục trong tuồng chiến tranh, Ngọc Nuôi gọn gàng, oai dũng như những chiến sĩ thật ngoài sa trường. Khi mặc y phục thường, mặc một bộ bà ba, chiếc áo dài hay bộ đồ đầm, Ngọc Nuôi thể hiện một thiếu nữ kiều diễm, nét đẹp đằm thắm diụ dàng.
Sắc đẹp quyến rũ, giọng ca ngâm điêu luyện và lối diễn xuất tế nhị, là những tài sản trời ban để biến Ngọc Nuôi thành một ngôi sao sáng chói trên sân khấu Hoa Sen, dù bên cạnh Ngọc Nuôi có các nữ nghệ sĩ tài danh Kim Luông, Lệ Út, Ái Hữu, đó là những giọng ca vàng nhưng họ vẫn không làm sao làm lu mờ nổi hào quang sáng chói của Ngọc Nuôi.
Thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương
Năm 1954, có nhiều gánh hát mới được thành lập, Bầu Sinh, lập gánh Tân Hương Hoa, mời Việt Hùng - Ngọc Nuôi về hát với số tiền contrat bạc triệu, và số lương lớn hơn gấp đôi số lương cũ ở đoàn Hoa Sen.
Việt Hùng - Ngọc Nuôi về gánh Tân Hương Hoa, hát những tuồng Khúc Nhạc Ly Hương, Việt Kiều Trên Đất Khách là những tuồng chiến tranh, đúng theo lối ca diễn sở trường nên Ngọc Nuôi Việt Hùng thành công thêm rực rỡ.
Việt Hùng hào hoa phong nhã trong bộ quân phục sĩ quan, Ngọc Nuôi cũng rất sang, rất đẹp trong vai cô nữ tình báo.
Thành công về tài chánh nối theo thành công nghệ thuật, Việt Hùng - Ngọc Nuôi mua nhà mới, sắm xe hơi mới, như bao nhiêu nghệ sĩ khác trong thời hoàng kim của nghệt thuật sân khấu cải lương.
Bà Ba Khan, người chủ nợ của Bầu Sinh và là chị ruột của hai diễn viên trẻ: Hương Sắc và Hương Huyền muốn tạo cơ hội cho hai em của mình thăng tiến trên con đường nghệ thuật nên xuất vốn lập ra gánh hát, mời Việt Hùng và Minh Chí làm kép chánh, lấy bảng hiệu là gánh Việt Hùng - Minh Chí.
Tất nhiên là Việt Hùng - Ngọc Nuôi ký hợp đồng mới, với số tiền contrat lớn hơn, lương cao hơn, nhiều điều kiện phụ hấp dẩn hơn để rồi bỏ Bầu Sinh của gánh Hương Hoa, về hát cho gánh Việt Hùng - Minh Chí.
Đứng tên bảng hiệu nhưng Việt Hùng không phải làm chủ gánh hát, giống như hai trường hợp khác trước đây, gánh Hậu Tấn - Bảy Cao và gánh Hậu Tấn - Năm Nghĩa, chủ nhơn là ông Ba Tấn chớ không phải là hai nghệ sĩ Bảy Cao và Năm Nghĩa.
Điều đáng ghi nhận ở đây là gánh hát Việt Hùng - Minh Chí từ bỏ các tuồng theo thể loại chiến tranh, để hát những vở tuồng của các soạn giả thế hệ thứ hai trong làng soạn kịch là Mộc Linh, Lê Khanh. Tuồng khai trương của gánh Việt Hùng - Minh Chí là vở tình sử Việt Nam " Đường lên xứ Thái " của soạn giả Mộc Linh. Lời văn chải chuốc, cốt truyện trữ tình, một thể loại sân khấu thi, ca, vũ, nhạc, mới lạ nên sức thu hút khán giả rất mảnh liệt.
Những vai diễn để đời
Việt Hùng trong vai người chiến sĩ Việt Nam, bị thương, lạc lỏng trong một khu rừng già của xứ Thái, được một sơn nữ (do Ngọc Nuôi thủ diễn) cứu trị và đưa về bản làng nương náo. Mối tình giữa người Kinh và người sơn nữ thơ mộng, đẹp tình, đẹp ý, gợi lại những cuộc tình dang dở trong chiến tranh, đã làm rơi lệ biết bao khán giả.
Việt Hùng và Ngọc Nuôi giờ đây sáng chói hơn bao giờ hết, vì chẳng những được khán giả mến mộ vì sắc vóc đẹp, sang trọng, mà còn do tài ca, diễn thật hay, lột tả được tính cách nhân vật một cách sâu sắc.
Ngọc Nuôi còn có cơ hội thi triển làn hơi phong phú, ngọt ngào của cô qua các lối ngâm thơ mới, lối ca luyến láy đặc biệt khi ca vô các bài Sương Chiều, Tú Anh, đây là những bài ca mà người có hơi trong trẻo, ngọt lịm, mặc tình ca uốn lượn, luyến láy để dẫn dắt cảm xúc của người nghe.
Vở tuồng thứ hai ghi đậm thêm sự thành công của Việt Hùng - Ngọc Nuôi về khả năng ca diễn các thể loại tuồng dã sử, cổ tích Việt Nam là vở " Người Đẹp Bán Tơ " của thi sĩ kiên Giang Hà Huy Hà.
Nhiều đoạn thơ hay của Kiên Giang được giọng ngâm thơ mượt mà, êm như nhung, như gấm của Ngọc Nuôi, làm tăng thêm giá trị vở tuồng và tăng thêm sức thu hút khán giả. Cũng đồng thời làm tăng thêm hào quang đã sẵn sáng chói của Ngọc Nuôi.
Đáng lẽ ra gánh hát Việt Hùng - Minh Chí có thể vững vàng và phát triển thêm ở cái cương vị một Đại Ban, vì gánh hát rất ăn khách nhờ có tuồng tích hay, đào kép đẹp, ca, ngâm, diễn xuất rất hấp dẫn, nhưng chỉ hai năm sau từ ngày thành lập, gánh Việt Hùng - Minh Chí phải tan rã vì Minh Chí tách ra lập gánh hát riêng lấy bảng hiệu gánh hát Minh Chí.
Ngọc Nuôi và Việt Hùng ký hợp đồng về hát cho gánh hát Thanh Minh của Bầu Nghĩa, sau đó là gánh hát Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ.
Dàn đào của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga có các nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thu Ba, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Kim Giác, Thanh Nga, Hoàng Vân, Thanh Hiền, Thanh Lệ, Ngọc Chúng. . . Giữa những diễn viên tên tuổi lẩy lừng đó, nữ diễn viên Ngọc Nuôi cũng phải có những tài nghệ khác thường mới đứng vững nổi trong Đoàn.
Ngọc Nuôi sáng, đẹp, đua tài khoe sắc với các nữ diễn viên khác trong các vở tuồng dã sử Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Người Về Từ Cửa Biển, Nẻo Tắt Hoành Sơn, Áo gấm khôi Nguyên.
Khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn tuồng xã hội, Ngọc Nuôi thành công qua vai cô gái nhà quê chơn chất trong tuồng Thầy Cai Tổng Bồi, vai mẹ của Thanh (Thanh Nga) trong tuồng Con Gái Chị Hằng, và trong các vai bà mẹ hiền tuồng Tấm Lòng của Biển, Bóng Chim Tăm Cá, Bọt Biển, Chén trà của quỷ, Bên Cầu đệt lụa...
Giọng ca của Ngọc Nuôi trong vai mẹ của Trần Minh trong tuồng Bên Cầu dệt lụa.
Ngọc Nuôi có một vai hát để đời trái với hình tượng các bà mẹ hiền, đó là vai Bích trong tuồng Đoạn Tuyệt. Nhờ cách diễn một cô em chồng đanh đá, Ngọc Nuôi trong vai BÍch đã làm tăng thêm phần quái ác của bà mẹ chồng, bà Phán Lợi (do bà Năm Sadec diễn) và làm cho khán giả thêm thương Loan (Thanh Nga) trong vai người vợ bị hà hiếp rẽ khinh trong chế độ gia đình phong kiến xưa.
Cuộc sống ly tán sau 1975
Năm 1975, Việt Hùng cùng các con: Tài, Năng, Ngọc Quý và Ngọc Châu trong Ban nhạc Crazy Dogs được phi cơ Mỹ bốc qua Mỹ. Ngọc Nuôi và con gái Ngọc Bích hát cho đoàn hát Thanh Nga một thời gian. Tiền lương trong chế độ bao cấp không đủ sống, Ngọc Nuôi nghĩ hát, cam chịu cảnh thiếu thốn, Ngọc Bích ca tân nhạc trong các tụ điểm văn hóa để kiếm tiền nuôi mẹ.
Năm 1990, Ngọc Nuôi và hai con được bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Đúng 60 tuổi Ngọc Nuôi phải làm lại cuộc đời. Việt Hùng đã có bà vợ khác, Ngọc Nuôi bơ vơ. Đôi uyên ương sân khấu lẻ bạn vì thời cuộc, lại tan vở vì nghịch cảnh. Đau lòng cho người trong cuộc mà cũng đau lòng cho những bạn bè đã yêu thương họ.
Ngọc Nuôi phải học tiếng Mỹ, phải tìm show hát để đở nhớ nghề và có thu nhập chút đỉnh. Nhờ có các con hiếu thảo, Ngọc Nuôi cũng được an ũi nơi đất khách quê người.
Ngọc Nuôi mất ngày 23 tháng 9 năm 2002, gần một năm sau khi Việt Hùng ra đi vĩnh viễn.
-
Moderator
Re: Ngọc Nuôi & Việt Hùng
Cuộc đời của người nghệ sĩ quá nhiều thăng trầm . Tội nghiệp quá !
Cám ơn các bạn đã cho xem những đoạn phim và tiểu sử của cố nghệ sĩ Ngọc Nuôi & Việt Hùng .
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules