Chúa Nhật 29 Thường niên B Chúa nhật truyền giáo

Chén đắng,chén ngọt

(Is 53, 10-11; Dt 4,14-16; Mc 10, 35-45)

Chuyện hết sức thường tình củn con người ngày hôm nay được thánh Maccô thuật lại cho chúng ta. Chuyện hết sức thường tình đó là khi mình làm một chuyện gì đó thì mình đều mong có một mối lợi. Khi mình đã bỏ mọi sự để theo người nào đó thì tất nhiên có lợi mới theo chứ không ai mà cứ đi theo một cách không không được.

Câu chuyện này cũng được ghi lại một cách khá tương hợp trong Tin Mừng Matthêu (Mt 20,20-28). Tuy nhiên mỗi thánh ký biên soạn theo nhãn quan của mình. Chẳng hạn chúng ta có thể thấy một chi tiết khác biệt rõ nét nơi Matthêu sánh với Maccô, như sau: nơi Maccô chính Giacôbê và Gioan ngõ lời, đang khi đó nơi Matthêu, mẹ của họ đến xin với Chúa Giêsu cho các con. Sự kiện đó liên hệ đến cộng đoàn mà Matthêu muốn ngỏ.

Nếu so sánh với Luca và Gioan, chúng ta cũng có thể nhận thấy chi tiết này: câu 45 của Tin Mừng Maccô được miêu tả như là sứ điệp cho bản trình thuật: Con Người đến để hầu hạ và thí mạng sống. Cũng sứ điệp đó về sự hạ mình của Chúa Giêsu được thánh ký Luca lồng kết trong bối cảnh Tiệc ly (Lc 22,27) và Gioan đặt vào bối cảnh Rửa chân (Ga 13,3-10).

Vài ghi nhận sơ lược đó cũng đủ gợi nhắc lại cho chúng ta phong thái tự do trong việc biên soạn của mỗi thánh ký cũng như nhãn quan thần học riêng biệt nơi từng Tin Mừng.

Trở lại với bản văn Maccô, trình thuật này được chia ra làm 2 phần như sau:

Câu 35-40: Lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan.

Câu 41-45: Bài học phục vụ theo gương Chúa Giêsu.

Khởi từ lời thỉnh cầu của 2 môn đệ, Chúa Giêsu ngỏ lời cho các môn đệ, và qua đó cho tất cả những ai chọn theo Người ở mọi thời, về nguy cơ của họ không thấu hiểu con đường phải bước theo Người. Đó là con đường ngang qua khổ đau cái chết rồi mới tới vinh quang. Họ phải noi gương Thầy họ biết khiêm tốn phục vụ cho ơn cứu rỗi của nhiều người đến mức độ dám hy sinh mạng sống. Đó mới thực sự là căn cước của những ai chọn theo Người.

Giacôbê và Gioan thưa Người: xin cho chúng con được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả trong vinh quang của Thầy (c. 35-37).

Cách miêu tả như thế gợi nhắc ước mơ Thiên sai trần tục của người Do Thái. Họ chờ mong sự xuất hiện của Đấng Thiên sai để dẹp tan địch thù Roma và khai mở Nước vinh quang. Như thế lời thỉnh cầu của 2 môn đệ không phải chỉ liên hệ tới những chỗ ngồi danh dự nào đó, song nhằm đến sự chia sẻ quyền hành với vị vua cai trị.

Như thế, lời thỉnh cầu trên vén mở cho thấy ngay cả các môn đệ thân tín như Giacôbê và Gioan cũng không hiểu được khuôn mặt Thiên sai đích thực của Chúa Giêsu. Các môn đệ vẫn luôn có cám dỗ chờ mong sự thể hiện của một nước Thiên sai thuần trần tục và đậm nét chính trị "các ngươi không biết các ngươi xin gì" (c. 38a).

Trong nhãn quan thần học của các thánh ký nói chung và của Maccô nói riêng, vinh quang Thiên sai chỉ có được ngang qua khổ đau và cái chết của Đức Kitô.

Lồng kết vào bối cảnh Maccô, lời thỉnh cầu này trở nên cơ hội để Chúa Giêsu thanh luyện cái nhìn của các môn đệ Người ngõ hầu họ có thể dấn thân bước theo Người.

Chúa Giêsu nói với họ:. ..các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không? Họ nói với Người: thưa được. Chúa Giêsu bảo họ: chén Ta uống, các ngươi sẽ uống, thanh tẩy Ta chịu, các ngươi sẽ chịu, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Ta, Ta không có quyền ban, nhưng là dành cho ai điều ấy đã được dọn ra (c. 38-40)

Chén: Trong Cựu ước hình ảnh này thường là biểu trưng của cơn thịnh nộ và án phạt mà Thiên Chúa giáng xuống trên dân bất tuân: "phải có chén nơi tay Giavê, Ngài rót ra cho chúng nốc đến cặn, chúng uống hết thảy những kẻ dữ trên trần (Tv 75,9; Is 51,17); chính là chén của khiếp kinh thất đảm (Ed 22,33): gợi nhắc 1 cách nào đó đến những khốn khổ mà con người phải chịu. Lồng kết vào truyền thống khổ nạn của Chúa Giêsu, hình ảnh này gợi nhắc khổ đau trong cuộc tử nạn (Mc 14,36) mà theo quan niệm truyền thống thì Đấng Thiên sai được miêu tả như người tôi tớ kề vai gánh vác khổ đau thay cho dân tội lỗi ngõ hầu thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Hình ảnh chén trở nên mộ biểu tượng rõ nét hơn khi được thánh ký sử dụng liên kết với hình ảnh thanh tẩy. Thanh tẩy là biểu tượng của sự khoắc khoải tột cùng của khổ đau: "vực này với vực kia, giữa tiếng thác của Ngài ầm vang, hết thẩy nước đổ sóng tràn ngập lút trên tôi" (Tv 42,8).

Nói một cách dễ hiểu hơn, chén và thanh tẩy được sử dụng nơi Maccô nhằm gợi nhắc cuộc khổ nạn gần kề của Chúa Giêsu: Người sẽ phải bị dìm sâu trong thống khổ. Chính viễn ảnh đen tối đó của cuộc khổ nạn cũng sẽ là phần số được chia sẻ cho các môn đệ: "chén Ta uống các ngươi sẽ uống, thanh tẩy ta chịu, các ngươi sẽ chịu (câu 39a) gợi nhắc lịch sử cụ thể của đời sống 2 môn đệ này. Giacôbê sẽ tử đạo vào năm 44 ở Giêrusalem (x. Cv 12,2). Và theo truyền thống Giáo hội, về sau Gioan cũng chết tử đạo như anh mình. Các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi đi theo con đường khổ nạn của Người ngõ hầu được chia sẻ vinh quang phục sinh "còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Ta, Ta không có quyền ban, nhưng là dành cho ai điều ấy đã được dọn ra" (c. 44)

Con Người vẫn luôn có khuynh hướng tìm thống trị trên kẻ khác, y như cám dỗ tích trữ của cải tiền bạc, khiến họ không thể lựa chọn theo Chúa Giêsu khiêm tốn phục vụ ơn cứu độ cho nhân loại, đến mức của khổ đau và thập giá.

Tâm tư, suy nghĩ của hai môn đệ cũng là suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta. Mấy ai trong cuộc đời này lại thích uống chén đắng ? Chẳng mấy ai trong cuộc đời này lại đi chê chén ngọt.

Khi đối diện với chén ngọt thì ai ai cũng sẵn sàng để uống chén đấy nhưng ngược lại, với chén đắng thì quả là khó. Điều ấy, Chúa Giêsu đã phải trải nghiệm một cách hết sức là giằng co. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã phải kêu xin thảm thiết với Chúa Cha để Chúa Cha cất khỏi Ngài chén đắng mà Cha gửi. Nếu như Chúa Giêsu không đi trọn con đường vâng phục thánh ý của Cha mà đi theo ý của mình thì việc cứu độ coi như là không không vậy. Và như Chúa Giêsu đã thưa với Cha là chính vì “cái giờ ấy” mà Chúa Giêsu mới có mặt.

Là con người, thoạt đầu hai môn đệ bị cái cám dỗ của thể xác, của con người chi phối để giành chỗ nhất chỗ nhì, để né chắng đắng và giành chén ngọt nhưng chúng ta nhìn lại hành trình cuộc đời của các môn đệ nói chung và hai môn đệ “xin xỏ” ngày hôm nay chúng ta đã biết rồi. Dần dần, ngày mỗi ngày theo Chúa, ở với Chúa nên không còn màng đến chuyện ghế nhất ghế nhì nữa nhưng tất cả chỉ dốc tâm vào lo cho công việc rao giảng Nước Trời mà thôi. Điều đáng ghi nhận, điều đáng nói ở đây là cuối đời, hầu như các môn đệ trong đó có hai cái ông “ham hố” này đã chết vì Thầy Chí Thánh của mình

Là môn đệ của Chúa, ngày mỗi ngày, người môn đệ cũng được mời gọi uống chén đắng như Thầy Chí Thánh Giêsu và cũng được mời gọi phải chết y như Thầy của mình vậy.

Hôm nay, ngày khánh nhật truyền giáo thì lời mời gọi ấy càng có tính cách khẩn thiết hơn. Lời mời gọi truyền giáo không dành riêng cho bất cứ một ai hay bất cứ một tổ chức, một cộng đoàn nào. Ai ai cũng được thôi thúc để sống sứ mạng truyền giáo sẵn có trong mình. Sống sứ mạng truyền giáo đó chính là vui vẻ để đón chén đắng mà Chúa Giêsu mời gọi.

Theo Chúa, có quá đáng chăng để mà nói đó là con đường chẳng mấy ai đi, con đường của sự từ bỏ, con đường của đau khổ, con đường của thập giá. Không phải tôi phải đi đến vùng truyền giáo, miền truyền giáo tôi mới có thể sống sứ mạng truyền giáo mà Chúa và Hội Thánh mời gọi. Ở bất cứ nơi đâu tôi cũng có thể sống được sứ mạng truyền giáo ấy nếu như tôi sống cái tinh thần đón nhận tất cả những đau khổ của cuộc đời này trong tin yêu và hạnh phúc và nhất là tôi can đảm đón nhận chén đắng mà Chúa gửi đến trong cuộc đời.

Và, chúng ta cũng nên nhớ cái quy luật muôn thuở đó là chén đắng của Chúa lúc nào cũng đắng cay nhưng sau khi trải qua cái đắng cay ấy ta sẽ được hưởng phúc vinh quang cùng với Chúa Giêsu. Chỉ những ai can đảm bước theo Thầy, vui vẻ uống chén mà Thầy đã uống thì cũng sẽ dự phần vinh phúc của Thầy.

Nguyện xin Chúa Chúa Giêsu, đấng đã can đảm đón nhận chén đắng của Chúa Cha giúp ta can đảm đón nhận những chén đắng mà Chúa trao phó cho cuộc đời mỗi người chúng ta.


Anmai, CSsR