-
Moderator
H - Hành Trình Chứng Nhân
HÀNH TRÌNH CHỨNG NHÂN
Vào đêm Phục Sinh vừa qua, trên toàn quốc Hoa Kỳ có hàng chục ngàn người dự tòng được tháp nhập vào Hội Thánh Công Giáo, riêng trong TGP Galveston-Houston đã có 2,490 người được lãnh nhận các bí tích tháp nhập sau một thời gian học đạo (1). Đặc biệt ở Anh quốc, có khoảng 900 người thuộc Anh Giáo, trong đó có trên 60 giáo sĩ, đã đáp lại lời mời của ĐGH Bênêđích XVI để trở về hợp nhất với Hội Thánh Công Giáo (2). Người ta tiên đoán sẽ có hàng ngàn người Anh Giáo trở lại Công Giáo trong năm nay. Lý do chính cho sự trở lại là vì Anh Giáo ngày càng xa rời với truyền thống Kitô Giáo nguyên thuỷ, nhất là khi họ cho phép phụ nữ và người đồng tính luyến ái được làm giáo sĩ.
Nói chung, Kitô Giáo là tôn giáo đặt nền tảng trên Kinh Thánh, và Kinh Thánh là một bộ sách tổng hợp của nhiều thể loại văn chương khác nhau, được sáng tác qua sự linh ứng của Thiên Chúa trong nhiều thời kỳ khác nhau cho nhiều loại độc giả khác nhau, do đó, có nhiều cách giải thích Kinh Thánh khác nhau, và cũng từ đó phát sinh các truyền thống tôn giáo khác nhau. Tuy cùng tin vào Chúa Kitô, nhưng lại có Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, và các giáo hội Tin Lành.
Sau khi được rửa tội để gia nhập Hội Thánh Công Giáo, nói chung, chúng ta khởi sự một hành trình tinh thần mà mục đích sau cùng là trở nên thánh thiện. Mục đích này dễ bị lẫm lẫn với hình thức đạo đức, như đọc kinh, xem lễ, lãnh nhận các bí tích. Chúng ta cần ý thức rõ rằng hình thức đạo đức và các bí tích chỉ là phương tiện để giúp sức cho chúng ta, chứ chính các bí tích không phải là cùng đích. Nói cách khác, chúng ta theo đạo Công Giáo không chỉ để lãnh nhận các bí tích nhưng để trở nên giống Chúa Kitô. Khi lãnh nhận các bí tích là chúng ta được gặp gỡ Chúa Kitô, nhưng sự gặp gỡ đó có đem lại kết quả hay không thì tuỳ thuộc sự tự do và sự đáp ứng của chúng ta, dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một thời gian, và vì vậy, theo đạo là một hành trình lâu dài chứ không phải là một biến cố xảy ra có một lần.
Tương tự như hai môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay, họ đã được gặp gỡ Chúa Kitô, được nghe Người giảng dậy, được nhìn thấy các phép lạ của Chúa khi Người còn sống ở thế gian, nhưng sự hiểu biết và mong đợi của họ về Chúa Kitô lại lệch lạc. Có thể nói họ mất đức tin sau cái chết của Đức Giêsu. Họ từ giã Giêrusalem giống như từ bỏ tôn giáo. Họ tuyệt vọng khi thấy Đức Giêsu, “một ngôn sứ có uy thế trong hành động và lời nói”, nhưng lại để bị bắt và bị chết nhục nhã trên thập giá. Họ không thể chấp nhận một Đấng Mêsia đau khổ và thất bại theo cái nhìn của người đời.
Hành trình Emmaus của hai môn đệ cũng tương tự như hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ngày nay, không ai được nhìn thấy Thiên Chúa, chúng ta chỉ nhận ra sự hiện diện của Người qua những điều kỳ diệu trong vũ trụ và qua những biến cố trong đời sống. Nhưng không phải mọi biến cố đều giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là những biến cố đau khổ trái với sự mong muốn của chúng ta. Do đó, qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta hãy thử suy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa khi đứng trước những sự kiện khó hiểu?
Trước hết, cũng như hai môn đệ đã tìm lại được niềm tin sau khi lắng nghe Người Khách Lạ giải thích Kinh Thánh thì chúng ta cũng phải dành thời giờ để đọc Kinh Thánh và tìm hiểu Thiên Chúa qua Kinh Thánh.
Kinh Thánh là bộ sách ghi lại những mặc khải của Thiên Chúa, đó là những điều mà Thiên Chúa muốn tiết lộ cho loài người. Trong Kinh Thánh người ta tìm thấy câu trả lời cho các thắc mắc về siêu nhiên, về sự sống đời sau và về hạnh phúc của con người. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc, muốn có bình an, hãy dành thời giờ đọc Kinh Thánh. So với người Tin Lành, người Công Giáo ít đọc Kinh Thánh hơn. Đây là một ưu điểm của người Tin Lành mà người Công Giáo chúng ta phải bắt chước. Nhưng yếu điểm của người Tin Lành là họ không có một thẩm quyền tối cao để giải thích Kinh Thánh, do đó, có những mục sư giải thích sai lầm, đưa đến sự nguy hiểm cho các tín đồ, ngoài ra, vì sự tự do giải thích Kinh Thánh nên giáo hội Tin Lành có cả trăm giáo phái khác nhau, không còn tính cách hiệp nhất.
Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy những gì cần phải tin, được gọi là nội dung đức tin, và người Công Giáo tuyên xưng đức tin này trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Được gọi là nội dung đức tin, điều đó có nghĩa đức tin phải được chấp nhận cách trọn vẹn và toàn thể. Chúng ta không thể chỉ chấp nhận những gì mình muốn tin và từ chối những gì mình không muốn. Khi người Anh Giáo, Tin Lành trở về với Hội Thánh Công Giáo đó là khi họ chấp nhận toàn bộ nội dung đức tin mà trong đó họ tuyên xưng “tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.
Để duy trì các đặc tính của Hội Thánh như vừa tuyên xưng, chúng ta phải nhìn nhận hệ thống phẩm trật trong Hội Thánh. Nếu Chúa Giêsu đã chọn T. Phêrô đứng đầu Hội Thánh thì chúng ta cũng phải vâng theo những gì Toà Thánh và đức giáo hoàng giảng dậy về đủ loại vấn đề: giáo lý, phụng tự, thánh kinh, luân lý, v.v. Đây là điểm tế nhị và khó khăn bởi vì nó đụng chạm đến sự tự do và đòi hỏi chúng ta phải vâng phục. Thí dụ: Về phụng vụ và bí tích, phó tế không được dâng lễ, không được giải tội; các linh mục được ban phép xá giải, được làm lễ nhưng khi dâng lễ các linh mục không được tự ý thêm bớt các lời cầu nguyện mà phải đọc theo đúng những gì đã được viết trong sách lễ; về luân lý, Hội Thánh không chấp nhận các phương tiện ngừa thai nhân tạo vì những hậu quả không tốt cho đời sống vợ chồng; hoặc Hội Thánh cho rằng sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai do đó người Công Giáo không được phá thai. Nói chung, thẩm quyền của Hội Thánh là để phục vụ các lợi ích tinh thần cũng như thể chất của người tín hữu, và duy trì sự hiệp nhất, sự thánh thiện và các truyền thống tông đồ của Hội Thánh. Chúng ta vâng theo những gì Hội Thánh dậy là vì chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần đã linh ứng và hướng dẫn Hội Thánh.
Điểm thứ hai giúp chúng ta có thể vững tin khi đứng trước những sự kiện khó hiểu là chúng ta phải có một ý thức rõ ràng về sự đau khổ. Hai môn đệ trên đường Emmaus bị chao đảo đức tin một phần là vì họ có thành kiến xấu về sự đau khổ. Đối với họ đau khổ là hình phạt, là hậu quả của tội lỗi, do đó người đau khổ thì đáng khinh hơn là đáng thương. Nhưng trong Kinh Thánh, các ngôn sứ đã tiên đoán về một Đấng Mêsia phải chịu đau khổ, phải chịu hy sinh để giải thoát Israel. Ngay trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng xác nhận rằng “Đức Kitô cần phải chịu khổ hình như thế rồi mới được vinh quang” (c. 26), và trong phúc âm Mátthêu (25:31-46), Chúa Giêsu còn đồng hoá chính mình với những người đau khổ, hèn kém nhất trong xã hội để chúng ta đừng khinh bỉ những người bất hạnh, xấu số.
Sự đau khổ đối với Chúa Kitô là một phương tiện để diễn đạt tình yêu. Yêu người lành lặn, đẹp đẽ, thơm tho thì dễ, nhưng yêu người bệnh tật, hôi hám, xấu xa thì đòi hỏi chúng ta rất nhiều hy sinh – hy sinh đến độ phải thiệt thòi, phải đau khổ. Càng nhiều hy sinh thì tình yêu càng cao quý. Đây là điểm được nhắc nhở trong hành trình Emmaus khi Chúa Giêsu bẻ bánh và trao cho hai môn đệ để họ nhớ lại những gì Chúa đã nói trong bữa Tiệc Ly: Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu, và rồi hai môn đệ mới nhận ra Đức Giêsu, họ nhận ra ý nghĩa của sự đau khổ - thập giá không còn là một bất hạnh nhưng thập giá Chúa Kitô là một diễn đạt cao quý của tình yêu.
Qua Kinh Thánh, chúng ta được biết rằng vì yêu thương nhân loại mà Thiên Chúa đã dựng nên con người để vui hưởng công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và khi con người say đắm những sự thế gian đến độ làm mất đi bản chất cao đẹp của mình, đưa đến hậu quả là xa cách Thiên Chúa thì chính Thiên Chúa lại sẵn sàng chịu chết để minh chứng cho loài người thấy rằng không ai yêu thương họ hơn chính Thiên Chúa.
Nếu sự đau khổ đối với Chúa Kitô là một phương tiện để diễn đạt tình yêu thì người Công Giáo cũng không nên trốn tránh sự đau khổ, nhưng hãy chấp nhận đau khổ vì tình yêu.
Khi vợ chồng cố gắng sống chung thuỷ với nhau, đó là một hy sinh trước những cám dỗ đầy dẫy trong xã hội, nhưng nếu không có sự hy sinh đó thì tình yêu mà vợ chồng trao cho nhau cũng chẳng có gì đáng kể.
Cha mẹ nuôi dưỡng con cái để trở nên một người mà Thiên Chúa muốn và con cái muốn thì khó hơn là trở nên một người mà cha mẹ muốn, nhưng nếu không có sự hy sinh ý riêng thì tình yêu đó chỉ là một hình thức ẩn giấu của sự ích kỷ.
Khi bị đau khổ vì bệnh tật, thay vì oán trách Thiên Chúa, thay vì chán nản tuyệt vọng, chúng ta can đảm chấp nhận thì sự hy sinh đó là một minh chứng cho mọi người thấy được sức mạnh của tình yêu.
Tình yêu phải thấy được bằng sự hy sinh, nếu không, tình yêu đó không có thật. Tình yêu đi đôi với đau khổ và cũng chính tình yêu đem lại sự sống. Qua cái chết đau thương của Chúa Kitô mà tình yêu của Chúa được thể hiện, đó là đem cho chúng ta sự sống đời đời.
Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết đó là một Tin Mừng cần được loan báo. Sau khi hai môn đệ nhận ra Người Khách Lạ là Chúa Kitô Phục Sinh, họ đã vui mừng đến độ không quản ngại đường xa và trời đã tối, họ đi bộ trở lại Giêrusalem cách đó bẩy dặm để loan báo Tin Mừng. Tương tự như vậy, một khi chúng ta đã có niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng phải loan truyền đức tin ấy bằng một đời sống mà bất cứ ai nhìn thấy chúng ta đều nhận biết rằng chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules