Ôi Thiên Chúa Nhiệm Mầu!
Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật XXI Thường Niên - A (Rom 11:33-36)
“Thiên Chúa chết rồi. Thiên Chúa vẫn chết. Và chúng ta đã giết hắn!”
Đó là lời Friedrich W. Nietzsche đã tuyên bố năm 1882 trong sách Die fröhliche Wissenschaft. Chỉ bảy năm sau đó, thay vì giết được Thiên Chúa thì Nietzsche lại mất trí và chết một năm sau đó vào ngày 25 tháng 8, năm 1900. Ông ra điên vì đã cố gắng dùng lý trí của mình để chứng minh rằng không có Thiên Chúa.
Nhiều học giả về Phật Giáo cũng đang dùng thuyết Duyên Khởi của Đức Phật để chứng minh rằng niềm tin của Kitô giáo vào Thiên Chúa là phản khoa học. Nhưng họ quên rằng trong kinh Tăng Chi Bộ (IV,77), Đức Phật Thích Ca khuyên họ không nên suy luận về bốn điều không tưởng vì những điều này vượt quá khả năng hiểu biết của con người, nếu nghĩ đến, người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. Bốn điều ấy là:
- Những người đã giác ngộ sau khi nhập Niết Bàn sẽ ra sao.
- Thiền giới của những người nhập thiền thế nào.
- Kết quả của Nghiệp mà mỗi người làm sẽ ra sao.
- Nguồn gốc thế giới, vũ trụ. Dù Thuyết Duyên Sinh chỉ dạy rằng mọi sự do Tứ Đại hợp thành, nhưng Tứ Đại do đâu mà đến thi không nên thắc mắc.
(xem Kinh Không có thể nghĩ được trong Tăng Chi Bộ, IV, 77).
Ngày nay nhiều người cũng dùng thuyết duy lý để chứng minh rằng không có Thiên Chúa và tuyên bố rằng họ chỉ tin những gì mà khoa học có thể chứng minh được. Họ quên rằng chúng ta là loài thụ tạo, bị giam hãm trong thân xác hữu hạn và một thế giới hữu hình, như những con cóc bị giam trong đáy giếng, làm sao mà hiểu được những gì ở ngoài cái giếng?
Dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người!
Lòng con người chúng ta còn chưa dò nổi nữa thì làm sao chúng ta có thể dùng lý trí mà hiểu hết các mầu nhiệm của Thiên Chúa được. Muốn hiểu biết những gì là siêu nhiên, con người cần được Thiên Chúa mạc khải chứ không thể hoàn toàn dựa vào lý trí mình được. Trong bài Tin Mừng hôm nay, không ai có thể trả lời Chúa Giêsu được căn tính của Người trừ Thánh Phêrô, bởi vì “Đấng Ngự Trên Trời” đã mặc khải cho ngài (x. Mt 16:16). Vì thế khi kết thúc chương 9-11 của thư Rôma là những chương nói về vai trò của dân Do Thái và Dân Ngoại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô phải thốt lên: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa”, bởi vì ý định của Ngài quá nhiệm mầu, trí óc loài người không tài nào hiểu thấu!
Câu 33 - Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được!
Sau những suy tư dài về chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa đối với dân Israel và Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã kết luận bằng những lời chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa. Suy tư của Thánh Nhân về chương trình của Thiên Chúa đã mở cõi vô biên ra trước mặt ngài cho ngài thấy một mầu nhiệm mà chính ngài cũng không hoàn toàn hiểu nổi. Ngay khi bắt đầu suy niệm về liên hệ giữa dân Israel và Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã thú nhận rằng ngài khó mà có thể giải thích được, và kết luận rằng điều ấy vượt quá sự hiểu biết của ngài. Dù có hiểu đi nữa thì cũng không ngôn ngữ nào của loài người có thể diễn tả được, “như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cor 2:9)
Muốn hiểu được phán quyết và đường lối của Thiên Chúa thì chúng ta phải “được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (1 Cor 2:10-11).
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết:
“Thiên Chúa toàn năng không hề độc đoán: ‘Nơi Thiên Chúa, quyền năng và yếu tính, ý chí và trí tuệ, khôn ngoan và công bình là một, cho nên không có gì trong quyền năng của Thiên Chúa mà không nằm trong ý muốn chí công hay trong trí tuệ khôn ngoan của Người’" (Th. Tôma Aq., s. th. 125, 5, ad 1) (GLCG 271).
“Thiên Chúa vô cùng cao cả vượt trên các công trình của Người (x. Hc 43, 28): "Oai phong của Người vượt trên các tầng trời" (Tv 8, 2). "Sự cao cả của Người khôn lường" (Tv 145, 3). Nhưng vì Người là Ðấng Tạo Hóa tối cao và tự do, căn nguyên của tất cả những gì hiện hữu, Người hiện diện nơi thâm sâu nhất của loài thụ tạo: "Nơi Người chúng ta sống, chúng ta cử động và chúng ta hiện hữu"(Cv 17, 28). Theo lời Thánh Âu-tinh: "Người cao cả hơn những gì cao cả nhất trong tôi, thâm sâu hơn những gì thâm sâu nhất trong tôi" (T. Âu-tinh, Conf 3, 6, 11)” (GLCG 300).
Câu 34a - Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa?
Ở đây Thánh Phaolô nói rằng chiều sâu của sự hiểu biết của Thiên Chúa không ai có thể dò được. Ngay cả những nhà thần học thông thái nhất cũng không thể biết được ý Chúa. Thánh Tôma Aquinô sau khi bỏ cả đời ra nghiên cứu và viết bộ sách Tổng Lược Thần Học, đã muốn đốt bộ sách này đi vì thấy nội dung quá nghèo nàn không đủ để nói về Thiên Chúa.
Sở dĩ có một số thần học gia trở nên kiêu căng vì họ tưởng rằng mình biết hết về Thiên Chúa mà không ý thức được rằng họ không thể hoàn toàn hiểu biết về Ngài. Họ coi sự hiểu biết của họ là vô ngộ và tự nhận là huấn quyền của các thần học gia (magisterium of theologians) “song song với Huấn Quyền của Đức Thánh Cha và các Giám Mục, có thể dạy đúng những điều trái ngược với những gì mà Huấn quyền theo phẩm trật dạy” (Thomas Storck, What Is the Magisterium?, Catholic Faith Magazine, July/August 2001). Chỉ có thần học gia nào tin rằng mình biết về Thiên Chúa nhưng chưa biết cách hoàn toàn mới trở nên khiêm nhường, cởi mở và quân bình như trường hợp Thánh Phaolô và Thánh Tôma Aquinô.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa hỏi ông Gióp: “Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng cho thế giới? Nếu ngươi có tri thức, thì hãy nói cho Ta! Ngươi có biết ai đã định các chiều của nó? và ai đã chăng thước dây đo nó?” (Gp 38:4-5). Ngài cho biết rằng chúng ta được khôn ngoan là nhờ hồng ân của Ngài: “Ai ban cho lòng người sự khôn ngoan? (Gp 38:36). Nhưng sự khôn ngoan của chúng ta chỉ có giới hạn: “Ai có thể dùng khôn ngoan mà đếm các tầng mây?” (Gp 38:37-38)
Trước mặt Thiên Chúa tất cả các quốc gia trên thế gian này đều là không: "Này các quốc gia như thể giọt nước bám miệng thùng, khác nào hạt cát dính bàn cân,… Mọi nước chỉ là không không trước mặt Người, Người coi chúng là hư vô trống rỗng” (Is 40:15,17).
Chỉ có những người được Thiên Chúa mặc khải cho, như các ngôn sứ và các Tông Đồ mới có thể biết về Thiên Chúa và ý định hay thông điệp của Ngài như Thánh Phêrô viết, "Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Đó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy” (1 Phr 1:12).
Câu 34b - Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người?
Thánh Phaolô nói rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa quá sâu sắc nên Ngài không cần ai làm cố vấn hay chỉ cho Ngài phải điều khiển vũ trụ cách nào. Thiên Chúa không cần ai làm cố vấn cả vì Ngài hằng hữu và thông biết mọi sự: “Thần khí ĐỨC CHÚA, ai đo cho nổi? Ai làm quân sư chỉ vẽ cho Người? Người đã thỉnh ý ai để giúp Người thông hiểu, bảo cho Người biết lối công minh, dạy cho Người mở mang kiến thức, chỉ cho Người con đường trí tuệ?” (Is 40:13-14).
Nhiều người trong chúng ta khi cầu nguyện thay vì nhận mình là không trước mặt Thiên Chúa và tuân phục Thánh Ý Ngài, thì lại bắt Thiên Chúa phải làm hết điều này đến điều khác cho mình, hay trách móc Ngài tại sao lại để cho việc này việc nọ xảy ra. Hành động như thế chẳng khác gì ông Gióp khi ông thách thức Thiên Chúa tranh luận với ông như được kể trong sách Ông Gióp. Hằng loạt những câu hỏi mà Thiên Chúa đặt ra cho ông về khả năng hiểu biết có giới hạn của ông không có ý định đè bẹp ông hay hạ nhục ông, nhưng giúp ông ý thức rằng khả năng con người không thể giải thích được tất cả mọi sự, và đưa ông đến việc chấp nhận là mình không thể có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Sau cùng ông đã chịu thua và thưa: “Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con” (Gp 42:3).
Tóm lại, quyền năng, trí thông minh và sự hiểu biết của loài người chỉ có giới hạn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải mở lòng ra mà chúc tụng Thiên Chúa trong thinh lặng vì những việc kỳ diệu Ngài làm mà trong đó có những điều chúng ta không thể hiểu nổi. Chiêm niệm trong thinh lặng cho chúng ta hưởng sự hiện diện thương yêu và quan phòng của Thiên Chúa và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa tận đáy lòng mình mà không ngôn ngữ nào có thể diễn tả nổi.
Câu 35 - Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau?
Trong câu này Thánh Phaolô nói về sự sung mãn và đại lượng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn sung mãn vì ngài làm chủ tất cả, Ngài không cần ai biếu hay tặng điều gì. “Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay, vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ” (Tv 50:12). Ngài cũng chẳng cần chúng ta thờ phượng hoặc phục vụ Ngài: “Ngài cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như là Ngài cần điều gì, vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự” (Cv 17:25). Nhưng Ngài đại lương với chúng ta và ban cho chúng ta tất cả mọi sự một cách nhưng không: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?" (1 Cor 4:7).
Món quà quan trọng nhất là Đức Kitô. Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài xuống thế gian chịu chết để cứu độ chúng ta vì Ngài yêu chúng ta trước. “Trong khi chúng ta còn là những người tội lỗi, thì Ðức Kitô đã chết cho chúng ta” (Rom 5:7).
Câu 36 - Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.
Thánh Phao lô nhắc cho tất cả mọi người rằng mọi sự chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa. Bao lâu chúng ta còn sống được là nhờ Ngài, “vì chính ‘ở trong Ngài mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu’” (Cv 17:28).
Vì “Thiên Chúa có uy quyền trên vạn vật… vì Ngài đã tác tạo nên chúng. Không có gì mà Ngài không làm được (x. Gr 32, 17; Lc 1, 37); Ngài sắp đặt công trình theo ý Ngài (x. Gr 27, 5); Ngài là Chúa cả vũ trụ, đã thiết lập trật tự cho nó, và trật tự đó luôn luôn quy phục Ngài. Ngài làm Chủ lịch sử: hướng dẫn các tâm hồn và các biến cố theo ý Ngài (x. Et 4, 17b; Cn 21, 1; Tb 13, 2). (GLCG 269).
Ý định của Thiên Chúa là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2:4), trong đó có cả dân Israel và Dân Ngoại. Vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện đến muôn đời khi cùng đích của Ngài được thể hiện. Và:
“Cùng đích của toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là đưa các thụ tạo vào sự kết hợp trọn vẹn với Ba Ngôi diễm phúc (Ga 17, 21-23). Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta được mời gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh: ‘Chúa nói: ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở nơi người ấy’" (Ga 14, 23) (GLCG 260).
Ôi Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ba Ngôi, xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa, bất động và bình an như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng; xin đừng để điều gì quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Ðấng Bất Biến của con, nhưng xin cho mỗi phút đem con vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa! Xin cho tâm hồn con được bình an và trở thành thiên đường của Chúa, nơi cư ngụ Chúa yêu thích, nơi Chúa nghỉ ngơi. Xin cho con đừng bao giờ để Chúa một mình, nhưng luôn có mặt, trọn vẹn, tỉnh thức trong đức tin, hết lòng thờ kính, hiến dâng trọn vẹn để Chúa tác tạo (lời nguyện của chân phúc Êlisabeth Ba Ngôi).
Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận
1. Có khi nào tôi nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời tôi vì tôi không có đủ hiểu biết để chứng minh niềm tin của tôi không?
2. Tôi có thật sự tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể và đối xử với Người cách xứng hợp khi tham dự Thánh Lễ không? Tôi đã làm gì sau khi Rước Lễ? Tôi phải làm gì khác để chứng tỏ lòng tin của tôi
3. Mầu nhiệm của Thiên Chúa thì vô cùng sâu thẳm. Tôi có bỏ giờ ra học hỏi thêm về Thiên Chúa không? Mục đích để làm gì? Và áp dụng những điều tôi học vào đời sống như thế nào?
4. Tôi làm sao để giải thích đức tin của tôi cho con cái tôi? cho bạn bè tôi? và cho những người đang đi tìm Thiên Chúa? đặc biệt là cho những người đang dùng lý luận để đánh đổ niềm tin của tôi?
5. Có khi nào tôi lặng thinh chiêm ngắm những mầu nhiệm của Thiên Chúa được bày tỏ qua thiên nhiên và để cho lòng tôi được đắm chìm trong tình yêu của Ngài không?
Phaolô Phạm Xuân Khôi