Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (33)


321. Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều về Thiên Đàng

Chúa Giêsu nói Ngài bởi trời mà xuống.

Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết có Cha của Ngài và Cha của chúng ta ở trên trời, ở treen thiên đàng.

Chúa Giêsu đưa ra nhiều hình ảnh về thiên đàng: tiệc cưới, kho vàng quý báu, viên ngọc quý.

Chúa Giêsu nói phần thường đời đời trên thiên đàng dành cho những ai theo ngài trên trần gian nầy.

Chúa Giêsu nói ngài về trời, về thiên đàng để dọn chỗ cho chúng ta.

Chúa Giêsu nói những của cải không bao giờ hư nát của chúng ta ở trên thiên đàng.

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng dại dột chạy theo những của cải chóng qua ở trần gian nầy mà mất nước thiên đàng ở đời sau.

322. Tả cảnh thiên đàng không nổi

Một người bạn thân yêu của thánh Augustinô yêu cầu ngài viết một cuốn sách về thiên đàng.

Thánh Augustinô vào phòng, đóng cửa lại, cố suy nghĩ để viết. Ngài viết thư xin thánh Hiêrônimô giải đáp một vài thắc mắc. Bỗng thánh Augustinô nghe một giọng nói vang lên:

- “Hỡi Augustinô, anh muốn gì đó? Anh muốn dùng ngòi bút để hiểu sự bao la của trời đất sao? Anh tự hào muốn thấy điều con mắt phàm trần không bao giờ thấy được sao? Anh muốn hiểu điều anh không thể hiểu được sao?”

Đó là giọng của Hiêrônimô. Hôm đó chính là ngày thánh Hiêrônimô qua đời.

Từ đó, thánh Augustinô bỏ ý định viết cuốn sách về Thiên Đàng.

323. “Góc trời đó là nguồn an ủi của tôi.”

Một vị tu rừng tìm cách sống trong một cái hang nhỏ và tối tăm, đêm ngày ăn chay, đánh tội, hãm mình.

Ngày kia, một đoàn người, gồm những kẻ mộ mến tài đức của ngài, lên rừng đến thăm.

Thấy cách sống của vị tu rừng nầy, họ bỡ ngỡ hỏi:

- “Làm sao ngài có thể ở trong nầy một ngày mà thôi?”

- “Quý vị hãy vào, nhìn qua cái lỗ nầy, quý vị sẽ rõ.”

Họ vào và thấy: nơi tường hang rêu phủ, có một lỗ hổng, để lộ ra một góc trời.

Họ không hiểu. Vị tu rừng liền cắt nghĩa:

- “Góc trời đó là nguồn an ủi của tôi. Những khi tôi buồn chán, tôi nhìn ra góc trời đó và kêu lên: “Ôi Thiên Đàng! Ôi Thiên Đàng!” Hai tiếng nầy làm cho linh hồn tôi được bằng an vui vẻ.”

324. “Đó chính là bí quyết của tất cả sức mạnh của tôi.”

Trong khi rút lui khỏi Mátcôva, quân Pháp của đại tướng Napoléon phải trãi qua nhiều ngày trong lạnh buốt, mệt nhọc và thiếu thốn.

Một đêm kia, khi đi thị sát, Napoléon thấy xa xa, trong sương mù, có ánh lửa. Ông bảo viên sĩ quan cận vệ đến xem.

Viên sĩ quan nầy trở về, báo cáo:

- “Thưa tướng quân, đó là đại tá Drouot. Ông đang làm việc và đang cầu nguyện trong trại mình.”

Napoléon lấy làm cảm phục.

Sau nầy, khi gặp đại tá Drouot, Napoléon thành thật cám ơn đại tá đã treo cao gương anh dũng cho toàn thể quân đội nước Pháp đang rút lui khỏi nước Nga trong đêm kinh khủng đó. Đại tá Drouot trả lời trong niềm tin mạnh mẽ của mình:

- “Thưa tướng quân, Tôi không sợ chết. Tôi không sợ đói. Tôi chỉ sợ Thiên Chúa mà thôi. Đó chính là bí quyết của tất cả sức mạnh của tôi.”

325. “Cho đến khi cái chết thấy con đứng thẳng.”

Một thanh niên kia đến thú thật với một linh mục đầy kinh nghiệm:

- “Thưa cha, con phải làm gì khi con sa ngã phạm tội?”

- “Con hãy chỗi dậy và đứng lên.”

- “Thưa cha, con đã từng chỗi dậy, nhưng rồi con cứ sa ngã lại.”

Linh mục nầy kết thúc một câu đầy thông cảm:

- “Mỗi lần ngã xuống là con hãy cố gắng đứng dậy ngay, cho đến khi cái chết…thấy con đứng thẳng và không còn ngã xuống nữa.”

326. Ba kinh Kính Mừng

Thánh Anphôngsô Ligôri giải tội cho một thanh niên. Thanh niên nầy cứ sa đi ngã lại mãi trong tội dâm ô nặng đến đỗi ngài thấy không thể nào ban phép giải tội cho anh ta được. Trước khi anh ta ra khỏi toà giải tội, ngài chỉ khuyên anh ta mỗi ngày đọc Ba Kinh Kính Mừng.

Một thời gian sau, một thanh niên đến xin xưng tội với ngài. Anh ta chỉ xưng một vài tội nhẹ thôi. Khi xưng xong, anh ta nói:

- “Cha có nhận ra con không? Con chính là người thanh niên mà cha đã từ chối, không ban phép giải tội trước đây. Sáng nào, con cũng đọc Ba Kinh Kính Mừng. Chúa đã giải thoát con khỏi những cơn cám dỗ. Con xin cha cứ nói ra chuyện nầy cho mọi người nghe.”

327. Trước mặt Chúa, ai cũng ngang nhau

Turenne là vị thống chế danh tiếng của nước Pháp ở thế kỷ 17.

Ngày kia, trong khi dự thánh lễ, ông lên rước Chúa. Trước mặt ông là người giúp việc của ông. Người giúp việc nầy thấy ông chủ dang tiếng của mình đang đứng sau lưng, liền định nhường chỗ, nhưng thống chế Turenne nói:

- “Ông cứ đứng trước tôi như thường. Chúng ta chỉ có một Chúa mà thôi. Ngài là Đấng kêu mời tất cả mọi người và hai chúng ta đây lên rước Chúa vào lòng.”

328. Con ong và con nhện

Thánh Phanxicô Salêsiô dạy về ý ngay lành như sau:

- “Hãy làm các công việc lành không phải như những con nhện, nhưng như những con ong. Con nhện dệt màng nhện của nó trước mặt mọi người. Nó giăng màn nhện từ cây nầy qua cây khác, giăng trong nhà, nơi các cửa sổ, trên những bàn ăn. Nói tóm lại, nó luôn luôn lao nhọc trước công chúng. Nó là hình ảnh của những tâm hồn kiêu căng, làm gì cũng để cho người ta khen. Nhưng những con ong thì dịu dàng hơn và khôn ngoan hơn. Con ong sản xuất mật một cách kín đáo. Nó sản xuất trong tổ của mình, nơi đó, không ai thấy được. Nó là hình ảnh của tâm hồn khiêm nhuợng, không tìm lời ngợi khen nơi trần thế, nhưng làm việc gì cũng làm vì Chúa”.

329. Thánh Anphongsô lần hột lúc già thế nào?

Lúc về già, nhiều khi thánh Anphongsô không nhớ rõ mình đã lần hột trong ngày hay chưa.

Thánh nhân hỏi thầy giúp kẻ liệt. Thầy nầy cười và cho thánh nhân quá lo lắng. Thánh nhân liền nghiêm nghị trả lời:

- “Thầy đừng cười chơi. Thầy không biết rằng chuỗi Môi Khôi làm cho tôi được rỗi linh hồn.”

330. “Ngày nay, chúng ta có rất nhiều máng chuyền nước, nhưng lại có rất ít thùng chứa nước.”

Người tông đồ không phải chỉ là máng chuyền nước, nhưng nhất là, phải là thùng chứa nước.

Thánh Augustinô nói: “Trước khi ra mặt giảng dạy thiên hạ, vị tông đồ phải nâng lòng khát khao lên cao để uống cho đầy nước trước đã, rồi mới nên thông cho kẻ khác phần dư thừa tràn trụa.”

Vì vậy, những ai có bổn phận phân phát hồng ân của Thiên Chúa cho các linh hồn, tiên vàn phải được tham gia và tràn đầy các ơn Thiên Chúa muốn dùng họ như trung gian để phân phát cho kẻ khác. Có như thế, họ mới đủ khả năng phân phối cho các linh hồn.

Thánh Bênađô nói với các vị tông đồ rằng:

- “Nếu là người khôn ngoan sáng suốt, bạn hãy lo cho mình trở nên thùng chứa nước trước khi là máng chuyền nước cho kẻ khác. Biết bao nhiêu người dám lăn xả vào những hoạt động tông đồ trong khi họ chỉ là máng chuyền nước chảy, rồi lại khô ráo!”

Tình trạng nầy đã làm cho thánh Bênađô hết sức phàn nàn:

- “Ngày nay, chúng ta có rất nhiều máng chuyền nước, nhưng lại có rất ít thùng chứa nước.” (x. Hồn Tông Đồ)

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang