CÚ VỌ VÀ CHIM NGÓI




Con cú vọ, chúng ta thường gọi là cú mèo; chim ngói, thì cũng là chim cu, chúng nó cùng ở trong một khu rừng. Một buổi sáng nọ, khi chim ngói bay đi tìm mồi thì nhìn thấy trước mặt gia đình cú vọ đang dọn nhà.

Chim ngói rất kinh ngạc, cho rằng gia đình cú vọ không thích hoàn cảnh của rừng, cú vọ nói: “Không phải như thế, khu rừng này chúng tôi ở đã quen rồi, muốn rời cũng không rời được, nhưng các bạn hàng xóm rất ghét tiếng kêu của chúng tôi, cho nên chúng tôi không thể không dọn nhà đi nơi khác.”

Chim ngói nghe xong thì khuyên cú vọ: “Dọn nhà đi cũng không thể giải quyết được vấn đề căn bản này, nếu các anh không thay đổi tiếng kêu, thì đi đến đâu người ở đó cũng đuổi các anh đi.”

(Lưu Hướng: Thuyết Uyển, Đàm Tùng)

Suy tư:

Chúng ta có thể đi ngoại quốc để cho người khác khỏi nhìn thấy cách sống bê bối mang tiếng mang tăm của mình, nhưng nếu chúng ta vẫn không sửa đổi cuộc sống của mình thì có ích chi, người ngoại quốc cũng vẫn xa tránh chúng ta vậy ! Nếu chúng ta từ bỏ miền bắc vào miền nam sinh sống để cuộc sống khá giả hơn, nhưng nếu ở miền nam mà chúng ta vẫn cứ làm biếng, chơi bời nhậu nhẹt thì nghèo vẫn nghèo. Quan trọng là cái tâm của chúng ta có quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm của mình, và cố vươn lên hay không mà thôi ?

Có một vài cha sở nói giáo xứ này giáo dân không hợp tác với mình nên xin đổi qua giáo xứ khác, đến giáo xứ khác cũng nói giáo dân ở đây cũng không chịu hợp tác với mình, thế là ngài trách móc giáo dân là không yêu mến nhà thờ, không muốn cộng tác với cha sở.v.v...

Giáo dân không cộng tác với cha sở, điểm duy nhất và dễ hiểu nhất mà một vài cha sở không nhìn thấy, đó là: nhìn lại cá tính và cách sống đời linh mục của mình. Nếu các ngài không nhìn thấy khuyết điểm của mình, thì các ngài cũng sẽ không nhìn thấy ưu điểm của ai cả.

Sửa đổi mình trước thì ở đâu cũng được mọi người đón nhận.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.