HẠNH PHÚC HÔN NHÂN THEO HỮU LÝ TÌNH CẢM


Nếu tính tự trọng, tự tin, hay tự lập có sức mạnh rất mãnh liệt trong những quyết định và lối sống của một người, thì khả năng đối kháng của nó trước những va chạm là động lực chính yếu có sức tàn phá, hoặc hủy diệt ghê gớm về mặt tâm lý. Nó có thể tạo nên những bất hạnh lớn lao cho nhiều gia đình. Ứng dụng những phân tích đó vào đời sống hôn nhân, chính là hành động chuyển hướng sức mạnh của nó thành những yếu tố hữu ích mang lại hạnh phúc, thay vì để nó hủy diệt hạnh phúc mà ta đang có.

Để xây dựng hạnh phúc hôn nhân, căn cứ vào những phân tích và khám phá về tâm lý như đã được đề cập đến ở những chương trên, chính là thái độ của người chồng hay người vợ tự nhận ra những tư tưởng kỳ quặc hoặc sự tin tưởng sai lầm của mình để sửa sai. Vì những ý nghĩ và sự tin tưởng đó là căn nguyên sinh ra trăm thứ hiểu lầm, lủng củng cho nhiều cặp vợ chồng. Chính nó đã hướng dẫn ý chí, hành động và ngôn ngữ của họ thành những chống đối hoặc tự cô lập mình với người chung quanh. Do đó, người chồng hoặc người vợ chỉ là những nạn nhân đáng thương hại. Trong những trường hợp như thế, dù là người chủ động hay nạn nhân, tất cả đều sống trong đau khổ và bất hạnh.

Khi trình bày về phương pháp Hữu Lý Tình Cảm Trị Liệu, Albert Ellis đã phân tích tâm lý con người và cô đọng thành thuyết ABC. Nó được giải thích đơn sơ như sau:

- A (mẫu tự đầu của chữ activating agent, activity, action): Có nghĩa là những tác động của một người. Tác động ở đây bao gồm một cử chỉ, một cái nhìn, một khoé mắt, một lời nói, một hành động, hoặc bất cứ biến cố nào trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến con người từ bên ngoài hay bên trong cuộc sống. Nó cũng nhằm diễn tả những hành động của một người đối với những người khác, mà họ nghe được, thấy được, và cảm được.

- B (mẫu tự đầu của chữ belief system): Có nghĩa là hệ thống tin tưởng, cách thức suy tư, lý luận, ý kiến, hay sự xác tín của mỗi người. Đây là sự tin tưởng của tri thức và hiểu biết chứ không hẳn phải là niềm tin tôn giáo, mặc dù niềm tin ở tôn giáo cũng có tác dụng mạnh mẽ trong cuộc sống của con người.

Hệ thống tin tưởng ấy có thể là đúng, hợp tình, hợp lý. Ngược lại, hệ thống tin tưởng ấy có thể là sai, vô lý, hay điên rồ, cuồng tín. Thí dụ hành động phá thai, ly dị hiện nay đang tạo nên những cuộc tranh chấp đôi khi rất gay gắt giữa những người tin rằng hành động phá thai và ly dị là đúng, hoặc ngược lại, hành động phá thai và ly dị là sai.

Đối với những người ủng hộ, thì việc người phụ nữ dùng quyền tự do của mình để quyết định nên phá hay không nên phá thai là một việc làm chính đáng, và hợp pháp. Ngược lại, đối với những người chống đối, thì phá thai là một việc làm giết người, vô lương tâm, và tội lỗi.

Một cách tương tự, hành động ly dị cũng đang được nhiều người ủng hộ, hoặc chống đối.

- C (mẫu tự đầu của chữ consequence): Có nghĩa là hậu quả hay kết quả, thành quả. Tùy theo mức độ và sắc thái tin tưởng sẽ dẫn đến những ý nghĩ hành động. Những quyết tâm này lại được phong phú hoá nhờ tự do và phán đoán riêng của từng người. Từ đó, tuy cùng một vấn đền, một sự việc nhưng mỗi người có một phán đoán và cái nhìn khác nhau.

Tóm lại, bất cứ hành động nào của một cá nhân, một đoàn thể, hay một dân tộc cũng đều được lọc qua hệ thống tin tưởng, rồi mới phát sinh ra những kết quả tương ứng bằng hành động.

Với cùng một tác động, nhưng tùy hệ thống tin tưởng của người tiếp nhận, hợp lý hay vô lý, kết quả sẽ thuận lợi hay bất thuận lợi cho chính họ và người chung quanh. Thí dụ, cũng một cử chỉ nháy mắt, giữa hai người bạn thân hoặc giữa hai vợ chồng thường được coi là một tín hiệu tốt, đồng ý, hay khen thưởng. Nhưng những cái nháy mắt giữa một người đàn ông và người đàn bà chưa quen biết xẩy ra tại một vũ trường, hay trong một buổi dạ tiệc lại được quan niệm là những cái liếc mắt đưa tình hay tán tỉnh.

Những phân tích này nhắm thẳng vào người có vấn đề và những nạn nhân liên hệ để tìm hiểu tận căn gốc những rắc rối trước khi nó bùng nổ, phá vỡ hạnh phúc hôn nhân. Trong nhiều trường hợp, trước quyết định ly dị không phải chỉ người vợ mà ngay cả người chồng cũng cảm thấy run rẩy, sợ hãi và hoảng hốt, mặc dù trước đó họ cãi vã, chửi bới, và đánh đập nhau đôi khi hung bạo, tàn nhẫn. Nhiều người còn tỏ thái độ hân hoan và vui mừng ngóng chờ để được ly dị.

Nhưng sau khi xé tờ giấy hôn thú xong, nhiều người đã cảm được cái sai lầm của hành động ly dị. Họ bắt đầu nhìn lại quá khứ và chợt khám phá ra rằng những sai trái, những thất trung, thất tín của mình hay của người phối ngẫu đã đến từ hậu quả do những phán đoán sai lầm, thiếu hiểu biết và thông cảm. Thái độ miễn cưỡng chấp nhận này, theo những nghiên cứu về đời sống tình cảm và tâm lý của những người độc thân sau khi đã ly dị cho biết, đời sống họ - nhất là về phía đàn ông - thường gặp nhiều bất ổn về mặt tâm lý. Có lẽ vì vậy mà ngay từ đầu, Thượng Đế đã phán: “Đàn ông sống một mình không tốt” (Gen 2:18).

Khám phá những tiềm ẩn của hành động, là để không kết án hành động một cách vội vàng, thiếu chính xác, và thiếu thông cảm. Trong nhiều trường hợp, chủ ý tốt của một người bị hiểu lầm, hoặc xuyên tạc, và vì thế tự ái bị va chạm, kéo theo phản ứng của hệ thống phòng vệ làm cho họ trở thành yên trí, đôi khi cố chấp. Vì thế, nếu vô tình sự kết án của ta va chạm tới hệ thống tin tưởng và hành động của người đó, hậu quả sẽ trở thành trầm trọng, mặc dù những việc làm bên ngoài chỉ là những chuyện nhỏ nhoi, không đáng kể.

Tuy nhiên, ta cũng không nên phủ nhận trách nhiệm và những ràng buộc có tính cách luân lý, đạo đức giữa những tương quan trong đời sống hôn nhân. Đối với những người chủ động trong các cuộc chia rẽ hôn nhân, nhận thức chung của mọi người vẫn cho rằng đó là một việc làm thiếu lương tâm và đạo đức. Chính người đó đôi lúc có lẽ cũng cảm thấy áy náy và hối hận! Sự cắn rứt của lương tâm có thể phát sinh thành những hậu quả đưa đến tâm bệnh, hoặc ít nhất người nhận thấy mình có tội, luôn luôn phải sống trong lo âu, trốn tránh, hoặc giả tạo.

Đời sống hôn nhân thường ngày vẫn thấy có những câu chuyện xẩy ra, thí dụ một người đàn ông bất chấp dư luận, sẵn sàng từ bỏ gia tài, tiền bạc, danh vọng, và cả vợ con để đi theo một người đàn bà mà dưới con mắt khách quan của nhiều người, người đó thật sự thua kém người vợ cũ của ông ta.

Người ta cũng không dễ dàng giải thích một cách thỏa đáng lý do về hiện tượng một số phụ nữ mặc dù đã có con, có cháu nhưng vẫn lén lút, vụng trộm ái ân, tình cảm với những đàn ông khác. Một số trường hợp còn nhẫn tâm bỏ con bị đau ở nhà để đi chơi với tình nhân, trước khi phũ phàng bỏ chồng, bỏ con đi theo tiếng gọi của ái tình mới.

Tại sao nhiều thiếu nữ con nhà đàng hoàng, tử tế, có tất cả những yếu tố thành công và hạnh phúc, lại sẵn sàng đi theo một người tội phạm đang bị lùng bắt, chấp nhận mọi đau khổ kể cả sự hất hủi và hành hung của người đó? Tại sao nhiều thanh thiếu niên bỏ nhà trốn học, sống gian díu với những thành phần băng đảng hoặc nghiện hút? Có thể là do tình yêu đã thôi thúc họ làm những chuyện mà người bình tĩnh, ngoài cuộc cho là mù quáng như thế? Hay cũng có thể tin rằng từ con người nào đó, có khả năng chinh phục và thu hút niềm tin của họ?

Nhưng dù dưới bất cứ lối giải thích nào, ta cũng khó lòng loại bỏ ảnh hưởng của hệ thống tin tưởng cố định của những nạn nhân đó vào những người, hoặc những sự việc mà họ đang tin tưởng. Sự tin tưởng đó mạnh mẽ đến độ lấn át cả những gì mà người ngoài cuộc tin là không thể thực hiện được.

Nếu niềm tin ảnh hưởng cả một tập thể, một dân tộc thì sức phản kháng mãnh liệt của nó thật là ngoài sức tưởng tượng của con người. Đi vào với thực tế của dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua, niềm tin vào những giá trị đạo lý gia đình mà ta gọi là Tam Cương, Ngũ Thường đã gò ép và đè nén người đàn bà trong một cuộc sống nhiều khi hết sức bất công và tồi tệ. Với cái nhìn mới mẻ của con người thời đại, ta không thể hiểu được tại sao những người đàn bà con gái đó lại có thể sống và làm được những hành động bình thường của nghĩa vụ làm vợ và làm mẹ. Nguyên một hành động như thế, cũng đủ để ca tụng họ là những nữ nhi anh hùng rồi!

Ngày nay, hình ảnh những bà mẹ tại quê nhà cũng vẫn là những hình ảnh của con người lao nhọc và vất vả vì chồng, vì con. Ca dao Việt Nam đã diễn tả thái độ hy sinh đến quên mình của họ như sau:

“Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay”.


Hình ảnh đó, vẫn còn tìm thấy trong nhiều gia đình Việt Nam trên những miền đất tạm dung. Một hôm, một cặp vợ chồng nọ được đưa tới văn phòng tâm lý. Cả hai dưới 50 tuổi, nhưng trông già hơn một cụ già 70 tuổi. Áo quần nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, móng chân và móng tay không cắt tỉa. Toàn thân họ phóng ra một mùi hôi nồng nực. Họ có con, nhưng những người con đó đã bỏ họ. Nguồn lợi chính của họ là sống nhờ trợ cấp xã hội, tiền vay mượn của chính phủ, và những đồng tiền thu nhặt được do bán giấy vụn hoặc ống lon. Trong hoàn cảnh như vậy, chắc chắn là họ phải thuê tạm một gian phòng rẻ tiền trong một gia đình nào đó, hay có thể họ phải ngủ trong một garage được sửa chữa để làm phòng ngủ. Trông hoàn cảnh của họ không thể không xúc động.

Điều gây xúc động nhất trong trường hợp này là tình thương và sự chung thủy của người vợ. Bà cho biết, người chồng bị bệnh tâm lý của bà thường xuyên đánh đập bà, đày đọa bà, và nhiều lần lên cơn còn muốn giết bà. Khi nói những điều đó, bà đã khóc! Những giọt nước mắt của bà minh chứng hoàn cảnh đau thương của bà. Nhưng bà dường như không nghĩ gì đến thân bà. Không một lời nào bà đã nói hoặc xin xỏ sự giúp đỡ cho chính bà. Chỉ thấy bà tha thiết tìm sự giúp đỡ cho chồng bà. Dường như bà cho rằng, nếu chồng bà được giúp đỡ, chính là bà đã được giúp đỡ vậy.

Hành động của bà đáng thán phục. Sự chịu đựng của bà còn đáng kính nể hơn. Một sự chịu đựng nói theo ngôn ngữ của những con người thời đại là một hành động ngu xuẩn, không cần thiết. Vì đối với những người chồng như chồng bà, làm gì có chỗ đứng trong nhiều gia đình người Âu Mỹ hiện nay. Nhưng bà là người Việt Nam. Ảnh hưởng của nền luân lý gia đình, và với con tim chân thành, nó đã đem lại cho bà sức chịu đựng phi thường.

Tư tưởng bảo thủ của một số đông đàn ông Việt Nam cho tới nay là vẫn muốn duy trì quan niệm"chồng chúa, vợ tôi” - chồng là chủ, vợ chỉ là người đầy tớ. Hoặc quan niệm cho rằng “trai năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên một chồng” - người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ, nhưng người con gái thì chỉ được lấy một chồng. Hoặc quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - một đứa con trai có giá trị hơn 10 đứa con gái. Hoặc đề cao “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” ngụ ý bắt buộc người đàn bà con gái phải trinh tiết cho đến khi kết hôn, còn người con trai thì muốn sao cũng được.

Trong khi nhiều phụ nữ Việt Nam còn đang phân vân và chiến đấu với tư tưởng xã hội và nền luân lý của mình, thì ngược lại, tại các nước Âu Mỹ, hiện tượng xã hội ngày nay, do ảnh hưởng của niềm tin tập thể hằng ngày vẫn có hàng triệu các cặp trai gái sống chung với nhau ngoài hôn nhân. Hàng trăm, hàng ngàn, người mẹ vẫn tới các bệnh viện hoặc phòng mạch tư để phá thai. Hàng trăm, hàng ngàn cặp vợ chồng dẫn nhau tới tòa thị chính hoặc các văn phòng luật sự nộp đơn ly dị. Hàng triệu người thuộc giới đồng tính luyến ái vẫn hiên ngang sóng vai nhau bước trên các đường phố. Hàng trăm ngàn người khỏa thân trên các bãi biển tắm truồng. Tất cả những hình ảnh và lối sống này không thể chấp nhận được đối với một số người, nhưng lại được coi là thích hợp với một số người.

Để hóa giải những khủng hoảng về niềm tin và những ảnh hưởng khác nhau của hệ thống tư tưởng thường dẫn đưa vợ chồng đến chỗ xung đột và bất hoà, những ứng dụng thực hành theo Albert Ellis cũng mang ba chữ gồm DEF.

- D (mẫu tự đầu của chữ debate): Có nghĩa là bàn cãi hay tranh luận về một vấn đề. Để làm sáng tỏ tính chất khách quan của niềm tin hay thái độ sống của hai vợ chồng, điều cần thiết là phải trình bày những lý do tiềm ẩn đang thôi thúc hoặc tác động trong mỗi người.

Trong thực tế, nhiều người chồng hoặc vợ cứ lầm lầm, lỳ lỳ giận dỗi, và khó chịu nhau vì cho rằng vợ hay chồng không hiểu mình, nhưng lại không nói một câu nào về mình và để cho người khác hiểu. Họ thầm nghĩ và kỳ vọng ở sự hiểu biết hay đoán ý của nhau. Quan niệm sống này không có tính cách thực tế và thông cảm. Để hiểu người và để người hiểu mình, cách tốt nhất vẫn là lắng nghe người đó trình bày về họ, hoặc nói cho họ biết những gì mình đang suy nghĩ. Không trao đổi, không lắng nghe, không bàn thảo sẽ không có sự hiểu biết và thông cảm, dù là giữa hai vợ chồng.

Ứng dụng trường hợp nồi cá kho mặn, bức tranh treo cao hay thấp, hoặc trường hợp của nhà văn Vũ Thanh Thủy, hành động thông cảm chính là nói cho nhau nghe quan điểm của mình về nồi cá bị mặn. Hoặc lý do tại sao bức tranh không được treo thấp hay treo cao hơn một chút nữa. Cũng như tại sao hôm đó đi chợ về mà không mua thuốc. Như vậy, người nghe sẽ có cơ hội phản ảnh tư tưởng của họ về nồi cá, về vị thế bức tranh, và về thói quen cũng như ảnh hưởng của thuốc lá.

- E (mẫu tự đầu của chữ effect): Có nghĩa là kết quả thu nhặt được từ những trao đổi và thông cảm. Bàn luận trao đổi để rút ưu và khuyết điểm, để tìm ra những phương hướng mới nhằm canh tân hoặc bổ túc cho vấn đề. Rồi lại tiếp tục trao đổi, để nhằm thăng hoa những kết quả của thông cảm và hiểu biết.

- F (mẫu tự đầu của chữ follow-up): Có nghĩa là theo dõi và tiếp tục hành động. Theo dõi ở đây không mang ý nghĩa vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, rình rập, hoặc lén lút nhòm ngó. Thực tế đã có nhiều người chồng thuê thám tử theo dõi vợ. Một cách tương tự, nhiều người vợ lén thu âm những cuộc nói chuyện của chồng như những cảnh bố ráp và rượt đuổi của các thám tử trong xinê, vì họ tình nghi vợ hoặc chồng họ không trung thành với họ.

Theo dõi là việc làm sau cùng của hai tiến trình bàn thảo và kết quả trên, với mục đích kiếm tìm những giải pháp tốt hơn để tiếp tục duy trì sự hiểu biết và thông cảm với nhau trong những khác biệt về tư tưởng và hành động.

Áp dụng vào thực tế, khi một cặp vợ chồng gặp khủng hoảng, đang trong tình trạng hôn nhân đổ vỡ, nếu muốn hàn gắn trở lại, họ phải có thời giờ bình tâm suy nghĩ và chấp nhận mình là những nạn nhân của các vấn đề xã hội và tâm lý. Họ phải tự ý thức rằng những tư tưởng, ngôn ngữ, và hành động của mình trong thời gian đó là do kết quả của hệ thống tin tưởng thiếu chính xác, lệch lạc, và đôi khi bệnh hoạn. Đồng thời, chấp nhận họ cần được giúp đỡ.

BÌNH TĨNH

Điểm khó khăn nhất trong việc hàn gắn những khủng hoảng của đời sống hôn nhân, là người trong cuộc phải bình tĩnh để đón nhận sự giúp đỡ, và sửa chữa. Bình tĩnh xét lại những gì mình vẫn luôn tin tưởng, những gì là tập quán trong cuộc sống của mình. Bình tĩnh chấp nhận nguyên tắc khách quan để dám nghi ngời rằng có thể mình cũng có những tư tưởng, ước muốn, và hành động sai trái ít ra là ở một góc cạnh nào đó, hay ở một phương diện nào đó.

Hoài nghi mình trong trường hợp này, là hành động tự xét, tự vấn, và chấp nhận sửa đổi. Sau khi ý thức và nhận ra mình thực sự có vấn đề, lúc đó sự giúp đỡ của bên ngoài mới có tác dụng tích cực. Trong thực tế, không mấy người, nhất là trong những trường hợp cãi vã, tranh tụng, hoặc chửi bới nhau, lại nhận mình có lỗi, có vấn đề cần được sửa sai và hướng dẫn.

Lịch sử triết học có nhắc lại câu chuyện của thầy trò Socrate. Hai thầy trò tranh biện với nhau suốt một ngày nhưng vẫn không ai nhường nhịn ai. Thầy thì cho là trò ngu. Ngược lại, trò cũng cho rằng thầy là người ngu. Cả hai đều cho mình là người khôn ngoan, và đối phương là người dốt và ngu. Nhưng sau cùng, Socrate đã nhượng bộ người học trò của mình bằng một câu nói để đời như sau: “Ừ! thì tao ngu mà mày cũng ngu. Nhưng ít nữa là tao còn khá hơn mày, vì tao biết là tao ngu”.

Đời sống hằng ngày của nhiều cặp vợ chồng cũng vẫn thường diễn lại trò chơi lý thú này. Vợ cho là chồng ngu, còn mình thì giỏi. Trái lại, chồng lại cho là vợ ngu và mình là giỏi. Rốt cuộc cả hai đều cùng ngu như nhau, vì là những người không biết cái ngu của mình.

Những cặp vợ chồng nào mà một trong hai người sớm nhận ra được cái ngu của mình, hoặc của người, thì sẽ đỡ lục đục, tranh cãi, và bầu khí hạnh phúc mới thấy xuất hiện.

THỜI GIAN, KHÔNG GIAN VÀ NGƯỜI TRUNG GIAN

Trong công việc làm ăn, buôn bán, hoặc những sinh hoạt xã hội người Việt Nam thường hay nói: “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Người ta tin rằng để thành công một việc gì dù to hay nhỏ, những yếu tố thuận lợi từ phía Trời đến phía người đều là những điểm rất quan trọng.

Một người dù tính toán giỏi mà công việc không khởi công đúng nơi, đúng lúc; nhất là không được sự giúp đỡ của những người ủng hộ, và Trời cao thì thất bại chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay.

Đời sống hôn nhân cũng vậy, để đạt được hạnh phúc là sự thành công, vợ chồng cũng cần phải khéo léo tùy thời, tùy hoàn cảnh, và tùy lúc cư xử và hành động với nhau một cách tế nhị và hòa thuận.

THỜI GIAN:

Không phải lúc nào người vợ hoặc người chồng cũng đòi hỏi, cũng kèo nhèo, cũng lớn tiếng bắt chồng hay vợ mình phải sửa sai, phải bỏ tính xấu này, tật xấu khác đều là những khởi điểm tốt.

Có những lúc khi nêu lên lời đề nghị trên không làm cho người nghe từ chối, nhưng cũng có những lúc mà ý kiến của ta vừa nêu lên đã bị từ chối. Thí dụ, sau một ngày làm việc mệt nhọc, người vợ hoặc người chồng vừa về đến nhà chưa kịp bước ra khỏi xe, chưa kịp cởi đôi giầy hay đôi guốc đã bị nghe vợ hay chồng nói ra, nói vào về một vấn đề nào đó. Những lúc như thế không phải là thời cơ thuận lợi để nói và để nghe những lời than thở, phàn nàn, hoặc bẳn gắt.

Thời gian tốt nhất để vợ chồng trao đổi tâm sự với nhau là lúc hai người một mình ngồi lại sau bữa ăn chiều, hoặc những buổi tối khi con cái đã lên giường ngủ. Những lúc đó, những gì chồng nói với vợ, và những gì vợ muốn nói với chồng sẽ dễ dàng được lắng nghe hơn.

KHÔNG GIAN:

Cũng như yếu tố thời gian, yêu tố không gian cũng chiếm phần quan trọng trong việc làm thức tỉnh lương tâm hay ý thức của một người. Có những nơi chốn khi nêu lên lời đề nghị sửa sai không làm va chạm tự ái người nghe, ngược lại, cũng có những nơi chốn dù vô tình hay hữu ý những đòi hỏi đó được nhắc tới, lập tức người nghe bị va chạm tự ái. Thí dụ, người vợ chê bai chồng mình trước đám đông bạn bè.

Giữa đám đông người qua lại mà hò hét chồng, hoặc cau có vợ là hành động thiếu tế nhị và không khôn ngoan. Phản ứng tâm lý chung của con người trong những trường hợp đó luôn luôn là một phản ứng tự vệ tiêu cực, muốn tự bảo vệ mình trước. Ngoài ra, ảnh hưởng của đám đông quần chúng sẽ tạo thành một chất kích thích, có khả năng làm bùng nổ ý nghĩ tự vệ thành những hành động đôi khi vượt quá sự kiểm soát của lý trí. Trong trường hợp này, những ngôn ngữ được dùng trao đổi với nhau thường mang tính cách thách thức, tuyên chiến, tạo sự căng thẳng, hơn là những lời giải thích hoặc đề nghị.

NGƯỜI TRUNG GIAN:

Sau cùng vai trò người hướng dẫn cũng rất quan trọng. Nhiều người có tư tưởng chấp nhận sửa sai nhưng không được chỉ bảo một cách hợp tình, hợp lý. Hoặc không gặp được người tin tưởng, hiểu biết để tâm sự. Ngược lại, có những người sẵn sàng đi cùng đường với những hành động và tư tưởng mà họ biết là xấu nếu tự ái bị va chạm, hoặc gặp phải sự hướng dẫn sai lầm.

Đối với phong tục và tập quán của người Việt Nam, những người đóng vai trò trung gian thường là ông bà, cha mẹ, cô chú, hoặc bạn hữu hai bên. Nếu những trường hợp giải quyết của gia đình không đạt được kết quả, nhiều người thường đến với các vị lãnh đạo tinh thần thuộc các tôn giáo.

Những lời khuyên bảo của ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc, thường hay bị chi phối bởi thành kiến, bởi kinh nghiệm riêng tư, hoặc nặng nề về lễ giáo và truyền thống. Những lời khuyên bảo của các vị lãnh đạo tinh thần, tuy có những nét thanh cao hơn có thể làm thanh thỏa sự dồn nén của lương tâm, hoặc trả lời được một số những khắc khoải của tinh thần, nhưng thiếu tính chất thực tế của cuộc sống. Trước những quan niệm mới mẻ về hôn nhân, và trước những phức tạp của đời sống hôn nhân, một vai trò trung gian và hòa giải mới ngày càng được chú ý là các nhà tâm lý học và cố vấn gia đình.

Tại các văn phòng tâm lý, những khó khăn và uẩn khúc của đời sống hôn nhân sẽ được phân tích và hướng dẫn bằng tính cách chuyên nghiệp, theo những nguyên tắc khách quan, và với sự khảo cứu, học hỏi chuyên môn. Những hướng dẫn này không dựa vào những phán đoán chủ quan, kinh nghiệm cá nhân, hoặc theo một truyền thống gò bó, nhưng là tổng hợp những nghiên cứu mới mẻ và ứng dụng thực hành của ngành tâm lý học. Ngoài khả năng chuyên môn và những ràng buộc liên quan đến luật pháp, đến những nguyên tắc hành động, những kết quả của các văn phòng này còn thường xuyên được nghiên cứu và phân tích một cách kỹ lưỡng.

Tóm lại, khi hôn nhân gặp phải những khủng hoảng và rạn nứt, hoặc trong lúc hạnh phúc hôn nhân bị đe dọa, sự cố vấn và những lời khuyên bảo của những người trung gian là một điều cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn lựa và xử dụng vai trò người hướng dẫn cũng rất quan trọng, tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh, và mỗi cá nhân. Nếu không cẩn thận, sự chọn lựa này sẽ đưa đến những hậu quả tai hại, thay vì tạo điều kiện để được hạnh phúc.

HỆ THỐNG TỰ VỆ VÀ TỰ ÁI

Hệ thống tự vệ và thái độ tự tín của mỗi người, xét về phương diện tiêu cực, chính là những ngãng trở lớn lao nhất của đời sống tâm linh, tâm lý, và tình cảm. Ảnh hưởng của nó bao trùm cả đời sống cá nhân và hôn nhân của con người. Để giải tỏa và dung hòa hành động tự ái, hoặc thái độ cuồng tín đó, phương pháp tốt nhất vẫn là:

TÔN TRỌNG VÀ LẮNG NGHE MỘT CÁCH CHÂN THÀNH

Chồng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của vợ, vợ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của chồng.

Hệ thống tự vệ và thái độ tự tín của mỗi người giống như một vệ tinh viễn thông và một chiếc máy truyền hình. Tần số phát và nhận phải cùng một tần số, nếu không khi bật máy, người ta không nghe được gì và cũng chẳng nhìn thấy gì, ngoài những tiếng kêu rè rè, và những vệt sáng hoặc đen chạy nhập nhằng trên màn ảnh.

Trong khi vợ chồng nói chuyện hoặc trao đổi tâm tình với nhau, tần số phát và tần số nhận phải giống nhau mới tạo được những âm thanh nhịp nhàng, làm cho người nghe cảm thấy thích thú.

Trở lại câu chuyện nồi cá kho mặn, hoặc bức tranh treo cao hay thấp đã được dùng làm thí dụ khi bàn về thái độ dồn nén của một người trước những sự việc mà người khác không hiểu hoặc không muốn hiểu họ. Nếu tôi hôm đó không tự ái một cách vô lý mà bình tĩnh dò hỏi thái độ của vợ tôi. Và nếu vợ tôi hôm đó không bị hệ thống tự vệ làm cho bùng nổ lên những phản ứng tiêu cực, chắc chắn sẽ không có chuyện cãi vã xẩy ra. Hơn thế nữa, tôi sẽ hiểu được lý do tại sao vợ tôi tra mắm, muối quá tay. Nguyên nhân có thể là nàng mỏi mệt, có thể vì nàng đang mơ màng đến một bữa ăn với món cá kho mà chồng nàng vẫn thích. Và trong cái sung sướng tột cùng của một người vợ thương chồng, muốn dọn cho chồng bữa cơm ngon, và đã cao hứng tra mắm, muối quá tay chăng?! Và nếu đó là những nguyên nhân của nồi cá kho mặn, thì tôi đâu có thể nào phiền trách nàng một cách võ đoán và oan uổng như tôi đã làm. Tôi đâu có lý do gì để phũ phàng vùi dập tình yêu mà nàng dành cho tôi bằng những lời lẽ chua cay, chửi bới, hoặc thái độ quăng nồi cá vào sọt rác.

Một cách tương tự như thế, cặp mắt nghệ thuật của người vợ hay người chồng có thể có những cái nhìn sắc sảo hơn, chính xác hơn về một bức tranh. Như vậy, tại sao cứ phải treo thấp xuống một chút, hoặc treo cao hơn một chút mới vừa bụng mình. Tại sao không lắng nghe, mà chỉ biết ra lệnh.

Cũng như câu chuyện trao đổi giữa hai mẹ con của nhà văn Vũ Thanh Thủy, ta cần tự hỏi, tại sao lại cứ bẳn gắt, cứ lẩm bẩm, giận dỗi, và nhất là miễn cưỡng làm điều mình không muốn. Có cơ hội nói ra để chia sẻ tại sao lại không làm, để rồi khó chịu và khổ sở.

TỎ ĐƯỢC THIỆN CHÍ MUỐN NGHE VÀ MUỐN GIÚP ĐỠ

Nếu có người nói, thì cũng phải có người nghe. Trong gia đình, hai vợ chồng cùng nói một lúc, thì sẽ chẳng có ai để mà nghe. Hoặc cả hai chẳng ai thèm nói với nhau câu nào, thì dù người chồng hoặc người vợ muốn nghe cũng không có ai nói để mà nghe. Điều này hay xẩy ra khi vợ chồng giận hờn, bực tức nhau. Ngược lại, khi có chuyện cãi vã, vợ cũng như chồng ai cũng giành nhau để nói. Kết quả là ai nói, người đó nghe, hoặc nếu chồng hay vợ không nghe, thì ông hay bà hàng xóm nghe.

Cách nói chuyện hay nhất không hẳn là nói nhiều, và hiểu biết nhiều, mà là biết nghe và khích lệ người khác nói ra điều họ đang muốn nói.

Trong những cuộc trao đổi tư tưởng giữa vợ chồng, nguyên tắc này vẫn có một giá trị rất cao, nhất là khi người vợ hoặc người chồng thuộc loại người ít nói, hoặc không phải là người kể chuyện hay. Những trường hợp như vậy, thái độ lắng nghe của ta không những làm yên tâm, mà còn tăng thêm hứng khởi cho người nói.

TẠO BẦU KHÍ THUẬN TIỆN DỄ DÀMG BỘC LỘ

Để vợ chồng có thể dễ dàng tâm sự với nhau, sự chuẩn bị cũng là một yếu tố cần thiết. Thí dụ, trong ngày khi có thể, thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm hỏi vài câu. Khen và khích lệ nhau những lời chân thành. Tỏ cho nhau biết mình thực sự quan tâm và để ý đến nhau.

Tình yêu là một nghệ thuật, một nghệ thuật ứng dụng vào đời sống lứa đôi. Do đó, việc trau dồi nghệ thuật này đòi hỏi những hành động cụ thể. Một người không thể nói tôi yêu vợ tôi, hoặc tôi yêu chồng tôi mà không có những việc làm chứng minh tình yêu đó. Tại sao tôi phải mở cửa xe cho nàng? Hoặc tại sao tôi kéo ghế ngồi cho nàng khi đi ăn tại một nhà hàng? Đó chỉ là những dấu hiệu của tình yêu được minh chứng bằng hành động. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng vào những hành động này ở thời kỳ còn quen nhau, hoặc còn là tình nhân với nhau, để rồi coi thường giá trị tình yêu được góm ghém trong những hành động như thế sau khi đã thành vợ chồng.

CỞI MỞ KHÔNG ĐÓNG KÍN DO PHẢN ỨNG TỰ VỆ

Mỗi người khi sinh vào đời, là coi như bị đóng đanh vào cuộc sống và định mệnh của mình. Trong cuộc sống này vui ít mà buồn nhiều. Vậy nếu vợ chồng không thông cảm, chia sẻ gánh nặng lẫn với nhau, vô tình đã tạo cho nhau những gánh nặng quá sức mỗi người có thể chịu đựng.

Do đó, nếu không làm nhẹ gánh nặng của nhau, thì ít ra không nên để vì mình mà vợ hoặc chồng phải đau khổ. Nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan, vui vẻ là một hành động tâm lý làm nhẹ bớt gánh nặng cuộc đời.

Hãy tự nói với mình rằng, đời sống con người chóng qua như ngọn cỏ, nếu tôi không phàn nàn vì đã hoang phí nó vào những cuộc vui chơi, hưởng thụ, thì cũng không nên để mình phải hối hận vì đã không biết xử dụng nó vào những mục tiêu lành mạnh, và chính đáng. Và thử hỏi, trên đời này còn gì lành mạnh và chính đáng hơn là kiếm tìm và phát triển hạnh phúc cho mình và cho người mình yêu?

Tóm lại, để quân bình và hóa giải được những dị biệt về niềm tin và thái độ sống, không gì hơn là cảm thông, trao đổi, và tìm hiểu. Trong lúc còn đang yêu nhau, ít ai nhìn ra những khuyết điểm của nhau. Và trong những trường hợp như thế, nếu có một vài khuyết điểm xuất hiện, tình yêu cũng sẽ bao che và dễ dàng tha thứ. Ca dao Việt Nam đã diễn tả tính chất vừa bao dung, vừa mù quáng của tình yêu như sau:

“Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”


Nhưng trong thực tế của cuộc sống thường ngày, chỗ nào cao và chỗ nào thấp, chỗ nào thẳng thắn và chỗ nào lệch lạc đều bị phê phán một cách rõ ràng, đôi khi khắt khe. Điều này xẩy ra khi mùi vị tình yêu đã bắt đầu dịu xuống, nhường chỗ cho cái nồng nực của mùi vị tự ái. Và khi con mắt thứ tha đã bắt đầu khép kín, nhường chỗ cho con mắt xoi mói và giận hờn mở rộng. Trong tình trạng như vậy, ít ai cho rằng họ cần phải chấp nhận để hoà đồng với những quan niệm và lối sống khác biệt của vợ hay chồng. Càng ít người biết phân biệt hoặc chấp nhận những quan niệm khác nhau về tâm tính và lối sống của vợ hay chồng mình. Nhưng chính nhờ những khác biệt đó, mà cuộc đời hôn nhân mang nhiều khởi sắc.

Nhiều cái ta tưởng như làm cho mình không hài lòng, phải hy sinh và nhẫn nại chịu đựng. Nhưng rồi nó lại trở thành giá trị sau khi bị mất đi, và không có cơ hội tìm lại nữa. Thí dụ:

- Nếu bạn là người nói năng hoạt bát, vui tính và thích truyện trò, vợ hoặc chồng của bạn sẽ bảo bạn là thứ đàn ông hay đàn bà vô duyên, lắm điều.

- Nếu bạn là người ít nói năng hoặc nói năng vụng về, không thích chỗ đông người, vợ hoặc chồng của bạn sẽ bảo bạn là thứ đàn ông hay đàn bà nhút nhát, ít mồm, ít miệng, và không biết xã giao.

- Nếu nền tài chánh trong gia đình không được khá giả, vợ hoặc chồng của bạn sẽ qui trách nhiệm cho bạn là người thiếu óc kinh doanh, tháo vát, hoặc lười lĩnh trong công việc làm ăn, buôn bán.

- Nếu trong nhà có dư giả tiền bạc, vợ hoặc chồng của bạn nhiều khi lại nghi ngờ bạn làm ăn bất chính, ham tiền, bỏ bê vợ, chồng, con cái.

- Nếu bạn để tâm săn sóc đến sắc đẹp của bạn, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho bạn là thứ người xe xua, lo chương diện, và đua đòi với kẻ khác.

- Nếu bạn không mấy quan tâm đến sắc đẹp của bạn, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho bạn là thứ quê mùa, cục mịch, không biết lối ăn mặc hoặc chương diện.

- Nếu bạn mua sắm chút đồ dùng trong nhà, hoặc tiện nghi cho gia đình, vợ hoặc chồng bạn thường hay khó chịu và phê bình bạn là người tiêu xài hoang phí tiền bạc của gia đình.

- Nếu bạn không mua sắm hoặc lo tu bổ nhà cửa, vườn tược, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho bạn là thứ người bê bối, không biết lo việc nhà, việc cửa.

- Nếu bạn là người có tinh thần xã hội, thích thăm nom, an ủi những người đau khổ, gặp rủi ro, vợ hoặc chồng bạn sẽ gọi bạn là thứ người ưa ngồi lê, méch lẻo chuyện hàng xóm: “Ăn cơm nhà đi vác ngà voi”.

- Nếu bạn không đi đây, đi đó, và cũng chẳng màng chi những chuyện ngoài gia đình, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho rằng bạn là thứ người không có tinh thần xã hội, không có lòng bác ái, vị tha đối với những đau khổ của người khác.

- Nếu bạn là người thích dành thời giờ để tâm sự với vợ hoặc chồng bạn, chính họ lại thường cho rằng bạn chỉ trẻ con, và mơ mộng viễn vông không thực tế, làm mất giờ của họ.

- Nếu bạn là người không dành thời giờ để tâm sự với vợ hoặc chồng bạn, họ lại chê bạn là người thiếu tế nhị, thiếu lãng mạn, thiếu tinh tế với những cảm tình giữa vợ chồng.

- Nếu bạn là người đúng đắn giờ giấc, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho rằng bạn lúc nào cũng vội vàng, hấp tấp, đạo đức giả, mô phạm rởm.

- Nếu bạn là người không đúng giờ giấc, vợ hoặc chồng bạn sẽ phàn nàn rằng bạn là người lúc nào cũng trễ hẹn, bê bối và làm cản trở mọi công việc.

- Nếu bạn là người chồng hoặc vợ trẻ, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho rằng bạn thiếu kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân.

- Nếu bạn là người chồng hoặc vợ già, vợ hoặc chồng bạn sẽ cho rằng bạn thuộc lớp người cổ lỗ và không xứng hợp với họ.

Nhưng nếu bạn chết rồi, lúc đó vợ hoặc chồng bạn lại nhắc nhở tới bạn, gọi bạn là cố tri, là người yêu lý tưởng. Chỉ tiếc rằng bạn đâu còn nghe được những lời ai oán, nỉ non như thế nữa. Và nếu có nghe được, thì cũng chẳng giúp gì cho bạn và người đó.

Trong một đám tang, người thân và bạn hữu hết sức xúc động khi thấy một quả phụ khóc lóc, vật vã muốn lăn xuống huyệt mộ với chồng bà. Xem ra chỉ có cái chết mới làm bà thỏa mãn được những yêu thương, nhớ nhung của bà đối với người chồng quá cố. Không những thế, sau khi chồng bà chết, mọi người chung quanh đều nhận thấy một sự thay đổi rất khác thường của bà. Bà như ngớ ngẩn, và luôn luôn nhắc đến chồng, gọi tên chồng ngay cả trong những giấc ngủ chập chờn. Nhiều người biết chuyện đã xẩy ra trước cái chết của chồng bà, thì lại hồ nghi những giọt nước mắt và những thống khổ của bà.

Những ai từng quen biết chồng bà đều cho rằng do sự dằn vặt và chịu đựng những vô tình, bạc nghĩa của vợ, ông đã bị đau tim rất nặng. Để canh chừng những bất trắc có thể xẩy ra mà có ảnh hưởng đến tính mạng của mình, chồng bà đã phải mang máy trợ tim và sắm cho bà một chiếc pager, hy vọng có thể liên lạc được với vợ mỗi khi bà ra khỏi nhà.

Rồi một hôm, trong khi bà đang vui với những thú vui riêng ở xa nhà, chồng bà lên cơn đau tim. Ông đã vội vàng page cho bà nhiều lần. Nhưng mỗi lần gọi là mỗi lần thất vọng. Vợ ông đã không trả lời ông. Ông không biết vợ mình lúc đó đang ở đâu, làm gì. Cơn đau càng lúc càng trở thành dồn dập, cộng thêm với những uẩn ức của tâm hồn, và ông đã trút hơi thở ngay sau đó.

Rồi vợ ông cũng đã về. Nhưng không phải là về để giúp ông, hoặc để chửi ông đã cản trở cuộc vui của mình. Bà đã về để nhìn thấy xác chồng lạnh ngắt, co quắp trên chiếc xalông ở ngoài phòng khách. Mắt vẫn mở to như nhìn theo một bóng hình ai đó đang từ xa bước tới, và trong dáng dấp chờ đợi một người!!!

Trần Mỹ Duyệt