GIỮ ĐẠO


Sáng nay, một học sinh cũ của tôi đang chuẩn bị viết luận văn Cao học, đến nhờ tôi giúp ý kiến cho đề tài em chọn : “Chữ NGHĨA trong ca dao, tục ngữ Việt Nam”. Tôi phì cười : “Thầy chưa thi, chưa có bằng Cao học, thì làm sao giúp con nổi”. Cậu học sinh năn nỉ : “Nhưng thầy đọc nhiều, viết nhiều, kinh nghiệm nhiều, vả lại thầy lại ở trong ngành giáo dục nhiều năm, con tin tưởng và hy vọng thầy sẽ giúp con”. Tôi cười lớn hơn “Sao nhiều cái ‘nhiều’ quá vậy ? Con còn quên : mắt thầy mờ đi nhiều, tóc thầy bạc rất nhiều, da thầy nhăn nheo nhiều, đầu óc thầy mụ đi nhiều, nhiều… nhiều vô kể… Nhưng thôi được, thầy biết được cái gì thì sẽ cố gắng giúp con cái đó”. Thế là tôi trở thành một thứ adjoint “quân sư quạt mo” rất ư là vô tích sự.

Nói đến chữ NGHĨA cũng tức là nói đến cái ĐẠO NGHĨA (hoặc cụ thể hơn : ĐẠO NHÂN NGHĨA), tức là cái ĐẠO làm người của truyền thống Việt Nam. Về từ nguyên, “đạo” chỉ có nghĩa là “đường, con đường” (vd : “hướng đạo” : dẫn đường); nhưng trên thực tế ứng dụng ở Việt Nam, thì “đạo” đã được coi như là một thứ tôn giáo (vd : đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Lão...). Thậm chí còn dùng từ “Đạo” (viết hoa) để chỉ riêng một tôn giáo (vd : theo Đạo, bên Đạo (ý muốn nói đạo Công Giáo) khác với bên Lương, không có Đạo (không phải đạo CG). Vì thế “Đạo làm người”, nếu chỉ hiểu theo nghĩa từ nguyên, thì chỉ có nghĩa : Con đường làm người ; nhưng nếu đặt vào bối cảnh xã hội Việt Nam, thì có nghĩa sâu rộng hơn và mang tính chất cao trọng hơn, bao phủ một màu sắc tôn giáo. Mà hiểu theo nghĩa tôn giáo, thì chúng ta lại thấy nó hàm chứa một phạm trù giáo dục (dạy dỗ) con người một đời sống tâm linh hướng thiện (theo thần minh). Có thể khẳng định Việt Nam là một dân tộc rất coi trọng “Đạo nghĩa làm người”, nên mới khuyên dạy muốn nên người thì phải biết học và giữ đạo làm người, mà điều tiên quyết là phải biết thờ cúng, thờ phụng kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nói đến thờ cúng, thờ phụng tức là đã nói đến tôn giáo (đạo ông bà) rồi vậy.

Nghĩ sự nọ nhảy sang sự kia, tôi lại nhớ tới một câu nói của các cụ hồi xưa mà đã hơn một lần tôi được nghe : “Cái làng ấy bây giờ thì Đạo toàn tòng rồi” (ý muốn nòi : cả làng theo Đạo – Công Giáo – hết rồi). Rồi đến những lời giáo huấn của cha xứ tôi (hồi tôi còn nhỏ, ở miền Bắc) mà thân phụ tôi cũng rất hay nhắc nhở : “Đã theo Đạo thì phải quyết một lòng giữ Đạo cho nên”. Đặt giả thử viết bằng từ thuần Việt như thế này : “Đã theo Đường thì phải quyết một lòng giữ Đường cho nên”, thì thấy không được ổn, nhưng nếu thêm từ vào thì nghe cũng được lắm “Đã theo Đường Chúa đi thì phải quyết một lòng giữ Đường cho ngay thẳng, phẳng phiu, thoáng đãng, sạch sẽ chông gai”. Và đó chính là cái đặc sắc của ngôn ngữ Việt Nam khi đã biến nghĩa từ Đạo thành tôn giáo, nhất là lại ám chỉ vào một tôn giáo cụ thể : Kitô Giáo.

Và thế là tôi lại nhớ đến Lời Chúa trong bài Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Vọng (Năm B) : “Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng : ‘Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con’. Có tiếng người hô trong hoang địa : ‘Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi’. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng : "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần." (Mc 1, 3-8). Sách ngôn sứ Isaia có từ hơn 5 thế kỷ trước công nguyên, tức là lời tiên báo về Gioan Tẩy Giả cũng cùng lúc xuất hiện với lời tiên báo về Ngôi Lời nhập thể, cách nay hơn 2500 năm.

Tôi đã hơi dài dòng về “con đường”, đến bài Tin Mừng nêu trên, cũng lại thấy nhắc đến ‘Hãy dọn sẵn con đường…”. Vậy thì “đạo” hay “con đường” ấy có phải là cái lối đi, cái lộ trình dẫn tôi đi từ Saigon tới Biên Hoà, từ Saigon ra Hà Nội, từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Cao Bằng chăng ? Hẳn nhiên là vậy rồi, và cái con đường mang tên “đạo” hay con đường nhắc đến trong Thánh Kinh chính là lối đi của Kitô Giáo, là lộ trình dẫn người ta từ trần gian tới Thiên quốc, là hành trình dẫn con người đến với Thiên Chúa, từ tối tăm tiến về nơi sáng lạn. Những “con đường” do con người làm bằng đất, bằng đá, hoặc bằng bêtông nhựa, ngay từ khi mới khởi công đã bị rút ruột, đã làm gian làm dối, rồi khi sử dụng thì bừa bãi bất chấp luật lệ, đào tới đào lui, bới lên đắp xuống, tạo thành những ổ gà, ổ voi, nắng bụi mưa lầy ; thì chính con đường Kitô Giáo – con đường Giêsu Kitô vĩ đại nhất, thánh thiêng nhất ("Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống – Ga 14, 6) – cũng đã và đang bị những đòn roi chia rẽ, những gai nhọn hằn thù, những lưỡi đòng bất nghĩa… của cái thế giới tội lỗi này ngày đêm xâu xé tan hoang. Chính vì thế, nên cách đây 2500 năm, ngôn sứ Isaia đã tiên báo một nhân vật vào trong hoang địa (cách đây 20 thế kỷ) để hô hào “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Và Gioan Tẩy Giả cho đến hiện tại, đến bây giờ vẫn “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, tiếp tục vào trong hoang địa hô đến khan cả giọng “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Đến như thế mà chúng ta vẫn còn chìm đắm trong cơn mê, vẫn chưa tỉnh thức ư ? Vâng, dù muộn vẫn còn hơn không, xin hãy tỉnh thức ("Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” – Mt 24, 42), và đáp lại lời Thánh Gioan Tiền Hô mà sửa lối, dọn đường chờ mong Chúa đến. Bằng cách nào ư ? Thì bằng chính lời dạy của Thánh Gioan "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 3,2).

Vâng, xin hãy – nhân dịp cuối năm – nhìn lại mình mà tổng kết xem trong một năm qua, trong những năm đã qua, trong cả quãng đời đã qua, mình đã làm được những gì cho Đạo, cho đời ? Rồi kiểm điểm xem trong những cái đã làm được cũng như chưa làm được ấy, mình đã vướng phải những sai lầm nào, những khiếm khuyết nào – tắt một lời, những tội lỗi (dù nặng hay nhẹ) nào – rồi đặt tất cả lên đĩa thánh dâng lên Chúa (như xưa Chúa đã yêu cầu Thánh Giêrônimô làm), mà xin ơn tha thứ, ơn hoà giải, ơn an bình. Thánh Gioan Tẩy giả đã và đang kêu gọi chúng ta dọn đuờng bằng cách sám hối, mà sám hối chính là nhìn lại mình, là xét mình, là “lột trần chính con người của mình ra” (Thánh Inhaxiô – “Những bài linh thao”). Chỉ còn duy nhất một cách đó để “dọn đường” cho thông thoáng, cho ngay thẳng, mà chờ đón ngày Chúa đến.

Tôi tự nhủ mình, và rất muốn được nhắn nhủ con cháu của tôi, học sinh của tôi, anh em của tôi, với tất cả rằng : Đã theo Đạo vì tin Đạo, phải hoc Đạo và sống Đạo làm sao để “giữ Đạo cho nên”, hầu “mong ngày sau được phúc vô cùng trên Thiên đàng. Amen” (Kinh bản hỏi).

JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm