NHÌN NHỮNG NẤM MỒ

Nơi những nấm mồ, ta biết đây là người thân: tiên tổ, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, người thân, xóm làng.

Nơi những nấm mồ, gợi lại cho ta biết bao tình thương, hy sinh và tha thứ của họ.

Nơi những nấm mồ, biết bao tình cảm trìu mến, gắn bó thân thương, biết bao kỷ niệm đẹp cùng với những ấn tượng khó quên.

Nơi những nấm mồ, ta cũng không quên được những đau thương, hiểu lầm, cay đắng đã gây phiền lòng nhau.

Nơi những nấm mồ, ta cũng cảm thấy tiếc nuối, vì nếu còn sống thì tôi sẽ phục vụ nhiều hơn, báo hiếu nhiều hơn, thương yêu và bao dung nhiều hơn.

Nơi những nấm mồ, ta cùng nhau cúi đầu để tạ lỗi trước mặt Chúa, xin lỗi người đã khuất vì đã bỏ mất nhiều cơ hội có thể gần nhau, hiểu nhau, nâng đỡ nhau…

Nhìn những nấm mồ, ta nhớ lời thánh kinh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3,2). Mỗi loài thụ đạo đều có thời hạn của nó. Tất cả từ Thiên Chúa mà ra, thì đến kỳ hạn phải trở về trình diện trước mặt Ngài. Con người cũng không được miễn trừ.

Nhìn những nấm mồ, ta thực sự nhận ra thân phận mỏng manh và ngắn hạn của mình. Con Rùa còn sống lâu hơn, tuổi thọ đến vài trăm năm.

Nhìn những nấm mồ, ta nhận ra sự thật phũ phàng về những chỗ dựa ở trần gian tưởng rằng vững chắc, là an toàn, nhưng thực tế thì không. Tiền bạc vật chất ư, chúng rời xa ta trước tiên. Bằng cấp, kiến thức, chức quyền ư. Chúng cũng chẳng chút lưu luyến gì đến. Sức khoẻ, sắc đẹp cũng vậy, chúng hao mòn và khép dần lại theo tuổi đời. Còn gia đình, dòng họ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp thì sao? Cùng lắm họ đưa ta tới nghĩa địa là xong.

Nhìn những nấm mồ, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng thương tiếc, không nương tay cho bất cứ ai cùng với mọi thứ đa được gop góp, tích luỹ của người ấy. Ngoài tình yêu, ta phải bỏ lại tất cả mọi thứ gắn bó và gom góp suốt đời mình.

Nhìn những nấm mồ, ta nhận ra rằng con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Sống chết đều bởi Thiên Chúa.

Nhìn những nấm mồ, ta dần nhận ra cùng đích đời mình, là đến để sống với, sống cùng, sống trong, sống giữa thế gian, nhưng lại không thuộc về thế gian. Và ngay từ khi chào đời, ta đã được hưởng một bầu trời tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa.

Qua những nấm mồ, ta nhìn thấy được cánh cửa cuộc đời tuy đã khép lại, nhưng cửa của sự sống dài lâu lại được mở ra. Và các thần thánh trên trời vui mừng đón ta vào dự tiệc cưới Con Chiên đã được dọn sẵn cho những ai theo Ngài.

Qua những nấm mồ, ta còn nhận ra là sự chết chỉ có thể khống chế thân xác con người mà thôi, còn linh hồn thì chúng không làm được gì.

Qua những nấm mồ, ta biết những thân xác đã và đang thối rữa đi, nhưng rồi họ lại được sống lại trong ngày Con Chúa ngự đến lần thứ hai.

Qua những nấm mồ, ta nhận ra lời của thánh Phaolô tông đồ thật chí lý: “nếu ta cùng sống với Chúa Giêsu, cùng chịu thương khó và cùng chịu chết với Ngài, thì ta sẽ được sống lại với Ngài” (Tm 2,11; Rm 6,8).

Qua những nấm mồ, ta nhận ra Thiên Chúa của mình thật tuyệt vời. Lịch sử dân thánh chứng mình điều ấy. Không những tạo dựng con người, mà cho ta còn được thay quyền quản lý mọi sự ở trần gian, tiếp nối công trình sáng tạo của Người. Rồi cho ta được làm con có quyền thừa hưởng gia tài của Cha. Gia tài ấy là kho tàng ân sủng, kho tàng ơn cứu độ muôn đời. Tuy con người chỉ là thụ tạo, sớm nở tối tàn: như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. Thế mà Ngài lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Qua những nấm mồ, ta nhận ra Thiên Chúa của mình thật nhẫn nại và bao dung. Tuy đã chết, người chết không còn khả năng lập công chuộc tội, không tự cứu mình được nữa, thì Chúa vẫn cho thêm cơ hội để được giải thoát khỏi chốn cực hình khi dựa vào công phúc của bất cứ ai còn sống.

Xuyên qua ngày lễ này, ta nhìn được cả trời đất đang hiệp thông làm một trong ba Giáo hội: Giáo hội vinh thăng, Giáo hội lữ hành và Giáo hội đau khổ.

Xuyên qua ngày lễ này, ta thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của mỗi người. Không chỉ ca tụng Thiên Chúa thôi, mà còn cộng tác vào công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài.

Xuyên qua ngày lễ này, là dịp để ta kiểm tra bổn phận với cha ông, trách nhiệm với con cháu. Xem mình đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội tốt trong việc lo lắng phục vụ, giúp nhau thăng tiến toàn diện con người hồn xác.

Xuyên qua ngày lễ này, dịp để ta coi mình có yêu mến họ thật không. Nếu thật, ta đã làm được gì. Ít là tháng này, ta có tổ chức đọc kinh, xin dâng lễ, xin khấn và sẽ làm được những việc hy sinh nào cho họ. Hãy nhớ, đời ta nay còn mai mất.

Xuyên qua ngày lễ này, cơ hội để ta phấn đấu cho nhau, vì nhau, tránh đi những nuối tiếc và ân hận khi có người nằm xuống. Rồi lại giá mà, nếu như, thì tôi…làm thế này thế nọ. Muộn rồi.

Xuyên qua ngày lễ này, ta hãy biết mình đang còn nghèo nhân đức, ít công phúc trước mặt Chúa. Vậy thì giờ đây, tất cả mọi người đang sống, hãy chứng minh chương trình và kế hoạch đời mình đi. Ta đã chuẩn bị cho đời sau thế nào. Đã hy sinh được gì, cho ai? Đã tập tành được nhân đức nào?

Hãy nhớ: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Chỉ có đức mến mới mang theo được sau khi chết. Ta có mến yêu và thờ phượng một mình Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật chưa? Ta có yêu thương người thân cận như chính mình ta vậy chưa. Hay ta vẫn còn ngủ mê trong những hiểu lầm về nhau, sai lạc về đức tin, u tối về Thiên Chúa. Vậy ta còn chờ đến bao giờ nữa. Chờ đợi bao giờ cho đến bao giờ!

Thanh Thanh