Chúa Nhật 18 C (Lc 12,13-21)

HÃY GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM

1. Từ thực tế cuộc sống

Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông đều nói đến ảnh hưởng tai hại của dịch bệnh heo tai xanh.

Dịch heo tai xanh đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội cho các tỉnh miền Trung và đe doạ cả khu vực phía nam.

Trong vòng một tháng, dịch heo tai xanh lây lan theo hai chiều, phía bắc qua Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế và phía nam vào Quảng Ngãi. Số lượng heo mắc bệnh chính thức khoảng hơn 30 ngàn con, số chết khoảng vài ngàn con, 90% thiệt hại vừa nói thuộc về tỉnh Quảng Nam.

Theo Tuổi Trẻ Online tính đến sáng 25/7, tỉnh Quảng Nam ghi nhận bùng phát dịch heo tai xanh ở 73 xã phường thị trấn thuộc 11 huyện thị xã thành phố.

Mặc dù số heo nhiễm bệnh khoảng 28 ngàn con, 1.600 con chết nhưng cả tỉnh có tới 600 ngàn con heo và sự đe doạ của dịch bệnh là vô cùng nghiêm trọng. Theo lời ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc sở NN&PTNT thì phải mất bốn năm nữa tỉnh Quảng Nam mới gầy dựng lại được đàn heo như trước.

Phá sản trắng tay

Tờ Lao Động ngày 23/7 mô tả người dân huyện Thăng Bình phá sản trắng tay vì dịch tai xanh, đàn heo chết sạch nhất là heo nái và heo con. Người dân vay tiền ngân hàng để nuôi heo làm kế sinh nhai, thảm hoạ tai xanh làm cho huyện Thăng Bình như có tang chung. Huyện có 44 ngàn dân thì 40 ngàn người sống nhờ chăn nuôi heo.

Tờ báo trích lời ông Nguyễn Văn Hương, trưởng phòng kinh tế huyện Thăng Bình, các xã vùng đông sống trên xứ cát, trồng trọt chỉ có rau màu và vài miếng đất bồi ven sông Trường Giang trồng lúa chỉ đủ lấy công đổi gạo. Thế nên toàn bộ người dân đều chăn nuôi và cũng chỉ chăn nuôi heo. Đặc biệt heo nái ở Thăng Bình đã làm nên chợ cung cấp lợn sữa Hà Lam lớn nhất miền Trung, thị trấn Hà Lam mỗi ngày cung cấp 2.500 con lợn sữa cho thị trường cả nước.

Vẫn theo tờ Lao Động, tập quán hủ lậu của dân chăn nuôi xứ cát Thăng Bình là khi heo chết phải đem ra sông thuỷ táng để còn mát tay mới có thể tiếp tục nuôi heo đầy đàn. Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến thảm hoạ môi trường do xác heo dịch tai xanh ngập sông Trường Giang.

Vietnam Net ngày 25/7 có bài viết ‘Tâm ổ dịch tai xanh ngập xác heo thối. Bên vệ đường và trên các con kênh, những xác heo trương phình thối rữa bốc mùi xú uế nồng nặc. Ngoài chợ, vẫn lấp ló những phản thịt heo.

Trong nhà, những tiếng thở dài não nuột trước đàn heo vắng dần. Một cán bộ lãnh đạo xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết, sau khi heo chết, không bán được, lại không có người đi chôn, nên bà con lén đem vứt ra ao hồ. Đó là chưa kể chuyện mê tín khi heo chết thì không được chôn sợ chuyện xấu cho ngày sau.

Sở dĩ dịch heo tai xanh có thể lây lan nhanh tới Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là vì nạn vận chuyển lậu heo bệnh bán tẩu tán ngoài địa bàn Quảng Nam, như lời TS Văn Đăng Kỳ chuyên gia dịch tễ thú y ở Hà Nội nhận định: “ Nguyên nhân bắt nguồn từ vấn đề quản lý vận chuyển tại các ổ dịch rất khó thực hiện…còn người dân thì hoang mang cứ bán chạy lợn thành ra lây lan dịch.”

Vấn đề nghiêm trọng

Theo Việt Nam Net, thành phố Đà Nẵng chính thức công bố dịch heo tai xanh vào ngày 20/7. Dịch bùng phát ở huyện Hoà Vang và quận Cẩm Lệ, làm cho người dân Đà Nẵng e ngại và từ bỏ thịt heo. “ Mọi thực phẩm có liên quan tới heo là không còn sử dụng nữa…đây là vấn đề nghiêm trọng.”

Ngày 25/7 trong cuộc họp ở Huế thứ trưởng bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nói rằng 1.500 con heo bệnh ở Thừa Thiên Huế, có những triệu chứng lâm sàng của bệnh heo tai xanh. Ở Quảng Ngãi cùng ngày 24, thú y tỉnh đã phát hiện đàn heo 76 con ở huyện Tư Nghĩa có triệu chứng bệnh tai xanh, các biện pháp khoanh vùng, tiêu huỷ heo bệnh đã được áp dụng.

Theo mạng Đọc Báo Trực Tuyến, trước nguy cơ dịch lây lan đến các tỉnh phía nam, ngày 25/7 ngành thú y thống nhất kiến nghị tạm ngưng nhập heo từ miền trung nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân và ngành chăn nuôi heo trong vùng.

Ông Phạm Xuân Bình, giám đốc thú y vùng VI đông nam bộ cho biết mỗi ngày đêm có khoảng 1 ngàn con heo được vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh miền trung vào nam,nhất là về Sài gòn tiêu thụ. Giới chức vừa nói tỏ ý lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh heo tai xanh và bệnh liên cầu trùng ở heo lây cho người ở vùng chưa có dịch.

Theo ông Huỳnh Hữu Lợi, chi cục trưởng thú y chỉ cần 100 con heo dính bệnh tai xanh tiêu thụ trót lọt ở Sài gòn thì sẽ không thể lường trước nguy cơ người dân bị lây bệnh liên cầu. Được biết heo bị bệnh tai xanh thường kết hợp với các loại bệnh nguy hiểm khác như tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn và cả loại bệnh có thể lây và làm chết người là liên cầu trùng.

Tiến sĩ Văn Đăng Kỳ chuyên gia dịch tễ thú y mô tả tình hình bệnh nhân lây bệnh liên cầu trùng từ heo:

“ Kết quả kiểm tra thì hầu như là những người mắc bệnh liên cầu khuẩn từ streptococcus đều do tiếp xúc với heo, như người chăn nuôi mắc bệnh, người giết mổ, người xử lý tiêu hủy gia súc bệnh…người ăn thịt heo bệnh và rất nhiều trường hợp là ăn tiết canh heo. Miền bắc đã có 22 người mắc bệnh 2 người tử vong.

Chúng tôi đã tìm hiểu các bệnh nhân là trước khi phát bệnh họ đã làm những việc gì, ghi nhận rằng đa số bệnh nhân đều có tiếp xúc trực tiếp với heo. Dễ lây bệnh nếu chân tay xây xát, lây qua đường hô hấp hít thở trực tiếp và đặc biệt ăn tiết canh heo là rất dễ bị nhiễm bệnh.”

Theo Vietnam Net, người bị nhiễm liên cầu khuẩn từ Heo có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp tỷ lệ tử vong 7%, nghĩa là 100 người nhiễm bệnh thì có 7 người chết. Ngoài khả năng gây nguy hiểm cho con người do kết hợp bệnh, dịch heo tai xanh làm chết heo nái heo sữa có thể gây thiệt hại kinh tế lớn lao, trong bối cảnh chăn nuôi của Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Văn Năm phó cục trưởng thú y nhận định: “ Nói chung thiệt hại kinh tế do bệnh tai xanh khá lớn, các nước khác đã có tổng kết. Nhưng ở Việt Nam thiệt hại sẽ lớn hơn vì chăn nuôi manh mún, điều kiện vệ sinh thú y không được tốt nên heo bị nhiễm trùng tái phát và chết.

Heo chết tỷ lệ cao hơn, người dân bị thiệt hại trực tiếp vì đàn gia súc bị chết, những con còn sống cũng ảnh hưởng sản xuất. Hơn nữa thiệt hại gián tiếp là dịch bệnh đẩy giá cả tăng lên.”

Việt Nam hiện nay đang phải chống đỡ một lúc ba mặt trận dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc và nay dịch heo tai xanh. Quả thật đây là một tai họa lớn lao chưa từng có đối với 8 triệu hộ nông dân toàn quốc

Lợn dịch đã chôn, quật lên… xẻ thịt

Lao Động số 164 Ngày 18/07/2007 viết: Mỗi lần nhắc đến chuyện này, tôi không khỏi rợn người. Ngày 15.7, tôi nghe ở xã Bình Phục, hôm 14.7 là ở xã Bình Đào. Theo điều tra riêng của PV Lao Động, đã có đến hàng chục con - đều là lợn nái - bị chết vì dịch bệnh tai xanh, sau khi đem chôn dưới cát đã bị đào trộm, xẻ thịt đem đi tiêu thụ.

Sự thật ngoài sức tưởng tượng này xảy ra ở vùng đông huyện Thăng Bình - trọng điểm cơn đại dịch bệnh tai xanh đang hoành hành dữ dội trên đàn lợn khắp tỉnh Quảng Nam.

Chỉ chừa lại… bộ lòng

Sáng 15.7, chợ lợn thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình vắng hoe vì… đội kiểm tra liên ngành với xe pháo chốt ngay cửa, cùng với khẩu hiệu chống dịch tai xanh trên lợn đang được… dán vội để kịp trương lên. Khác hẳn với ngày 14.7, tôi đến chợ còn thấy lợn bày bán đầy. Chả là sáng nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác gồm các cục chức năng và tỉnh về đây để kiểm tra tình hình dịch bệnh đang nóng lên. Những người buôn lợn và nông dân bán lợn có vẻ như còn hy vọng “vớt vát” một buổi bán buôn, nên ngồi cả trước chợ, chưa chịu ra về.

Trong câu chuyện bày ra ngay cổng chợ, trước mặt đoàn liên ngành và các nhà báo, ông Nguyễn Quốc Minh - ở thôn 2, xã Bình Phục - khiến tôi giật bắn cả người - nổi gai ốc rùng mình: “Bà hàng xóm tôi có con lợn nái tạ mấy, lăn ra chết dịch hôm qua, phải nhờ đến 4 người khiêng ra nỗng cát chôn lấp. Đám người này trên đường về gặp phải bảy đáp (những người chuyên nghề mua lợn ở khắp hang cùng ngõ hẻm nhà dân) hỏi ra biết chuyện, họ nhờ chỉ chỗ chôn, trả cho 150.000 đồng, rồi… quật xác lợn lên xẻ thịt mang đi tuốt, chỉ vứt lại bộ lòng”.

Cuộc hành quyết lợn chết thật ngoài sức tưởng tượng. Hôm 14.7, ở đội 5, thôn 3, xã Bình Đào, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Chín kể lại: “Nhà tôi có 3 con lợn nái lăn ra chết dịch, phải đem chôn ở động cát ngoài rừng dương. Cả làng đều chôn lợn chết ở đó. Trưa hôm trước chôn rồi, vùi sâu dưới cát, sáng nay ra lại đó, chỉ thấy trên cát còn… mấy bộ lòng lợn. Xác lợn đã bị ai đào trộm, mang thịt xương đi rồi. ẹt nhất 14 con lợn nái chết dịch chôn ở đây của những người trong thôn cũng chung số phận chết không toàn thây như vậy”.

Bà Nguyễn Thị Liễu - ở thị trấn Hà Lam - “cấp” thêm thông tin: “Tôi biết có 2 lò giết mổ trên QL1A tại Hương An (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) thu nhận hết các loại lợn dịch này. Tôi thấy lợn chết dịch cũng có người mua, bèn đi theo coi thử. Hoá ra, họ chở đến đấy, vứt lòng, lột da, lấy xương và thịt nạc, chuyển ra bán ở Đà Nẵng. Họ bảo, xay nhừ ra làm dămbông, nem chả, đều là lợn chết, như nhau cả mà”. Tôi nhớ khi sáng sớm hôm đầu tiên đến Thăng Bình, ngồi ngay quán càphê ngã tư Hà Lam, lần đầu tiên nghe những người trong quán - tất nhiên có bà chủ “hãng thông tấn vỉa hè” này - cập nhật thông tin, mà xanh mặt: “Lợn chết dịch chôn rồi mà còn quật lên làm thịt, ác hơn cả cái vụ lấy cạctông làm bánh bao đăng trên báo vừa rồi”.

2. Suy niệm

Người đời thường quan niệm: "Có tiền mua tiên cũng được". Do đó ai cũng tìm cách kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Làm ăn hợp pháp cũng có mà một cách bất nhân cũng không thiếu. Phải thú nhận rằng thời đại nào tiền bạc cũng dễ có mùi hôi hám! Tiền bạc hôi nhưng người ta vẫn ham, mà vì ham tiền nên người đời sẵn sàng làm bất cứ mọi cách để có tiền, kể cả quật xác lợn dịch lên làm thịt đem bán! Họ mải mê chạy theo lòng tham lam vô độ bất chấp mọi hậu quả. Lòng tham giống như ngọn lửa : càng thỏa mãn nó bằng cách chất thêm củi vào thì lửa càng bùng to lên và càng đòi nhiều củi thêm.

Chứng bệnh trầm trọng nhất của con người trong nền kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ này là con người không biết khi nào mình đủ. Chính người tham lam phải chịu nô lệ cho một ông chủ thật ác nghiệt là tiền bạc. Theo triết lý Đạo Phật thì tham lam là nguyên nhân mọi khổ đau trên đời.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể chuyện, khi một người đến xin Chúa Giêsu làm quan toà chia tài sản giúp cho anh thì Người khuyên dạy: Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.

Bài đọc một theo Sách Giảng Viên đã cho thấy lý do tâm lý tại sao con người “hãy giữ mình khỏi mọi tham lam”, đó là vì “tất cả mọi sự đều là hư không… Vì con người được lợi lộc gì nơi tất cả những cực nhọc và lo toan làm họ phải chịu vất vả dưới ánh mặt trời này? Cả ngày họ quằn quại với sầu muộn và đau thương; ngay đêm về họ cũng còn trằn trọc. Hư không cũng là như thế nữa”.

Khi chưa có của thì mất ăn mất ngủ để tìm cho có, nhưng khi có rồi thì lại lo giữ của, ăn ngủ không yên : “Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng”. Còn ông chủ nào tàn ác hơn kẻ bắt người ta phải làm đến kiệt sức để mua lấy phù vân : “Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác” (Tv 49,11).

Chúa Giêsu kể dụ ngôn ông phú hộ dại dột. Sai lầm lớn nhất của nhà phú hộ khi cho rằng tiền bạc và của cải là một thứ tài sản có giá trị tuyệt đối. Nó đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc của ông ta. Với đống của cải đồ sộ đó, nhà phú hộ tưởng rằng bản thân mình từ nay sẽ được sung sướng, được an toàn ngay cả mạng sống. Thế nhưng, những dự định mà ông cho là khôn ngoan thì đó lại là sự dại khờ. Nhà phú hộ dại khờ vì ông không thể phân định đâu là tài sản đích thực và đâu là tài sản tạm thời chóng qua, mau hư nát; Nhà phú hộ dại khờ vì ông ngỡ rằng có thể xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng là tiền bạc và của cải mà quên đi đó chỉ là những thứ chóng tàn phai, nay còn mai mất; Nhà phú hộ dại khờ vì ông đã sai lầm trong nhận định đâu là chân giá trị, ông chỉ để ý đến của cải, tiền bạc vốn chỉ có giá trị nhất thời, không chắc chắn mà quên mất thứ tài sản trân quý nhất chỉ đến từ Thiên Chúa- Đấng có thể làm cho ông được sống cũng như có thể lấy mạng sống ông bất cứ lúc nào. "Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai?".

“Người ngốc” được nói đến trong Phúc âm là kẻ chỉ biết có hiện tại, tìm kiếm và hưởng thụ những giá trị hữu hình. Cái chết sẽ đóng dấu chấm hết cho mọi cuộc sống giàu nghèo, sang hèn. Quan trọng là khi nhắm mắt, số phận đời đời của con người sẽ ra sao ? Của cải trần gian có giúp họ tìm được hạnh phúc bất diệt hay đưa vào chỗ trầm luân? Người khôn ngoan chính là người sống trong hiện tại nhưng biết hướng về tương lai, ở trong thế giới hữu hình nhưng luôn chuẩn bị cho mình những giá trị và tài sản vô hình thiêng liêng. Người khôn ngoan “khi còn sống trên địa cầu biết kiềm chế các chi thể là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là những sự thờ quấy... (cùng với) nóng giận, gắt gỏng, thâm độc, chửi rửa, thô tục” (Col 3:5,8) Người khôn ngoan là người biết rằng không có gì quí bằng linh hồn, không có gì quan trọng cho bằng sự sống mai sau với Đức Kitô. Từ chỗ nhận biết này người khôn ngoan sẽ lo việc bảo hiểm linh hồn của mình nhiệt thành hơn.

Chúa Giêsu nhấn mạnh: Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Sự giầu có lâu bền, vĩnh cửu; chứ không phải của đời này chóng qua, phù vân và bấp bênh. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Đức Kitô, luôn "yêu thương, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng" (Cl 3,12) và "trên tất cả là lòng mến, giềng mối của mọi trọn lành". (Cl 3,14). Trong cuộc đời này, có biết bao người giàu tình thương, chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái và thăng tiến con người...

Có thể nói được là không ai giàu có, tự do, và mạnh mẽ hơn ‘người giàu trước mặt Chúa”, người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên trên mọi tài sản trần gian, vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu”(Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7). Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời : “chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8). Phải biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang phú quý. Tiền bạc rồi sẽ hết. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết. Có chăng là tình yêu thương đã chia sẻ với tha nhân nơi trần thế này để trở nên "giầu có trước mặt Thiên Chúa" trên Thiên Quốc. Hãy sống quảng đại, mở rộng quả tim, mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy : “Hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An