Tử vi và tử vong : Tâm lí hay số mệnh ?

BS NGUYỄN VĂN TUẤN

( SYDNEY – AUSTRALIA )


Theo Kinh Dịch, vũ trụ khởi đầu là một khối thống nhất gọi là thái cực; thái cực biến hoá sinh ra lưỡng nghi là âm và dương. Âm và dương kết hợp sinh ra năm loại vật chất (còn gọi là ngũ hành): kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), thổ (đất), và hỏa (lửa). Năm vật chất này tạo thành ba lực lượng: thiên (trời), địa (đất), và nhân (người). Vì thế, theo Tử vi, mỗi con người có một số mệnh. Những thành công, thất bại trong đời sống, thậm chí tử vong, của cá nhân đó đã được định đoạt ngay từ lúc mới ra đời. Một phần lớn của số mệnh chịu sự ảnh hưởng bởi năm sinh. Mỗi năm có liên hệ đến một trong năm thứ vật chất. Dựa vào chữ số cuối cùng của năm sinh, người ta có thể xác định được hành: kim có chữ số 0 và 1, thủy 2 và 3, mộc 4 và 5, hỏa 6 và 7, và thổ 8 và 9. Theo đó, người sinh năm 1904 hay 1995 có mạng mộc, hay những người sinh năm 1956 hay 1967 có mạng hỏa.

Mỗi hành có liên quan đến một bộ phận của cơ thể hay triệu chứng. Chẳng hạn như hỏa có liên quan đến tim; thổ có liên quan đến bứu, khối u, hay nốt; mộc với gan, túi mật; kim với phổi, ruột; và thủy với thận, bàng quang. Vì thế, theo Tử vi, người sinh năm thổ có nguy cơ bị bệnh bứu (như ung thư), những người sinh năm hỏa có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn trung bình. Như vậy, theo thuyết Tử vi, những người bị bệnh ung thư sinh vào năm mộc sẽ có tuổi thọ trung bình thấp hơn những người ung thư sinh vào các năm khác. Tương tự, những người bị bệnh tim sinh vào năm hỏa cũng sẽ có nguy cơ chết sớm hơn những người sinh vào những năm khác hỏa.

Đã có nhiều bằng chứng cá nhân cho thấy những tiên đoán của tử vi khá chính xác. Nhưng độ tin cậy của tử vi trên một qui mô lớn hơn, như trong một cộng đồng chẳng hạn, thì thế nào? Để trả lời câu hỏi này, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học California tại San Diego (UCSD) do Tiến sĩ David Phillips chủ trì đã tiến hành một cuộc thử nghiệm để kiểm tra giả thuyết [về mối quan hệ giữa tử vi và tử vong] trên đây (1). Nhóm nghiên cứu đã dày công sưu lục những hồ sơ tử vong từ năm 1969 đến 1990, của 28.169 người Mỹ gốc Trung Quốc (trong bài này sẽ đề cập ngắn là "Người Trung Quốc"), 18 tuổi trở lên. Cứ mỗi hồ sơ người Trung Hoa, họ tìm một cách ngẫu nhiên 20 người Mỹ gốc da trắng, cùng độ tuổi, cùng giới tính và cùng nguyên nhân chết, và cuối cùng họ tìm được 412.632 hồ sơ đáp ứng những tiêu chuẩn này. Họ tập trung nghiên cứu vào hai nguyên nhân chết là bệnh tim và ung thư, vì qua các nghiên cứu tâm lý học trước đây, hai bệnh này chịu nhiều ảnh hưởng tinh thần và tình cảm. Qua vài phân tích thống kê khá phức tạp, họ ghi nhận những dữ kiện, mà tôi có thể tóm gọn như sau:

Người Trung Quốc chết vì bệnh ung thư và sinh vào năm thổ (tạm gọi là "xấu số") có tuổi thọ trung bình là 61,8 năm. Nhưng người Trung Quốc chết vì bệnh ung thư, và không sinh vào năm thổ ((tạm gọi là không xấu số) có tuổi thọ trung bình là 63,0 năm. Tức là, so với đồng hương sinh vào các năm thủy, hỏa, mộc, và kim, người Trung Quốc sinh vào năm thổ chết sớm hơn khoảng 1.2 năm, vì chứng ung thư.

Trong người Mỹ da trắng, người "xấu số" -- bị ung thư và sinh vào năm thổ -- cũng chết sớm hơn người có cùng bệnh nhưng sinh vào các năm khác; tuy nhiên độ khác biệt chỉ 0.13 năm (tức khoảng 1 tháng).

Người Trung Quốc xấu số -- bị bệnh tim và sinh vào năm hỏa -- có tuổi thọ trung bình là 74,6 năm. Tuy nhiên, người Trung Quốc với bệnh tim nhưng không sinh vào năm hỏa có tuổi thọ trung bình là 73,9 năm. Sự khác biệt này không đáng chú ý, vì qua phân tích thống kê, nó nằm trong giới hạn của ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, người Mỹ da trắng với bệnh tim và sinh vào năm hỏa chết sớm hơn đồng hương của họ [với cùng bệnh] nhưng sinh vào các năm khác khoảng 0,5 năm (tức khoảng 6 tháng).

Ngoài ra, người Trung Quốc sinh năm thổ và bị tiểu đường, hay loét tiêu hóa (peptic ulcer); người sinh năm kim và bị suyển, hay viêm phế quản cũng chết sớm hơn (từ 0.4 đến 5 năm) những đồng hương có cùng bệnh nhưng sinh khác năm. Nhưng khuynh hướng yểu này không được ghi nhận trong người Mỹ da trắng.

Qua tỷ lệ dão nghiệm tử thi, các nhà nghiên cứu có thể ước đoán được người Trung Quốc vẫn còn tin theo truyền thống và những người không tin theo truyền thống Tử vi. Các nhà nghiên cứu khám phá rằng những người tin theo truyền thống và có "số mệnh xấu" càng chết sớm hơn những người không còn tin theo truyền thống.

Một vài mô hình có thể đặt ra để giải thích cho những kết quả trên đây. Một là Tử vi chính xác: những người mang số xấu thường chết sớm. Nhưng nếu Tử vi đúng thì tại sao trong người Mỹ da trắng lại không có sự khác biệt nào đáng kể giữa những người "yểu mệnh" và những người không yểu mệnh? Có thể Tử vi chỉ phù hợp cho người Trung Quốc, mà không ứng dụng cho người Mỹ? Nhưng giả thuyết này cũng không giải thích được tại sao người Trung Quốc tin vào truyền thống lại chết sớm hơn người thiếu tin vào truyền thống văn hóa hay Tử vi?

Những người có gia đình có khuynh hướng sống lâu hơn những người độc thân, ly dị, hay ly thân. Cách giải thích thứ hai, do đó, là có thể những người mang số xấu không muốn có gia đình, vì ý nghĩ tiêu cực là họ sẽ chết sớm. Nhưng số liệu trong nghiên cứu không phù hợp với giả thuyết này, vì tỷ lệ có gia đình trong những bệnh nhân xấu số là 67%, so với 66% trong những người không xấu số.

Cách giải thích thứ ba, theo tôi, là đáng để ý hơn cả: yếu tố tâm lý. Nhưng đây lại là yếu tố khó định lượng một cách chính xác. Những người mang "số xấu" có thể đã không có ý định từ bỏ những tập tục, cách sống thiếu lành mạnh, vì nghĩ rằng họ đã được thượng đế đặt cho mình một số phận như thế. Chẳng hạn như những người sinh năm hỏa và bị bệnh tim, hay những người sinh năm thổ và bị bệnh ung thư, có thể không muốn thay đổi thói quen ăn uống hay bỏ hút thuốc. Sự chấp nhận số mệnh một cách tiêu cực như thế có thể giải thích tại sao những người Trung Quốc, nhất là những người còn tin vào truyền thống văn hóa xa xưa, bị bệnh mà theo tử vi có quan hệ đến năm sinh chết sớm hơn người Mỹ da trắng.

Gần đây, một số nghiên cứu trên những bệnh nhân bị ung thư ngực cho thấy bệnh nhân nào "chấp nhận" cái chẩn đoán ung thư ngực như một bản án tử hình (tức là cảm thấy và chấp nhận một tuyệt vọng) thường hay chết sớm hơn những bệnh nhân không có đặc tính tâm lý này. Vì thế, niềm hi vọng vào sự sống, tính đấu tranh quyết liệt với bệnh tật, và sự tự tin của bệnh nhân thường là những động lực đáng kể có thể kéo dài sự sống và tuổi thọ.

Đối với người bị bệnh, điều khổ tâm nhất là nỗi đau đi kèm theo với căn bệnh. Không chỉ đau về thể xác, mà còn đau về tinh thần. Nỗi đau tinh thần này thường xoay quanh những niềm sợ hãi như sợ bị chết, sợ mất diện mạo, sợ mất độc lập, sợ mất quan hệ xã hội và gia đình, lo sợ cho tương lai. Người bị bệnh có khi tự cô lập bằng cách không muốn giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí thân nhân, vì họ không muốn người ngoài có ấn tượng về một thân hình tiều tụy mà họ đang chịu phải. Bệnh nhân cảm thấy mất niềm tin, mất tự tin, mất sự tự trọng. Những bệnh nhân này thường có khả năng đề kháng bệnh tật rất yếu. Ngay cả, dùng thuốc giảm đau, họ cũng có cảm giác như liều lượng không đầy đủ để kiềm chế sự đau đớn! Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng những bệnh nhân như thế thường có tỷ lệ tử vong cao hơn trung bình.

Ngược lại, những bệnh nhân có tự tin cao, có quyết tâm chống trả lại bệnh tật thường là những người có khả năng thích nghi với môi trường [bệnh tật] mới nhanh, và có ý thức cao về sức khỏe. Họ cũng là những bệnh nhân sẵn sàng thay đổi cách sống cho lành mạnh hơn. Do đó, khả năng đề kháng những bệnh mãn tính như viêm khớp xương, tiểu đường, suyển, v.v... của họ cũng rất cao, và có tỷ lệ tử vong thấp hơn những bệnh nhân "tiêu cực" với bệnh tật.

Ngay cả những dịp lễ lạt quan trọng như Tết trung thu cũng có ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân, và qua đó có thể kéo dài sự sống. Thưc vậy, trong một nghiên cứu được công bố trên tờ Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (Journal of the American Medical Association, hay JAMA), các nhà xã hội học thuộc Trường Đại học California tại San Diego (UCSD) khám phá ra rằng tỷ lệ tử vong trong người Trung Quốc giảm 35% trong tuần lễ trước, nhưng tăng cũng vào khoảng 35% trong tuần lễ sau, ngày Tết trung thu (2). Các nhà nghiên cứu này còn tiến hành thêm một nghiên cứu khác trong người Do Thái, và có ghi nhận tương tự: Trong tuần lễ trứơc này lễ Passover (một ngày lễ trọng đại trong văn hóa Do Thái), tỷ lệ tử vong giảm khoảng 27% đến 65%; nhưng tuần lễ sau ngày lễ này, tỷ lệ tử vong tăng lên khoảng 17% đến 35% (tùy theo bệnh) (3). Điều đáng ghi nhận là trong người Mỹ da trắng tỷ lệ tử vong trước, trong, và sau hai ngày lễ này (Trung thu và Passover) không thay đổi.

Sau khi thử nghiệm vài giả thuyết để giải thích hiện tượng này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng xu hướng sụt-trồi về tỷ lệ tử vong này là do sự trì hoãn cái chết hay cố kéo dài sự sống trứơc một ngày lễ lớn hay những ngày có ý nghĩa quan trọng như ngày sinh nhật chẳng hạn. Tổng thống Thomas Jefferson và John Adams chết cùng ngày (4 tháng 7), 50 năm sau ngày Tuyên bố Độc lập (Declaration of Independence). Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ cho đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng hồi ký của bác sĩ riêng của ông Jefferson cho thấy ông quả có ý thức về ngày lễ trọng đại này. Ngoài ra, một nghiên cứu trước đây cho thấy bệnh nhân có xu hướng chết sau, hơn là trước, ngày sinh nhật (4). Ngược lại, có những ngày có thể gây ra tinh thần căng thẳng (stress) như tuần lễ nhận giấy đòi nợ (bills) có thể là một động cơ làm tăng nguy cơ tử vong. Thật vậy, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí nghiên cứu y học New England Journal of Medicine cho thấy tỷ lệ tử vong trong người già vào những ngày đầu tuần (như Thứ Hai) cao hơn gấp hai lần so với những ngày khác trong tuần.

Nói tóm lại, những yếu tố tâm lý có ảnh hưởng lớn đến thời điểm và nguy cơ tử vong, nhất là trong người cao tuổi. Nhưng ảnh hưởng tâm lý trong bệnh vẫn còn là một vấn đề ít khi được nghiên cứu cho có hệ thống. Nhìn qua sự thăng trầm của thuyết psychosomatics, hay thuyết về mối tương tác giữa tinh thần và cơ thể, người ta có thể liên tưởng đến một cõi đi về. Trong các văn hóa cổ xưa, vào thời Trung cổ, người ta tin rằng bệnh tật là hậu quả của sự suy nhược về cả tinh thần và cơ thể. Nhưng trong khoảng 300 năm trở lại đây, giới y học Tây phương cho rằng cơ thể và tinh thần là hai "thực thể" khác nhau, không có liên hệ gì với nhau; vì thế, họ có khuynh hướng chú trọng vào phần cơ thể, nhưng lại không để ý thích đáng đến phần tinh thần. Song, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy quan điểm này cực kỳ sai lầm. Cơ thể và tâm trí luôn luôn tương tác lẫn nhau. Sự nhận thức, suy nghĩ, ý định, ý muốn, và nỗi băn khoăn có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể và hành động của con người. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu dùng các kỹ thuật sinh học hiện đại để khai thác mối tương tác giữa tinh thần và cơ thể. Tuy có một vài tiến bộ trong việc xác định một số kích thích tố (hormones) như prostanoids, free radicals; cytokines như IL-1; và một loại gas có tên là nitric oxide có chức năng [hay có liên quan đến việc] chuyên chở tín hiệu và hiệu lệnh từ bộ não đến các cơ quan khác trong cơ thể để "làm việc", nhưng nói chung, chưa ai hiểu rõ và chính xác mối liên hệ giữa hai hệ thống tinh thần và cơ thể này.

Bộ não là cơ quan điều khiển hành vi và tâm lý của con người. Trong những năm gần đây, có hàng trăm nghiên cứu cho thấy cường độ và cách thức hoạt động của bộ não chịu sự ảnh hưởng của các di truyền tố (genes). Tất cả các hoạt động của hormones, không ít thì nhiều, đều chịu sự chi phối của các di truyền tố. Khi nghiên cứu trong những người sinh đôi, người ta thấy những cặp sinh đôi một hợp tử (monozygotic twins) có suy nghĩ và hành vi giống nhau đến 80% so với những cặp sinh đôi hai hợp tử (dizygotic twins) (5) mà mức độ giống nhau chỉ khoảng 30%. Cách đây khoảng 5 năm, báo chí Úc có tường trình 3 cặp sinh đôi sống cách nhau cả ngàn dặm, nhưng thời điểm họ chết chỉ cách nhau trên dưới 5 phút! Theo ước tính của các nhà di truyền học, khoảng 40 đến 60% nguy cơ và thời điểm tử vong là do các di truyền tố quyết định. Vì thế, theo tôi, "số mệnh" mà tử vi đề cập đến có thể hiểu như là di truyền tố.


Chú thích


Những bài báo khoa học đề cập trong bài viết này được công bố trên các tạp chí hay sách sau đây:

[1] Phillips DP, Ruth TE, Wagner LM. Psychology and survival. Lancet 1993; 342:1142-5.

[2] Phillips DP, Smith DG. Postponement of death until symbolically meaningful occasions. JAMA 1990; 263:1947-51.

[3] Phillips DP, King EW. Death takes a holiday: mortality surrounding major social occasions. Lancet 1988; 24:728-32.

[4] Kunz P. A time to die: a study of the relationship of birthdays and time of death. Omega 1980; 10:281-9.

[5] Sinh đôi một hợp tử là những người được sinh do một trứng duy nhất được thụ tinh nhưng sau đó bị phân chia để thành hai thai nhi, và vì thế cả hai có chung 100% tất cả các di truyền tố (genes). Sinh đôi hai hợp tử do hai noãn cùng được thụ tinh một lúc; họ chỉ có chung 50
% các di truyền tố.