Quy trách George W. Bush?



"... Lịch sử sẽ nhắc tới Bush như là vị tổng thống Mỹ đã chủ động thay đổi bộ mặt thế giới và ít nhiều đã làm thế giới bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tốt ..."

Có những nhân vật lịch sử chỉ có thể đánh giá nhiều năm sau khi họ đã rời chính trường và không bao giờ một cách dứt khoát. George W. Bush là một trong những trường hợp này. Giờ này hãy còn quá sớm để đưa ra một nhận định quả quyết về ông.

Một điều chắc chắn, cảm tình dành cho Bush sẽ chỉ có thể lên chứ không thể xuống, nó đã xuống tới mức thấp nhất. Từ sau Thế Chiến II, và có thể trong lịch sử nước Mỹ, chưa có một tổng thống nào rời chức vụ bị đả kích như ông: một cuộc chiến Iraq quá tốn kém với một kết quả chưa chắc chắn, một cuộc chiến khó khăn với nguy cơ sa lầy tại Afganistan, một nước Mỹ mất uy tín trên thế giới như chưa bao giờ thấy, và sau cùng một cuộc khủng hoảng kinh tế cực kỳ trầm trọng, có thể về lâu về dài còn trầm trọng hơn cả cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1932. Tất cả những tai hại này George W. Bush đều có trách nhiệm chính.

Về hai cuộc chiến tại Iraq và Afganistan, dù người ta có thể tranh cãi trên lý do của chúng, không ai có thể phủ nhận chính quyền của ông và cá nhân ông đã rất vụng về, bằng chứng là sau khi ông đã đổi chính sách, bổ nhiệm một bộ trường quốc phòng mới và một tư lệnh chiến trường mới tình hình Iraq đã cải thiện nhanh chóng. Cuộc chiến Iraq chắc chắn đã không tốn kém và khốc liệt như vậy nếu George W. Bush và bộ tham mưu của ông đã có những chọn lựa đúng ngay từ đầu. Ông đã nghe theo bộ ba Cheney, Rumsfeld và Wolfvowitz tưởng rằng có thể đánh gục Saddam Hussein và bình định được Iraq với một đạo quân không đông, thiết lập được một chế độ dân chủ với một bộ máy hành chính và an ninh hoàn toàn mới trong một thời gian ngắn. Đây là một sai lầm không hiểu nổi sau những kinh nghiệm đắt giá của chính Hoa Kỳ. Sau khi đánh đổ được Saddam Hussein ông đã cử đại sứ Bremer, một nhà ngoại giao không biết gì về chiến tranh bình định và chống khủng bố với một sự hiểu biết không có gì sâu sắc về Trung Đông và thế giới Hồi Giáo làm một thứ toàn quyền tại Iraq. Kết quả đã là một thảm kịch.

Sự thất bại trong bốn năm đầu tại Iraq đã khiến Hoa Kỳ sa lầy và bối rối và kéo theo sự sa lầy đáng lẽ không có tại Afganistan. Tại đây chính quyền Taliban đã bị thù ghét đến cực độ; khi bị đánh bại nó không còn lực lượng và cơ sở quần chúng nào. Đáng lẽ tình hình đã có thể được ổn định nhanh chóng, một chế độ dân chủ đã có thể được thành lập và đi vào hoạt động nếu Hoa Kỳ không bị sa lầy tại Iraq để có thể dành đủ quân lực và tài nguyên cho Afganistan. Chính quyền Bush cũng đã đánh giá rất sai vai trò của Pakistan. Chỉ sau gần bẩy năm họ mới khám phá ra rằng chế độ quân phiệt của Musharraf không đáng tin như họ tưởng và chìa khoá của bài toán Afganistan là ở Pakistan. Đây cũng là một sai lầm không thể tha thứ vì rất khó tưởng tượng. Pakistan là một đồng minh chiến lược lâu đời và chính quyền Mỹ đã có mọi yếu tố để hiểu rõ tình hình.

Trong cả hai trường hợp Iraq và Afganistan chính quyền Bush đã lặp lại một sai lầm mà mọi chính quyền Mỹ trước đó đã làm và có nhiều triển vọng các chính quyền Mỹ sau này cũng sẽ còn làm, đó là đánh giá thấp sự cần thiết của một đồng minh đúng nghĩa tại quốc gia mà họ can thiệp. Trong cả hai trường hợp họ đã không chuẩn bị một đồng minh nghiêm chỉnh. Tại Afganistan, Hamid Karzai tỏ ra là một người có khả năng và thiện chí nhưng chủ yếu là một nhân sĩ hợp tác với cơ quan CIA chứ không có một tổ chức Afganistan nào làm hậu thuẫn. Tại Iraq còn tệ hơn, Chalabi đã chẳng có lực lượng nào mà còn không lương thiện. Bush và bộ tham mưu đã sai lầm một cách lố bịch, gây thiệt hại lớn cho Mỹ, Iraq, Afganistan và an ninh thế giới. Họ đáng bị lên án nghiêm khắc.

Còn cuộc khủng hoảng kinh tế? Hai nguyên nhân chính của nó là chính sách tín dụng quá buông thả và chính sách thả lỏng hoàn toàn những sản phẩm tài chính nguy hiểm. Cả hai nguyên nhân này đã phát sinh từ thời Clinton. Chính sách cho vay nhà đất thả cửa, subprime, qua trung gian hai ngân hàng Freddie Mac và Fannie Mae do nhà nước kiểm soát nằm trong chiến lược kinh tế của chính quyền Clinton và được thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ Clinton. Đạo luật bãi bỏ mọi kiểm soát đối với các dụng cụ tài chính nguy hiểm (Credit Default Swaft, Securitization etc.) được biểu quyết do sáng kiến của Alan Greenspan năm 2000 dưới thời Clinton. Nhưng George W. Bush cũng đã có trách nhiệm lớn là đã không có phản ứng gì trong suốt hai nhiệm kỳ để xẩy ra khủng hoảng nặng.

Người ta quả nhiên có lý do để qui trách, và qui trách năng nề, "Bush 43". Một nhà bình luận nổi tiếng đã viết trên tờ Newsweek là ông sẽ tới dự lễ nhậm chức của Obama, để mừng Obama thì ít mà để được thấy "Bush 43" ra đi thì nhiều. Nhưng Bush 43 có xứng đáng với tất cả những phê phán phũ phàng, đôi khi khinh miệt, mà người ta dành cho ông không?

***

Về cuộc khủng hoảng kinh tế chẳng có gì để nói thêm, ngoài câu hỏi tại sao Clinton và Greenspan không bị qui trách ít nhất bằng Bush?

Còn cuộc chiến Iraq? Không ai có thể chối cãi Saddam Hussein là một bạo chúa cùng hung cực ác, một thảm hoạ cho cho dân tộc Iraq và một đe doạ cho an ninh thế giới. Đánh đổ một bạo chúa như vậy là điều nên làm và phải làm trừ khi không làm nổi. Chủ quyền quốc gia không thể đồng nghĩa với quyền tự do hành hạ dân chúng của những bạo quyền. Cũng không ai có thể nói người Iraq đã đau khổ vì cuộc can thiệp của Mỹ hơn là dưới thời Saddam Hussein. Hay hoà bình ở Trung Đông và an ninh thế giới đã bị đe doạ hơn trước. Ngược lại. Nếu cuộc chiến này gây thiệt hại thì cũng chỉ là thiệt hại cho Mỹ và đồng minh trung kiên Anh. Nó có lợi cho thế giới; nó xô đổ một quan niệm tồi tệ về chủ quyền quốc gia, nó khẳng định một cách mãnh liệt rằng khủng bố phải bị tiêu diệt bằng mọi giá và nó cũng làm các lực lượng khủng bố bị kiệt quệ, nó đặt nền móng cho một quốc gia dân chủ trong khối Hồi Giáo Ả Rập. Về mặt nguyên tắc người ta chỉ có thể trách Bush là thay vì nhân danh những gía trị phổ cập đã sử dụng lý cớ Iraq có vũ khí giết người hàng loạt để lấy cớ tấn công vào Iraq. Bush lầm hay đã đánh lừa dư luận để có thể thực hiện một mực tiêu mà ông nghĩ là đúng? Quyết định tấn công vào Iraq của Bush đã bị phản đối dữ dội chủ yếu do thái độ thiếu lương thiện của hai đồng minh Pháp và Đức. Hai nước này đã ngầm thỏa hiệp với Saddam Hussein trái với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, vì những lý do ích kỷ (Pháp để được giao quyền khai thác các giếng dầu của Iraq, Đức để được dành phần lớn thị trường cung cấp thiết bi xây dựng, cơ khí, điện và truyền thông). Họ đã vận động cả một liên minh ngăn cản Mỹ tấn công Saddam Hussein. Một tổng thống như Clinton có thể đã nhượng bộ nhưng Bush thì không. Schrodër và Chirac đã rất cay cú khi Bush đánh gục chế độ Saddam Hussein và quay ra tố cáo Mỹ là đơn phương và xấc xược, một lập luận bao giờ cũng ăn khách khi được dùng để chống lại Mỹ. Nhưng Saddam Hussein đã từng dùng hơi độc để tàn sát người Iraq gốc Kurd, hắn có thể làm những chuyện ghê rợn nhất, kể cả chứa chấp bọn khủng bố. Bush đã đúng khi quyết định đánh gục Saddam Hussein.

Phân tích chiến lược của chính quyền Bush cũng không sai. Dân chủ chỉ toàn thắng và an ninh thế giới chỉ được bảo đảm khi các nước Hồi Giáo, đặc biệt là khối Ả Rập, được dân chủ hoá. Iraq là quốc gia lý tưởng để xây dựng một nền dân chủ phồn vinh, làm mẫu mực cho các nước trong vùng, như Nhật đã từng là một mẫu mực lôi kéo các nước Châu Á vào quỹ đạo dân chủ. Iraq là nước Trung Đông hiếm hoi có truyền thống thế quyền. Lý do có lẽ chì vì quyền lực tại Iraq luôn luôn nằm trong tay thiểu số theo Hồi Giáo Sunni trong khi đa số người Iraq theo hệ phái Chiite, nhưng hậu quả vẫn là một nước Iraq thế quyền. Iraq có trữ lượng dầu lửa rất lớn và còn có một cách dồi dào một tài nguyên khác mà các nước Trung Đông đều thiếu: nước. Iraq có tiềm năng để trở thành một quốc gia dân chủ giầu mạnh làm mẫu mực cho các nước trong vùng. Đó là mục tiêu của chính quyền Bush. Mặc đầu những sai lầm khó tưởng tượng mục tiêu này cũng đã bắt đầu được thực hiện và có triển vọng thành công, ít nhất một phần. Bush 43 đã làm một cách vụng về một việc cần làm. Và ai có thể nói Trung Đông lúc này sẽ ra sao nếu Saddam Hussein vẫn còn ở đó? Với thời gian, khi các xúc động đã lắng xuống, người ta sẽ đánh giá George W. Bush về những gì chính quyền ông đã làm hơn là về cách làm.

Quan sát kỹ thì Bush còn bị chê trách vì chính con người của ông; ông không truyền cảm và thiếu thu hút. Ông thiếu một khả năng tối cần thiết cho một tổng thống Mỹ: khả năng thuyết phục. Khuyết điểm này khiến người ta chê ông trên nhiều điểm khác.

Hình như có một đồng thuận lớn là George W. Bush không có bản lĩnh để làm tổng thống Mỹ. Đúng, nhưng thực ra cũng không ai đủ bản lãnh để làm tổng thống Mỹ cả. Nước Mỹ quá lớn, quá mạnh, quá phức tạp. Sự tìm kiếm một người để lãnh đạo nước Mỹ tự nó đã là một sai lầm. Chính chế độ tổng thống là điều mà nước Mỹ phải xét lại.

Nhiều người nói Bush thiếu văn hoá. Điều này cần được tương đối hoá. Một cách ngược đời Bush 43, hay Bush con, là vị tổng thống Mỹ nhiều bằng cấp cao nhất. Ông tốt nghiệp cả hai trường danh tiếng nhất nước Mỹ: Yale và Havard. Không phải chỉ có bằng cấp Bush còn có tài thực. Ông đã rất thành công trong hai nhiệm kỳ thống đốc tại bang Texas. Cái yếu của Bush chỉ xuất hiện khi ông phải giải quyết những vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ Hoa Kỳ. Tuy vậy trong hai đợt tranh luận về chiến lược đối ngoại với Al Gore, rồi John Kerry, hai người nổi tiếng là xuất chúng, ông không hề bối rối. George W. Bush quả thực thiếu hiểu biết về thế giới; khi ra tranh cử tổng thống lần đầu ông không biết cả tên tổng thống Pakistan, một đồng minh chiến lược đặc biệt quan trọng. Tuy vậy sự thiếu hiểu biết về thế giới là một đặc tính chung của hầu hết mọi chính trị gia Mỹ và là một hậu quả của hệ thống chính trị Mỹ. Ít ai lưu ý rằng Bush 43 là một trong số rất ít những tổng thống Mỹ lên cầm quyền với một viễn kiến về thế giới và ông đã thực hiện viễn kiến này một cách quả quyết. Trước Bush hai tổng thống khác, Kennedy và Nixon cũng đã lên cầm quyền với một chiến lược toàn cầu, nhưng cả hai đều không thực hiện được ý định. Khác với Wilson và Roosevelt đã bị tấn công và phải tham chiến, Bush đã chủ động cuộc chiến Iraq theo một cái nhìn chiến lược về quyền lợi của Mỹ và thế giới. Việc Bush lấy quyết định gửi thêm quân sang Iraq ngay giữa lúc bị phản đối kịch liệt nhất chứng tỏ ông vừa có niềm tin vừa có đởm lược, dù có thể là không có tài.

Lịch sử sẽ nhắc tới Bush như là vị tổng thống Mỹ đã chủ động thay đổi bộ mặt thế giới và ít nhiều đã làm thế giới bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tốt. Sự du nhập dân chủ vào Iraq là một biến cố lớn mà các hậu quả còn cần thời gian để được nhìn rõ. Một điều quan trọng khác: chính quyết tâm sắt đá tiêu diệt khủng bố bằng mọi giá của Bush đã góp phần quyết định thuyết phục dư luận thế giới rằng khủng bố là một tội ác và một điều bỉ ổi. Không chắc gì một tổng thống như Clinton, hay Gore, hay Obama có thể tuyên chiến với khủng bố một cách quyết liệt như Bush. Bush đã đóng góp vào một biến chuyển tâm lý; trước đó đối với một phần đáng kể dư luận, kể cả dư luận phương Tây, khủng bố vẫn còn phần nào tính lãng mạn và sự quyến rũ của nó trong các thập niên 1960 và 1970.

***

Và nếu quả nhiên Bush không phải là một tổng thống mà nước Mỹ cần có thì lỗi tại ai? Bush ứng cử và đắc cử một cách lương thiện, ông cũng không bị tai tiếng là tham nhũng, gian trá, trai gái. Ông đã chỉ gặp những vấn đề lớn hơn khả năng của ông. Nhưng đây chính là khuyết tật của văn hoá chính trị và hệ thống chính trị của nước Mỹ.

Về văn hoá chính trị người Mỹ, thường dân cũng như các chính trị gia, đầu tư rất ít vào cố gắng để tìm hiểu thế giới. Họ gần như coi nước Mỹ là một thế giới riêng. Mặc dù Mỹ, dù muốn hay không, có vai trò lãnh đạo thế giới nhưng các tổng thống Mỹ -chưa nói các thống đốc, nghị sĩ dân biểu- đều được bầu trên những tiêu chuẩn gần như thuần túy nội bộ. Các cấp lãnh đạo được chọn lựa như thế nên cũng chỉ quan tâm đến các vấn đề nội bộ. Khi bắt buộc phải lấy một quyết định đối ngoại họ hành xử một cách ngây thơ giống hệt như đối với một vấn đề của nước Mỹ. Cái văn hoá chính trị này đã gây thảm kịch cho nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam, nhưng nó vẫn chưa thay đổi bao nhiêu, bởi vì hệ thống chính trị của Mỹ khiến nó khó thay đổi.

Sự phồn vinh của nước Mỹ dễ làm người ta quên rằng hệ thống chính trị của nước Mỹ rất dở và lỗi thời, đặc biệt là chế độ tổng thống. Chế độ này có rất nhiều khuyết tật. Kẻ viết bài này đã từng phân tích những khuyết tật này (*). Ở đây chỉ xin nhấn mạnh một điểm: nó ngăn chặn sự hình thành của những chính đảng đúng nghĩa. Nước Mỹ không có những chính đảng đúng nghĩa, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà chỉ là những liên minh của các nhóm áp lực và quyền lợi, trong khi chỉ có những chính đảng lớn mới đào tạo được những chính tri gia lớn. Những nhóm áp lực này dĩ nhiên chỉ có những quan tâm nội bộ, vì thế sự thiếu hiểu biết của Mỹ về thế giới sẽ còn kéo dài. Những cuộc bầu cử tổng thống giống như những cuộc thi đua trình diễn trong đó bề mặt quan trọng hơn chiều sâu.

Hoa Kỳ đã là một nước dân chủ rất thanh công, nhưng Hoa Kỳ thành công mặc dù theo chế độ tổng thống chứ không phải nhờ chế độ tổng thống. Hoa Kỳ thành công nhờ hệ thống tản quyền, nhờ có tự do thực sự cho phép xã hội dân sự phát triển mạnh, và nhất là nhờ luật pháp được triệt để áp dụng. Hoa Kỳ sẽ còn thành công hơn nhiều với một chế độ đại nghị. Cho tới nay vì Hoa Kỳ vượt quá xa phần còn lại của thế giới nên những tai hại của chế độ tổng thống chưa khiến Hoa Kỳ mất vị trí số 1. Nhưng Hoa Kỳ đang bị thế giới dần dần bắt kịp, kinh tế Hoa Kỳ chỉ còn là 20% kinh tế thế giới, thay vì 50% năm mươi năm trước đây. Hoa Kỳ sẽ phải chuyển dần qua chế độ đại nghị nếu muốn tiếp tục dẫn đầu thế giới. Sự chuyển hoá này có vẻ đã bắt đầu, dù là một cách dùng dằng.

Tôi cũng muốn nhìn Obama nhận chức và George W. Bush rời toà Bạch Ốc, nhưng vì một lý do khác. Có một cái gì đó rất Mỹ khi nhìn một tổng thống đắc cử vẻ vang bốn năm trước ra đi một cách bẽ bàng, mặc dù mọi người đều đồng ý rằng ông đã khá hơn trước.


Nguyễn Gia Kiểng

(*) Độc giả có thể đọc những nhận định của tác giả về chế độ tổng thống trong Tổ Quốc Ăn Năn, in lần thứ hai, 2004, chương "Phản xạ tổng thống", trang 529.

Nguyễn Gia Kiểng