ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II LUÔN CHÚ Ý ĐẾN THỰC TRẠNG CUỘC SỐNG (5)
... Trước mỗi chuyến viếng thăm mục vụ một quốc gia, Đức tân Chân phước Gioan Phaolô II (1978-2005) luôn luôn nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề của quốc gia ấy.
Lúc ở tại Roma và mỗi khi có người nào đó thưa: “Xin Đức Thánh Cha cầu cho dân tộc chúng con”, ngài trả lời ngay: “Đó là điều chúng ta đang làm!”
Hầu như Đức Thánh Cha luôn luôn có trước mắt hình ảnh quả địa cầu và luôn cầu nguyện cho mọi dân tộc sống rải rác khắp năm châu bốn biển. Nhưng khi đích thân thăm viếng mục vụ đất nước nào thì Đức Gioan Phaolô II dành trọn chú ý cho người dân ở nước ấy. Ngài chuẩn bị thật chu đáo trước mỗi chuyến đi. Chẳng hạn như: đọc các bản phúc trình, nói chuyện với vị Sứ thần Toà Thánh và các nhà Thừa sai để biết rõ người dân nơi xứ sở ấy đang đau khổ về vấn đề gì. Lúc đến tận nơi, Đức Gioan Phaolô II không chỉ hài lòng với các diễn văn dọn sẵn. Sau khi chính thức gặp Tổng thống, các Bộ trưởng, ngài muốn đi vào hoàn cảnh cụ thể của người dân.
Đôi khi đoàn xe đang đi, Đức Gioan Phaolô II bảo ngừng lại và nói: “Tôi muốn vào thăm căn nhà bé nhỏ nghèo nàn này và nói chuyện với người đang sống trong nhà”. Hoặc ngài nói: “Tôi muốn gặp gỡ gia đình này”.
Dĩ nhiên không ai có thể ngăn cản điều Đức Thánh Cha muốn làm. Thế là ngài vào nhà, cầu nguyện với người trong nhà và hỏi thăm họ cần gì mà ngài có thể giúp được.
Đó là chuyện thường xảy ra trong các chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Nhưng có lẽ chuyện nổi bật nhất tôi muốn nhắc lại là chuyện xảy ra tại Angola, Phi Châu, trong chuyến viếng thăm vào tháng 6-1992.
Một vị Giám mục địa phương muốn chỉ cho Đức Thánh Cha thấy di tích sót lại của ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất tại xứ của ngài. Đến nơi, vị Giám mục kể cho Đức Thánh Cha nghe lịch sử ngôi thánh đường. Đức Gioan Phaolô II chăm chú lắng nghe, nhưng cùng lúc tư tưởng ngài vượt xa hơn nữa. Ngài nghĩ đến các túp lều tranh khốn khổ xiêu vẹo rải rác quanh ngôi thánh đường đổ nát. Khi câu chuyện kết thúc, vị Giám mục mời Đức Thánh Cha lên xe, nhưng ngài không nói lời nào. Ngài lặng lẽ bước về một trong các túp lều tranh nằm cạnh đó. Một gia đình nghèo gồm vợ chồng và con cái đưa mắt ngơ ngác sợ hãi chăm chú nhìn Đức Thánh Cha. Xong, họ vội vàng mang chiếc ghế đẩu thô sơ mời Đức Thánh Cha ngồi. Ngài ngồi xuống với nụ cười hiền từ như dấu hiệu khuyến khích đôi vợ chồng nghèo hãy đơn sơ kể chuyện cho Đức Thánh Cha nghe.
Thế nhưng - cũng tại Angola - có lẽ hình ảnh ghi đậm yêu thương trìu mến nhất là khi Đức Gioan Phaolô II gặp gỡ trẻ em. Ban đầu các em tỏ ra rụt rè sợ hãi, nhưng Đức Thánh Cha làm cho chúng tự nhiên ngay. Ngài nháy mắt, nhíu đôi lông mày và cười thật tươi. Thế là các em thích thú nhập cuộc. Các em hiểu ngay sứ điệp yêu thương của Đức Thánh Cha. Chúng tiến lại gần. Rồi đứa thì kéo tay kéo áo, đứa khác trèo lên ngồi trên đầu gối Đức Thánh Cha. Đôi bên trải qua những giây phút tuyệt diệu. Sau cùng, không ai biết được đến từ đâu, một chai nước ngọt trái cây mở ra và tất cả cùng nhau uống ngon lành! Đây là hình ảnh trung thực nhất diễn tả đúng tâm tình của Đức Gioan Phaolô II: bộc trực, tò mò và rất chú ý đến thực trạng cuộc sống hằng ngày, ước ao gặp gỡ đích thực, vượt ra ngoài mọi nghi lễ ngoại giao và chính thức.
Các nhân viên an ninh tháp tùng Đức Gioan Phaolô II thường tỏ ra lo lắng sợ hãi thái quá. Thấy thế tôi trấn an họ:
- Quý vị nên cầu nguyện để không có gì đáng tiếc xảy ra, bởi vì, nguyên sự hiện diện của quý vị thôi không đủ đâu! Chỉ duy nhất Đức Mẹ MARIA mới có uy quyền lớn lao để bảo vệ che chở cho Đức Thánh Cha!
Chứng từ của ông Arturo Mari cựu nhiếp ảnh gia tờ Quan sát viên Roma.
... “Đường lối THIÊN CHÚA quả là toàn thiện, lời Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường. Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người. Ngoài THIÊN CHÚA, hỏi ai là THIÊN CHÚA? Ai là núi đá độ trì, ngoài THIÊN CHÚA của ta? Chính THIÊN CHÚA đã làm cho tôi nên hùng dũng, và cho đường nẻo tôi đi được thiện toàn. Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai. Người đặt tôi đứng vững trên đỉnh núi. Tập cho tôi theo phép binh đao, luyện đôi tay rành nghề cung nỏ. Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con. Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh. Đường con đi, Chúa mở rộng thênh thang, chân con bước không bao giờ lảo đảo” (Thánh vinh 18,31-37).
... KINH THÁNH MẪU LA VANG
Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang,
đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang,
muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.
Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ,
tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng Cứu Độ muôn loài.
Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,
cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,
giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến,
vẫn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn, ơn phần xác,
người bệnh tật, kẻ ưu phiền,
nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,
cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà,
đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,
đại lượng bao dung,
cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin Mẹ phù hộ chúng con
luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông.
Và sau cuộc đời này,
xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,
hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. AMEN.
(Arturo Mari, “Arrivederci in Paradiso”, Colloquio di Jaroslaw Mikolajewski con Arturo Mari, Aprile 2006, Polonia, trang 63+108+101+123)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt