CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN, năm B

Chúa chữa người câm điếc


Mc 7, 31-37

Đứng trước những người câm điếc quả thực chúng ta khó làm cho họ hiểu chúng ta muốn nói gì, muốn diễn tả gì. Bởi vì, điếc chẳng nghe được lời nói của chúng ta và người câm lại không thể thốt lên lời điều họ muốn diễn ta với chúng ta. Do đó, chúng ta hiểu được nỗi vui sướng ra sao khi Chúa Giêsu chữa lành cho người vừa câm lại vừa điếc.

Trong bài Tin Mừng Mc 7, 31-37, Đức Giêsu đã chữa lành cho một người vừa câm lại vừa điếc. Ở đời, thường người câm lại hay bị điếc. Bởi vì nếu chỉ bị câm mà không điếc, người này sẽ rất khó chịu khi họ nghe được, đặc biệt khi ai đó làm điều gì họ phật ý. Người câm sẽ điên lên, sẽ tức bực hết chỗ nói khi họ nghe người khác chửi họ hoặc nói những điều xúc phạm đến họ.Người câm như có một sợi dây ràng buộc, trói buộc lưỡi họ khiến họ không để nói được dù họ rất muốn nói. Đức Giêsu đã đụng tới lưỡi anh ta, khiến sợi dây bị tung ra, bị bật ra, khiến người câm có thể nói được rõ ràng và dễ dàng. Làm điều này, Chúa Giêsu giúp ta hiểu bài đọc 1, hiểu được lời ca của Israen thoát khỏi nô lệ, lưu đầy: sa mạc nở hoa, đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tươi làm phấn khởi lòng người. Thiên Chúa sẽ đến cứu dân của Ngài cách thực tế, cụ thể, nghĩa là người mù được thấy, kẻ què đi được, người điếc nghe được và người câm nói được. Chính Đức Giêsu đến thực hiện những điều ngôn sứ Isaia loan báo. Chúa Giêsu nói Ep-pha-tha hãy mở ra. Ngài đã làm cho người câm điếc khỏi bệnh hoàn toàn: nói và nghe bình thường. Việc chữa lành của Chúa Giêsu đối với người câm điếc diễn tả hai dấu chỉ mà ngôn sứ Isaia đã nói để cho dân chúng nhận ra được Đấng Mêsia. Việc Chữa lành người câm điếc còn nói lên Đức Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương. Bởi vì, khi tách anh ra khỏi đám đông, Chúa Giêsu đánh tan sự lúng túng của anh ta, đồng thời nói lên lòng thương xót thực sự đối với anh. Chúa Giêsu rất nhạy cảm với tình cảnh hết sức đáng thương của người câm điếc.Như vậy, Chúa Giêsu qua việc chữa lành này vừa tỏ cho nhân loại, cho chúng ta Ngài là Đấng Mêsia muôn dân mong đợi và đồng thời, Ngài cũng là Đấng giầu lòng thương xót. Việc chữa lành người câm điếc cũng tạo nên nguồn hy vọng lớn lao cho mọi thế hệ đang sống nơi trần gian đầy cam go, thử thách và bệnh hoạn.

Trong một thế giới, con người vẫn chưa bình đẳng về mọi mặt, mơ ước bình đẳng là một cớ vấp phạm đối với những người bệnh họan tật nguyền vì nhiều người cho rằng thà họ đừng sinh ra thì hơn. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài luôn trân trọng những người bệnh hoạn, tật nguyền và luôn bênh vực những mẹ góa con côi. Trước những nghịch cảnh của cuộc đời, những người neo đơn, góa bụa, những trẻ lang thang bụi đời, những kẻ đầu đường xó chợ, những kẻ bơ vơ vất vưởng, các em mồ côi, những cháu tật nguyền, người môn đệ Chúa không được dửng dưng cho rằng những thành phần này đã có những cơ sở xã hội lo cho họ rồi. Mỗi người chúng ta, mỗi môn đệ Chúa phải có trách nhiệm lo cho những người này vì Chúa dạy chúng ta phải yêu thương họ và tỏ tình liên đới gắn bó với họ. Chính thánh Giacôbê trong bài đọc 2 đã nhắn nhủ tất cả những người tin vào Chúa Giêsu đừng đối xử thiên vị, đừng thiên tư, đừng phân biệt giầu nghèo bởi vì những người xem ra không may mắn, khó nghèo lại được Chúa hứa ban nước trời.

Chúng ta và nhiều người có thể không bị câm điếc thật sự về mặt thể lý, nhưng chúng ta đang bị câm điếc về mặt tinh thần. Chúng muốn biến chúng ta thành những hòn đảo. Chúa muốn chúng ta phải chia chia sẻ và cho đi. Vì con người thường chuộng giầu và dễ khinh giầu. Lời Chúa dạy chúng ta thực hiện những dấu chỉ của ơn cứu độ khi chúng ta biết quan tâm tới người khác, biết giúp đỡ những người khó nghèo, biết tha thứ cho những kẻ làm hại chúng ta. Thực hiện được những điều Chúa dạy là chúng ta đã biểu lộ những dấu chỉ của ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con bị câm điếc trước lời mời gọi giúp đỡ những người khó nghèo và cảm thông với những người đang gặp khó khăn. Amen.


Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT