-
Moderator
C - Công Nghị Hồng Y sắp tới sẽ có tân Hồng Y Việt Nam không?
Công Nghị Hồng Y sắp tới sẽ có tân Hồng Y Việt Nam không?
Công nghị sắp tới, sẽ có tân Hồng y Việt Nam?
Như trong bài trước chúng tôi đã có dịp trình bày, hiện có đến 30 Tòa Hồng Y đang trống do các vị Hồng Y khắp thế giới qua đời trong những năm gần đây, mà chưa có một Công Nghị mới để bổ sung các tân chức kể từ năm 2007, Công Nghị tấn phong Hồng Y sau cùng cho tới giờ, đã 3 năm.
Từ trước đến nay, Hà Nội đã có truyền thống là Tòa Hồng Y, và vị nào ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám Mục thủ đô thì nghiễm nhiên sẽ có tương lai được phong làm Hồng Y, chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn. Sẽ cực kỳ khó, nếu không muốn nói là gần như không thể, để thay đổi một Tòa vốn truyền thống có Hồng Y trở lại thành một tòa bình thường. Điển hình như Giáo phận Mainz (nước Đức), nơi đây từ nhiều năm đã là Tòa Hồng Y dù Mainz chỉ là một giáo phận trực thuộc TGP Freiburg im Breisgau.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến việc Hà Nội với vị thế là Thủ đô một nước có cộng đồng Công giáo lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Philippines, nên xứng đáng có một Tòa Hồng Y.
Khác với Hà Nội, Sài Gòn chỉ mới có Hồng Y từ năm 2003 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng hàng giáo sĩ, giáo dân và tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước cũng tập trung ở khu vực phía Nam mà thủ phủ là Sài Gòn, và đặc biệt là hoàn cảnh rất phức tạp vào thời điểm 2003 đang khi đương kiêm ĐHY Phạm Đình Tụng đã đến tuổi hồi hưu và sức khoẻ lại không được khả quan, thêm vào đó sự phát triển và tăng tiến về mọi mặt -- khi so sánh giữa hai miền Bắc và Nam -- vẫn còn có những mức không đồng đều, ngay cả về con số linh mục, tu sĩ và giáo dân thì trong Nam vẫn đông hơn miền Bắc nhiều, đấy là chưa nói tới sự khác biệt về cách thế nhập thế và hội nhập ảnh hưởng từ các trào lưu, văn hóa, tài liệu... do sự tiếp cận gần gũi hơn với thế giới bên ngoài mang lại. Thế nên việc có thêm một vị hồng y ở tại Miền Nam trong thời điểm đó là một giải pháp tuyệt vời như một món quà tặng vô giá từ Vatican hầu tiếp tục tiến trình hiệp thông, trao đổi và hiện đại hóa trong chính lòng Giáo hội tại Việt Nam.
Còn Huế thì có lẽ chưa đủ tầm “chiến lược” để được vinh dự có một vị Giáo chủ áo đỏ đàng khác nếu có một Tòa hồng y nữa thì cho Việt Nam thì không biết sẽ phải nói sao với các quốc gia lân cận hay các quốc gia có dân số Công giáo ngang hàng với Việt Nam mà từ trước tới nay cũng chỉ có một Tòa hồng y.
Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, thế nên giả như khi mà Việt Nam có ngoại giao với Vatican thì Tòa Thánh sẽ đặt Tòa Sứ Thần ở nơi này. Nên Tòa Tổng giám mục Hà Nội dĩ nhiên luôn là ưu tiên cao nhất nếu Đức Giáo Hoàng tính đến chuyện bổ nhiệm một Hồng Y cho Việt Nam thay cho Đức cố Hồng Y Phạm Đình Tụng.
Có nhiều dư luận thắc mắc tại sao Đức cha Ngô Quang Kiệt đã về làm Tổng Giám Mục Hà Nội từ năm 2005, và trước đó nữa làm Giám quản thủ đô từ 2003, thậm chí khi đó chưa có những căng thẳng với chính quyền và Đức Giáo Hoàng đã triệu tập 3 Công Nghị trong suốt thời gian này để bổ nhiệm các tân Hồng Y như Công Nghị tháng 10-2003, Công Nghị tháng 03-2006 và Công Nghị gần đây nhất vào tháng 11-2007, nhưng Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn chưa được chọn để lãnh mũ đỏ?
Cần một lý giải
Thắc mắc trên có thể phần nào giải tỏa khi người ta nhìn vào trường hợp tương tự ở Tổng Giáo Phận Washington D.C., thủ đô Hoa Kỳ, nơi đây đang được coi sóc bởi Đức TGM Donald William Wuerl từ năm 2006, nhưng Công Nghị Hồng Y lần trước cũng bỏ qua việc nâng TGM Wuerl lên tước vị Hoàng Tử Giáo Hội. Phải chăng vì ĐHY Theodore Edgar McCarrick (nguyên TGM Washington) vẫn còn sống? Rồi TGP Los Angeles (Hoa Kỳ) cũng tương tự như vậy nhưng đi lùi hơn một chút về quá khứ, khi Đức TGM Roger Michael Mahony lên cai quản giáo phận này năm 1985 thì vị nguyên TGM Los Angeles lúc ấy là Đức cố Hồng Y Timothy Manning vẫn còn sống, và trải qua 2 Công Nghị năm 1985 và 1988 nhưng Đức cha Mahony vẫn chỉ là Tổng Giám Mục. Mãi cho đến khi Hồng Y Manning qua đời năm 1989 thì Công Nghị năm 1991 mới đưa TGM Mahony lên tước Hồng Y. Tuy vậy, dường như đây vẫn chưa phải là câu trả lời thỏa đáng, vì cùng một lúc, một TGP lớn vẫn có thể có 2 Hồng Y, ví dụ như Philadelphia (Hoa Kỳ) do ĐHY Justin Francis Rigali dẫn dắt và vị nguyên TGM nơi đây vẫn còn sống là ĐHY Anthony Joseph Bevilacqua. Nhưng quả thực, trường hợp một giáo phận có đến 2 Hồng Y như Philadelphia thì cả thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Một lý luận khác đó là Việt Nam khó có thể có 3 Hồng Y trong nước cùng một thời điểm (nếu giả sử như Đức cha Kiệt được vinh thăng Hồng Y khi vừa làm TGM Hà Nội và lúc ấy ĐHY Tụng còn sống). Nhưng, với sự qua đi của ĐHY Phạm Đình Tụng đầu năm 2009, Việt Nam chỉ còn 1 Hồng Y ở Sài Gòn, và từ đó đến nay chưa có Công Nghị tấn phong tân Hồng Y nào, nên trong Công Nghị sắp tới, hoàn toàn có thể lạc quan về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt được vinh thăng, để giữ số Hồng Y ở Việt Nam tại mức độ “ổn định”.
Thế nào là mức độ “ổn định”? Nếu trong nước, xét theo tình hình Việt Nam, cùng lúc có 2 Hồng Y ở hai đầu Bắc - Nam thì như thế là vừa phải, nếu Bắc 2 - Nam 1 hoặc Nam 2 - Bắc 1 thì như vậy là không “cân đối”. Giờ đây Việt Nam chỉ còn 1 Hồng Y duy nhất (chưa tính đến thế ưu tiên Hà Nội truyền thống là Tòa Hồng Y), nên có thể xem việc này là sự “mất cân đối”, mở đường cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt trở thành Hoàng Tử Giáo Hội với cơ hội cao hơn bao giờ hết.
Một số nước ở Châu Á khác vẫn “ghen tị” vì Việt Nam có số người Công giáo không cao hơn nước họ, nhưng trong quá khứ đã có những lúc Việt Nam nhiều Hồng Y hơn họ xét theo tỷ lệ giáo dân.
Theo Niên Giám Tòa Thánh số liệu mới nhất, tại Á châu, Philippines có số người Công giáo đứng đầu, vào khoảng 73 triệu, chiếm 80% dân số nước này, nhưng hiện chỉ có 3 Hồng Y, và cả 3 vị này đều quá cao tuổi. Tiếp đó, nước xếp thứ nhì châu Á là Ấn Độ, với khoảng 17 triệu người Công giáo so với hơn 1.1 tỷ toàn dân số, và Ấn Độ có 7 Hồng Y đang còn sống, trong đó 3 vị đã nghỉ hưu. Kế nữa là Indonesia với khoảng 7.2 triệu người Công giáo trên tổng số 240 triệu dân, và chỉ có 1 Hồng Y đang giữ chức TGM Jakarta. Việt Nam xếp thứ tư châu Á với khoảng 6.5 triệu người Công giáo so với hơn 88 triệu dân (chiếm khoảng 7.3%), và chỉ còn 1 Hồng Y giữ chức TGM Sàigòn.
Nếu so với toàn châu Á thì số dân Công giáo của Việt Nam đứng thứ 4 sau Philippines, Ấn Độ, Indonesia; và đứng thứ ba Đông Nam Á sau Philippines, Indonesia. Nhưng nếu gộp chung khoảng 1 triệu người Công giáo Việt Nam tại hải ngoại nữa thì Việt Nam xếp thứ 3 châu Á sau Philippines, Ấn Độ; và đứng thứ nhì khu vực Đông Nam Á chỉ sau Philippines.
Như vậy, yếu tố Hà Nội có truyền thống là Tòa Hồng Y cộng thêm sự mất “cân đối” giữa Hồng Y hai miền Bắc - Nam là một viễn tượng về tân Hồng Y tại Hà Nội đã rất gần.
Thêm vào đó, Hồng Y Đoàn trên thế giới hiện nay tuyệt đại đa số các vị đều đã hơn tuổi 60, chỉ duy nhất có ĐHY Péter Erdõ (sinh: 25-06-1952) của Hungary là 57 tuổi và ĐHY Philippe Xavier Ignace Barbarin (sinh: 17-10-1950) của Lyon (Pháp) năm nay 59 tuổi. Hồng Y Đoàn cần một vài vị trẻ trung dưới tuổi 60, như đợt ĐHY Péter Erdõ được vinh thăng tại Công Nghị 2003 ở tuổi 51 và bây giờ vẫn là Hồng Y trẻ nhất thế giới. Tính về yếu tố tuổi tác, Đức TGM Ngô Quang Kiệt (sinh: 04-09-1952) của Hà Nội, Việt Nam cũng sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho mũ đỏ Hồng Y, vì ngài cùng tuổi với ĐHY trẻ nhất hiện nay. Hơn nữa, các gương mặt nắm giữ những vị trí quan trọng tại Giáo triều, được báo chí “điểm danh” sẽ lãnh mũ Hồng Y vào đợt tới, đều đã trên 60 tuổi. Còn những TGP lớn trên thế giới như New York của TGM Timothy Dolan (60 tuổi), Washington D.C của TGM Donald Wuerl (69 tuổi) cũng như các vị Tổng Giám Mục đang giữ một số Tòa Hồng Y trống cần điền khuyết đều đã trên tuổi 60, ngoại trừ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội. Như vậy, trong hơn 30 ứng viên có thể (hoặc chắc chắn) làm Hồng Y sắp tới, Việt Nam góp được một vị trẻ tuổi nhất.
Viễn tượng Rôma
Hiện tại trong tuần này Đức TGM Ngô Quang Kiệt đang nghỉ dưỡng sức tại Dòng Châu Sơn. Trong những tháng ngày qua hầu như mỗi đêm Ngài chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ, do vậy nó ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ và sinh hoạt của Ngài. Về căn nguyên bệnh lý và cách chữa trị tại Việt Nam hiện tại còn chưa đủ phương tiện nghiệm xét, do vậy có lẽ trong vòng thời gian rất gần, có thể Ngài sẽ qua Roma để nghỉ ngơi và điều trị dứt căn bệnh mất ngủ. Một số vị chức trách thẩm quyền rất quan tâm tới sức khỏe cho Ngài và đó là ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Việc quyết định đi chữa trị bệnh là hoàn toàn do Đức Tổng Hà Nội tự định đoạt và nếu một khi quyết định được đưa ra thì mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam cũng như Tòa Thánh sẽ hết lòng ủng hộ và cầu nguyện cho Ngài.
Trước viễn tượng có thể Đức Tổng Giám Mục Hà Nội sẽ đi Roma chữa bệnh, một số người sẽ thắc mắc liệu rồi đây việc ra đi như vậy có thể là chuyến đi với vé máy bay một chiều hay không? Việc đi chữa bệnh và viễn tượng về chiếc mũ hồng y cho Tòa Giám Mục Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Chính quyền Hà Nội có làm áp lực được gì với Tòa Thánh hay không? Có cần can thiệp và vận động hành lang gì hay không?
Những câu hỏi trên đây sẽ được trả lời trong một bài kỳ tới. Mời đón xem trên VietCatholic: Can thiệp và vận động hành lang (lobby) ?
VietCatholic
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules