NGƯỜI NỮ TU VÀ PHÚ HỘ

Có một nữ tu đi quyên tiền cho cô nhi viện, do đó mà phải đi thăm một người giàu có nhưng bủn xỉn keo kiết.

Hôm ấy gặp ngày cổ phiếu ông phú chơi bị rớt giá, tâm hồn không vui, lại nghĩ rằng nữ tu đến không đúng lúc nên nổi cơn giận dữ, liền huơ tay tát nữ tu một cái tóe lửa.

Nhưng người nữ tu ấy không đánh trả cũng không đáp lời, chỉ đứng nhìn ông ta mà cười. Ông phú hộ càng thêm giận dữ, chửi mắng: “Tại sao không cút đi ?”

Nữ tu trả lời: “Mục đích của tôi đến đây là để quyên tiền cho cô nhi viện, tôi đã nhận được quà của ông tặng cho tôi rồi, nhưng các em cô nhi chưa nhận được quà của ông”.

Phú ông thấy thái độ của nữ tu thì rất cảm động, sau đó hàng tháng đều có gởi tiền giúp đỡ cho cô nhi viện.
(Diệu ngữ của tâm linh)

Suy tư:

Thông thường, đi “ăn xin” giùm cho người khác thì người ta không câu nệ, ai cho thì lấy mà ai không cho thì thôi, không năn nỉ, không than thân trách phận, bởi vì họ nghĩ là mình không xin cho mình nên năn nỉ làm chi cho mất đi sĩ diện của mình, họ chưa thật sự là người có lòng bác ái yêu thương và phục vụ tha nhân, bởi vì họ không muốn cùng chia sẻ sự nhục nhã với người ăn xin.

Khi tươi cười vì bị sĩ nhục thì người nữ tu không còn là người ăn xin cho cô nhi viện nữa, nhưng người nữ tu ấy đã trở thành người ăn xin cho chính mình thực thụ, đồng hóa mình như những cô nhi để ăn xin, bởi vì có rất ít người đi ăn xin cho người khác mà vui lòng chấp nhận bị sĩ nhục đến nhân cách và lòng tự trọng của mình.

Chúa Giê-su đã làm như thế khi chịu chết cách đau đớn nhục nhã trên thánh giá, không phải để tự cứu chuộc mình, nhưng là để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, Ngài đã trở thành kẻ “ăn xin nghèo khó” “con chiên thế tội” vì chúng ta.

Vui lòng chấp nhận chịu sĩ nhục vì người khác là Chúa Giê-su thứ hai vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.