Người Mẹ và Người Thầy


Ngày 8 tháng 3 hằng năm được dành riêng cho phụ nữ. Ngày đó hoàn toàn được công nhận là ngày của phái đẹp. Chẳng biết 364 ngày còn lại trong năm dùng để tôn vinh phái nào: phái không đẹp hay đẹp vừa và đẹp ít, không xấu hay xấu vừa và xấu ít hoặc cũng có thể là phái xấu hay ít xấu …

Nói đến tính từ đẹp, người ta liên tưởng ngay đến vẻ đẹp thể lý cũng như nét đẹp tâm hồn. Đó là những điều không thể thiếu để cho đời sống nhân loại thêm thi vị. Biết bao thi sĩ, nhạc sĩ hay họa sĩ đã để lại cho nhân gian những tác phẩm bất hủ nhờ nguồn cảm hứng dạt dào về đề tài này. Quả thật, nếu trên đời này vắng bóng nét đẹp, chúng ta khó có thể hình dung nổi cuộc sống sẽ buồn tẻ và thiếu ý nghĩa làm sao.

Ai trong chúng ta sinh ra trên đời này lại không cảm nghiệm được nét đẹp nơi người mẹ của mình qua việc sinh thành dưỡng dục. Người mẹ Việt Nam đã đi vào huyền thoại và được ca dao và thơ ca trong kho tàng văn học ghi lại mang đậm nét trữ tình. Mỗi chúng ta thuở thiếu thời đều gắn liền với quê hương cùng với những kỷ niệm khó phai và những lời nhắn nhủ dịu ngọt qua tiếng mẹ ru à ơi. Ở đó chúng ta có người mẹ hiền chăm chút từng li từng tý. Sự khôn lớn về thể xác cũng như sự trưởng thành về mọi mặt đều mang đậm dấu ấn chăm sóc của người mẹ hiền. Khoa học ngày nay đã chứng minh sự hình thành tính cách của một con người trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện và yếu tố người đó được thừa hưởng ngay trong thời thơ ấu.

Thật chẳng quá lời khi cho rằng một người mẹ hiền sẽ mang lại mối lợi cho xã hội cả một thế hệ. Chính vì thế để giúp cho các nước chậm phát triển thoát khỏi nghèo đói, người ta quan tâm đến sự thăng tiến cho người phụ nữ. Đây là một sự đầu tư mang tính chất dài hạn cho sự phát triển của đất nước và nhân loại. Trong môi trường gia đình, ngôi trường học đầu tiên của mỗi người, mỗi chúng ta được ấp ủ bởi tình mẫu tử để rồi mới biết yêu thương đồng loại, được chập chững trong những bước đi để rồi có bước tiến dài trên con đường sự nghiệp sau này, được bập bẹ với những tiếng nói đầu tiên để rồi cất lên những tiếng nói chia vui sẻ buồn với đồng loại. Không thầy đố mày làm nên. Người mẹ hiền là người thầy tài ba dạy cho chúng ta những bài học đầu tiên để làm người.

Trên phương diện đức tin, gia đình cũng là một Giáo Hội tại gia. Ở đó người mẹ còn dậy cho con trẻ những bài giáo lý đầu tiên của tuổi khai tâm như làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và những lời cầu nguyện tự phát…Gương sáng và lời cầu nguyện liên lỷ của người mẹ tác động rất nhiều đến đường nhân đức của nhiều thánh nhân như thánh nữ Monica và việc sám hối trở lại của con trai là thánh giám mục Augustinô. Còn vô số ơn gọi không kể hết được phát sinh đơm bông kết trái bởi sự chăm sóc của người mẹ.

Nói về người mẹ, chúng ta không thể không nhắc đến Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ của Đức Giêsu và cũng là người Mẹ của nhân loại và của Giáo Hội. Mẹ là người đã nói tiếng xin vâng, để cho công trình thi ân giáng phúc của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Mẹ Đồng Công Cứu chuộc nhân loại cùng với Giêsu trên hành trình khởi từ Nazareth cho đến đỉnh đồi Calvê. Mẹ có mặt cùng với các Tông Đồ trong buổi bình minh của Giáo Hội. Mẹ cũng quan tâm đến nhu cầu của những người đang cần sự giúp đỡ: « Họ hết rượu rồi ». Mẹ được mệnh danh là Đấng đầy ơn phước, bởi vì Mẹ luôn luôn nhận mình là phận thấp hèn, luôn suy gẫm trong lòng và tin tưởng vào Lời Thiên Chúa và để cho Ngài thực hiện trong cuộc đời của Mẹ.

Qua Mẹ để đến Thánh Tâm là nguồn mạch bình an và kho tàng của sự khôn ngoan thông thái. Mỗi chúng ta hãy dâng mình, dâng gia đình, giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội cho Mẹ. Có Mẹ chúng ta sẽ chúng ta không thiếu thốn chi và không con lo sợ chi. Xin Mẹ luôn chúc lành cho các con cái của Mẹ.


Giuse Vũ Tiến Tặng