-
Moderator
M - Một linh đạo tu thân: Con đường nước
MỘT LINH ĐẠO TU THÂN: CON ĐƯỜNG NƯỚC
Trong vạn vật, có lẽ không có gì mềm bằng nước, và cũng không có gì thắng được nước. Chính vì mềm, nên nước không hề bị suy giảm hay thương tổn, và luôn là chính nó trong mọi biến dịch. Mềm như nước thì không còn hình thức gì phải nhất định, luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để tùy thời mà xoay chuyển, tùy nơi mà uốn nắn. Dù nước rất mềm, nhưng lại có khi rất mạnh mẽ để xoay trở thiên nhiên. Từ mặt biển phẳng lặng có thể biến thành cơn sóng dữ; từ dòng sông êm đềm có thể biến thành con nước lũ quét sạch mọi đê điều. Trong cuộc sống con người cũng thế “Phải biết mềm biết cứng, biết lo biết lường, biết lui biết tiến, biết nhược biết cường, vững vàng như núi đá, biến hóa như âm dương...” (Gia Cát Lượng). Đó là thái độ thuần phát, vô vi, là “đứa con đỏ” (xích tử), chưa thành gì để có khả năng thành mọi cái. Đây cũng là khả năng “ứng vạn biến”, không vụ vào gì cả, nên thích nghi được với mọi thời, mọi nơi, với mọi tình huống mà vẫn y nguyên chính mình.
1. Con đường Nước của Lão Tử
Hầu như toàn bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử nhằm nói đến sức mạnh của cái Nhu, của Vô Vi. Trong ý niệm đó, đặc biệt ở chương 8, Nước được coi như hình ảnh đặc thù để chuyển tải một triết lý sống và cũng chính là một nghệ thuật sống lý tưởng. Ông cho thấy đường lối sống Đạo tự nhiên như nước chảy xuôi: ở thì chuộng chỗ thấp, ân tình thì chuộng thâm sâu, xử sự chuộng lòng nhân, nói thì chuộng chân thật, cai trị thì làm cho cuộc sống an bình, làm việc thì hợp với tài năng, hành động thì hợp thời đúng lúc. Đức tính của nước là làm lợi cho tất cả thiên hạ mà không tranh công đoạt lợi, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, chỗ thừa thì chảy ra, trên đời làm mưa, dưới đất thành sông lạch: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”.
Lão Tử nhận ra ưu điểm của nước là tính vô kỷ, vị tha, làm lợi cho tất cả. Nước lại còn có tính cách nén chịu, sự nén chịu của con đường Nhu: “Thọ quốc chi cấu”: nhận lấy cho mình bụi bặm của quốc gia. Đồng thời “Thọ quốc chi tường”: nhận lấy cho mình sự rủi ro của nước nhà. Đó cũng là tận cùng của vị tha, nhưng chính nhờ thế mới thực làm chủ được sơn hà, xã tắc.
Nói đến vị tha và đón nhận là nói đến đặc tính của nước ở mức tổng thể, tính bao la của nó. Đó là nước trường giang chảy miết không ngơi, dù cuốn theo bao nhiêu rác rưởi mà vẫn luôn thanh khiết. Đó là nước của đại dương, dù nuôi ngàn muôn tôm cá mà không bao giờ cạn kiệt. Do đó, đi vào đạo Nước thì Trí không dừng ở đồng dị tiểu tiết; Tâm không thu vào tiểu ngã hạn hẹp; cũng như Chí phải vượt lũy tre xanh. Cần phải rộng mênh mông để hòa nhập vào tất cả, tức “Vật ngã vi nhất”, đó là tính mở vô độ của nước vậy.
Từ đó Lão Tử chủ trương một triết lý sống Vô Vi: dường như không làm gì, nhưng không việc gì lại không làm được: “Vô vi như vô bất vi”. Đó là cách hành động theo qui luật Tự nhiên bình thường nhưng hiệu quả phi thường.
- Vô vi tiêu cực là không hành động theo tính cách bề ngoài gây náo nhiệt và hỗn độn; là không chạy theo hình thức, lễ nghi, tập tục, khuôn khổ do con người bày biện ra.
- Vô vi tích cực là trở về với tính đơn sơ hồn nhiên, sống thành thực với lòng mình theo cách thể hiện của trời đất. Vô vi như thế lại mở ra con đường muôn ngả: vô dục, vô tư, vô tranh, vô danh, vô lợi, vô kỷ, vô công, vô cầu, cũng như mang cả tính cách vô ngã và vô tâm của Phật Giáo.
2. Cách hành động của con đường Nước
Đạo Đức Kinh của Lão Tử nhằm đề xuất một thuật trị nước: “Vô vi như trị”: trị mà như không trị. Kiểu cách vua quan thời phong kiến không còn nữa, nhưng tính cách của nó vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức xã hội và tôn giáo, nơi những kẻ có quyền hành. Sự cai quản cứng rắn chỉ bằng luật lệ, o ép bằng nguyên tắc, chỉ khơi dậy tà tâm, thúc đẩy sự phản kháng và gieo mầm đại loạn.
Khi nói về hình ảnh của Nước, Lão Tử muốn đưa ra một giáo hóa êm ái, thấm dần vào tim, do người trên sống thanh thoát mà ảnh hưởng đến cảm nghĩ và cách cư xử của người dưới. Muốn thế, người trên đừng làm ra vẻ bề trên bằng thị uy, sai khiến, áp đặt, nhưng bằng tinh thần vô kỷ, vô công, vô danh, vô tranh. Sống như thế không phải cố ý để nêu gương, mà là sống chân chính, sống thực với lòng mình. Bất cứ sự cố ý nào đều luôn sinh ra kháng ý. Trong việc xử thế cũng như hướng dẫn và giáo dục người khác, cũng có nhiều người áp dụng con đường mềm. Tiếc thay, họ không mềm thật mà chỉ mềm mỏng, nghĩa là dụng Mềm như một sách lược, chứ không mềm tại tâm. Thiếu sự chân thành với chính mình, ta chỉ đạt được những kết quả bề mặt và nhất thời, rồi đâu lại vào đó, chẳng cải hóa được ai.
Ở chương 76, Lão Tử nói: “Người ta sinh ra thì mềm mại, uyển chuyển như hài nhi, chết thì mới cứng đơ, bất động. Cây cỏ sống chết cũng như vậy. Nên cái cứng là chết, cái mềm là sống”. Vì thế, đưa tới cung cách ứng xử: “Cường đại xử hạ, nhu nhược xử thượng”: cư xử mạnh bạo là hạng dưới, mềm dịu là hạng trên. Thực tế cho ta thấy thái độ khắt khe, cứng cỏi là tiêu biểu những tâm hồn cằn cỗi, thấp kém. Uyển chuyển, khéo léo, dịu dàng mới tiêu biểu những tâm hồn cao thượng. Bởi vậy có câu thơ:
Phàm phu mới cứng, mới cương
Dịu dàng mới thực lối đường người trên.
Bản chất của nước là như thế, không câu nệ vào một hình thức, không cứng nhắc vào một khuôn khổ, nhờ vậy mà có khả năng ứng biến trong mọi tình trạng. Nguyên lý ấy đã từng được đưa vào trong binh lược của Khổng Minh và các tướng lãnh tài giỏi thời xưa, cũng như trong môn võ thuật của nhiều tổ sư, đồng thời làm nên một triết lý sống trong các chuyện kiếm hiệp của nhiều tác giả, đặc biệt là Kim Dung. Chẳng hạn ông đã xây dựng nhân vật Vô Kỵ theo nguyên lý trên trong bộ Ỷ thiên-Đồ long, khi thụ giáo Thái cực kiếm của thầy mình. Vô Kỵ đã nhớ hết những đường kiếm tinh xảo, nhưng rồi sau đó lại quên hết. Nhưng chính lúc quên hết lại là lúc anh ta đã thấu mọi lý lẽ căn cơ, không còn tùy vào những thế kiếm đã học nữa, nhưng tùy cơ ứng biến để đạt tới hiệu quả phi thường. Trong khi trước đó, anh ta chẳng biết chút gì về bộ môn kiếm pháp.
Thì ra đó là kiếm ý, chứ không phải kiếm chiêu. Bộ thế thì có, nhưng chiêu thì tùy cơ mà sáng tạo. Hiểu cái lý rồi thì thiên biến vạn hóa. Theo lý thuyết Đạo học mà Thái cực kiếm dựa vào, thì hết mọi cái đều từ Vô mà sinh, nên trở về với Vô, thì mới ứng biến tự nhiên và phát huy thần diệu.
3. Nhìn lại lề lối luyện đức tu thân
Khi chưa biết mềm mại để luyện đức tu thân theo qui luật tâm lý tự nhiên, mà chỉ nại vào ý chí thôi thì dễ đưa đến sự phản tác dụng. Những phương pháp tu đức xưa nay dễ rơi vào ba cách thái: chạy trốn, đương đầu và kiềm chế.
* Chạy trốn
Vì sợ hình phạt hỏa ngục do tội gây ra – một quan niệm quá pháp lý về tôn giáo – nên người ta dễ quan trọng hóa một hành vi sai trái đơn lẻ hơn là cả một khuynh hướng xấu. Nhất là trên địa hạt dễ vấp ngã như tính dục, thì chiến thuật luôn được dùng là tránh né hay chạy trốn: “Đào vi thượng sách”. Tránh né một lần chứ đâu tránh né được mãi, khéo “tránh vỏ dừa lại gặp vỏ dưa”. Chỉ quen chạy trốn thôi thì làm sao thành nhân đức. Đang khi đó nhân đức được định nghĩa là một tập quán tốt giúp ta có khả năng hành động theo lý trí đúng đắn đã được đức tin soi sáng. Hơn nữa, nhân đức (virtus) còn là dũng khí, là sức mạnh của một tính cách, nói lên một tâm thế vững vàng. Nhân đức mới làm nên con người tốt chứ không phải một vài hành vi tốt. Cũng như yếu tố quyết định là cây, chứ không phải là trái; là tấm lòng chứ không phải là hành động. Thật vậy, “Con người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,45).
Thái độ chạy trốn dù trong tình trạng nào cũng vẫn là không tự nhiên theo con đường Nước, không những không giải quyết được vấn đề mà còn mang vào mình tâm trạng sợ sệt, co cụm, gây nên nỗi ám ảnh, làm bối rối lương tâm và có thể phát sinh tâm bệnh. Dĩ nhiên khi biết mình còn quá yếu thì phải dùng cách thế tạm bợ đó thôi. Nhưng rồi dù mạnh đi nữa cũng chẳng ai dại gì mà đâm đầu vào dịp tội để minh chứng là mình vững vàng, có dũng khí. Đó không phải là dũng khí mà là tà khí. Ở đây chỉ muốn nói rằng, chỉ lo tránh nhiễm độc thôi, thì chưa đạt tới tình trạng miễn nhiễm. Vì thế, cần phải lo tu luyện lại lòng mình, để không còn bị động tâm trước những cám dỗ và lôi cuốn.
* Đương đầu
Người ta thường chạy trốn trước những cám dỗ đức tin hay đức khiết tịnh, nhưng trong các cám dỗ khác thì thường được khuyên là phải trực diện đương đầu. Đó là những phản ứng tức thời, tự động, để loại trừ. Thái độ đương đầu như vậy là muốn dùng cương để thắng cương, dùng sức để vượt sức. Làm thế sẽ không thể không gây ra những thương tổn. Hơn nữa, khi đã quen với cách thế mạnh bạo và tiêu diệt, ta dễ coi thường mạng sống, và không còn bén nhạy trước những tình cảnh đau thương. Chỉ với chiến thuật đương đầu và công phạt, ta dễ làm tâm hồn mình khô cứng, trở nên lạnh lùng với mọi tương giao, và kết quả dần dà sẽ là một cảm giác trống vắng và cô độc.
* Kiềm chế
Với nết xấu ta thường được khuyên là phải biết kiềm chế. Thực ra, kiềm chế hay đương đầu thì cả hai đều là đánh thẳng, chỉ dùng sức mà không dùng thế, khác nào “hữu võng vô mưu”. Kiềm chế mãi sẽ phát sinh tình trạng bị dồn nén và ức chế, gây ra những thái độ và phản ứng thất thường trong mọi tương quan. Hiện tượng này cũng khá phổ thông trong đời sống gia đình và cộng đoàn, khi người ta phải chịu nhiều áp lực mà không có cách nào để đối thoại và trình bày. Để cho mọi việc êm xuôi, người ta đành phải kìm hãm và đè nén bản thân mình. Nhưng rồi dần dần những phản hồi của nó thật bi đát trên đời sống tinh thần, khiến người ta dễ “phát khùng”, tạo nên những bệnh thần kinh (stress) nặng nhẹ tùy theo mức độ. Vì theo qui luật tự nhiên, dồn chỗ này thì phình chỗ nọ, nén chỗ nọ thì bung chỗ kia. “Tức nước vỡ bờ” là chuyện đương nhiên.
Dòng nước khi bị ngăn chặn, với sức đẩy đang đi tới, nó sẽ tự động tìm lan tỏa ra nhiều hướng khác. Trong cuộc sống cũng vậy, thay vì đối đầu với xung động mà nén xuống, thì ta hãy dựa ngay vào sức mạnh của nó để hướng lên, trông lên những gì là thiêng liêng, cao đẹp. Đó chính là con dường mềm, dùng nhu thắng cương, mượn sức địch để thắng địch: dùng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”.
4. Chiến thuật Nước trong đời sống tâm linh
Một cấu trúc phức tạp và tế vi
Nền tảng sức mạnh tâm linh tàng ẩn trong vô thức. Trong vô thức lại là chỗ cư trú của nhiều bóng ma khác nhau: các bản năng, siêu ngã, những nguyên tiêu và cảm xạ. Theo Freud, ở nền tảng của bản năng, có hai sức mạnh chủ yếu: Sinh (eros) và Diệt (thanatos). Tùy theo sự thống trị của một trong hai, mà con người và thế giới sẽ thành ác quỉ hay thiên thần. Bản năng là nguốn gốc thứ nhất của những xung động. Nếu cách xử sự không khéo léo với các xung động có thể làm sinh ra trong vô thức những lực phản hồi (anticathexes), là những hệ thống áp chế mà Freud gọi là Siêu ngã.
Xung động từ trong bung ra, ngoại thế từ ngoài ép vào, và cái Tôi tâm lý đứng giữa để dung hòa hai luồng sức. Nếu cái Tôi yếu không dung hòa được, sẽ khiến va chạm mạnh, có thể sinh ra những thương tổn. Đây là những vùng nhạy cảm, mà chỉ cần một từ ngữ, hay một hình ảnh nào đó cũng đủ gây suy mờ ý thức và làm rung chuyển tâm hệ, đưa đến thái độ tránh né sự thật và hành động vô ý thức. Nếu thương tổn quá mạnh sẽ làm tan vỡ tâm hệ, do đó một mảnh tách rời khỏi toàn khối. Và khi bị phóng thể (projection) như vậy sẽ khiến các ý tưởng thoát ra từ đấy, nghe như một tiếng nói thúc bách trong mình.
Còn mạnh hơn thế nữa là những cảm xạ (affect), là cái rất huyền hoặc từ vô thức vọt ra bất ưng, tạo nên những ảo giác, thành kiến, đố kỵ, gây ra lo sợ, hoảng loạn, mạnh tới nỗi không thể cưỡng để rồi bị dồn nén. Những dồn nén này có thể bung ra thành những giấc chiêm bao kỳ dị, có khả năng tiên báo về những tai họa hoặc giải đáp những vấn đề mang tính kỳ lạ.
Bộ máy tâm lý phức tạp, tế vi và còn dễ tổn thương hơn bộ máy sinh lý, nên ta càng cẩn trọng, không thể hành động bừa bãi. Trái lại biết dùng con đường Mềm là phương cách khéo léo và uyển chuyển để tránh những cú xốc cảm xúc. Cũng như trên phương diện kỹ thuật, người ta chuyển con nước lũ trở thành điện năng thế nào, thì nên lãnh vực tâm lý, ta cũng có khả năng để hoán chuyển và thăng hoa những khuynh hướng hạ đẳng bằng chính sức mạnh của nó.
Hoán chuyển và thăng hoa
Hoán chuyển hay thăng hoa có liên quan mật thiết với nhau. Khi nói đến hoán chuyển là nhằm thay đổi phương hướng hay đối tượng. Còn thăng hoa nhằm đến tâm tình và tính cách. Cả hai quyện lấy nhau để thể hiện một con người thành toàn. Đối tượng càng cao quí thì sự hoán chuyển càng tích cực, tâm tình càng sâu rộng và tính cách càng khéo léo. Chẳng hạn, thay vì đè nén mình trước những hành xử bất công của người khác, sẽ tạo nên thái độ hằn thù đối với họ và gây ức chế cho mình, thì ta muốn chấp nhận tình trạng đó vì chính họ, vì không thể đòi hỏi họ sống hơn những gì họ có thể sống trong hiện tại. Đòi hỏi như thế là vô lý. Đó là sự hòa hoãn chính mình với người khác từ trong nội tâm, tạo nên cái nhìn và phương thức hành động khác đi để không bị dồn ép.
Đối tượng hoán chuyển cao vượt hơn khi ta chấp nhận tình trạng đó vì tình yêu mến Chúa. Đối tượng cao cả này sẽ làm cho lòng ta dịu lại, giúp ta bình tâm sáng suốt để hoán chuyển thái độ và phản ứng nhẹ nhàng và ổn thỏa cho tâm hồn. Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên vẫn là tấm lòng bao dung và sự hiểu biết sâu xa về những trắc trở, để ta có đủ cảm thông từ chính kinh nghiệm của bản thân mình.
Nên biết rằng, cái mà ta chuyển hướng là sức mạnh của một khuynh hướng, một xung năng, nên ta không thể chống trả ngược lại, nhưng nương vào sức của nó để rẽ ra những hướng khác. Như vậy, điều cơ bản là hướng lái ước muốn và tâm tình của mình vào một phạm vi khác để tạo nên một hiệu quả khác. Hướng lái cách nào thì cũng đừng qui về cái Tôi, hay những thỏa mãn riêng mình, vì như vậy là chưa chuyển hướng gì cả, mà càng gây nên xung khắc, hoặc rơi vào cạm bẫy mà xung năng đang đẩy tới. Điều này ta thấy rõ trên phương diện tình dục: càng cố nén càng khốn đốn; càng chống trả càng bị đẩy lùi; càng quay quắt với bản thân càng vấp ngã. Vì thế cần phải dùng đến chiến thuật Mềm của Nước.
Chiến thuật Mềm của Nước
- Trước tiên, đừng vội đối phó, hãy để cho tâm hồn mình bình thản, an nhiên như không có gì xảy ra. Cứ ung dung như Nước trước sự trấn áp. Và vì không có phản chấn nên sẽ không có tổn thương. Điều gì nó tự động đến thì nó sẽ tự động đi, như cơn lốc qua vậy thôi.
- Phương sách khác là để lòng mình hướng lên và hướng ra, để cảm nhận một cái gì khác cao hơn, đẹp hơn. Đó là sự chuyển hóa tình dục sang tình cảm (yêu thương), từ việc muốn chiếm hữu sang việc cho đi (phục vụ). Khi hướng đến người khác bằng một cái nhìn yêu quí chân thật là ta đã chuyển tâm thế để hướng đến đích điểm cao hơn, đưa đến sự vượt thoát trên chính mình để có những hành động thích ứng. Đó là chưa nói đến việc thiêng liêng hóa tình cảm và sự dâng hiến mình cho một lý tưởng thánh thiện. Điều này càng làm cho ta biết vận dụng sức mạnh của xung năng để phát huy phẩm cách của mình.
- Cho dù thất bại và lỡ lầm xảy ra, thì ta cũng có phương cách nhẹ nhàng của thánh Têrêsa Hài đồng, là biết lợi dụng độ thấp của mình để nhìn ra độ cao của Chúa. Dưới thung lũng của thân phận mình, ta gặp được Chúa trong sự tiếc nuối và tin tưởng, để ôm chặt lấy Ngài trong tình yêu mến. Và khi ấy, “thung lũng” đã thành “mảnh đất phì nhiêu” của ân sủng, vì tội đã thành phúc (felix culpa).
5. Con đường Nước trong Phúc Âm
♦ Khôn khéo như rắn và đơn sơ như bồ câu (x. Mt 10,16).
- “Khôn khéo” ở đây nhắm đến chiến thuật, cho ta thấy con đường hành động rất mềm dẻo, uyển chuyển, tiến thoái tùy hoàn cảnh và tình trạng, cũng như “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”.
- “Đơn sơ” nhắm đến thái độ, phát xuất từ tấm lòng trong suốt và ngay thẳng, không còn bóng tối của vị kỷ và lá chắn của cố chấp, để có thể đón nhận tác động của Thánh Linh. Đó cũng là con đường trẻ thơ mà Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3). Hay nói cách khác: “Nước Trời là của những ai giống như trẻ thơ.” (Mt 19,14).
Nước thì bao giờ cũng chảy xuống chỗ thấp. Con đường thấp cũng chính là đại lộ Tin Mừng, biểu hiện bằng tấm lòng bé thơ. Tâm tình đó cho ta được sống thoải mái dưới mọi đường nẻo của Thiên Chúa mà không bị chao đảo hay hỗn loạn trong mọi tình huống trái ngang, vì biết mình chẳng là gì và cũng chẳng đáng gì, để có thể tín thác hoàn toàn vào Chúa. Đó chính là tâm tình trọn đời sống của Đức Maria trong hai tiếng “Xin vâng”. Đó cũng chính là con đường sứ mạng của Chúa Giêsu là hoàn toàn tùy thuộc vào Cha, làm thành sức sống của Ngài: “Thức ăn của Ta là thi hành ý Đấng sai Ta” (Ga 3, 43). Kết thúc sứ mạng của Ngài cũng là lời phó thác mạng sống của mình trong tay Cha (x. Lc 23, 46).
Tinh thần bé thơ là để đón nhận Nước Thiên Chúa, tinh thần đó được sinh ra từ Thần Khí và nước:
- Thần Khí cũng được gọi là Khí (Pneuma, Spiritus), với tính cách linh động như gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi...” (Ga 3, 8). Thánh Phaolô đối lập giữa Thần Khí với khuôn khổ của Lề luật: Luật thì trói buộc, còn Thần Khí thì giải phóng (x. Rm 8, 1-2). Với những hình thức và từ ngữ cũng thế: từ ngữ thì giết chết, còn Thần Khí làm cho sống động (x. 2Cor 3, 6).
- Nước được coi như yếu tố “đại diện” của Thần Khí. Nước không có hình dạng nào cố định, nên vừa khớp mọi khuôn, đồng thời vượt trên mọi khuôn. Không gì ngăn nổi nước, cũng như không gì ràng buộc được nước. Nước thành mọi dạng, nhưng không hề biến dạng, mà vẫn nguyên vẹn là mình. Nước giữ cái cốt yếu là nước, chứ không câu nệ tiểu tiết, nên nước dung hợp được với tất cả. Nước tùy nơi mà hóa sinh, tùy lúc mà ứng biến. Cái “tùy” của Thần Khí là luôn luôn phát xuất từ ý định và đường nẻo của Ba Ngôi Thiên Chúa.
“Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy." (Ga 3, 8): hành động của họ không bị thúc đẩy bởi bất cứ nguyên do nào khác, ngoại trừ vì tình yêu mến Thiên Chúa và tùy vào ý muốn của Ngài. Trong sự tự do chân thật và hướng đến thiện toàn như vậy, con người mới được giải thoát khỏi chính mình, và khỏi những truy cản của những đam mê trần tục. Cũng trong tinh thần như vậy mà thánh Augustinô nhủ bảo: “Ama et fac quod vis. Hãy yêu và làm điều anh muốn”.
♦ Hiền hậu và khiêm nhường trong lòng (Mt 11, 29)
Con đường sống Đạo tự nhiên như Nước của Lão Tử cho ta một hình ảnh về phương thức hành động thật dịu dàng, mềm mại, nhưng lại chứa đựng một tinh thần thâm sâu, vững vàng, và âm thầm chuyển vận một sức sống vô biên trong lòng vạn vật. Điều đó càng làm nổi bật con người Đức Giêsu với lời kêu gọi sống tính cách hiền hậu và khiêm nhường như Ngài (x. Pl 2, 6-8). Để được như vậy, ta phải học cách nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn và chân thành. Nếu không biết hiền hậu và khiêm nhường, chúng ta sẽ bị "cái tôi" làm lu mờ và bị cuốn theo những tham vọng cá nhân. Tính cách hiền hậu và khiêm nhượng chỉ có thể bắt nguồn từ một tấm lòng yêu thương vô giới hạn, để trước tiên có khả năng xóa mình đi, hầu có thể dung nạp mọi sự và đạt tới bậc chân nhân. Lão Tử đã diễn đạt cụ thể việc tự xóa mình như sau:
“Bất tự kiến, cố minh. (Không tự cho mình là biết, nên thông suốt)
Bất tự thị, cố chương. (không tự cho mình là phải, nên rạng ngời)
Bất tự phạt, cố hữu công. (không tự phụ có công, nên được tuyên công).
Bất tự năng, cố trưởng. (không khoe mình, nên đứng hàng đầu).
Quả thật, khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng và tự mãn. Nó cảnh báo trước cho ta biết mọi khả năng có thể xảy ra, giúp ta có thể chuyển từ khả năng thất bại sang cơ hội chiến thắng.
Khiêm nhường là thành quả của lòng tự trọng. Một người khiêm nhường không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Nếu chúng ta muốn một điều gì đó luôn tồn tại trong bản thân mình thì không ai và không điều gì có thể tước đoạt được sức mạnh nội tâm đó. Nhờ nảy sinh từ sự yên ổn nội tâm, khiêm nhường khiến chúng ta trở nên cởi mở, hợp tác và sẵn sàng tiếp nhận, học hỏi những suy nghĩ cũng như ý tưởng mới.
Khiêm nhường là bằng chứng của sự tự chủ, của khả năng chiến thắng "cái tôi" và sự sở hữu - những thứ có thể đẩy một cá nhân vào vòng quay của trò chơi quyền lực, từ đó đánh mất lòng tự trọng và tình cảm trong các mối quan hệ. Đừng bao giờ hành động như thể chúng ta là chủ nhân của bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Quyền sở hữu tạo nên nỗi lo sợ bị mất mát. Những người cho rằng họ đang sở hữu điều gì đó sẽ luôn mang tâm trạng nghi ngờ, cảnh giác. Có một nghịch lý là khi ta không cố chiếm giữ, ta lại nhận được mọi thứ.
Sự khiêm nhường tuyệt đối được thể hiện ở chỗ chúng ta nhận ra và chấp nhận rằng có những quy luật nằm ngoài luật lệ thông thường của con người. Chấp nhận những quy luật siêu phàm không có nghĩa là suy nghĩ của chúng ta bị giới hạn hay bị phủ nhận. Ngược lại, chúng cho phép chúng ta bộc lộ bản thân mình đầy đủ và rõ ràng hơn. Chỉ trong sự hiền hậu và khiêm nhường, ta mới thực sự là chính mình và mới có khả năng đạt tới cùng đích của đời mình. Đức Gioan Phaolô I nói rằng: “Trên thiên đàng không thiếu những người thu thuế và gái điếm, nhưng chắc chắn không có kẻ kiêu ngạo”.
Tuy rằng trong thực tế, người hiền hậu và khiêm nhường luôn phải lãnh nhận những đau khổ, thiệt thòi và bất công, nhưng không thể xác định chân giá trị chỉ dựa trên kiểu cách và cân đấu của trần gian. Nếu chỉ nhìn thực tại con người qua những gì trước mắt, thì rõ ràng quyền lực và sức mạnh áp chế luôn thắng thế. Vì vậy mà Đức Giêsu bị đóng đinh, Stêphanô bị ném đá, và những người nối tiếp các Ngài bị coi là điên rồ. Chỉ khi nào người ta đứng trên quan điểm tinh thần và chân lý, mới thấy được giá trị tuyệt đối của hiền lành và khiêm nhượng. Cũng như thẩm định giá trị thành bại trong nhãn quan con người toàn diện và vĩnh cửu, mới thấy được sức mạnh của nội tâm. Và như vậy, càng khiêm nhường ta càng trở nên tự do và trưởng thành trong ơn thánh Chúa.
♦ Tự do buông theo ân sủng
Thánh Gioan Thánh giá cho biết, con chim dù chỉ buộc bằng sợi chỉ cũng không thể bay bỗng được. Trong đời sống thiêng liêng, sợi chỉ mảnh mai ấy có thể là một tiểu tiết, một thói quen, một nết xấu nhỏ, một nề nếp, một thành kiến hay một kiểu cách cố định nào đó…
Để được tự do thì phải biết từ bỏ, đó là đòi hỏi đầu tiên của Chúa Giêsu đối với những ai muốn theo Ngài (x. Mt 16, 24). Còn dính bén, còn bám níu và luyến tiếc thì phải đành thúc thủ (x. Mt 19, 22) Không chỉ từ bỏ hết những gì mình có, mà còn từ bỏ chính mình. Tận cùng của từ bỏ còn phải là bỏ chính sự từ bỏ, nghĩa là không còn vấn vương chi ngoài điều chính yếu là chính Thiên Chúa.
Từ bỏ để “buông theo ân sủng”, để mình rơi theo đà của Thánh Thần. Buông mình chứ không buông xuôi. Buông mình là thái độ can đảm dứt mình ra khỏi chính mình mà không biết rơi vào đâu, chỉ còn tùy thuộc vào tác động của Thánh Thần để ứng biến và sinh động trong mọi lúc. Nói thế không phải là không có đường hướng và nguyên tắc hành động của chính mình, nhưng rồi phải luôn biết lắng nghe và sẵn sàng rời bỏ để hành động theo sự hướng dẫn và soi sáng của Thánh Linh. Còn buông xuôi là ù lì, là rập khuôn, là theo thói quen, theo thành kiến và dư luận. Dư luận có nội gián là sự lười biếng và hèn nhát của tôi. Thói quen và thành kiến là do qui luật lặp lại (répétition) của vật chất và xác thịt tạo thành.
Từ bỏ để được tự do bao giờ cũng phải đối mặt với kẻ thù sâu ẩn nhất là cái Tôi và mặc cảm của cái Tôi. Mặc cảm cái Tôi là điểm qui chiếu của mọi mặc cảm, để từ đó phát xuất cái gọi là ý riêng (volonté propre). Khi cái Tôi chịu buông mình theo ân sủng thì ý riêng cũng không còn lý do để tồn tại. Khi ý riêng không còn nữa, thì ý Chúa hình thành và lớn lên trong tôi: là cái Tôi của con người Đức Giêsu Kitô trong sự hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Gl 2, 20). Vì tin vào tình yêu, nên tình yêu là chính sức mạnh để tôi dám buông mình. Và vì dám buông mình nên tôi rơi vào vòng tay của Đấng là Tình Yêu.
Nước quả là hình ảnh thật ngoạn mục và kỳ diệu để giúp ta làm nên một linh đạo tu thân. Nhờ đó ta có thể sống một sự sống dồi dào mà Chúa Giêsu đã mang đến (Ga 10, 10), và Ngài đang làm triển nở sự sống đó nơi mỗi người, nhờ Chúa Thánh Thần, để đưa đến thành toàn và sung mãn nơi Chúa Cha.
Lạy Chúa, qua thiên nhiên Chúa cho con người những hình ảnh thật kỳ diệu để phản ảnh sự thần diệu của Chúa. Chúa đã đặt sẵn biết bao điều lạ lùng trong thiên nhiên để hỗ trợ đời sống chúng con về mọi mặt. Đúng là “kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Xin cho con biết tận dụng để phong phú hóa cho sự thành toàn của mình trong Chúa.
Chỉ có lòng yêu mến sự thiện hảo mới không ngừng thôi thúc con biết khám phá ra những nét tinh túy mà Chúa đã làm ra cho con người nơi mọi sự.
Tất cả vạn vật như đang mời gọi con mở lòng mình ra để chiêm ngắm dáng vẻ huyền diệu của Chúa, Đấng đang ngỏ lời với nhân loại, với từng con người qua mọi giây phút sống.
Xin đừng để con chấp mê theo lối sống cũ kỹ của riêng mình, nhưng hãy nhẹ nhàng và thanh thoát như dòng nước để chuyển mình; để gạn đục khơi trong; để rửa sạch những bợn nhơ, để đi tới và lan tỏa; để đón nhận và chuyển thông một sức sống mới cho đời, một cuộc đời luôn đầy tràn tình thương và ân sủng Chúa.
Xin cho con biết hòa mình vào dòng nước trường sinh mà Chúa đã thanh tẩy cuộc đời con, để từ đây con không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì con. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules