Sống lại!



Ngôi mộ đá, Ảnh Nguyễn Trung Tây

— Bà Thìn mới mất, ông biết chưa?

— Có, chiều hôm qua mới đặt chân tới cửa nhà là đã nghe tiếng khóc của mấy người con, mà to tiếng nhất vẫn là cái cô út…

— Thì bà Thìn đau nặng cũng hơn cả năm rồi...

— Thế mới ra chuyện. Đang ngon lành bỗng té lăn quay ra trên sàn gạch như bị trúng gió độc, rồi tứ chi rũ liệt cứ như người không xương, cháo cũng còn chả đút được vào miệng. Cả cơ nghiệp thế là đổ hết vào tiền thuốc mà vẫn cứ liệt giường liệt chiếu. Nghĩ đi nghĩ lại chỉ thấy thương cho cô con gái út. Chỉ một lần lỡ dại mà hàng xóm cười chê. Nhưng có ai ngờ, tưởng là đũa mốc mà lại làm nên chuyện.

— Ừ nhỉ, lúc xảy ra chuyện thì tôi lại vắng nhà. Chuyện cô Sửu hồi đó như thế nào nhỉ?

— Thì tự dưng bẵng đi một dạo không ai thấy cô ấy đâu hết, cứ làm như người đi lấy chồng xa, mà có thấy cưới hỏi gì đâu, rồi tự nhiên lại thấy cô ấy trong nhà với cái bụng bầu. Nhưng em phải khen cái nhà bà Thìn, ai nấy miệng kín như bưng, chẳng bao giờ nghe thấy lời ra tiếng vào. Cho đến buổi sáng hôm đó, em dậy sớm chuẩn bị mang trâu ra ruộng. Vừa mới bước tới cây mít làm cột mốc phân chia hai nhà, em thấy cô Sửu treo tòng toeng trên cành cây. Hãi quá, em hốt hoảng cắt dây, mang cô ấy vào trong nhà, bôi dầu nóng, cạo gió mãi cô ấy mới chịu tỉnh. Rồi lại còn phải hấp tấp chạy qua gõ cửa nói nhỏ vào tai bà Thìn báo tin dữ. Mà bà Thìn cũng khéo lắm, miệng thì cám ơn rối rít nhưng vẫn cứ đợi cho đến chiều tối hẳn hoi, nom không rõ mặt người, bà ấy mới kín đáo đi ngõ sau sang bên nhà em mang cô Sửu về lại bên đó. Khi bụng cô Sửu hơi nhu nhú, bà Thìn gửi cô ấy lên trên Hà Nội ở hẳn với người em. Thế là từ dạo đó, cô Sửu cứ ở trên đó cho tới khi mẹ đổ bệnh nặng, cô ấy mới về lại làng nuôi nấng người bệnh. Thôi thì giặt mền, tắm rửa, đổ bô thay tã, một tay cô ấy làm tất tật.

— Chuyện cô Sửu nuôi mẹ thì tôi biết. Chuyện sờ sờ như thế, ai mà chẳng hay. Nhưng chuyện cô Sửu, hồi đó tôi vô trong Nam buôn bán, cho nên chẳng biết chi…

— Ấy, chuyện còn dài... Sau cái lần cứu sống cô ấy bên gốc mít, tưởng thế là xong, ai ngờ có lần quẫn trí quá, cô ấy đã tính quẳng bỏ thằng bé đang nằm trong bụng mẹ nữa đấy. Đã ngồi trong phòng đợi hẳn hoi rồi. Nhưng nghĩ sao cô ấy lại đứng lên bỏ về nhà.

— Sao ông biết? Bộ cô ấy kể cho ông nghe hay sao?

— Khổ quá! Cô ấy không mở miệng, em nào biết. Chuyện là như thế này, lúc mới về lại làng, nhớ cái ơn cứu tử năm xưa, cô ấy có ghé sang nhà em cám ơn. Rồi tiện đó cô ấy cũng tâm sự nói sau lần có thai, cô sống mà cũng như người đã chết rồi, ngày đêm lúc nào cũng chỉ rúc rúc ở trong xó nhà, không dám nhìn mặt ai trong làng. Lần treo cổ trên cành mít là lúc cô ấy quẫn trí quá. Rồi lại thêm một lần nữa, đứa bé được ba tháng rồi, cô ấy quyết định phá bỏ. Nhưng trong khi ngồi đợi tới phiên, cô ấy nghĩ ngợi mình sống chẳng ra cái trò gì, thế nhưng mạng mình vẫn được người đời cứu sống. Huống chi đứa bé trong bụng nào có tội tình chi, vậy mà mình lại đang tâm giết nó, mà đây là mạng người chứ đâu phải là chuyện con sâu cái kiến! Thế là cô ta đứng dậy, bỏ về. Từ hôm đó, cô nói cháu tỉnh lại hẳn.

— Chuyện! Cỡ như thế thì làm gì mà không tỉnh!

— Thì đúng rồi, cô ấy vẫn cứ hay nói giờ như người chết sống lại.

…Bên nhà bà Thìn, cô Sửu vuốt lại khăn nhung vấn đầu mẹ. Cô buồn vì tang mẹ, nhưng lòng cô thanh thản. Có một thời cô hận mẹ vì để giữ lại nhà cửa dinh thự khang trang, bà Thìn đang tâm gả bán cô cho thương gia Việt kiều lấy tiền trang trải nợ nần. Nhưng sau một lần được cứu sống, và một lần cứu sống thai nhi, mỗi lần nhìn thấy con trai toét miệng nở nụ cười bên người chồng của Hà Nội phố, cô lại nhớ tới ơn cứu tử của người hàng xóm và lòng độ lượng của chồng cô. Nhìn mẹ, cô Sửu nhớ lại lời mẹ xin lỗi trước lúc hấp hối. Lòng cô thanh thản nhẹ nhàng. Cô ra hiệu cho nhà đòn đóng lại nắp áo quan.

Lời Chúa

[Đức Giêsu] kêu lớn tiếng: “Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn liệm. Ðức Giêsu bảo: “Hãy cởi khăn và vải cho anh ấy…” (John 11:43-44).

Suy Niệm

Hồi xưa Ladarô được Chúa gọi dậy bước ra khỏi mồ. Ngày hôm nay Chúa vẫn đứng cạnh bên cửa mộ, gọi tên tôi đứng dậy bước ra khỏi ngôi mộ đá.

Mỗi lần tôi vấp ngã trên đường đời và đường niềm tin là một lần tôi chết đi. Mỗi lần tôi đứng dậy làm lại là một lần tôi sống dậy. Phêrô, Phaolô, và tôi đang bước ra khỏi mộ.

Lầm lỡ trong đời là một lần tôi chết đi. Quay về hòa giải với tha nhân, với tôi, và với Chúa là một lần người con hoang đàng và tôi chầm chậm lần bước ra khỏi ngôi mộ.

Sống lơ là với niềm tin là một lần tôi chết chôn trong ngôi mộ đá. Quay lại tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh trong dòng đời vất vả ngược xuôi là thêm một lần tôi phục sinh. Tôma và tôi cũng giống như nhau.

Gian dối với thầy, với chồng, với vợ, với con là một lần Giuđa và tôi chết chôn trong mộ. Nhưng khác với Giuđa từ chối lời gọi của Thầy, tôi nhận ra tiếng kêu của Chúa, và tôi bước đi ra khỏi vùng trời ám mùi tử khí tanh hôi.

Chúa vẫn đứng đấy bên ngôi mộ đá gọi tên tôi bước ra khỏi mộ đá.

www.nguyentrungtay.com
LM Nguyễn Trung Tây, SVD