THANH THOÁT ĐỂ ĐẾN VỚI CHÚA VÀ NÓI VỀ CHÚA

Am 7, 12-15; Ep 1, 3-14; Mc 6, 7-13

Ai đã một lần phải lội suối vượt đèo chúng ta sẽ có cái trải nghiệm trong lần đi đó. Nếu như chúng ta mang trong mình quá nhiều vật dụng không cần thiết thì những vật dụng ấy sẽ làm cản trở con đường ta đi biết dường nào. Khi vượt đèo lội suối như thế, nếu ta thong dong với con người đơn giản thì ta đến đích sẽ nhanh chóng và nhẹ nhàng.

Cũng như con chim muốn bay vút tận cao xanh thì hai cánh của nó phải được tự do, nghĩa là nó không còn vướng bận gì ở đôi cánh của nó nữa. Và nếu như có những sợi chỉ cột nó thì không thể nào nó có thể bay xa được.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta vẫn thường nghe nói đến những cuộc “thần hiện”, những lần gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cách riêng là những người Thiên Chúa chọn thay mặt dân, đại diện dân gặp Chúa. Những lần gặp gỡ ấy ở trên núi và người ta cũng thường ví nơi gặp ấy chính là núi Thánh :

Ai được lên núi Chúa ? Đó là những kẻ có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng, không hề thề dối thề gian !

Thế đấy ! Lòng phải ngay, tay phải sạch mới được gặp Chúa trên núi Thánh của Người. Môsê ngày xưa cũng thế ! Môsê cũng phải có một tâm hồn trong sạch và nhẹ nhõm từ vật chất cũng như tinh thần thì mới lên núi để gặp Chúa và đàm đạo với Chúa được.

Với ý tưởng đó, với tâm tình đó, trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Máccô thuật lại. Chúa Giêsu hôm nay sai các tông đồ đi rao giảng Tin mừng của Ngài.

Một điều rất dễ nhận thấy trong trang Tin mừng này là sắc thái Palestina được phác họa ở đây. Những hình ảnh như : đi từng hai người một, gậy, tiền đồng lận ở thắt lưng, rủ đất bụi dưới chân v.v... thuộc về một bối cảnh văn hóa đậm nét Palestina.

So sánh với trình thuật của Luca và Mathêu, thánh Máccô có một kết cấu văn chương không hoàn toàn tương hợp. Nơi Luca và Mathêu; lược đồ như sau :

Chọn nhóm 12 (Lc 6,12-16; Mt 10,1-4)

Sai đi (Lc 9,1t; Mt 10,1-4)

Huấn dụ của Chúa Giêsu cho các môn đồ (Lc 9,3-5; Mt 10,5-42)

Thánh Máccô trình bày việc lựa chọn nhóm 12 trong một trình thuật ở trước (Mc 3,13-19) và ở bản văn này chỉ đề cập tới việc sai đi và những lời căn dặn. Tuy nhiên, thánh Máccô trình bày các chủ đề rất vắn gọn.

Sự khác biệt đó trong lối biên soạn gợi lại cho chúng ta nhớ ý hướng thần học của Máccô.

Thánh Máccô luôn nhấn mạnh : sứ mệnh của các môn đệ là sự tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu Đấng Thiên sai cứu độ. Thế nên, người môn đệ của Chúa Giêsu trước hết là kẻ thâm tín rằng: họ chọn đi theo con đường cũng như sứ mệnh của Thầy họ.

Từ đó, trong nhãn quan thần học Máccô, sứ mệnh của nhóm 12 mang một tầm vóc rộng rãi hơn các thánh ký kia. Nghĩa là sứ mệnh này cũng là sứ mệnh của tất cả các môn đệ, áp dụng cho mọi Kitô hữu của mọi thời. Nói cách khác, sứ mệnh này của nhóm 12 dự phóng lên sứ mệnh của Giáo Hội toàn thể, nó bao hàm một quyết định nền tảng cho mọi người. Sứ mệnh này cống hiến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa; song, nó trở nên sự xét xử cho những ai cứng lòng chai đá. Việc sai phái nhóm 12 do Chúa Giêsu đềà xướng, trở thành một lời khuyên nhủ cũng như một sự kiểm điểm lương tâm nơi những ai được ủy thác tránh vụ này. Vì chưng những huấn dụ của Chúa Giêsu ngỏ cho các môn đệ luôn giữ giá trị hiện sinh cho mọi sứ giả Tin Mừng.

Người... sai họ đi từng hai người, cho họ quyền năng trên các thần ô uế. Người truyền cho họ không được đem gì đi đàng, trừ cái gậy, không bánh, không bị, không tiền đồng vận ở thắt lưng, được đi dép nhưng đừng mặc hai áo... Đã vào nhà nào thì lưu lại đó cho đến lúc đi khỏi (c. 7-10)

Đây là thói lệ của người Do Thái, dù trong trường hợp sai các sứ giả chính thức hay tư riêng. Vì chưng theo quan niệm của họ, kẻ loan báo sứ điệp cần có một người làm chứng bên cạnh để xác minh lời truyền đạt. Như vậy, các môn đệ còn là những chứng nhân của sứ điệp Thiên Chúa.

Nơi Máccô, Chúa Giêsu cho phép các môn đệ mang gậy và dép: gậy đi đường và dép là thứ phương tiện cần thiết cho khách lữ hành trên các nẻo đường sỏi đá xứ Palestina. Luca, vì không biết rõ sinh hoạt Palestina, đã miêu tả là cũng không được mang các thứ phương tiện đó (Lc 9,3; 10,4; x. Mt 10,9-11). Thực ra, dù các chi tiết khác nhau, các Tin Mừng cũng chỉ nhằm phác họa sự siêu thoát nội tâm của người sứ giả Tin Mừng. Quả vậy, trong nhãn quan thần học Máccô, những lời huấn dụ của Chúa Giêsu muốn khơi dậy nơi người môn đệ tinh thần thanh thoát biết vượt qua tất cả để có thể rao giảng Tin Mừng.

Những nhu cầu vật chất như tiền bạc, bao bị, áo quần đều là phụ thuộc nơi người môn đệ Chúa. Thời đó, những người Do Thái giàu sang dư giả thường mặc 2 áo nhưng người môn đệ của Chúa không mặc hai áo (c. 9), vì sự giàu sang dư giả cũng không phải là mục đích của cuộc đời. Sự thao thức chủ yếu của họ là loan báo Tin Mừng, là mời gọi sự hoán cải và Đức tin.

Vấn đề đã rõ, tại sao Chúa Giêsu lại huấn dụ rõ ràng cho các môn đệ về sự thanh thoát về của cải, vật chất.

Hơn một lần, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói : “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Không phải Chúa Giêsu phải bắt môn đệ của mình phải sống nghèo, sống đói, sống khổ nhưng sống trong cái tâm tình của sự tin tưởng, phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa.

Là môn đệ đích thực, ắt hẳn phải thực thi triệt để huấn dụ, lời mời gọi này của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, là kitô hữu, là môn đệ của Chúa ấy nhưng lòng của chúng ta có thanh thản với vật chất, với danh vọng, với những gì làm cản bước tiến của ta trên con đường gặp Chúa và gặp anh chị em đồng loại hay không ?


Anmai, CSsR