THƯƠNG KHÂU KHAI



Phạm Tử Hoa là hào chủ nước Tấn rất có quyền thế, người người trong toàn quốc từ trên xuống dưới đều sợ ông ta. Hòa Sinh và Tử Bá là hai người thực khách của nhà họ Phạm, cả hai người kết bạn đi du ngoạn, vì trời tối nên ngụ nhờ trong nhà lão nông phu là Thương Khâu Khai, đêm về, họ nói về chuyện thế lực của Phạm Tử Hoa, nói ông ta có thể làm cho người sống bị chết, người chết được sống. Cái ông thật thà là Thương Khâu Khai nghe được thì tin là thật, quyết định đi đầu quân cho Phạm Tử Hoa, để sống qua ngày tháng.

Thương Khấu Khai đến nhà Phạm Tử Hoa, thực khách của nhà họ Phạm liên kết nhau lại bắt nạt và nói với ông ta: “Chỉ cần ông bò lên trên đài cao rồi nhảy xuống thì thưởng cho một trăm lượng.” Thượng Khâu Khai rất phấn khởi nhảy xuống, nào ngờ thân thể của anh ta giống như chim đập cánh bay lên, đáp nhẹ xuống đất mà không bị thương tích gì cả.

Một hôm, nhà kho của nhà họ Phạm bốc cháy, Tử Hoa nói với Thương Khâu Khai: “Nếu anh có thể đi vào trong lửa lấy chăn mùng vải lụa, thì ta thưởng cho.” Thương Khai Khâu không chút chần chờ vội vả đi vào trong đám lửa đang cháy, lấy chăn mùng vải lụa rất thoải mái, thân thể hoàn toàn không bị cháy bỏng.

Mọi người nhìn thấy, cho rằng ông ta là người có đạo hạnh, nên chen nhau đến xin lỗi ông ta nói rằng trước đây không nên nói dối ông. Lúc này Thương Khâu Khai mới biết trước đây mình bị lừa bịp, thế là lòng tin tưởng hoàn toàn bắt đầu hoài nghi, nhớ lại những hành vi trước đây của mình, càng nghĩ càng sợ hãi, và cũng không làm lại được một vài việc đã làm.

(Liệt tử: Hoàng đế)

Suy tư:

Khi lòng tin đã mất thì khó mà lấy lại, bởi vì tin tưởng chính là đem hết tâm trí tình cảm của mình cho một ai đó, và khi biết mình bị lừa -vì lòng tin của mình đã bị lợi dụng và bị coi thường- thì con người ta sẽ mất tất cả tin tưởng, và hậu quả là sẽ trở thành đối đầu với nhau, cái đối đầu không đáng có.

Con người ta sống là sống với nhau, sống cùng nhau và cho nhau; là một hợp quần xã hội chứ không phải là một ốc đảo, cho nên lòng tin tưởng lẫn nhau phải đặt lên hàng đầu trong cuộc sống. Có rất nhiều công ty bị giải tán là vì thiếu lòng tin của khách hàng, có nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là vì không trọng chữ tín, có nhiều người thất điên bát đảo vì coi thường lời hứa của mình cũng như coi thường lời hứa của người khác...

Chúa Giê-su dạy chúng ta một cách đối xử rất tình và rất lý, Ngài dạy rằng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6, 31). Lời dạy này không những dạy chúng ta về chữ tín, mà còn dạy cũng ta tôn trọng và thực hành chữ tín với mọi người, bởi vì tất cả lề luật và các lời ngôn sứ là như thế (Mt 7, 12b).

Càng làm quan to càng phải giữ chữ tín, càng có học càng tôn trọng chữ tín, bởi vì chữ tín không thể có nơi quan to mà không có đạo đức, và chữ tín cũng không mặn nồng với những kẻ hãnh tiến coi mình là cái rốn của vũ trụ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.