CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B
NGHỊCH LÝ CỦA THẬP GIÁ
Suy nghĩ các bài Thương khó trong tuần Thánh, sao tôi thấy có quá nhiều trái ngược. Những trái ngược ấy lớn cho đến mức trở thành những nghịch lý. Và lớn hơn nữa: trở thành mâu thuẫn đến nỗi có những lúc như tàn nhẫn, như đớn đau.
1. Đó là nghịch lý xuất phát từ phía dân chúng: Cuộc tiến vào Giêrusalem giữa một đám đông dân chúng hân hoan, nô nức, tay vẫy cao cành lá, còn có kẻ tỏ lòng mộ mến đã trải áo xuống đường, miệng thì không ngớt tung hô: "Hoan hô con vua Đavit" để long trọng rước Chúa Giêsu vào thủ đô Giêrusalem.
Nhưng có ai ngờ rằng, giữa những tiếng tung hô dậy trời ấy, giữa mọi cử chỉ, mọi hành động vô cùng tốt đẹp ấy, giữa cảnh tượng huy hoàng tưởng như Chúa Kitô đang chiến thắng, đang khải hoàn, và ngay giữa lòng dân chúng có vẻ như chỉ có niềm vui chan chứa, lại đang chất chứa cả một sự phản bội ghê gớm, một sự phản bội như dồn, như thúc để sau đó sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng Trấn Philatô trong tiếng gào thét và những bàn tay nắm chặt đưa lên một cách quyết tâm: "Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá". Dù cho Philatô có thật lòng và ngàn lần muốn tha bỗng đi nữa, thì sự quyết tâm đóng đinh Giêsu một cách mãnh liệt như thế, sẽ không có chỗ cho ông thực hiện ý muốn của mình, đừng nói gì đến chuyện một Philatô lòng vẫn còn đó đầy dẫy ham hố quyền - danh - lợi.
Cứ như thế, hết thời đại này đến thời đại khác, bất công nối tiếp bất công chỉ vì quyền - danh - lợi ấy.
2. Đó cũng là những nghịch lý khởi đi từ phía các môn đệ: Bao nhiêu tháng ngày được hướng dẫn, dạy dỗ, nhìn xem Thầy làm biết bao nhiêu phép lạ, chứng kiến Thầy hiển dung uy nghi trên núi cao..., vậy mà những lời dạy thân thương, những việc làm tốt đẹp ấy đã tan biến đâu hết rồi. Đến giờ này, chính trong hàng ngũ những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu lại xuất hiện những tâm hồn rắp tâm phản bội người Thầy khả ái và khả kính của mình. Không biết 30 đồng thời ấy so với 30 đồng thời nay, khoảng cách chênh lệch đến mức nào, nhưng dẫu cho giá trị có lớn đến đâu, thì khi bán đứng Thầy mình cho chính những người đang hận Thầy đến phát điên lên, Giuđatrở thành biểu tượng của kẻ phản bội. Hình ảnh thọ ơn và trả ơn bằng bội ơn không nghịch lý lắm sao. Nghịch lý ấy đã làm cho đời sống, không phải chỉ trong thời Chúa Giêsu, nhưng là mọi thời, trở nên nhiều lẽ xấu hơn, lòng người tệ bạc hơn.
Sự yếu đuối của thánh Phêrô cũng là một nghịch lý. Được Thầy yêu thương lắm, nên đã biến Phêrô thành người học trò hàng đầu, làm tông đồ trưởng, sau này sẽ là giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội. Vậy mà trước quyền lực của thế gian, đã làm thánh Phêrô sợ hãi đến độ chối Thầy Ba lần. Nhưng không phải ba lần trong ba tháng hay ba ngày, nhưng ba lần liên tục trong vài giờ đồng hồ, chỉ cách nhau có hai canh gà mà thôi. Nghịch lý về sự chối Thầy của Phêrô đối diện với lòng thương vô cùng của Chúa Giêsu, sao cứ mãi là nghịch lý khi loài người đã không biết ơn Thiên Chúa, không chỉ vô tâm với lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn đi xa hơn trong lầm lạc: phủ nhận và chối từ chính Thiên Chúa!
3. Đó còn là nghịch lý trong phiên tòa Philatô. Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, bản thân Ngài đã là một nghịch lý: Từ một vì Thiên Chúa cao sang, quyền năng vô biên, lại hóa thân làm người sống như chính con người là người, đã là một sự khiêm hạ khó hiểu. Vậy mà Thiên Chúa quyền năng vô biên ấy giờ lại để cho loài người "xử án". Một nghịch lý nhiệm mầu quá đỗi!
Phiên tòa Philatô đại diện cho cả loài người tàn nhẫn, bạo ngược đồng loạt tuyên án tử chính Thiên Chúa của mình. Bởi thế, Phiên tòa Philatô là một phiên tòa hết sức bất công, hết sức ngược ngạo, chỉ có một không hai từ thủơ tạo thiên lập địa cho đến ngàn đời sau: Con người "xử tội" Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa đã tạo dựng chính con người, và nắm quyền xét xử con người.
Dù ngày hôm nay, không còn những phiên tòa mặc nhiên xét xử Thiên Chúa như Philatô đã từng xét xử Chúa Giêsu, nhưng vẫn còn đó những lời phạm thượng, những hàng động, những lối suy nghĩ mà trong đó hàm chứa sự oán trách và kết án Thiên Chúa.
Vẫn còn đó những phiên tòa xét xử, kết án những người vô tội, người nghèo khổ, cô thân cô thế không một quyền bính nào bảo vệ, dù quyền bính đó có thể là pháp luật. Và đôi lúc chính chúng ta cũng đã lên án nhau. Dù không nói ra, nhưng lương tâm ta đã từng lên án những cô gái điếm, những em bé nghèo cơ nhỡ phải trộm cắp, những thanh niên nghiện nghập, những nạn nhân của nhiều vụ tự tử hay của con bệnh AIDS.
4. Hình ảnh Đức Maria cùng với thánh Gioan hiện diện giữa pháp trường cũng lại là một nghịc lý lớn không kém. Có ai ngờ rằng, những thanh niên trai tráng như các thánh tông đồ, tưởng chừng đầy sức mạnh, đầy can trường, khó có một trở ngại nào làm chùng bước, làm thoái lui. Vậy mà khi Thầy lâm nạn, đã trở thành những kẻ bạc nhược, khiếp đảm và run sợ. Các ngài không hiểu nỗi tại sao bình thường Chúa Giêsu quyền năng là thế, có sức thu hút là thế, đã có lần những hào quang ấy làm cho các ngài tưởng mình đã mạnh mẽ lắm, nên đã phát ngôn có khi nghe chướng tai: "Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?" (Lc 9, 54). Sao bây giờ phải chứng kiến Chúa Giêsu ngã gục dưới làn roi, dưới thập giá, dưới những lời phỉ báng ô nhục...Ao ảnh về một cứu chúa trần thế huy hoàng sụp đổ, đã kéo tinh thần của các thánh tông đồ đổ quị theo.
Chỉ có Đức Maria, một phụ nữ chân yếu tay mềm như mọi phụ nữ, vì tình yêu đối với Con của mình đã trở nên mạnh mẽ, bất chấp mọi nguy hiểm, mọi sĩ nhục, mọi đớn đau..., đối mặt với thập giá kinh hoàng. Người phụ nữ ấy đã kiên trung, đã can đảm đến cùng, để chứng kiến cho bằng được người con ruột thịt yêu quí của mình quằng quại trên thập giá. Chứng kiến cảnh đau cõi xót lòng khi người con duy nhất của mình trao linh hồn cho Chúa Cha và thở hơi lần cuối trong sức tàn. Chính vì tình yêu màlúc những mũi đinh đau đớn treo Con của Mẹ, lúc Chúa Giêsu đang lịm dần, lúc máu chảy tràn từ cạnh nương long, cũng là lúc Mẹ chết từng giây và tan nát tâm hồn.
Cũng thế, thánh Gioan chỉ là một người em út trong đoàn tông đồ, đã can đảm không kém để cùng với Mẹ Chúa Giêsu chứng kiến đến giây phút sau cùng của một đời làm người của Chúa Giêsu. Thánh Gioan thật xứng đáng với chức vị của "Người môn đệ được Chúa yêu". Bởi vậy, Nhìn vào quang cảnh ấy, một lần nữa ta lại phát hiện ra rằng, chia sẻ thập giá Chúa, sao chỉ có những người yếu đuối về sức lực, nhỏ bé về thể xác lại lớn lao quá đổi về sức chịu đựng, quá đổi về sự dũng mãnh và can trường. Tất cả có được chỉ nhờ tình yêu. Hãy yêu để vác thập giá giữa đời mà bước đi với Chúa Kitô. Hãy yêu để xác quyết đức tin nơi thập giá cứu độ tuyệt vời ấy. Hãy yêu và hãy tin để sức mạnh của tình yêu và sức mạnh của niềm tin nâng đỡ sức người. Nhờ đó, cho dù bé nhỏ, mỏng dòn đến đâu, sức người vẫn có thể chấp nhận sức nặng của thập giá, không phải một lần mà một đời.
5. Kết luận: Nếu chỉ nhìn bằng cái nhìn hiện thực và lịch sử, bất cứ ai góp phần đưa đến cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, cụ thể là những người Do-thái và La-mã của thời Chúa Giêsu, là hành động tội ác.
Nhưng nếu nhìn bằng ánh mắt đức tin, cái chết bi thương trên thập giá của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm là bởi bạn và tôi đều cảm nhận rằng, ngay cả ngày hôm nay, bạn và tôi cùng có mặt trong vụ án Chúa Giêsu để cùng tham dự vào việc đóng đinh Ngài. Dẫu ta vẫn cùng nhau tuyên xưng rằng, Chúa chịu đóng đinh vì ta, thì ngay trong lời tuyên xưng ấy đủ để tố cáo chúng ta: bởi tội lỗi, cho nên đã cách xa hai ngàn năm, ta vẫn là một kẻ chối bỏ, một tiếng reo hò, một lời cáo gian, một sự sỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Chúa Giêsu.
Nghịch lý về thập giá Chúa Kitô, một nghịch lý mà muôn đời sau phải ghi nhớ: nghịch lý về một Thiên Chúa vì yêu đã làm người, cúi xuống nâng phận người bé nhỏ lên. Nghịch lý về một Thiên Chúa tình yêu đã làm người chết thay cho muôn người. Nghịch lý về một Thiên Chúa đã sử dụng chính hành vi tội ác của con người để làm nên hoa trái của ơn cứu chuộc, quay lại cứu chuộc chính con người.
Từ những suy nghĩ về thập giá và nghịch lý của thập giá như thế, tôi muốn mời bạn cùng tôi cầu nguyện bằng một lời cầu nguyện ai đó đã viết khi ngắm nhìn những nghịch lý của thập giá Chúa Kitô:
Lạy Chúa,
Sao cứ để con giàu có dư dật
Nhưng lại mời gọi con phải sống khó nghèo?
Sao cứ cho con thành công, danh giá
Nhưng lại bảo con phải sống khiêm nhường?
Sao ban cho con một trí khôn minh mẫn
Nhưng lại để con "ngu dốt" trong tình Ngài yêu con?
Sao đặt trong con một quả tim muốn độc chiếm
Nhưng lại muốn con phải mở ra với mọi người?
Sao dựng nên con một thân xác muốm hưởng thụ
Nhưng lại khuyên con phải phục vụ, hy sinh?
Sao để trong con mạnh mẽ một cá tính
Nhưng lại bảo con phải bỏ ý riêng mình?...
Và tại sao ban cho con tất cả
Rồi lại dạy con phải bỏ hết để theo Ngài?
***
Chúa ơi, bây giờ con mới biết
Chỉ khi nào sống được nghịch lý này
Con mới hiểu ra một nghịch lý khác:
Nghịch lý về một kẻ phạm tội
Nhưng một người khác lại đền tội vì yêu!
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng