NẾP SỐNG GIA ĐÌNH


Đoạn phúc âm hôm nay là một diễn tả họa hiếm về sinh hoạt gia đình của Thánh Giuse, Thánh Maria và Chúa Giêsu. Qua đoạn phúc âm này chúng ta thấy Gia Đình Thánh có lẽ cũng bình thường như các gia đình người Do Thái thời bấy giờ, và hàng năm hai thánh Giuse và Maria tuân theo các tập tục về ngày lễ để lên đền thờ Giêruselam mừng lễ Vượt Qua.

Cho đến khi Đức Giêsu được 12 tuổi, theo luật Do Thái là đã thành nhân, thì mới được đi theo cha mẹ lên Đền Giêrusalem. Đây là lần đầu tiên, Cậu Giêsu được nhìn thấy đền thánh với mọi sinh hoạt nhộn nhịp trong ngày lễ quan trọng. Chúng ta có thể mường tượng ra cảnh náo nhiệt ở chung quanh đền thờ với hàng trăm căn lều và hàng ngàn người đi lại, mua bán các con vật để tế lễ, và ăn uống. Có lẽ ngoài việc mừng lễ, đây cũng là dịp để bà con thân thuộc gặp gỡ, sống chung với nhau trong một hai ngày để ăn uống, trò chuyện với nhau. Chính vì vậy mà khi trở về, hai thánh Giuse và Maria cứ ngỡ rằng con mình đi về với những người bà con, cho đến sau một ngày đường và khi không thấy con thì hai ông bà mới trở lại Giêrusalem và tìm thấy Cậu Giêsu đang ngồi nói chuyện với các thầy Do Thái.

Phản ứng của Thánh Maria là phản ứng phi thường của một bà mẹ. Dù lo lắng, mệt nhọc, vất vả sau ba ngày đi tìm mà Thánh Maria cũng chỉ trách con rằng, “Con ơi, sao con lại làm như vậy với cha mẹ? Cha con và mẹ vô cùng lo lắng đi tìm con.”

Thánh Maria chỉ nhắc nhở về bổn phận của một người làm con đối với cha mẹ hơn là chửi rủa. Có lẽ là đây một bài học cho người Việt Nam chúng ta về việc đối xử với con cái. Trong văn hóa Việt Nam, “chữ hiếu” được đề cao đến độ có cha mẹ cho rằng con cái là sở hữu của mình – “bảo sao thì phải nghe vậy”, hoặc “con cái tuyệt đối không được cãi lại cha mẹ, dù con cái có đúng đi nữa”. Và hậu quả là chúng ta được nghe cha mẹ chửi rủa, đàn áp con cái hơn là dậy bảo.

Nhiều cha mẹ quên rằng con cái cũng có một phẩm giá giống như mọi người khác, vì tất cả mọi người được dựng nên “theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa”, do đó cha mẹ cần phải tôn trọng.

Thế nào là tôn trọng con cái? Sự tôn trọng trước hết có nghĩa cha mẹ không được lạm dụng con cái; hoặc coi con cái như một công cụ của cha mẹ; hoặc sử dụng con cái như một phương tiện để có lợi cho cha mẹ, tỉ như ở các nước nghèo, cha mẹ bán con cho các tổ chức mãi dâm, hoặc ép con phải đi làm khi còn nhỏ.

Kế đến, mục đích của sự tôn trọng là giúp con cái thấy được phẩm giá của chúng và từ đó giúp chúng có sự tự tin cần thiết để trưởng thành. Nếu để ý, chúng ta thấy một đứa trẻ luôn bị cấm đoán, làm điều gì cũng bị la rầy, đó là những đứa nhút nhát, sợ sệt một cách vô lý. Khi bị cấm đoán, bị kỷ luật quá đáng, một đứa trẻ sẽ không thấy được giá trị của mình. Nó sẽ nghĩ rằng điều nó nói hoặc làm thì không có giá trị nên bị cấm, không được chấp nhận. Dần dà nó sẽ mất tự tin. Một người không có sự tự tin thì khó thành công sau này, dù ở học đường hay ngoài xã hội.

Cần lưu ý là sự tôn trọng không có nghĩa nuông chiều. Một đứa trẻ được nuông chiều thì không thấy được sự sai lầm của hành động. Và rồi nó không phân biệt được những gì đúng và sai. Dần dà, nó không luyện tập được các tính tốt. Sự nuông chiều cũng như sự kỷ luật quá đáng, cả hai đều không giúp các em thấy được giá trị của mình. Một khi không thấy mình có giá trị, các em sẽ dễ có những hành động sai lầm.

Trở lại với phúc âm, sau khi được Thánh Maria đặt câu hỏi về bổn phận, “Tại sao con lại làm như vậy với cha mẹ?” thì Cậu Giêsu cũng dùng bổn phận để trả lời, “Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con hay sao?” Qua câu này chúng ta hiểu rằng bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa thì cao hơn bổn phận đối với cha mẹ. Nói cách khác, một khi mệnh lệnh của cha mẹ trái với phúc âm, trái với sự đạo đức thì con cái không phải tuân theo. Thí dụ, cha mẹ xúi giục con gái phá thai vì sợ mang tiếng cho gia đình. Hoặc dù con cái đã lớn và đã có gia đình riêng nhưng cha mẹ lại xúi bẩy con mình, hoặc chỉ bảo cho con mình những hành động có tính cách ích kỷ, làm hư hại gia đình của con cái.

Lễ Thánh Gia không phải đã có từ thời xa xưa mà việc sùng kính Gia Đình Thánh dần dà trở nên phổ thông từ thế kỷ 17. Cho đến năm 1921, Đức Giáo Hoàng Bênêđích XV mới đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ để chống lại sự rạn nứt trong gia đình.

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong thời đại mà nền tảng gia đình đang bị lung lay dữ dội. Sau đây là một vài số thống kê mà người ta ghi nhận được về sự thay đổi trong gia đình trong thế kỷ 21:
  • Trên 1/3 gia đình ở Hoa Kỳ chỉ có một cha hay một mẹ.
  • Gần một nửa các em sinh ở Hoa Kỳ khi đến 16 tuổi thì đã thấy cha mẹ li dị.
  • Ở Hoa Kỳ, trên 25% các em sinh ra bởi các người mẹ không chồng.
  • 70% các thiếu niên tự tử là từ các gia đình tan vỡ.
  • 80% các em phải sống trong bệnh viện tâm thần cũng từ gia đình tan vỡ.
  • 50% các bà mẹ cô độc sống trong nghèo khổ.
  • Các em càng gần gũi với cha mẹ bao nhiêu, càng ít muốn tự tử, ít hung bạo và ít nghiện ngập.
  • Các chuyên gia ước lượng rằng cha mẹ có ảnh hưởng gấp đôi so với trường học trong sự thành công của các em sau này trong đủ mọi lãnh vực.

Tại sao gia đình ngày nay lại có quá nhiều khó khăn? Có phải những khó khăn đó là vì thiếu thốn vật chất? Hay là vì chủ nghĩa cá nhân đang lấn lướt tinh thần hy sinh, tinh thần đạo đức để rồi xã hội càng văn minh bao nhiêu, gia đình càng đổ vỡ, và con người lại càng đau khổ bấy nhiêu?

Chúng ta đang sống trong một môi trường để thấy được những gì là chân lý, là sự thật mà Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua con người của Đức Giêsu.

Từ việc sinh hạ của Hài Nhi Giêsu nơi hang bò lừa, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta đừng lệ thuộc vào vật chất, vì vật chất không thể thoả mãn những khát vọng sâu xa của con người.

Từ sự lao nhọc vất vả của Thánh Gia trong nghề thợ mộc tầm thường, chúng ta biết yêu quý công việc. Đừng nghĩ rằng an nhàn là hạnh phúc, vì "Nhàn cư vi bất thiện". Chúng ta đã chứng kiến nhiều bà vợ mải mê trong sòng bài vì quá nhàn rỗi và rồi tán gia bại sản. Nhiều người cha thành công trong thương trường, giầu tiền lắm bạc thì lại đi tìm các thú vui thiếu lành mạnh để thoả mãn xác thịt và đưa đến tan vỡ gia đình.

Khi mừng lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta học được bài học gì?

Bài học đầu tiên là cũng như Thánh Gia tuân giữ lề luật của Do Thái Giáo thì chúng ta cũng cố gắng giữ 10 Điều Răn, và lãnh nhận các bí tích. Khi lãnh nhận các bí tích là chúng ta rước Chúa Giêsu vào tâm hồn của chúng ta. Một khi có Chúa trong tâm hồn, Người sẽ giúp chúng ta suy nghĩ đúng và hành động đúng.

Bài học kế tiếp là cũng như Cậu Giêsu “lắng nghe và đặt câu hỏi” với các thầy Do Thái thì chúng ta cũng cố gắng học hỏi đạo lý của mình, qua sách báo hay qua những khóa huấn luyện.

Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi gia đình là “giáo hội tại gia”. Điều đó có nghĩa trong gia đình có phẩm trật, có thứ tự trên dưới, có đời sống đức tin, và có lối đối xử dựa trên tình yêu.

Nếu chúng ta là con cái thì hãy theo lời khuyên của Sách Huấn Ca trong bài đọc 1, “Hãy săn sóc cha mẹ khi các người đến tuổi già; bao lâu các người còn sống, chớ làm các người buồn tủi. Các người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha mẹ sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi” (3:12-14).

Nếu chúng ta là cha mẹ thì hãy sẵn sàng tha thứ cho con cái, hãy giúp con cái thấy được phẩm giá của chúng qua sự tôn trọng và khích lệ con cái, hơn là sự độc đoán, ngăn cấm, để chúng có thể phát triển tất cả khả năng mà Thiên Chúa đã ban.

Nếu chúng ta là vợ chồng thì tình yêu phải được thể hiện bằng hành động, dù rất nhỏ bé, như những công việc tầm thường trong nhà. Và hãy nhớ rằng, tình yêu cần được vun xới bằng lời nói, bằng sự phục vụ hàng ngày, nếu không nó sẽ tàn lụi.

Trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, trước sự đổ vỡ của nhiều gia đình trong xã hội, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria là để ý đến những biến cố xảy ra trong đời sống và suy nghĩ. Sau đó, chúng ta hãy quyết tâm xây dựng một gia đình đầm ấm, lành mạnh để đem lại sự sống cho một xã hội đang băng hoại, và để chuẩn bị một môi trường lành thánh cho con cháu chúng ta.


Pt Giuse Trần Văn Nhật