Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (72)

721. Đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu

Trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, đáng lý Chúa Giêsu hoạt động thật nhiều vì thời giờ quá vắn vỏi, nhưng trái lại, Ngài đã đầu tư rất nhiều thời giờ vào sự cầu nguyện.
Trước khi lên đường công bố Nước Trời, Chúa Giêsu chìm dắm trong sự cầu nguyện bốn mươi ngày, bốn mươi đêm.
Trước khi dứt khoát chọn các tông đồ, Chúa Giêsu cầu nguyện suốt một đêm.
Ban tối vắng vẻ, cũng như sáng sớm thinh lặng, Chúa Giêsu tìm nơi cô tịch để cầu nguyện với Chúa Cha.
Để cầu nguyện, Chúa Giêsu năng lui tới Đền Thờ mà Ngài gọi là Nhà Cầu Nguyện. Và cũng để cầu nguyện, không ngày thứ bảy nào mà Ngài không có mặt trong Hội đường.
Trước khi làm những phép lạ cả thể như bánh hoá ra nhiều, cho ông Ladarô sống lại, Chúa Giêsu công khai cầu nguyện trước công chúng.
Chúa Giêsu cầu nguyện trong rất nhiều dịp khác: cầu nguyện khi biến hình trên núi Taborê, trước khi Phêrô tuyên tín, khi các tông đồ đi truyền giáo về, khi chúc lành cho các trẻ nhỏ.
Trong buổi Tiệc Ly, trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện lâu giờ trong Thánh Lễ đầu tiên.
Tại vườn Giếtsêmani, giữa cơn ưu phiền não nuột, Chúa Giêsu đau đớn cầu nguyện rất lâu để xin cho được mạnh sức mà thực hiện ý của Chúa Cha.
Trong kỳ Thương Khó, Chúa Giêsu im lặng cầu nguyện cho kẻ thù.
Trong ba giờ hấp hối trên thập giá, trước khin tắt thở, Chúa Giêsu xin ơn tha tội cho những kẻ đóng đinh mình, và thảm thiết cầu nguyện để được hoàn toàn phó thác trong tay Chúa Cha.
Và giờ đây, đang ngự trên trời cũng như đang ngự trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu liên lĩ cầu nguyện cho Giáo Hội, cho loài người.

722. Nhờ cầu nguyện mà đứng vững được trong đức tin cho đến cùng

Trước khi ngã chết trong tù vì đức tin, Silvio Pellico, một thanh niên công giáo Ý, đã viết câu sau đây nơi vách:
- “Tôi đang dựa vào Chúa là Đấng không bao giờ ngã.”
Anh muốn nói: “Chính nhờ hết lòng cầu nguyện với Chúa mà tôi đứng vững được trong đức tin cho đến hơi thở cuối cùng.”

723. Nói với Chúa, mới quan trọng

Một giáo dân trí thức kia, có viết một cuốn sách về cuộc đời của Chúa Giêsu, nói với cha sở của mình:
- “Cha không hiểu giáo dân chúng con. Chúng con nói về Chúa nhiều.”
Cha sở trả lời:
- “Nói về Chúa không quan trọng cho bằng nói với Chúa. Cha chúc các con nói với Chúa nhiều hơn, nghĩa là lo cầu nguyện nhiều hơn.”

724. Gợi nhớ đến Chúa

Mỗi lần cầm một chiếc hoa trong tay, thánh Mađalêna Pazzi cảm thấy lòng yêu mến Chúa, nên than thở:
- “Lạy Chúa, từ thuở đời đời, Chúa đã nghĩ đến việc dựng nên chiếc hoa nầy để tỏ cho con thấy dấu chứng tình yêu của Chúa.”
Thánh Têrêxa Hài Đồng thú nhận rằng mỗi khi nhìn thấy những cảnh đẹp, thì tự trách mình sao không biết ơn Chúa, sao không yêu mến Chúa.

725. “Tôi bắt đầu một ngày bằng sự cầu nguyện.”

Năm 1763, khi đi thị sát quân đội, đại tướng Broc hỏi một binh sĩ:
- “Bạn bắt đầu một ngày thế nào?”
Binh sĩ nầy là người công giáo. Anh ta trả lời ngay:
- “Tôi bắt đầu một ngày bằng sự cầu nguyện.”
Có kẻ nghe như vậy thì cười nhạo, nhưng đại tướng Broc lại khen binh sĩ công giáo nầy vì đại tướng cho rằng một binh sĩ đạo đức thì thế nào cũng là một binh sĩ tốt.

726. “Chúa đã để con chết hụt, đã thử thách con và Chúa đã gìn giữ con.”

Từ điển Bách Khoa Hoàng gia Anh Niên giám 1982, dưới tiêu đề “Những sự kiện khó tin”, viết về một người tên là Brian Heise.
Brian Heise trải qua khá nhiều sự kiện trong tháng bảy, và hầu như chúng đều là những điều không may.
Trước tiên, là căn hộ ở Provo bị ngập nước do ống dẫn nước ở căn hộ tầng trên bị vỡ. Người quản lý đề nghị ông ta ra ngoài để thuê một cái máy hút nước.
Khi đó, ông phát hiện ra xe của mình xẹp lốp. Ông thay bánh xe, rồi trở vào bên trong để gọi điện nhờ một người giúp đỡ. Đột ngôt, ông bị điện giật khi cầm vào điện thoại. Việc nầy khiến ông ta hốt hoảng đến nỗi sơ ý làm rớt dụng cụ.
Trước khi ông rời căn phòng lần hai, một người hàng xóm giúp ông đạp mạnh vào cửa căn phòng vì nước đã ghìm chặt cửa lại.
Trong lúc mọi việc rối rắm đang xảy ra, có ai đó đã trộm mất chiếc xe hơi của Heise, nhưng chiếc xe đã gần hết xăng. Ông tìm thấy xe ở cách đó vài dãy phố, nhưng phải đẩy nó tới trạm xăng để đổ.
Tối hôm đó, Heise tham dự một buổi lễ kỷ niệm quân đội ở trường đại học Brigham Young. Không biết thế nào, ông lại ngồi lên cái lưỡi lê ai đó quẳng lên ghế trước cửa xe.
Chưa hết, Heise còn bị trượt chân trên thảm ướt đến bị thương nặng.
Ông ta tự hỏi: “Chúa đã để con chết hụt, đã thử thách con và Ngài đã gìn giữ con.” (Năng Lực Để Thay Đổi Cuộc Sống)

727. Bắt tay làm lại sau khi đã bị mất mát quá to lớn…

Tác giả nổi tiếng của quyển “Cuộc Cách Mạng Pháp”, Thomas Carlyle, đã lâm vào một tình cảnh tuyệt vọng khi ông hoàn thành xong bản thảo quyển sách nầy. Ông giao hết hàng trăm trang bản thảo của mình cho một người bạn thân đọc để góp ý.
Người bạn nầy ra đi, mang theo tập bản thảo, và sau một thời gian rất lâu, người bạn ấy mới quay lại mà không mang về cho ông tập bản thảo.
Khi ông hỏi về nó, người bạn tỉnh bơ trả lời là đã đánh mất nó rồi.
Carlyle, do không còn trong tay bản thứ hai của tác phẩm nầy, kinh ngạc như sét đánh ngang tai vì câu trả lời vô trách nhiệm của bạn mình.
Thế là công sức lao động nhiều năm qua của Carlyle coi như mất trắng.
Ông quyết định không than van vì mất mát to lớn đó nữa, mà bắt tay vào viết lại quyển sách….
Bất kỳ ai trong tình cảnh khốn khổ như Carlyle, cũng có thể cảm thấy rằng làm lại công việc gian khổ đó, là điều không tưởng. Nhưng với Carlyle thì không: ông không đầu hàng và quyết chinh phục thử thách. Với sự chịu đựng dũng cảm không gì có thể khuất phục được, cộng với ý chí kiên cường, ông miệt mài sáng tác để hậu thế có được một tác phẩm vĩ đại. (Tự Tin Để Thành Công)

728. Cậu bé da đen ấy, chính là giáo sư Keen bây giờ.

Giáo sư Keen – bác sĩ tâm lý nổi tiếng của Mỹ - thường kể cho bệnh nhân nghe một câu chuyện cảm động mà ông đã trải qua hồi còn nhỏ.
Một hôm, có mấy đứa trẻ da trắng đang chơi trong công viên. Lúc đó, có một người bán bóng bay, đi qua công viên.
Bọn trẻ chạy đến như ong vỡ tổ. Mỗi đứa trẻ mua một quả và vui vẻ đùa nghịch.
Ở một góc công viên, cậu bé da đen đang nhìn bọn trẻ da trắng chơi đùa một cách thèm thuồng. Cậu không dám đến chơi cùng bọn trẻ vì cậu rất tự ti.
Khi bọn trẻ da trắng đi rồi, cậu mới rụt rè đi đến bến xe hàng của người bán bóng bay và hỏi: “Ông có thể bán cho cháu một quả bóng được không ạ!”
Người bán bóng nhìn cậu bé bằng ánh mắt hiền từ, nói: “Đương nhiên rồi. Cháu muốn màu gì.”
Cậu bé mạnh dạn trả lời: “Cháu muốn màu đen ạ.”
Cậu bé vui vẻ cầm lấy quả bóng, nhưng khi vừa thả lỏng tay thì quả bóng bay từ từ lên trời: màu đen của bóng, cùng với màu xanh của bầu trời, màu trắng của những áng mây, đã tạo nên một cảnh khác biệt
Người bán bóng vừa nhíu mắt nhìn theo quả bóng và nhẹ nhàng ôm lấy cậu bé, nói:
- “Cháu phải nhớ quả bóng có thể bay được hay không, không phải vì màu sắc, hình dáng của nó, mà vì bên trong quả bóng, có đầy khí hay không. Sự thành bại của một người, không phải do chủng tộc, xuất thân, mà mấu chốt là trong lòng người ấy có tự tin hay không.”
Cậu bé da đen ấy, chính là giáo sư Keen bây giờ.

729. Từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lơn, từng bước thực hiện mục tiêu

Câu chuyện đời xưa của Phương Đông.
Thời xa xưa, có một thiếu niên ngưỡng mộ anh hùng, lập chí học cho được võ công cái thế. Vì vậy, cậu ta bái một vị cao sư làm thầy. Nhưng vị cao sư nầy không hề dạy cho cậu võ công, chỉ yêu cầu cậu đến nơi có cỏ trên núi để thả heo.
Mỗi sáng, cậu phải ôm con heo nhỏ lên núi, phải băng qua nhiều kênh rạch; buổi tối, lại ôm nó về.
Yêu cầu của sư phụ đối với cậu là trên đường đi, không được thả heo xuống.
Cậu thiếu niên trong lòng không thích, nhưng cảm thấy sư phụ đang kiểm tra mình.
Trong thời gian hơn hai năm, ngày nào cậu ta cũng làm như vậy. Con heo nhỏ đã được nuôi lớn.
Đột nhiên, một hôm, sư phụ bảo:
- “Hôm nay, không phải ôm heo nữa. Con hãy lên núi một mình.”
Cậu thiếu niên lần đầu tiên lên núi không ôm heo, cảm thấy thân thể nhẹ tựa chim bay, lập tức cảm thấy mình như lạc vào một cảnh giới tuyệt đối nào đó.
Thiếu niên nầy thật ra, trong lúc không để ý, đã từng bước, từng bước thực hiện mục tiêu của mình. Bởi vì, con heo nhỏ, trong thời gian hai năm, từ mấy cân, phát triển hơn 200 cân.
… Mục tiêu lớn xem ra rất khó thực hiện, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập “mục tiêu thứ”, hoặc là “mục tiêu ngắn hạn”, từng bước thực hiện mục tiêu lớn. Áp lực về mặt tâm lý cũng nhờ đó giảm đi. Mục tiêu lớn, có một ngày, cũng có thể thực hiện được. (8 Thói Quen Lớn Của Người Thành Đạt”

730. Chuyển bại thành thắng

Trong một cuộc điều tra tâm lý những nhân vật hiện tại và quá khứ của Hoa Kỳ, tôi (Dale Carnegie) may mắn gặp được nhiều người đã biết cách “chuyển bại thành thắng”.
Ông William Bolitho, tác giả cuốn “Mười Hai Người Thắng Thần”, tóm tắt nguyên tắc trên nầy như vầy:
- “Điều cần thiết ở đời không phải là biết lợi dụng những thắng lợi. Kẻ ngu nào cũng biết vậy. Nhưng biết lợi dụng những thất thế, mới là điều cần thiết. Muốn được vậy, phải thông minh, và chính cái thiên tư đó phân biệt người khôn với kẻ ngốc.”
Ông Bolitho viết câu ấy sau khi bị cưa một chân vì tai nạn xe lửa. (Quảng Gánh Lo Đi và Vui Sống)


LM Nguyễn Vinh Gioang