Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

LIÊN ĐỚI VỚI DÂN


Ðến nay tôi hãy còn nhớ hồi còn nhỏ đi học ở giáo lý, và khi bàn đến Phép Rửa của Ðức Giêsu, chúng tôi đã hỏi ông thầy giảng lúc bấy giờ: “Thưa thầy, tại sao Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa mà lại còn phải chịu phép rửa sám hối của thánh Gioan Tẩy Giả”

Trước khi nghe câu trả lời của ông thầy của chúng tôi năm xưa, chúng ta thử nhìn lại con người của Gioan Tẩy Giả: Ðó là một người mặc áo lông lạc đà, có nét mặt khắc khổ và nghiêm nghị, đi khắp đó đây trong vùng ven sông Gio-đan và loan báo sứ điệp đầy phẩn nộ của Thiên Chúa: «Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi cách chạy trốn khỏi cơn thịnh độ của Thiên Chúa sắp giáng xuống trên đầu các ngươi? Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây rồi. Bất cứ cây nào không sinh hoa quả tốt, đếu bị đốn đi và quăng vào lửa !” (Lc 3,7+9). Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng sự thịnh nộ của Thiên Chúa nhiều hơn là lòng nhân hậu của Người. Theo thánh nhân, người ta chỉ có thể tránh thoát được án phạt nghiêm minh và nặng nề của Thiên Chúa bằng sự sám hối tội lỗi và quay trở về cùng Thiên Chúa, qua phép rửa của ông tại bờ sông Gio-đan như dấu hiệu của lòng sám hối.

Nhưng điều đó có liên quan gì đến Ðức Giêsu?

Ông thầy giảng ngày xưa của chúng tôi đã trả lời cho câu hỏi đó một cách rất khéo léo, theo ông: Dĩ nhiên, là Con Thiên Chúa, Ðức Giêsu không cần chịu phép rửa sám hối. Phép rửa đó đối với Người chỉ có giá trị như một sự bày tỏ lòng khiêm nhường công khai. Nhưng trọng tâm của biến cố Chúa chịu phép rửa là việc Chúa Cha công khai thừa nhận Ðức Giêsu «Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người !” (Mt 3,17). Thật ra, điều quan trọng đối với ông thầy giảng xưa kia của chúng tôi là việc chứng minh Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, còn sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và phép rửa sám hối của ông xem ra không đóng vai trò quan trọng đối với cái hình ảnh về Ðức Giêsu.

Và những đứa học trò chúng tôi đã hài lòng với câu trả lời đó trong một thời gian rất lâu.

Một cách thành thật, có lẽ chính các bạn khi nghe thế chắc cũng đồng ý với chúng tôi, và không còn thắc mắc gì nữa về ngày lễ Chúa Chịu Phép Rửa hôm nay.

Nhưng rồi trong suốt thời gian học thần học, khi chúng tôi có dịp tìm hiểu về Ðức Giêsu Na-da-rét hơn; khi chúng tôi tập nghiên cứu và đào sâu ý nghĩa của bản văn có tính cách lịch sử và phê phán nhiều hơn, và khi chúng tôi tìm hiểu nguồn gốc cũng như truyền thống của Kinh Thánh một cách lịch sử hơn, bấy giờ câu trả lời ngày xưa của ông thầy giảng là chưa đủ, tức nếu coi biến cố Chúa Chịu Phép Rửa tại bờ sông Gio-đan chỉ có giá trị như một kiểu bày tỏ công khai sự khiêm tốn và chỉ có được ý nghĩa khi có tiếng từ trời phán ra mà thôi.

Vì thế, hôm nay tôi muốn mời các bạn, chúng ta cùng hướng tầm nhìn của chúng ta về thánh Gioan Tẩy Giả và phép rửa thống hối của ông nhiều hơn.

Trước hết, thánh Gioan Tẩy Giả là ai? Sứ điệp của ngài là gì? Phép rửa của ngài có giá trị thế nào?

Mặc dầu, về mặt lịch sử, chúng ta biết rất ít về nhân thân của Gioan Tẩy Giả, nhưng dựa theo nguồn sử liệu Do-thái và lương dân, chúng ta cũng có thể nêu lên được vài nét về sứ điệp và cách hành xử của thánh nhân.

Chúng ta biết rằng giữa thời gian vào các năm 167 trước công nguyên với cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê-ô, và năm 70 sau công nguyên với cuộc cuộc chiến tranh Do-thái và hậu quả là việc tàn phá đền thờ Giê-ru-sa-lem, cho đến năm 135 sau công nguyên với cuộc nổi dây của người Do-thái do Bar Kochbar cầm đầu, thì ở thung lủng Gio-đan đã có rất nhiều phong trào rao giảng sự sám hối kèm theo phép rửa. Mục đích của các phong trào sám hối đó là kêu gọi toàn dân hãy quay trở về với Thiên Chúa Gia-vê. Bởi vì theo các vị rao giảng sự sám hối đó, sở dĩ nền chính trị của dân tộc Do-thái bị rơi vào tình trạng tồi tệ và suy thoái như vậy, tức cả đất nước bị nằm dưới ách đô hộ tàn bạo của đế quốc Roma, là vì dân tộc đã xa lìa Thiên Chúa và không còn tuân giữ các giới răn của Người nữa. Vì thế, nếu toàn dân không sám hối và quay trở lại cùng Thiên Chúa Gia-vê – đó cũng là sứ điệp của các Tiên Tri -, thì sẽ không thể tránh khỏi được án phạt tiêu diệt của Thiên Chúa được.

Giữa các vị giảng thuyết sự ăn năn sám hối đó, Gioan Tẩy Giả là người quan trọng và có ảnh hưởng mạnh nhất. Khiến cho cả những tầng lớp lãnh đạo tôn giáo cũng như chính trị phải kiêng nể. Nhưng việc thánh nhân chỉ trích thẳng thắn và gắt gao bạo vương Hê-rô-đê An-ti-pa về tội loạn luân công khai của y (x. Mc 6,18) đã khiến cho thánh nhân phải trả bằng một giá quá đắt là chính mạng sống mình. Ðối với Gioan Tẩy Giả, dấu hiệu của sự sám hối là việc chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Ðể cho Gioan Tẩy Giả - người đã được Thiên Chúa sai đến - rửa tội cho, có nghĩa là để cho chính Thiên Chúa biến đổi mình. Và chỉ những ai chịu phép rửa đó, mới có được cơ may thoát khỏi được án phạt tiêu diệt của Thiên Chúa. Phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả là điều tối cần duy nhất. Và trong thực tế: Toàn dân đã kéo về bờ sông Gio-đan để được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho.

Còn việc Ðức Giêsu đã để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho là một biến cố lịch sử, nghĩa là một điều đã thực sự xảy ra. Nhưng tại sao Người lại làm như vậy? – Ðức Giêsu luôn giữ một mối quan hệ chặt chẽ với môi trường sống Do-thái của Người. Vâng, Người có một quê hương và một nơi « chôn nhau cắt rốn” cụ thể. Người luôn gắn bó với dân tộc của Người, luôn gắn bó với lịch sử và với tôn giáo của dân tộc. Ðức Giêsu là một người Do-thái thực sự, nói tiếng nói của dân tộc Do-thái, tinh thông lịch sử dân tộc. Người suy tư và hành động, cảm xúc và hy vọng, v.v… hoàn toàn như tất cả mọi người Do-thái khác, và cũng như họ, Người luôn đặt nặng hạnh phúc dân tộc lên hàng đầu.

Vì thế, đối với Ðức Giêsu, những phong trào sám hối và làm phép rửa của dân tộc Người không phải là điều xa lạ. Và Người không hề coi thường hay dửng dưng trước niềm tin của các đồng bào của Người. Người không sống ngoài lề cộng đồng đức tin. Người đã quan tâm tới phong trào của Gioan Tẩy Giả một cách đặc biệt, vì chắc chắn Người đã nhìn nhận Gioan Tẩy Giả là một con người hoàn toàn đặc biệt và đồng thời cũng rất đánh giá ông. Người đã phải cảm phục trước sứ điệp nghiêm chỉnh và chân chính của Gioan Tẩy Giả và vì thế Người đã để cho ông làm phép rửa cho: Người muốn liên đới với dân !

Bởi vì Ðức Giêsu rất quan tâm tới hạnh phúc của dân tộc Do-thái của Người – và đó cũng là điều dễ hiểu – nên Người đã xếp hàng với đoàn người đông đảo, những người muốn tránh cho dân khỏi án phạt tiêu diệt của Thiên Chúa. Người đã hòa mình vào với đoàn dân chúng, những người hoàn toàn tự nguyện sám hối và quay trở về cùng Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, trong Lễ Chúa Chịu Phép Rửa của người Kitô giáo chúng ta, chúng ta còn cần phải có những bước tới gần Ðức Giêsu hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở biến cố lịch sử, hầu cho việc chấp nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả nơi Ðức Giêsu không mất đi những giá trị đặc biệt của nó.

Ðối với tôi, một câu viết trong bài Tin Mừng hôm nay có một giá trị rất quan trọng: « Cùng với toàn dân, Ðức Giêsu cũng đã chịu phép rửa” (Lc 3,21). Cùng với toàn dân ! Ðức Giêsu không bao giờ đòi hỏi luật trừ cho mình, nhưng Người cùng hòa mình và hành động liên đới với mọi người. Người không xuất hiện như một người cạnh tranh với Gioan Tẩy Giả, nhưng như một thính giả đầy kính trọng và hứng thú lăng nghe sứ điệp của ông. Và cả về sau nữa, khi Người còn bày tỏ sự liên đới của mình với toàn dân một cách tuyệt căn hơn, qua cái chết trên thập giá. Vâng, qua cái chết đau thương và ô nhục trên thập giá Ðức Giêsu đã bày tỏ sự liên đới tột cùng của Người, chẳng những với dân tôc Do-thái mà còn với toàn thể nhân loại tội lỗi.

Vậy, Phép Rửa của Ðức Giêsu là hành động liên đới với dân tộc của Người ! Ðối với sự liên đới cùng tận của Người với dân tộc tội lỗi, đối với sự liên đới vô cùng sâu thẳm của Người với chúng ta, qua cái chết trên thập giá, giờ đây chúng ta cùng dâng lời cảm tạ ơn Người qua hy lễ Thánh Thể: Hy lễ tạ ơn ! Amen.


LM Nguyễn Hữu Thy