KHIÊM TỐN TÍN THÁC NƠI CHÚA (CN 30 TN năm C)



Vào một đêm đông mùa Giáng Sinh xưa, thánh Giêrônimô đang qùy nghiêm trang trước hang máng cỏ. Vừa cầu nguyện vừa suy niệm, vị Tiến Sĩ Hội Thánh luôn thắc mắc tự hỏi: “Tại sao Vua Cả Trời Đất giàu sang phú qúi, lại có thể chấp nhận sống nghèo nàn tột cùng như vậy?”. Bất ngờ Chúa Giêsu hiện ra và hỏi Giêrônimô: “Con có món quà gì biếu tặng trong ngày Ta giáng trần hôm nay ư?”.

Thánh nhân trả lời: “Lạy Chúa, con xin tặng Ngài con tim nhỏ bé. Đó là món quà qúi giá nhất trong con để tiến dâng Chúa”. –“Ta biết. Nhưng con còn món quà nào khác nữa chăng, không lẽ chỉ có con tim nhỏ bé này thôi sao?”. Giêrônimô tiếp tục đáp: “Chúa ơi! Con xin kính biếu Chúa thêm cái mà con đang có và những cái con sẽ làm. Con nghĩ đó là tài sản tốt nhất của riêng con để dâng lên Chúa”. Chúa hài lòng mỉm cười, song vẫm muốn trắc nghiệm thánh nhân thêm: “Con đã thương tặng Ta tất cả mọi sự trọn vẹn rồi chứ! Còn tặng vật nào khác để dâng nữa không?”.

Giêrônimô khiêm tốn thú thực: “Những gì qúi trọng nhất: con tim, cái đang có, cái sẽ có; con đã dâng Chúa đầy đủ lắm rồi, nào còn cái chi đâu mà dâng nữa?”. Chúa thì thầm nhỏ nhẹ vào tai thánh nhân: “Con hãy dâng cho Ta tội lỗi của con”. Ngài liền đáp lại: “Không đâu, lạy Chúa! Tội lỗi con, xấu xa gớm ghét lắm. Con không thể nào dâng tặng Chúa được. Con nghĩ rằng: đã kính biếu Chúa là phải tặng cái tốt chứ. Ai lại điên rồ gửi dâng Chúa cái ghê tởm nhuốc nha tội lỗi?”. Chúa vẫn cương quyết khẳng định: “Con hãy dâng cho Ta tội lỗi của con. Tội Lỗi con là món quà Ta ưng ý nhất vì Ta thích tha thứ hơn là kết án, thích tâm hồn ăn năn sám hối hơn là trái tim tự mãn khoe khoang”.

Câu chuyện ấy giúp ta liên tưởng hai hình ảnh quen thuộc nơi bài Phúc Âm hôm nay: người biệt phái và người thu thuế đứng cầu nguyện trong đền thờ. Một người an tâm về cách sống của mình, không băn khoăn áy náy về những gì đã có và sẽ làm nữa. Một người khác thì luôn đấm ngực, tự ti hổ thẹn về những sai trái mình đã phạm, lại càng mặc cảm thêm không dám nhìn về tương lai.

Sự Đời vốn là những qui định quen thuộc: hữu công tắc thưởng, có công lênh tất nhiên đáng hãnh diện tự hào; trong khi đó hữu tội tắc trừng, vướng tội lỗi lẽ thường phải cúi mặt lầm lũi xót xa. Thế nhưng, dưới con mắt Thiên Chúa, kẻ biết mình có tội, dễ dàng nên công chính / người cậy mình hoàn hảo, thật khó nên thánh biết bao!

A. Cái ưu và cái khuyết của người Biệt Phái.

Biệt Phái là bậc vị vọng, thượng lưu trong cộng đồng xã hội Do Thái xa xưa. Họ học hỏi sách Luật và tuân giữ nhiệm nhặt, quen thực hành đạo đức nghiêm túc, làm việc từ thiện bác ái.

1. Bởi thế, người biệt phái trong dụ ngôn, có nhiều ưu điểm dễ thấy:

+ sống Đạo tốt lành: không gian dâm, trộm cắp, ngoại tình, làm điều bất chính…

+ thường luật ăn chay chỉ buộc mỗi năm một lần, còn ở đây anh ăn chay tuần hai lần.

+ luật qui định nộp thuế 1/10 thu nhập, anh lại đóng thêm cả thuế hoa quả, trái cây, hoa màu ruộng đất…

Nói chung, anh không những very good trong mẫu mực hy sinh tốt lành thánh thiện, anh lại còn trung thành giữ luật Chúa, luật nước… cách quảng đại.

2. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ vào âm điệu lời cầu nguyện, ta thấy nơi người biệt phái có một vài khuyết điểm:

+ TỰ HÀO: cho mình là wonderful, không đáng chê chỗ nào cả. Nếu vậy, cần gì Chúa giúp nữa. Thực tế, mình làm gì, được gì Chúa biết cả rồi, đâu cần phải tự phong thần?

+ KHOE KHOANG: con ăn chay này nọ, dâng cúng thế này thế kia…Con là ân nhân bậc danh dự, bậc I, tên con được khắc trên bảng vàng đấy nhé! Con làm cho Nhà Chúa được nhiều việc tốt, sống ngon lành với tha nhân đó, Chúa mắc nợ, cám ơn con chứ con đâu cần đến lòng thương xót của Chúa.

+ GIÈM PHA,GHEN TỊ: con không như bao kẻ khác, hoặc như tên thu thuế kia..Cầu nguyện thay vì hiệp thông với nhau, trái lại tìm cách khinh miệt, gièm pha. Anh em lỡ tội lỗi, ta tiếp tục chơi cho bõ ghét, dìm xuống vực sâu hơn. Thói kiêu căng hợm mình như thế là một trong bảy mối tội đầu, làm mất lòng Chúa và xúc phạm tha nhân thêm, nên khi ra về, anh biệt phái không được nên công chính (Lc 18:14).

“Giáo xứ cần tôi, thì tôi làm. Còn riêng tôi, tôi không cần Giáo Xứ” (một giáo dân tự mãn). “Trên thế giới này, nếu chỉ tìm được hai người công chính, thì đó chính là tôi và con tôi. Còn nếu có một người công chính, thì chỉ có Tôi mà thôi” ( Simeon Ben Jocal ).

B. Cái bất toàn và cái thiện toàn của người Thu Thuế.

Xứ Palestine thời Chúa Giêsu, vốn bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, nên hàng năm người Do Thái buộc phải đóng thuế cho chính phủ đô hộ. Rôma không thu trực tiếp, nhưng trao cho người Do Thái nào trúng thầu, được hành nghề thu thuế giùm cho chính phủ.

1. Bởi đó, dư luận Do Thái đồng hoá những người thu thuế là kẻ tội lỗi, vì:

+ họ không yêu tổ quốc, làm tay sai cho ngoại bang đang thống trị mình.

+ họ thâm lạm tiền thuế, lấy nhiều khai ít, thao túng chuyện phi pháp.

Nhìn chung, họ chẳng tốt lành gì, ăn chặn ăn bớt, bóc lột anh em, bưng bê kẻ thù dân tộc.

2. Song le, dù bị đồng hương lên án, người thu thuế vẫn thể hiện những thiện ý tốt khi cầu nguyện:

+ biết mình BẤT XỨNG: không dám đến gần Chúa, chỉ đứng xa xa mà cầu nguyện. “Lạy Chúa! Con chỉ là tạo vật mọn hèn, còn Chúa thật (í a) sang giàu…”

+ biết mình BẤT TÀI: không ngước mắt cao nhìn Chúa, cúi đầu cho một lần sám hối. “Lạy Chúa! Con không có gì làm vật hy sinh, con đâu có gì để mà hiến tế”

+ biết minh BẤT TOÀN: suốt ngày, chỉ đấm ngực ăn năn. “Tội lỗi con Chúa đã thấy, tội lỗi con Chúa đã thấy, Chúa ơi, xin thương con, xin đừng chấp tội con”.

ĐGH Gioan Phaolô II thật hữu lý, khi nói: “Trên thiên đàng, có đủ người thu thuế, gái điếm nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hoả ngục, có cả Giáo sĩ, Tu sĩ nhưng không có kẻ khiêm nhường”. Thật vậy, có tài mà kiêu ngạo, không thể ở thiên đàng. Có chức thánh mà không khiêm tốn, dễ dàng xuống hoả ngục.

C. Thái Độ cần thiết khi cầu nguyện.

Cầu nguyện tuy dễ nhưng lại khó. Dễ dàng với những ai thành tâm thiện chí tin tưởng cậy trông nơi Chúa, song khó khăn cho những tâm hồn chỉ biết tìm vinh danh mình hơn là làm cho Danh Cha cả sáng. Vậy, đâu là kim chỉ nam giúp ta an bình khi cầu nguyện?

1. Hãy cầu nguyện với lòng mến chân thành.

Mến Chúa hết tình, tin chắc Ngài hằng thương xót, tha thứ và nâng đỡ ta trong mọi lúc. Mến anh em bằng trái tim liên đới, cảm thông và an ủi nhau.

Thánh Gioan Vianney biết mình trí óc chậm hiểu, Ngài ra sức học và xin Chúa cùng Đức Mẹ bổ túc cho những vụng về thiếu sót trong mình.

2. Hãy cầu nguyện với cái nhìn lên Chúa, nhìn xét mình hơn là nhìn soi mói tha nhân.

“Tri kỷ, tri nhân, bách chiến bách thắng”. Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng. Giọt nước mắt vì sám hối tội mình rất cần thiết. Tội càng lớn, tiếng khóc càng to, đấm ngực càng mạnh, thái độ ăn năn dốc long chừa càng ý nghĩa hơn.

Thánh Phêrô biết mình nhẹ dạ, nông nỗi nhất thời: sau khi chối Chúa ba lần, Ngài khóc lóc thảm thiết, than trách sự yếu đuối của mình, mong Thầy Chí Thánh thứ tha.

3. Hãy cầu nguyện với sự khiêm tốn thật tình, không khoe khoang tự mãn.

Khiêm tốn để nhận thức cái giới hạn của con người và nhận ra Sự Cao Cả của Thiên Chúa.

Đức Mẹ Maria, tỳ nữ tốt lành của Thiên Chúa không ngừng cầu nguyện: “Linh hồn con ngợi khen Đức Chúa…Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; vì từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc…”

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa! mọi tài năng con có, chẳng qua là do Chúa ban tặng và phú bẩm cho con. Xin giúp con khiêm tốn nhận ra: con chỉ là đầy tớ vô dụng trước mặt Chúa, biết con đầy khiếm khuyết, xin Chúa bổ túc / biết con nhiều thiếu sót, xin Chúa tha thứ; nhờ đó, con dễ đấm ngực mình hơn là dèm pha, quan sát soi mói, trù dập danh dự anh em. Amen


Dominic Dieu Tran, SDD.