Đừng đóng “cửa trời”, bởi vô tình cũng sẽ đóng “lòng người” mãi mãi

“CON ƠI! MẸ BẢO CON NÈ...”

Tối nay, đi qua hiện trường như một người khách lạ, từ khu lều bạt, nơi những người giáo dân vẫn kiên trì bám trụ bất chấp gió mưa, chợt nghe vọng ra một cuộc đối thoại dễ thương, chất đầy tình mẫu tử thánh thiêng.

Tiếng một bà cụ nhu mì khoan thai: “Con ơi! Mẹ bảo con nè... Tối nay, Mẹ ngủ lại đây để trông chừng đất cát, chẳng phải của mẹ, chẳng phải của ai mà là của Chúa. Các con đừng hắt nước ra nữa!”

Từ bên trong bức tường, tiếng một thanh niên nói lại: “Mẹ thông cảm cho chúng con. Chúng con cũng chỉ là người làm công ăn lương. Chúng con có muốn thế đâu... Tất cả là tại cuộc sống này nó có quá nhiều khoảng tối. Không biết rồi đây, cuộc sống thế nào, chẳng còn lý tưởng, chẳng còn niềm tin...”

“Ừ... Chúng con còn trẻ, còn có gia đình. Cứ làm cho đúng bổn phận. Cứ làm cho tròn nhiệm vụ, đừng làm gì khác để vợ con, gia đình phải khổ... Có ít hạt hướng dương nè, các con cầm lấy mà ăn cho vui.”

“Cho con xin”.

Thinh lặng...

Cánh tay già đưa qua cái ô thoáng nhỏ trên cánh cổng đã bị niêm phong, bên trên là bức chân dung Mẹ Hằng Cứu Giúp và một tượng chuộc tội. Cánh tay trẻ bên trong cũng đưa lên nhận những hạt hướng dương vàng tắp...

Thinh lặng thánh bao trùm...

Bất chợt, tôi nhìn lên bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ. Dưới ánh lửa bập bùng, khuôn mặt Mẹ sáng ngời với đôi mắt đầy trìu mến nhân hậu, đôi mắt từ tâm, dõi nhìn từng cử chỉ, hành vi của con cái.

Khoảnh khắc ấy đẹp tuyệt vời! Hai con người, hai phía, nay nên một. Bức tường ngăn cách là sự thù ghét, nay sụp đổ. Bức tường gạch đá, không che nổi bức tường của sự bao dung. Có một tình mẫu tử thiêng liêng đã làm cho những con người trước xa nay gần. Trước là thù nay là bạn. Trước là “hắt nước” nay là “hướng dương”. Con đường yêu thương đã nối liền khoảng cách... Cánh cổng bị niêm phong, nhưng không che được ánh thái dương chiếu toả tình người.

Tôi đứng nhìn và chết lặng trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy và thật tiếc cho dân tộc này, một dân tộc đã được tưới tắm bằng những giá trị tâm linh; một dân tộc khi khai sinh đã nhìn trời mà nhận rằng mình “là con Rồng cháu Lạc”. Thế rồi có một lúc xã hội đổi dời, lịch sử sang trang, người ta đem vào đây thứ học thuyết lấy “đất làm trời” và đòi giết “chết thượng đế”. Thượng đế chưa chết, thì dân tộc đang chết dần chết mòn dưới gót “nội xâm”. Ông trời chưa chết, thì con dân đất Việt đang phải ngắc ngoải rên than dưới áp bức của bạo tàn, của quốc nạn tham nhũng, của bè phái... Những giá trị bị đảo lộn khiến cho nhiều người cũng bị lẫn lộn giữa các giá trị.

Tôi đứng nhìn và chết lặng trong khoảng khắc đầy linh thánh ấy và chợt nhận ra rằng, cái học thuyết “lấy đất làm trời” nó ăn quá sâu, khiến cho, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều đời lãnh đạo, dù biết cuộc sống cần những giá trị tâm linh, cần một “cõi đi về”, nhưng họ chưa đủ can đảm để thay đổi. Họ biết nếu con người không “hướng dương” thì con cháu mình sẽ khổ, dân tộc bị chuốc lấy những lầm than mà bao đời nữa cũng không chữa được, nhưng hình như, tất cả những điều ấy, vẫn chưa thể làm cho họ ý thức “chân họ đạp đất, nhưng đầu phải hướng về trời để tìm kiếm những giá trị trên cao”.

Thực tế, từ ngày đất nước mở cửa, người ta mới chỉ mở cửa về kinh tế, nghĩa là chỉ quan tâm tới những gì tình bằng “tiền”. Có một cánh cửa cần mở để quốc thái dân an, thì cho tới giờ này, nhà nước lại không mở, đó là cánh tôn giáo, cửa đi vào cõi tâm linh. Cánh cửa tôn giáo bị đóng thì xã hội sẽ thiếu nguồn gió mát. Chặn ánh quang minh, chặn đường công lý, thì bóng tối sẽ bao trùm, dân sẽ phải đi trong đêm tối lầm than.

Đó là thực tế đang diễn ra hôm nay trong đất nước này.

Vì thế, tôi nghĩ rằng đã tới lúc, nói như Kinh thánh “thời đã mãn”:

Hãy mở cửa tôn giáo để “Nước Thiên Chúa đến được với anh em”.

“Hãy trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài” để Ngài ban cho đất nước, cho dân tộc này những gì Ngài đã ban cho tổ tiên, để ngước lên không hổ thẹn với tiền nhân, cúi xuống không nhìn thấy tiếng khóc than của con cái.

Hãy trả về cho Giáo hội những gì của Giáo hội, để Giáo hội xử dụng vào việc tôn thờ, thay cho những Đàn Xã Tắc, những tế Đàn Nam Giao, đã bị thời gian, lịch sử vùi dập nay không còn, hầu ơn trời mưa móc tưới mát cho quê hương;

Hãy mở cửa tôn giáo để cho những giá trị tâm linh ùa vào, tưới tắm cho quê hương đất nước, đừng chặn mất nguồn sinh lực vĩnh cửu chỉ có được khi cả nước ngước mắt nhìn trời.

Đừng đóng “cửa trời”, bởi vô tình cũng sẽ đóng “lòng người” mãi mãi.

Và, dân tộc, đất nước sẽ chẳng bao giờ nghe được những câu chuyện cảm động đầy tình mẫu tử linh thiêng: “Con ơi! Mẹ bảo con nè....”

(Thái Hà, đêm 18/1/2008)
An Dân