Tản mạn về môi trường sinh thái và luân lý



“Tôi có suy nghĩ về đời tôi.
Đời tôi là một cuộc người, chưa tận
Đến trần gian trong cung lòng phước hạnh
Nhịp nhân sinh trong dạ mẹ yêu thương”

(Thơ Tuyết Mai Texas)

Khi nói về môi trường sinh thái, người ta liền nghĩ ngay đến một mạng lưới chỉnh thể có tương quan tương tác giữa đất, nước, không khí, con người và các sinh vật. Mối tương quan tương tác ấy mật thiết đến nỗi có thể nói là không thể thiếu nhau. Con người, “một cây sậy biết suy nghĩ”, được xem là một sinh vật toàn hảo nhất trong môi trường. Nếu như con người cần đất, nước và các sinh vật để làm thành một cuộc sống trên trái đất nầy thì đất, nước, không khí và các sinh vật chung quanh cũng cần đến sự chăm sóc, bảo vệ, bồi dưỡng, tái tạo… như một nghĩa cử của lòng biết ơn, nếu không nói đó là sự công bằng. Vậy, thực hiện việc bảo vệ môi trường, có thể nói, là thi hành một bản luật bất thành văn phát xuất từ trong con người biết suy nghĩ, biết phải trái.

Lòng Mẹ, môi trường đầu tiên

Tôi muốn bắt đầu từ môi trường đầu tiên của con người. Khi chưa tiếp cận trực tiếp với đất, nước và không khí, thì môi trường sinh thái và luân lý đầu tiên của đời người là lòng mẹ. Lòng là “lòng dạ” bảo bọc con người từ khi mới bắt đầu là một hữu thể có sự sống. Lòng, cũng là “tấm lòng” hình thành một nhân cách, một nhân vị mới trong xã hội loài người. Giới nữ thật vinh dự. Lòng Mẹ thật diễm phúc, vì được chọn là môi trường đầu tiên của con người, là nơi tác sinh nên con người mà khoa học ngày nay dẫu tiến bộ vẻ vang cách nào cũng không làm ra được cách hoàn toàn. Lòng Mẹ không thể là môi trường đầu tiên tốt đẹp nếu không có tình cha, không có mái ấm, không có tình huynh đệ, nghĩa xóm làng… và các định chế tôn giáo, xã hội bảo đảm cho thiên chức.

Như vậy, cùng với ý thức lòng mẹ là môi trường đầu tiên, chắc chắn việc chuẩn bị cho ra đời một con người phải chu đáo lắm: tình trạng sức khỏe của vợ chồng khi chồng đặt con mình vào dạ vợ; tình yêu nồng thắm trọn vẹn ý nghĩa cao quí là dâng hiến cho nhau để cùng tạo tác nên một con người, một mái ấm. Các tiêu chuẩn về sức khỏe, nhân bản, đạo đức, luân lý của cha mẹ phải ở mức tối thượng.

Ngược lại, thiếu ý thức lòng mẹ là môi trường đầu tiên, dẫn đến bao nhiêu hệ lụy xấu khôn lường: Hôn nhân gia đình như là sự kết hợp tự nhiên muôn loài đều phải có; việc vợ chồng cẩu thả như gà như vịt; việc thỏa mãn dục tình không có ý hướng sinh con cái; việc giết chết các thai nhi vô tội do tình trạng sống thử, ngoại hôn, hưởng thụ; việc sinh ra những con người ọp òi suy dinh dưỡng thể xác, chưa nói đến việc đã sinh ra những con người suy sụp nhân cách hoặc biết cầm dao cầm búa cầm gậy muốn chọc thủng trời ngay khi còn trong lòng mẹ.

Mối bận tâm lớn nhất trong xã hội ngày nay là phần lớn chị em không còn cảm thấy vinh dự, diễm phúc được làm Mẹ, không muốn làm mẹ, và chối từ thiên chức làm mẹ. Cũng có thể do sợ trách nhiệm, sợ tàn úa, sợ chia sẻ, sợ chê cười… nhưng cũng còn do bị ép buộc nữa. Các chị em lại được hưởng ứng đồng tình nồng nhiệt của các anh em và nhất là được xã hội cổ xúy một cách long trọng, có nơi thành quốc sách! Ở các miền quê, mỗi lần chối từ thiên chức làm Mẹ, các chị em được thưởng vài trăm ngàn, ít gạo, đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn và thuốc bổ… Ở thành phố thì sao? Có lẽ các chị em cũng có thưởng, phần thưởng làn da mịn màng trẻ trung, nét đẹp duyên dáng quyến rũ để tiếp tục cuộc vui mà khỏi phải bận tâm lo lắng cho một trách nhiệm với thêm một con người. Ôi! Con người mất thiên chức làm mẹ rồi sao? Môi trường sinh thái đầu tiên không những suy thoái trầm trọng vì những bệnh do thuốc ngừa thai, do những lần nạo phá thai, mà còn bị hủy diệt đến thế sao!

Môi trường sinh thái và luân lý đầu tiên của con người: Lòng Mẹ, phải được bảo vệ trước tiên và khẩn thiết.

Mái ấm gia đình, môi trường cơ bản

Con người, dù giàu hay nghèo, cũng luôn nghĩ tới việc bảo vệ, phát triển môi trường cơ bản của mình là gia đình.

Gia đình là một tổ ấm. Những con người nhỏ bé được sinh ra và được nuôi dưỡng trong gia đình, nhờ tình thương của Cha Mẹ. “Sống cái nhà, già cái mồ”, vì thế gia đình nào cũng cần có nhà cửa như một mái ấm. Nhà cửa tươm tất, xinh đẹp, đầy đủ các phương tiện, tiện nghi, luôn là mơ ước chính đáng của mỗi gia đình. Việc cho ăn và chăm sóc sức khỏe cho con là một bổn phận cao quí vì được cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo. Ý thức bổn phận càng cao thì gánh lo cho con cái càng nhẹ.

Một thực tế rất đáng buồn cười là nhà cao cửa rộng sang trọng, thì chỉ có vài ba con người ở trong ấy, còn nhà cửa thấp bé, ọp ẹp, thiếu thốn mọi bề, thì có cả chục đứa con chen chúc nhau, đứa ngủ trên giường, đứa ngủ dưới đất, đứa ra hè đắp chiếu co ro.

Điều kiện sống của các gia đình Việt Nam nói chung, hiện thời ở mức tạm bợ, từ nhà ở, phương tiện, đến thu nhập. Có một số trên mức trung bình, nhưng còn một số lớn, điều kiện sống quá thấp kém. Họ phải bảo vệ môi trường như thế nào, khi vì phải kế sinh nhai, mà chui rúc tháng ngày trong những khu nhà ổ chuột bên đầm sình hôi thối? Những con đường làng bụi mù trời bay theo cơn lốc cuốn mà nhà có cửa lủng, có vách rách cũng bằng không. Tôi may mắn được ở nhà quê nghèo, hằng ngày tiếp cận với bao anh em nghèo, nên đã được chứng kiến bao gia đình có điều kiện quá tồi tệ. Có người đi chợ phải mua của rẻ của ôi. Tiền ít mà rau nhiều, cá ương, thịt thừa nhiều, là tốt rồi… Nấu mặn, ăn mặn là thường xuyên,miễn sao cho cả nhà đông con qua bữa… Có phải họ không biết gì về ô nhiễm môi sinh, nước sạch rau sạch, cá tươi, thịt kiểm dịch. Họ không thoát ra khỏi cái điều kiện kém cỏi của việc thu nhập đồng tiền ít ỏi. Họ phải bảo vệ môi trường như thế nào? Hay là họ đang gánh chịu sự thua thiệt của một đất nước, gánh chịu sự bất công của những người ngồi trước ăn trên? Đến các bệnh viện lớn, thấy toàn là người nghèo mang bệnh của nhà giàu! Tại sao vậy? Những người giàu thường cho rằng vì họ đông con, nhưng tôi thì nghĩ khác, vì xã hội đang tạo ra một môi trường bất công, phân cấp, vì con người quá ích kỷ không để ý đến nhau.

Gia đình còn là một môi trường luân lý quan trọng. Những bài học luân lý đầu tiên bắt đầu từ gia đình. Cha Mẹ không chỉ là thầy dạy đầu tiên mà còn là tấm gương sống động cho con cái về một đời sống nhân bản, đạo đức. Những đức tính tự nhiên và nhân đức siêu nhiên của một người, là tấm gương phản chiếu đời sống nhân đức của cha mẹ. Những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam về chữ hiếu, về luân thường, về thuần phong mỹ tục vẫn được bảo lưu và phát huy trong các gia đình, không kể là giàu hay nghèo. Có những gia đình rất nghèo về tiền bạc, nhưng không nghèo về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng. Có những cha mẹ rất giản dị, không se sua đua đòi, quần quật suốt ngày với công việc lao động trên nương trên đồng. Họ làm gương cho con cái về sự trân quí giá trị của lao động, giá trị của thời gian, và nhất là giá trị của tình yêu thương và bổn phận. Ở chỗ tôi có gia đình anh S. chị P. vừa kỷ niệm 30 năm hôn nhân với 8 đứa con, 5 con tốt nghiệp Đại học, 1 đang đại học, 2 trung học, trong đó một trai đang học ở Đại Chủng Viện Xuân Lộc, và một gái nữ tu dòng MTG NT chuẩn bị khấn lần đầu. 28 năm vợ chồng với những cố gắng và hy sinh trong một căn nhà lá lụp xụp rách nát, để đầu tư tất cả cho con cái. Mãi đến năm kia, mới xây lại được căn nhà tàm tạm coi được. “Mất 42 triệu đó anh à”. Tôi nghĩ, với số tiền 42 triệu, chưa bằng một cái “buồng tắm” của người ta, nhưng lại là nỗi vui vô cùng của một gia đình đạo đức. Nhìn quả biết cây. Hoa trái tốt tươi là phần thưởng quí giá cho cha mẹ đã suốt đời ý thức cao về việc nuôi dạy con cái bằng chính gương sáng đời sống luân lý của mình.

Bên cạnh một số gia đình vẫn giữ được truyền thống dùng mái ấm gia đình làm môi trường luân lý tốt đẹp cho con cái, thì cũng không thiếu những môi trường gia đình suy thoái đến hồi báo động. Cha mẹ không đủ gương sáng cho con cái về đời sống nhân bản đạo đức, mà còn ngược lại, trở nên tấm gương mù cho con. Không thể đổ thừa cho nhịp sống xã hội với những trào lưu giải phóng trong nhà ngoài cửa, cũng không thể qui tội cho sự suy sụp về kinh tế hay nạn thất nghiệp, mà cha mẹ phải lãng phí thời gian vào những chuyện vô bổ. Có những người vô công rỗi nghề, sáng nào cũng phải tóc tai đàng hoàng, ăn bận tử tế, môi son má phấn ra quán cà phê lê la từ 7g đến hết buổi. Thành thói quen, không ngày nào nhịn được. Thực hư rồi ra mới biết: không phải ghiền cà phê nhưng quán cà phê là nơi hò hẹn có văn hóa, để lên chương trình cho những trận mây mưa không phân biệt tuổi tác! Có nhà có cửa, có con cái, nhưng nhà cửa là quán trọ, con cái là cái nợ đời! Ở ngoài đường thì thùy mị đoan trang dễ thương vô cùng, về đến nhà thì luôn gây gỗ với vợ chồng con cái! Có thể mấy ngày không nhớ gì đến con cái, nhưng không thể rời cái điện thoại di động mấy phút! Cỏ mọc tới hè, rác tấp tới cửa cũng không lấy làm điều nhưng chuyện làng trên xóm dưới không chuyện gì mà không biết! Mái ấm gia đình trở thành địa ngục ở trần gian, có lúc lạnh như băng, có lúc phát hỏa thiêu rụi tan tành cả tình cả nghĩa, cả bổn phận, cả luân thường đạo lý… thì làm sao là môi trường tốt cho con cái được. Mới chuyện lãng phí thời gian đã sinh ra bao điều tệ hại, huống chi còn bao nhiêu cái khuyết điểm của người lớn.

Những trẻ bụi đời, những cô gái chân không dài cũng đang bán cái ngàn vàng đổi vài chục ngàn tiền lẻ, những trẻ phạm pháp, những trẻ vô gia cư… không hẳn đều là con cái của những người nghèo, nhưng đa số là con cái của những mái ấm gia đình tan nát. Sáng mùng ba tết, tôi và mấy anh em gặp nhau ở quán cà phê “Gió Núi”. Tôi hỏi một cháu gái bưng cà phê: “nhà con ở đây”, “dạ không, nhà con ở xa”, “con không về ăn tết với ba mẹ à”, “đừng nhắc tới ổng bả”.

Đã đến lúc mà những người làm Cha Mẹ phải khẩn trương tái lập một môi trường sống ở gia đình thật tốt về điều kiện nhà cửa, về vệ sinh, về chăm sóc sức khỏe, và cả về đời sống đạo đức luân lý cơ bản trong gia đình. Có thể nói, đó là một chương trình bảo vệ môi trường thiết thực nhất, không thể bỏ qua.


Chút tản mạn môi trường

Ngoài thiên nhiên, tầng ozôn bị suy thoái, làm giảm khả năng miễn dịch của con người, làm tăng thêm các bệnh tật. Trái đất đang mất hệ thống phòng thủ sự xâm lăng của tia cực tím.

Trong gia đình, luân thường đạo lý bị xem nhẹ, bỏ qua; kỷ cương không giá trị bằng quyền uy của tiền bạc; uy tín của cha mẹ sút giảm. Gia đình đang mất cảnh giác trước những làn sóng vô luân.

Nhiệt độ trái đất đang tăng lên do mất rừng xanh, do nhiễm khí độc. Hiệu ứng nhà kính này làm mất mùa, ô nhiễm nguồn nước…gây bao tai họa đến cái ở cái ăn cái uống của con người.

Nhịp xáo trộn trong các gia đình tăng lên do nhiễm những trào lưu độc hại, những tư tưởng hạ cấp con người xuống đồng đẳng với con vật, để được sống như con vật.

Khói, bụi làm không khí không còn sạch. Nguồn nước khó tìm lại sự tinh khiết thuở xưa.

Những vết nám nghi ngờ trong bộ phổi các gia đình ngày càng lộ rõ, bắt đầu từ những dối trá nhỏ đến dối trá lớn hơn, rồi trở thành con satan thường trú.

Mặt trời không xích lại gần trái đất vài ba gang, cũng không xa ra vài ba tấc, để loài người phải chết cháy hoặc chết rét. Thiên nhiên không làm điều ác đức cho con người. Con người đang vắt kiệt bao nhiêu ơn lộc của trời đất, mà không đền đáp, không giữ luật công bằng. Hậu duệ đang rơi vào một lối bế tắc trong môi trường sinh thái và luân lý.

Người ta đang đổ thừa trách nhiệm cho nhau trước những suy thoái của môi trường sinh thái và luân lý.

Có người cho rằng do bất chấp quy luật tự nhiên và đạo lý xã hội. Người khác lại nói do sự kết hợp giữa phát triển và ngu dốt, lạc hậu.

Có người kết luận do con người kiêu ngạo không tin có Thiên Chúa. Không tin có Thiên Chúa thì vũ trụ thiên nhiên như là cái tự nhiên con người được quyền khai thác đến tận xương tận cốt, mà không phải đền đáp gì. Không có Thiên Chúa thì con người là chủ thể cao nhất có quyền thiết lập mọi định chế cho mình, cho cuộc sống mình. “Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Lương tâm không còn là tiếng nói siêu nhiên, nhưng là một sản phẩm bộ não con người có thể định được tròn hay méo, miễn sao có lợi cho mình. Còn tệ hại hơn nữa, có nơi, không phải môi trường bị suy thoái, mà là con người cố tình tạo ra một môi trường mới - môi trường của con người, môi trường không Thiên Chúa. Môi trường không Thiên Chúa sẽ giúp cho con người thỏa mãn cuộc làm người ngay trên trái đất nầy, và trở nên một chước cám dỗ ngọt ngào cho những ai tin vào Thiên Chúa.

Người gài bẫy con mồi, luôn mong con mồi trúng bẫy. Môi trường mới không Thiên Chúa, đang là một thách thức lớn đối với con cái của Thiên Chúa. Chắc chắn con cái Chúa phải dứt khoát nói “không” với những chủ trương phá hoại môi trường “lòng Mẹ”, phá hoại môi trường “gia đình”. Chắc chắn phải “tử đạo” từng ngày từng giờ trước những hạnh phúc ảo của một môi trường vô luân đang trở thành đạo luật, thành chủ trương, thành thương hiệu, thành cơn cám dỗ ngọt ngào.

Tôi đang nghĩ đến vũ trụ, đến đất nước, đến Giáo Hội, đến lòng mẹ, đến cái nhà và mái ấm của tôi, của các bạn. Và tôi muốn mời tất cả chúng ta cùng hát bài ca nầy:

“Cái nhà là nhà của ta. Công khó ông cha làm ra, các con phải gìn giữ lấy. Muôn năm với nước non nhà”


Tháng 2-2009
Pm. Cao Huy Hoàng