Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh B

Ngày cầu nguyện cho Giáo Hội thầm lặng!


(Ga 15,9-17)


Nhiều nơi trên thế giới đã chọn ngày Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh hôm nay làm ngày cầu nguyện cho các Kitô hữu đang phải sống trong cảnh bị bắt bớ, đàn áp, tù tội và phải hứng chịu bao thiệt thòi trong cuộc sống vì lý do là họ đã tin kính Thiên Chúa. Vì thế chúng ta thử cùng nhau suy gẫm Sứ Điệp Tin Mừng hôm nay, để cùng múc lấy cho mình nguồn sức sống và đồng thời nối dài nhịp cầu thông cảm với anh chị em Kitô hữu đau khổ của mình trong kinh nguyện.

Trở lại nội dung bài Tin Mừng: Khi tôi đọc lại những lời của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, tôi sực nhớ lại lời thánh Phan-xi-cô thành Sa-lét: «Với một giọt mật ong người ta có thể làm được nhiều việc hơn là với một thùng dấm chua». Nghĩa là với một chút lương thiện, một cái tai biết lắng nghe, một bàn tay biết ấm áp nắm chặt lấy tay đồng loại, người ta sẽ thu phục được lòng người hơn những vất vả tranh cãi, những xung đột háo thắng. Bởi vì tình yêu và lòng vị tha là nỗi khát khao mong mỏi cơ bản của con người.

Ðúng vậy, tất cả mọi người đều thèm khát tình yêu. Tất cả mọi người đều mong muốn được người khác thông cảm. Nhưng tiếc thay, thực tại của cuộc sống cũng như những kinh nghiệm cụ thể hằng ngày lại chứng minh cho ta thấy ngược lại: Sự bạc bẽo, ghen tương, hờn giận, kỳ thị, thù hằn, v.v… từ trong gia đình ra đến chỗ làm việc, trong đời sống giáo xứ và những nơi công cộng. Bởi vậy, nếu có ai cho thế giới là đẹp, là một nơi lý tưởng, thì người ta sẽ nghĩ ngay người đó là kẻ nói dối hay là một kẻ thiếu am tường thực tế.

Trong một cuộc sống đầy bất trắc và giao động như thế, dù là Kitô hữu, chúng ta cũng phải dự phần vào đó, không phải một cách thụ động, nhưng một cách đầy sinh động và sáng tạo. Tuy nhiên, trong mọi cảnh huống của cuộc sống, giới luật tình yêu huynh đệ mà chúng ta đã được học hỏi ngay từ lớp giáo lý vỡ lòng luôn phải là điểm tựa và nền tảng cho mọi hành động cũng như mọi cách xử thế của chúng ta. Còn trong thực tế? Thái độ cư xử của chúng ta thế nào? Chúng ta có thành tâm ngăn ngừa sự dữ, không để cho nó tiếp tục lan tràn ra trong cuộc sống xã hội? Liệu chúng ta có can đảm cùng thánh Phan-xi-cô Khó Khăn cầu nguyện và rồi đưa ra thực hành trong cuộc sống: «Lạy Chúa, xin dùng con làm khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp. Lạy Chúa, xin dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu, v.v…» (Kinh Hòa Bình).

Vâng, đó là một lời nguyện đẹp nhất và có hiệu quả nhất cho tâm hồn chúng ta, đặc biệt trong lúc gặp phải thất vọng, chán nản và bị bỏ rơi. Chắc chắn lời kinh đó sẽ giúp chúng ta tìm lại được quân bình, sự can đảm và nghị lực mới, để bắt đầu lại, để tiếp tục tiến bước và nhất là để nối lại tương quan với mọi người trong sự vui vẻ, thành tâm và đầy thông cảm. Vì thế chúng ta nên cố gắng lặp lại lời kinh đó và tìm cách sống theo tinh thần của nó.

Ðặc biệt, với lời kinh thánh thiện đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho những Kitô hữu khắp nơi trên thế giới đang phải sống trong cảnh bị kỳ thị, bắt bớ, hành quyết và bị sát hại, vì đức tin Kitô Giáo của họ. Chúng ta không chỉ nói về các anh chị em cùng đức tin với chúng ta đang phải chịu mọi thử thách và đau khổ đó, nhưng chúng ta hãy lắng nghe họ, lắng nghe sứ điệp thầm lặng của họ, sứ điệp của cuộc sống và của sự đau khổ của họ, bởi vì họ là chứng nhân của Ðấng đã từng phải bị kết án bất công, bị chế nhạo, bị hành hạ tra tấn và bị giết chết một cách vô tội. Là những người Việt Nam, con cháu của trên 300.000 các vị tử đạo anh hùng, suốt từ khi Tin Mừng Phúc Âm được rao giảng trên đất nước chúng ta vào thế ký XVII mãi cho tới hôm nay, chúng ta càng cảm nghiệm cách thấm thía hơn những đau khổ và thiệt thòi mà các anh chị em đồng đạo của chúng ta đang phải gánh chịu hằng ngày trên khắp thế giới.

Hơn nữa, với kinh nguyện hằng ngày, chúng ta bắc lại một nhịp cầu xuyên qua mọi bức tường và mọi biên giới cách chia, một nhịp cầu nối gần lại tất cả mọi miền xa xôi của hận thù và của đố kỵ. Bởi vì chúng ta luôn cảm nhận được rằng lời kinh chúng ta dâng lên tòa Chúa cho những anh chị em đau khổ của chúng ta đang phải sống trong cảnh bắt bớ, sẽ là nguồn sức mạnh trợ lực to lớn để họ có thể đứng vững và chiến đấu cho niềm xác tín Kitô giáo của mình. Do đó, chúng ta hãy giữ gìn và phát hy vọng nguồn sức mạnh siêu nhiên đó.

Nói tóm lại, trong ngày cầu nguyện cho Giáo Hội bị bắt bớ hôm nay, chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho những anh chị em cùng đức tin với chúng ta đang phải chịu kỳ thị, ghét bỏ và đàn áp. Ðồng thời, chúng ta cũng phải tự kiểm điểm lại chính mình và tự hỏi liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác và làm hòa với họ là những người có lẽ cũng đã phải đau khổ do cách cư xử thiếu nhã nhặn và không lịch thiệp của chúng ta không?


LM. Nguyễn Hữu Thy