Cúi mình xuống




Dụ ngôn người Biệt phái và Thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện cho thấy sự tương phản giữa hai thái độ của con người trước tình yêu thương bao la của Thiên Chúa. Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đức ái hơn nguời khác. Người thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát, khinh chê. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào Đền thờ và làm cùng một công việc là cầu nguyện. Tại đây, sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét khi tâm tính và thái độ sâu kín được bộc bạch trước nhan Thiên Chúa.

Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng cầu nguyện : Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa vì con không giống các người khác, không tham lam, không bất công, không ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng một phần mười thu nhập của con. Người Biệt phái đang báo cáo thành tích. Ông nói điều ông đã làm và những gì ông làm thì không chê vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi, thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy.Thường người ta chỉ ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông ăn chay hai ngày trong tuần. Luật buộc các nông dân nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân tất cả thu nhập của ông. Đây là lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Không thấy ông xin gì cho bản thân. Lời cầu nguyện chỉ là lời tạ ơn. Điều đáng tiếc là lời cầu nguyện của ông đầy nét tự hào, tự mãn và khinh bỉ tha nhân : Vì tôi không như bao người khác, tôi không như tên thu thuế kia. Rõ ràng người Biệt phái tốt lành quảng đại nhưng lại tự phụ khoe khoang, khinh người. Đây là biểu tượng cho hạng người hay chúc tụng, tôn thờ bản thân mình. Thật đúng, kiêu căng đứng trước trong danh sách bảy mối tội đầu.

Người thu thuế đến thú tội, anh ý thức mình là tội nhân nên run rẩy xấu hổ, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên. Anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người Pharisiêu (hay như tên thu thuế kia), nên anh thấy khỏi cần cáo tội mình. Anh chỉ còn đặt mình trước nhan Thiên Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài xin : Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hoà với anh em. Anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình bất xứng. Lời cầu hết lòng khiêm tốn đó có sức an ủi anh ngọt ngào biết bao. Anh cảm thấy đầy niềm tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, vì anh biết rằng : dù tội lỗi như Aaron đúc bò vàng cho toàn dân thờ, dù thủ đoạn như vua Đavít đã cướp vợ giết chồng người khác nhưng họ đã hết lòng ăn năn sám hối và Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ; dẫu rằng cả toàn dân bỏ Chúa và bị bắt lưu đày Babylon, lại bị thủ tướng Aman ra tay diệt trừ nhưng trong cơn cùng khốn như thế, hoàng hậu Ette cùng toàn dân đã biết ăn năn sám hối tội lỗi, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ; hay tội lỗi như dân ngoại Ninivê, Thiên Chúa còn thương, bắt buộc Ngôn sứ Giona đến rao giảng cho họ biết cải tà qui chính, Thiên Chúa liền tha thứ cho họ khi họ sám hối chân thành. Thấy tất cả những sự kiện lịch sử thống hối đó, người thu thuế càng thêm tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung cùa Thiên Chúa, anh càng đấm ngực hết lòng ăn năn.

Đức Giêsu kết luận: Người thu thuế trở nên công chính còn người biệt phái thì không được…. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Người thu thuế ra về và được tha hết mọi tội, tâm hồn thành trắng trong.

Người biệt phái ra về tội lỗi vẫn cứ còn đó.Cái tôi nặng quá nên còn phải gánh thêm sức nặng của tội lỗi nữa, thật đáng thương cho đời một người quá tự kiêu tự mãn.

Tội lỗi hay hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn thói kiêu căng. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi nên đã làm mất đi sự công chính, nhưng hành động khiêm tốn biết nhìn nhận mình tội lỗi và hết lòng thống hối nên được công chính trước Thiên Chúa.

Khiêm nhường có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính.Trái lại, kiêu ngạo tự mãn có thể biết điều tốt thành điều xấu. Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, là gốc rễ của các nhân đức. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói : Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và gái điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hoả ngục có cả Hồng Y, Giám mục nhưng không có người khiêm nhường.

Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng quá nhiều. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở tâm hồn ra để đón nhận. Tội lỗi hay công đức đều có thể làm ta khép lại hay mở ra. Điều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa. Sự triển nở trong đời sống thiêng liêng nằm chỗ là ta trở nên nhỏ lại, là nhường bước để cho Chúa xâm chiếm và chi phối trọn vẹn đời ta. Càng lớn lên trong Chúa, ta càng cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng mình cần đến Chúa ngày một hơn.

Một Đấng Thánh vĩ đại như Phaolô mà đã tự nhận mình là kẻ thấp hèn nhất (1Cor 15,9); một ngôi sao chói lọi trong công việc bác ái từ thiện như Thánh Vincent Phaolô mà cũng đã tự gọi mình là người thấp hèn nhất trần gian thì huống là chúng ta ! Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Cửa thiên đàng hẹp và thấp, chỉ quì xuống mới vào được mà thôi. Thiên Chúa luôn chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng luôn ban ơn cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6; 1Pr 5,5).

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen(1770-1844)nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói : tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì đẹp cả. Một người quỳ sau lưng ông nói : Ông phải quì gối xuống mới thấy đẹp. Ông du khách liền quì gối. Bây giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn. Muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần quì gối với tâm tình khiêm tốn.

Đức Cha Fulton J. Sheen viết trong cuốn “Người Galilê vĩnh cửu”: Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng, nhưng Ngài giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường. Một số người quá tự mãn không hạ mình sẽ không thấy được niềm vui bên trong hang đá. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như thế, họ thấy mình không ở trong một cái hang, nhưng ở trong một thế giới khác. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng, và cánh tay ẵm Hài Nhi, Đấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất, nơi chúng ta đang sống. Và khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, tôi tự hỏi : không biết những người thông thái ghen với những người đơn sơ, hay những người đơn sơ ghen với những người thông thái ? Tôi hướng tới xác tín rằng : các đạo sĩ ghen với các mục đồng, bởi vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.

Tin Mừng hôm nay đề cao lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế, không nhìn sang người khác, không so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào chính mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm bản thân rồi khiêm tốn chấp nhận. “Lạy Chúa ! Xin thương xót con”. Lời cầu nguyện của người thu thuế thật đơn giản. Ý thức được thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, anh hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Đó là lời cầu nguyện của người ở trong sự thật và được sự thật giải thoát khỏi tội lỗi. Lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Sách huấn ca dạy: “ Lời cầu nguyện của người khiêm tốn xuyên thấu các tầng mây” (Hc 35,17). Sách giáo lý cũng dạy :“Khiêm tốn là thái độ căn bản phải có để đón nhận ơn cầu nguyện” (GLCG số 1559).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con có là gì mà chẳng do Chúa thương ban. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận mình thiếu sót lỗi lầm để luôn được Chúa xót thương tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống một cuộc đời rất khiêm nhường, đầy tinh thần tự hủy và vị tha tới tận cùng, xin cho chúng con biết sống quên mình, tự hạ, yêu thương và hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh con. Amen.





Lm. Giuse Nguyễn Hữu An