Linh mục và lời mời gọi tỉnh thức
Bước vào Mùa Vọng 2012, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, gửi một bức tâm thư đến các linh mục trên toàn thế giới. Ở tự nó, hành động ấy đã nói lên mối quan tâm đặc biệt của Giáo hội đối với hàng linh mục. Đặt mình vào bối cảnh Giáo hội hôm nay, cách riêng tại châu Âu và Bắc Mỹ, với một số vụ việc về linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, lại càng thấy mối quan tâm ấy đậm nét hơn.
Bức tâm thư của Đức Hồng y Tổng trưởng kêu mời linh mục sống thái độ tỉnh thức. Tỉnh thức là sứ điệp căn bản của Mùa Vọng và trong Chúa nhật I Mùa Vọng, linh mục nào cũng giảng về tỉnh thức. Nguy cơ là giảng cho người khác nhưng không nhắc nhở chính mình. Một tác giả linh đạo ở thế kỷ 17 nói với các linh mục: khi giảng xong, hãy ngồi lại ở hàng ghế giáo dân, nghe lại bài giảng của mình và tự hỏi mình đã sống ra sao. Còn tông huấn Lời Chúa nhấn mạnh: “Các vị giảng thuyết cần phải quen biết và chuyên cần tiếp xúc với bản văn thánh, các ngài phải chuẩn bị bài giảng bằng suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và say mê… Vị giảng thuyết phải là người đầu tiên được thúc bách bởi Lời Thiên Chúa mà ngài loan báo, bởi vì như thánh Augustinô đã nói: “Người giảng dạy Lời Thiên Chúa ở bên ngoài mà không nghe Lời ấy ở bên trong thì không thể mang lại hoa trái” (số 59). Những lời nhắc nhở ấy vẫn còn mới mẻ và cần thiết cho các linh mục ngày nay.
Để sống tỉnh thức, Đức Hồng y Tổng trưởng nêu cao mẫu gương của Đức Maria. Chiêm ngắm Đức Maria để thấy tỉnh thức gắn liền với cầu nguyện.
Trong tỉnh thức cầu nguyện, Đức Maria nhớ lại, làm sống lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ. Cũng thế, linh mục sống tỉnh thức để làm mới lại hành trình ơn gọi, nhất là hồng ân thánh chức linh mục Chúa đã ban cho mình: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (2 Tim 1,6-7).
Trong tỉnh thức cầu nguyện, Đức Maria thường xuyên mở rộng tâm hồn để đón nhận và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, trong những bổn phận bình thường của đời sống cũng như trong những biến cố bất ngờ nhất. Cũng thế, linh mục sống thái độ tỉnh thức khi chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, những bổn phận thánh thiêng nhưng vì được lặp đi lặp lại hằng ngày nên có nguy cơ trở thành nhàm chán và quen thuộc đến độ mất đi cảm thức thiêng thánh cần thiết. Nhờ tỉnh thức cầu nguyện, linh mục còn biết mở lòng ra đón nhận Thánh Ý Chúa qua những sự kiện và biến cố bất ngờ của đời sống, từ những đau yếu thể xác đến những thất bại mục vụ và cả những thách đố đến từ xã hội. Nhờ đó, linh mục có thể phản ứng trước mọi biến cố với tinh thần đức tin chứ không theo những tính toán tự nhiên của người đời.
Như Đức Maria suốt đời đã sống trung tín với lời thưa VÂNG trong ngày Truyền Tin, linh mục cũng sống trung tín với lời thưa VÂNG trong ngày chịu chức.
Như Đức Maria vội vã lên đường đi thăm bà Elisabet, làm cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ, linh mục cũng hăng hái trong sứ vụ đem sự hiện diện và ơn giải thoát của Chúa Kitô đến cho mọi người, trong niềm vui phục vụ.
Như Đức Maria ở cánh đồng Bêlem đã quấn tã cho hài nhi Giêsu với tất cả tình thương trìu mến của một người mẹ, linh mục cũng dành tình yêu thiết tha và trọn vẹn cho Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng mà linh mục chạm đến hằng ngày trong Thánh Lễ và gặp gỡ trong những giờ cầu nguyện.
Như Đức Maria hằng ghi nhớ những kỳ công của Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng, linh mục cũng nhớ lại tiếng gọi của Chúa và sự đáp trả của mình, để thực sự lấy Chúa làm gia nghiệp, ‘điều duy nhất cần thiết’ trong đời, và mọi sự phải quy hướng về đó.
Như thế, Mùa Vọng sẽ là thời kỳ của ân sủng vì giúp linh mục làm mới lại hành trình ơn gọi của mình. Khi bản thân linh mục được đổi mới thì thừa tác vụ của linh mục cũng được thực thi với năng lực mới và nhiệt huyết mới; nhờ đó cộng đoàn được đổi mới.
Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm