Niềm tin Việt Nam: Martha và Maria, Chúa khó tánh!

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.


Lời Chúa là lương thực, Ảnh Nguyễn Trung Tây

Dì Tư than thở, giọng thì thào nho nhỏ tuồng như sợ hàng xóm nghe lén,

— Tui biết tui nói cái này thiệt tình là không phải, nhưng tui thấy nhiều khi Chúa cũng có vẻ khó tánh quá!

Nghe vừa lọt thủng lỗ tai câu nói của vợ, ông Tư dừng ngang lại chung trà ngay miệng, trợn tròn đôi mắt nhìn dì Tư. Nghĩ ngợi sao đó, ông Tư ngập ngừng yên lặng trong vòng một giây, rồi chầm chậm đặt chung trà xuống mặt bàn, cất tiếng hỏi,

— Thì bà nói đi. Tại sao bà lại nói là Chúa khó tánh? Mà Chúa khó tánh là ở chỗ nào?

Dì Tư ngưng nhai miếng trầu thuốc, miệng buông thõng một câu,

— Tui nhớ đâu ở cái đoạn mà Chúa thấy bà Martha càm ràm là sao Chúa không để cho cô Maria vô bếp phụ bả một tay, cho nên Chúa mới rầy bả một câu, “Martha, Martha, con lo lắng nhiều chuyện quá. Maria đã chọn phần tốt nhất” (Luca 10:41-42). Mà phần tốt nhất ở đây là cái phần mà cô Maria là cứ ngồi miết ở dưới chân Chúa để mà lắng nghe lời của Chúa đó (Luke 10:39). Ta nói là tui khoái cái bà Martha hơn. Đàn bà con gái là phải như vậy. Khi thấy khách khứa tới nhà là mình phải te te chạy ra rót nước, hai tay đưa cau mời trầu. Rồi mình là đàn bà ở trong nhà, cho nên phải lẹ làng chạy xuống bếp, giết gà giết vịt nấu cơm bầy lên mâm đồng mời khách. Như vậy mới là đàn bà con gái chứ. Nhưng thiệt tình là tui không hiểu làm sao mà Chúa lại cất tiếng khen ngợi cái cô em oang oang, còn cô chị Martha, thì Chúa đã không khen thì thôi, nhưng lại còn nói mấy câu làm buồn lòng người ta. Ai thì tui không biết, chứ Chúa mà nói với tui như vậy là tui buồn thúi ruột luôn! Mình thì cứ lục đục loay hoay trong bếp chiên xào nấu nướng cho Chúa có miếng ăn ngon, mà Chúa lại không hiểu cho cái tâm thành của lòng mình…

Nói xong một hơi dài, dì Tư dừng lại nhìn ông Tư. Ông Tư nhíu mày nhìn vợ, rồi tự nhiên nhoẻn miệng cười,

— Bà ơi, cái này người ta nói là học không thông, ôm gối bông cũng nặng, cho nên Chúa nói gà mà mình nghe ra vịt là như vậy. Cái ông Luca này ta nói là ổng viết quyển Phúc Âm thứ Ba là có hơi khác với ông Máccô và ông Mátthêu…

Dì Tư nóng nảy, cắt ngang lời chồng,

— Khác là khác như thế nào? Ông muốn nói cái chi thì cứ nói huệch toẹt ra cho rồi. Nhằm ngay cái người chậm lụt rùa bò như tui mà ông cứ cà rề cà rề tuồng như người đang đứng gác chim cu núp núp trong bụi rậm không bằng…

Ông Tư chép miệng,

— Thì bà cũng phải cho tui nói có đầu có đuôi, như vậy bà mới hiểu tuồng hiểu tích. Ta nói một trong những cái điều mà ông Luca muốn trình bày trong quyển Phúc Âm của ổng là Chúa Giêsu chính là Lời Chúa, là Tin Mừng...

Một lần nữa, dì Tư cản lại,

— Ông nói chiện, vậy chớ mấy ông kia bộ họ hổng có nói Chúa Giêsu là Lời Chúa là Tin Mừng hay sao?

— Không! Không! Bà nói đúng lắm. Bốn ông thánh sử viết sách, ông nào cũng nói Chúa Giêsu là Lời Chúa, là Tin Mừng. Nhưng mỗi người có một cách trình bày khác nhau. Đối với ông Máccô, Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai chịu nhiều đau khổ. Đối với ông Mátthêu, Chúa Giêsu là Con Vua Đavít. Đối với ông Gioan, Chúa Giêsu là Lời Chúa xua tan đêm đen bóng tối. Nhưng riêng cái ông Luca này thì đặc biệt nhất. Đối với ổng, Chúa Giêsu là Lời Chúa, mà còn là số một. Tất cả những cái còn lại đều là không quan trọng, chỉ là thứ yếu. Có Lời Chúa là có tất cả.

Dì Tư dừng nhai trầu thuốc, nhíu cặp chân mày,

— Ông nói cái kiểu như vậy ai mà nói chẳng được.

Ông Tư cầm quyển Kinh Thánh đưa cho vợ,

— Bà không tin tui hén. Thì đây nè, nếu bà không tin tui thì bà đọc cái đoạn này đi. Đó đó cái đoạn Máccô 3:31-35, Mátthêu 12:46-50, và cái đoạn Luca 8:19-21 đó. Cả ba cái đoạn này đều kể về chuyện Đức Mẹ với mấy người anh chị em của Chúa Giêsu đi kiếm Chúa đó, bà có còn nhớ hay không? Bây giờ bà đọc ba cái đoạn này đi, rồi bà nói cho tôi nghe, bà thấy ba cái đoạn này giống nhau và khác nhau ở cái chỗ nào?

Dì Tư cầm quyển Kinh Thánh, tay móc cặp kiếng lão trong túi áo đeo vào, tay lật ra đọc từng trang. Sau một vài phút, dì Tư dừng lại, tay gỡ cặp kiếng, miệng nói,

— Tui thấy cả ba đoạn Phúc Âm đều giống y chang như nhau. Chỉ có một cái hơi là lạ là trong khi Chúa ở trong bản Phúc Âm của ông Máccô và của ông Mátthêu thì nói, “[Người] mà làm theo ý Chúa, ý Cha trên trời, thì người đó là mẹ ta và anh chị em ta” (Mc 3:35, Matt 12:50), nhưng riêng Chúa ở trong quyển Phúc Âm của ông Luca thì lại nói khác?

Ông Tư nhắc lại câu hỏi của vợ,

— Bà nói khác là khác ở chỗ nào?

Dì Tư đeo lại cặp kiếng lão, mắt chăm chú dõi nhìn những hàng chữ trong chương thứ 8 của Tin Mừng Luca,

— Lạ kỳ hén, ông Luca thì lại viết, “Mẹ ta và anh chị em ta là những người lắng nghe Lời Chúa” (Luca 8:21).

Ông Tử hỏi vợ,

— Đó, bà đã thấy chưa?

— Ông nói thấy là thấy cái chi?

— Thì cái đoạn Kinh Thánh Luca mà bà vừa mới đọc có giống như đoạn Kinh Thánh nói về chuyện hai chị em bà Martha và Maria hay không?

Dì Tư e dè hỏi lại,

— Ông muốn nói tới cái chuyện là ông Luca ổng muốn nói, “Lời Chúa mới là chuyện quan trọng. Còn lại tất cả đều là chuyện thứ yếu”?

— Bà nói đúng quá rồi chứ còn gì nữa. Cho nên chuyện bà Martha và Maria là câu chuyện phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen cho đặng.

— Ông nói cái chi mà nghĩa đen với nghĩa bóng ở đây, ông nói cao xa quá, làm sao mà tui hiểu cho thấu! Có phải ông muốn nói là chuyện bà Martha nấu nướng với bà Maria nghe Lời Chúa không phải là câu chuyện có thật.

Ông Tư lắc đầu,

— Cái này là bà nói chứ không phải là tui nói đó nghen. Ý của tui là qua câu chuyện hai chị em nhà bà Martha và bà Maria đón Chúa, ông thánh sử Luca muốn đề cao vai trò quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin. Cho nên nếu đọc và phân tích câu chuyện Chúa ghé vào nhà hai chị em bà Martha theo nghĩa đen, bà đã hiểu lầm Chúa Giêsu và luôn cả cái điều mà ông thánh sử Luca muốn nhắn nhủ tới độc giả Kinh Thánh rồi. Bởi hiểu lầm như vậy, chẳng trách chi bà than thở là Chúa khó tánh… Nếu Chúa thiệt tình mà khó tánh, thì vợ chồng nhà mình là mệt cầm canh rồi đó nghen, chứ không phải là chuyện giỡn đâu

Dì Tư ngừng nhai miếng trầu thuốc, giọng hờn mát,

— Ông nói chiện! Thì ai chẳng biết là ông được ba má hồi đó cho đi học nội trú trong trường dòng trên Sài Gòn, cho nên ông mới hiểu biết Lời Chúa một cách tường tận thấu đáo. Tui là phận con nhà nghèo, hồi xưa không được đi học, cho nên tui nói là nói thiệt tình, bây giờ ông cha xứ mà chịu khó mở lớp là tui xách tập vở te te đi học ngay, mà ta nói là tui ngồi ở ngay cái bàn đầu cho ông coi, cho ông hết lên mặt song tàn.

Ông Tư cười,

— Bà đừng có nói như vậy, rồi tới tai ông cha xứ, ổng ấy buồn. Cái này là tai tui nghe ổng ấy nói. Rồi nghe sao thì tui nhắc lại nguyên văn như vậy mà thôi. Tui nhớ đâu cũng có mấy lần ổng than thở là ổng có mời mấy ông cha giáo về xứ mình mở lớp Thần Học Kinh Thánh cho giáo dân vào ngày thứ Bẩy cuối tuần để họ học hỏi về Lời Chúa. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có mấy ai chịu ghi danh đi học. Hoặc ghi danh rồi, thì tới ngày học, lại bỏ chẳng chịu tới lớp, làm ổng quê gần chết với mấy ông cha khách.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin cho chúng con bớt đi những lo toan tính toán trần thế, nhưng hướng tâm hồn về hạnh phúc niềm tin, lòng yêu tha nhân, và nhân đức cậy trông vào Lời Chúa.

www.nguyentrungtay.com
LM Nguyễn Trung Tây, SVD