TIN VÀ SỐNG LÒNG TIN !
Cv 4, 32-35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20, 19-31
Tín là sự tin cậy lẫn nhau, la không thất hứa, là phải thực hiện đúng đúng cam kết. Chữ tín trước hết phải giữ chính mình. Người không giữ được Chữ tín với bản thân là kẻ bạc nhược, thiếu bản lĩnh, không bao giờ có nghiệp lớn. Người ấy không dám chịu trách nhiệm với mình thì cũng không hy vọng gì họ dám chịu trách nhiệm với người khác. Cho nên chữ tín thường đi đến với danh dự, mà danh dự là sự bảo đảm cho sự nghiệp nếu đấy quả là sự nghiệp nếu đấy quả là sự nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Vậy nên tuy không được đưa lên đầu trong Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) những người xưa quan niệm thiếu chữ Tín chưa thể là kẻ quân tử ở đời.
Là con người, cần lắm một chữ tín để cho người khác tin cậy vào mình. Thử nghĩ xem, nếu làm người mà không giữ chữ tín thì sẽ thất bại là chừng nào. Người chỉ đường, người làm thầy mà không giữ chữ tín thì chẳng ai dám tin theo nữa. Nếu như Chúa Giêsu chết và Ngài không phục sinh như lời Ngài loan báo thì chắc là chán lắm ! Chẳng còn ai dám tin vào cái ông Giêsu thành Nagiaret xưa nữa.
Trang tin mừng theo Thánh Gioan hôm nay, chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ sau khi chỗi dậy từ cõi chết như Ngài đã nói, đã hứa với các môn đệ, với những người theo Chúa. Chúa đã nói và Chúa đã giữ lời vì Chúa là Chúa mà nếu không đúng giữ đúng lời, không tín thành thì làm sao mà ai có thể tin được.
Ngay cái ngày thứ nhất trong tuần đấy, sau cái ngày chết đấy, Chúa Giêsu đã sống lại và đã hiện ra nhưng đáng tiếc thay là ông Tôma hôm ấy đi đâu vắng và ông không tin. Các bạn đồng môn đã báo cho ông rằng Chúa đã sống lại thật, đã khẳng định điều ấy thật nhưng rồi ông vẫn không tin. Để đáp lại lòng cứng tin của ông, Chúa Giêsu đã hiện ra với chính ông để cho ông tin.
Nghe trang Tin mừng này, một số người trách Tôma : “Cái ông này lạ ! Sao mà Chúa đã hiện ra, sao mà các môn đệ nói mà ông còn không tin mà ông còn lằng nhằng không tin, làm phiền Chúa phải hiện ra lần nữa !”. Và rồi, sau đó Tôma đã tin, các môn đã tin và các môn đệ đã sống trọn
Không chỉ có Tôma, các môn đệ đã hy sinh tính mạng của mình vì Thầy Giêsu. Một ông bị khùng thôi là đủ chết người ta, đàng này các môn đệ đều xác tín, đều tin cả. Nghĩa là các môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói mạnh về lòng tin của Ngài vào Chúa Phục Sinh : Nếu như Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết thì lòng tin của chúng ta ra trống rỗng ! Và nhìn lại một chút về cuộc đời Thánh Phaolô, chắc cũng chẳng cần phải nói nhiều, Thánh Phaolô “không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho đấng đã sinh ra, đã chết và đã sống lại vì chúng ta”.
Thánh Phaolô không chỉ nói suông như chúng ta nghe qúa nhiều lời nói suông. Ngài đã nói và Ngài đã sống lòng tin của Ngài bằng chính hành động của Ngài. Bằng chứng là bất chấp mọi hiểu lầm, mọi chống đối và những lời phỉ báng nhưng Thánh Phaolô đã sống hết mình cho Thiên Chúa, cho Đấng đã sinh ra, đã chết và đã sống lại vì Ngài.
Các môn đệ đã tin Thầy và đã theo Thầy và đã hy sinh mạng mình vì Thầy còn chúng ta, lòng tin của chúng ta thế nào ? Hỏi thì ai ai cũng nói tin hết nhưng mà có bộc lộ, có diễn tả lòng tin ấy ra bên ngoài thánh Gioan vừa nói với chúng ta :
Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người. (1 Ga 5, 1-2)
Các điều răn của Người đó là gì ? Là mến Chúa và yêu người. Với những người không tin Chúa đủ, không yêu Chúa đủ, không yêu anh chị em mình đủ thì sẽ cảm thấy nặng nề nhưng Thánh Gioan lại bảo nếu những người yêu mến Chúa thật thì những điều răn ấy nhẹ nhõm. Thánh Gioan còn xác tín rằng mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Chính Chúa Giêsu đã thắng thế gian, thắng được cái chết và Ngài đã phục sinh để củng cố, để xác tín lòng tin cho chúng ta :
Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta. (1Ga 5, 3-4)
Miệng thì tuyên xưng tin ấy nhưng mà lòng nó làm sao ấy !
Chúng ta nhớ lại, những tín hữu thời Chúa Giêsu cũng phải đương đầu với lòng tin một cách mãnh liệt lắm ! Ngày Chúa lên Giêsusalem, ngày Chúa chết còn có thấy ai đâu nhưng sau đó, nhờ vào lời các tông đồ mà họ đã tin và họ đã biểu lộ lòng tin ấy một cách rõ nét trong cuộc đời họ.
Chúng ta có can đảm sống lòng tin như các tín hữu thời giáo hội tiên khởi hay không ? Các tín hữu tiên khởi đã sống như thế nào sau khi Chúa Giêsu sống lại ? Chúng ta vừa nghe sách Công vụ tông đồ thuật lại cho chúng ta : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu”. (Cv 4, 32-35 )
Chắc có lẽ Chúa cũng như Giáo Hội không bảo chúng ta sống một cách tuyệt hảo như cộng đoàn sơ khai xưa kia. Ngày nay thì làm sao mà có thể sống theo cái kiểu không ai coi bất cứ cái gì là của riêng của mình được nhưng vẫn còn có thể sống để bộc lộ, để diễn tả tinh thần ấy nếu chúng ta muốn. Lối sống diễn tả lối sống của thời các tín hữu sơ khai có thể sống dưới hình thức khác đó là chúng ta sống trong tâm tình sẻ chia, tâm tình tín thác và trong tâm tình chân nhận tất cả là ơn huệ của Chúa chứ không phải của chúng ta.
Nếu có vật chất, chúng ta có thể chia sẻ cho anh chị em đồng loại kém may mắn hơn chúng ta. Nếu làm được việc đó thì tốt. Còn không, chúng ta còn có một cái nguồn khác vô cùng vô tận trong người của ta để chia sẻ đó là lòng mến, đó là lòng bác ái. Lòng mến, lòng bác ái lúc nào cũng có sẵn trong lòng mỗi người nhưng chuyện quan trọng là chúng ta có san sẻ, có sẻ chia với những người bất hạnh, những người kém may mắn hơn chúng ta hay không mà thôi.
Lòng tin ngoài sự san sẻ còn có sự hy sinh bằng cách này hay cách khác trong đời thường. Có thể ta bớt một lời đay nghiến chồng con để gia đình được an vui, có thể ta bớt vài ba chum rượu để gia đình được hiệp nhất, có thể ta bớt vài lời ra tiếng vào để mang lại niềm vui đích thực của Nước Trời trong cộng đoàn dòng tu chúng ta đang sống.
Cần nhất vẫn là chuyện diễn tả một Giáo hội hiệp nhất và yêu thương. Nếu ta tin Chúa đã sống lại thật và Chúa là cùng đích của đời ta thật thì ta sẽ là men, là muối mang lại hiệp nhất, yêu thương cho gia đình, cho cộng đoàn chúng ta đang hiện diện và sống.
Tin là một chuyện, sống lòng tin là chuyện khác nữa.
Con người, vẫn mang trong mình dòng máu chậm tin như Tôma. Thế nhưng, ngày hôm nay, không chỉ Tôma mà biết bao nhiêu người đã dám sống để chân nhận lòng tin nơi Chúa Giêsu Phục Sinh. Lẽ nào chúng ta không tin vào lời chứng của Tôma, không chân nhận vào lời chứng của các môn đệ, lời chứng của các Thánh. Và nếu tin nhận thì chúng ta cứ biểu diễn lòng tin ấy trong cuộc đời. Lòng tin ấy được biểu diễn dưới nhiều hình thức và nhiều cách tuỳ nghi, tuỳ khả năng nhỏ bé của mỗi người chúng ta.
Anmai, CSsR