-
Moderator
Thông Điệp Spe Salvi (49-50) Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng: Mẹ Maria, Ngôi Sao của H
Thông Điệp Spe Salvi “Chúng Ta Được Cứu Rỗi Trong Hy Vọng” của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: Mẹ Maria, Ngôi Sao của Hy Vọng
49. Với một thánh ca được viết vào thế kỷ thứ 8 hay thứ 9, khoảng trên một ngàn năm, Giáo Hội đã chào mừng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa là “Ngôi Sao Biển”: Ave maris stella. Đời sống con người là một cuộc lữ hành. Đi đến đâu? Làm sao tìm được lối đi? Đời sống như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường đen tối và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường. Những ngôi sao chính thật trong duộc sống chúng ta là những người đã sống tốt lành. Họ là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng chính thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên - những người đang chiếu rõi ánh sáng của Chúa và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao của hy vọng cho chúng ta? Khi Mẹ “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới của chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một con người như chúng ta, và dựng lều ở giữa chúng ta (xem Ga 1:14)
50. Do đó chúng ta kêu lên với ngài: Lạy Mẹ Maria Cực Thánh, Mẹ là một trong những linh hồn khiêm nhu và cao cả của Israel, như Simêon, đang “tìm sự an ủi cho Israel” (Lc 2:25) và như Anna là hy vọng có được sự cứu độ cho Giêrusalem” (Lc 2:38). Cuộc đời của Mẹ đã thấm nhuần với thánh kinh của Israel, nói lên niềm hy vọng, nói lên lời hứa với Abraham và con cháu của ngài (xem Lc 1:55). Bằng cách này chúng con có thể thông cảm nỗi lo sợ của Mẹ khi thiên thần của Chúa hiện ra với Mẹ và phán rằng Mẹ sẽ sanh ra Đấng là niềm hy vọng của Israel, Đấng mà toàn thế giới đang chờ đợi. Qua Mẹ, qua lời “Xin Vâng” của Mẹ, niềm hy vọng của bao thời đại trở thành hiện thực, và bước vào thế giới và lịch sử thế giới. Mẹ đã cúi sấp mình trước trọng trách này và vâng lời: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời; tôi xin vâng theo lời người (Lc 1:38). Khi Mẹ hối hả và mừng vui vượt rặng núi Giuđêa để thăm người chị họ là bà Elisabeth, Mẹ đã trở nên hình ảnh của Giáo Hội tương lai, mang hy vọng của thế giới trong lòng để vượt qua những rặng núi của lịch sử. Nhưng bên cạnh niềm vui, với lời ngợi khen Magnificat, Mẹ đã tuyên xưng bằng lời và tiếng ca cho mọi thế kỷ được nghe, Mẹ cũng nghe biết những lời đen tối của các tiên tri đã nói về những đau đớn người tôi tớ của Chúa phải gánh chịu trong thế giới này. Lúc Chúa sinh ra tại hang lừa Bêlem, Người được chiếu sáng bởi những thiên thần huy hoàng rực rỡ mang tin mừng đến cho những kẻ chăn cừu, nhưng đồng thời lúc đó sự thấp hèn của Thiên Chúa trong thế giới này cũng thật dễ cảm nhận. Ông già Simêon nói với Mẹ về lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Mẹ (xem Lc 2:35), về dấu chỉ của sự mâu thuẫn về Con Mẹ trong thế giới này. Rồi, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng cho công chúng, Mẹ phải đứng sang một bên, để cho một gia đình mới có thể tăng trưởng, một gia đình mà Chúa có sứ mạng phải thiết lập và sẽ bao gồm có những ai nghe lời Người và tuân giữ (xem Lc 11:27f). Không kể đến niềm vui đánh dấu lúc khởi đầu của sứ vụ của Chúa Giêsu, tại đền thờ Nazareth chắc Mẹ đã cảm nhận sự thật về lời tiên tri: “dấu chỉ của sự mâu thuẫn” (xem Lc 4: 28ff). Bằng cách này Mẹ thấy được sức mạnh gia tăng của sự thù nghịch và chối bỏ đang bao vây quanh Chúa Giêsu cho đến những giờ phút trên Thánh Giá, khi Mẹ phải nhìn ngắm Đấng Cứu Thế của nhân loại, Đấng kế vị Đavít, Con Thiên Chúa phải chết như một kẻ thất bại, bị nguyền rủa giữa những kẻ tử tội. Rồi Mẹ nghe lời Chúa Giêsu: “Này Bà, đây là con bà!” (Ga 19:26). Từ thập giá Mẹ tiếp nhận một sứ mạng mới. Từ thập giá Mẹ trở nên một người mẹ mới theo một ý nghĩa khác hơn; là người mẹ của tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu Con Mẹ và muốn theo Người. Lưỡi gươm của sự đau khổ đã đâm thâu lòng Mẹ. Niềm hy vọng đã chết phải không? Thế giới có vĩnh viễn bị mất ánh sáng và đời sống mất hết mục đích? Vào lúc đó, trông thâm tâm, có lẽ Mẹ lại lắng nghe lời thiên thần đáp lại nỗi lo sợ của Mẹ vào lúc Truyền Tin: “Này Maria, xin đừng sợ!” (Lc 1:30). Đã bao nhiêu lần Chúa Giêsu, Con Mẹ đã nói với các môn đệ cùng những lời này: “các con đừng sợ!” Trong lòng Mẹ, Mẹ lại nghe thấy những lời này vào đêm tại Golgôtha. Trước giờ bị phản bội, Chúa cũng nói với các môn đệ: “Hãy an tâm, ta đã thắng thế gian” (Ga 16:33). ‘Các con đừng bối rối, đừng lo sợ” (Ga 14:27). “Maria, đừng lo sợ!” Vào giờ phút ấy tại Nazareth thiên thần cũng nói với Mẹ: “Triều Đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1:33). Triều Đại này có chấm dứt trước khi được khởi sự không? Không, tại chân Thánh Giá, với sức mạnh của lời Chúa Giêsu, Mẹ đã trở nên người mẹ của các tín hữu. Trong niềm tin này, ngay trong đêm tối của Thứ Bẩy cực thánh, Mẹ có một xác quyết về niềm hy vọng, giúp Mẹ qua được tới buổi sáng Phục Sinh. Niềm vui của sự Sống Lại đánh động tim Mẹ và kết hiệp Mẹ một cách khác với các môn đệ để trở nên một gia đình của Chúa Giêsu trong đức tin. Bằng cách này Mẹ ở ngay giữa cộng đồng tín hữu vào những ngày sau khi Chúa Lên Trời, cùng nhau cầu nguyện xin cho được ơn Chúa Thánh Thần (xem TĐCV 1:14) rồi tất cả đã nhận được ơn đó vào ngày Thánh Thần Hiện Xuống. “Vương Quốc” của Chúa Giêsu không hùng mạnh như đã tưởng. Nước Chúa khởi sự vào lúc đó và tiếp diễn đến bất tận. Do đó Mẹ ở lại với các môn đệ như người mẹ của họ, như người mẹ của niềm hy vọng. Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng con, xin Mẹ dậy chúng con biết tin, biết hy vọng và biết yêu với Mẹ. Xin hướng dẫn chúng con tới Vương Quốc của Chúa! Lạy Ngôi Sao Biển, xin chiếu sáng chúng con và dẫn đường cho chúng con.
Ban hành tại Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 11, ngày Lễ Kính Thánh Anrê Tông Đồ, năm 2007, năm thứ ba của triều đại Giáo Hoàng.
Bênêđictô PP. XVI
Bùi Hữu Thư dịch
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules